Đạo luật và Đạo lý

Hiến pháp là đạo luật gốc của xã hội vì vậy khi xây dựng Hiến pháp phải lấy Đạo lý làm tiêu chí khởi thủy. Đạo lý không phải và không thể là ý chí của một người, một nhóm người, một tổ chức. Nó phải được toàn nhân loại thừa nhận. Đó là đạo lý phổ quát.

Cùng với việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, việc 292/348 phiếu yêu cầu chưa thông qua Đạo luật đất đai sửa đổi là điểm nhấn đặc biệt trong kỳ họp này của Quốc hội.

Luật pháp là chuyện trọng đại hàng đầu của một nhà nước. Chỉ riêng thuật ngữ thôi cũng đã phải cân nhắc kỹ lưỡng. Các sinh viên luật trẻ tuổi đang tranh luận kịch liệt về phân biệt thuật ngữ “luật”, “bộ luật” và “đạo luật”. Điều này xin dành cho các vị hàn lâm áo mão cũng như các cây đa cây đề về luật pháp trả lời cho các bạn trẻ, và cũng là để các vị tự vấn mình.

Tìm trong tiếng Việt, có hai thứ văn bản được gọi là “Đạo”. Thứ nhất là Đạo sắc phong của vua. Ví như bản hiệu “Tiết hạnh khả phong” vua ban cho bà góa trẻ thờ chồng trọn đời. Cái thứ hai là Đạo luật. Chữ “Đạo” ở cả hai trường hợp cùng một ý, có lẽ xuất phát từ chữ Đạo (*), gốc Hán-Việt là cờ tiết, biển hiệu nhà vua. Chắc các cụ nhà ta ngày xưa ghép từ gốc Hán tạo ra hai thứ văn bản có chữ Đạo này với ý cái văn bản nào được vua ban, thì gọi là đạo. Như vậy, đạo luật phải chăng là hàm ý của vua ban luật cho dân. Điều suy đoán đó có thể đúng, có thể sai. Nhưng trên thực tế thì cung cách làm luật, tư duy làm luật, cách thảo luận và thông qua luật của nước ta ngày nay vẫn mang đậm dấu ấn của việc ban cho dân cái luật. Nói khác đi, luật là để cho đối tượng bị luật điều chỉnh chấp hành, còn người thảo ra và thi hành luật đó thì không thể bị ràng buộc. Chỉ lấy một thí dụ nhỏ, luật đã soạn ra, được thông qua rồi, mà còn phải chờ thông tư, nghị định mới thi hành được là một kiểu ban luật như vậy… Đọc văn bản luật giấy trắng mực đen rồi nhưng hiểu luật thế nào, giải thích thế nào… thì không được phép, nếu không có văn bản dưới luật của bên thực thi luật ban hành… Chưa nói đến việc thực thi hay không, thực thi thế nào, có đúng luật hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào bên thực thi luật, cho thế nào dân được thế ấy. Một thí dụ khác là quy định những tội danh lạ lùng đại loại như “Tội lợi dụng các quyền tự… xâm phạm lợi ích của…”. Quyền đương nhiên của người dân thì không thể coi như quyền hạn, chức vụ của quan chức để mà lợi dụng. Người dân chỉ có thể làm sai hoặc đúng pháp luật mà thôi, dù có sử dụng hay không sử dụng các quyền đó. Một thời đã có phán quyết về việc người dân phạm “tội lợi dụng sơ hở của pháp luật để…”. Rõ ràng phải xử người tạo ra sơ hở của pháp luật, sao lại xử người sử dụng nó!

Thật chẳng khác gì câu cửa miệng của dân gian ngày xưa: Vua ban, Quan dạy, Dân chạy ngược chạy xuôi. Chuyện này kéo dài quá lâu đã thành điều mặc nhiên đối với các chính khách lập pháp, hành pháp và tư pháp Việt nam.

Chả thế mà vừa qua Quốc hội có quyết định chưa thông qua luật đất đai sửa đổi, tuy là việc bình thường của lập pháp các nước, nhưng ở ta lại có một hiệu ứng đặc biệt. Một tờ báo đã viết, quyết định không thông qua theo đúng lộ trình này khiến nhiều vị đại biểu quốc hội thở phào. Còn với những người dân bình thường, ít chữ nghĩa, thì nói, thế là hợp đạo lý.

Khái niệm đạo lý ở đây chẳng liên quan gì đến cái đạo sắc của vua ban cả. Đạo lý (**) tự cổ chí kim, ở các nước có văn hóa, đều có nghĩa như nhau, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đạo là con đường sáng phải đi. Lý là cái lẽ đúng phải theo. Như vậy đạo lý chính là cái cơ sở đúng đắn cả phần xác lẫn phần hồn, là chuẩn mực đầu tiên của xã hội con người.

Nông dân lấy đất đai để sản xuất kiếm miếng ăn. Đại gia cũng lấy đất đai làm kinh doanh kiếm tiền. Cả hai đều làm kinh tế. Liệu các đại biểu quốc hội có giật mình không khi nghiễm nhiên ra luật cho nhà nước thu hồi đất của nông dân đang sản xuất để giao cho đại gia kinh doanh, cho dù Quốc hội không công nhận quyền sở hữu đất đai đi nữa? Các đại biểu quốc hội thở phào quyết định chưa thông qua luật đất đai sửa đổi vì chắc đã bắt đầu cắn rứt, đạo lý ở đâu, dù vẫn quen làm luật đất đai theo kiểu một “đạo” luật, tức kiểu ban luật cho dân.
Hiến pháp là đạo luật gốc của xã hội vì vậy khi xây dựng Hiến pháp phải lấy Đạo lý làm tiêu chí khởi thủy. Đạo lý không phải và không thể là ý chí của một người, một nhóm người, một tổ chức. Nó phải được toàn nhân loại thừa nhận. Đó là đạo lý phổ quát.

Dù rất tôn thờ Nho giáo, và thừa nhận Nho giáo là học thuyết có ngàn năm lịch sử, đã dẫn dắt ông cha ta xây dựng đất nước, truyền thống văn hóa xã hội, nhưng chắc rằng không thể lấy học thuyết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” coi là đạo lý mở đầu cho Hiến pháp. Không phải vì học thuyết đó không xuất phát từ Việt nam, đơn giản, đó không phải là đạo lý phổ quát, nó chỉ dành cho nhóm gọi là “người quân tử”, còn bình dân, không phải ai cũng muốn, cần và có thể trị quốc, bình thiên hạ. Lại càng không thể dựa vào đó để đưa vào Hiến pháp, giả dụ theo quan điểm của nho gia, Điều X: Vua là người thay trời trị dân. Toàn bộ quyền lực quốc gia tập trung vào tay vua, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp… Hoặc viết Điều Y: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung…(***)

Những dòng đầu tiên bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945 là lấy từ Tuyên ngôn độc lập Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyên Pháp: ”Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Với khẳng định tại Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt nam: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, dân tộc Việt nam đã công nhận đó chính là đạo lý của loài người, của xã hội, và nướcViệt nam độc lập cũng nằm trong tập hợp văn minh đó, dù xuất xứ đầu tiên những tuyên ngôn đó từ đâu.

Hiến pháp cũng như luật pháp được lập ra để xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh. Nó phải tuân thủ và giải quyết nhiều yêu cầu của xã hội con người, mà các yêu cầu đó về nguyên tắc có thể ảnh hưởng lẫn nhau và có khi loại trừ nhau. Vì vậy các yêu cầu đó phải có một thứ tự ưu tiên, cái trước được ảnh hưởng cái sau, nhưng không có chuyện ngược lại. Khoa học đã xác định, thứ tự đó là : Đạo lý, Lợi ích, Hậu quả và tính Khả thi.

Theo dõi các phiên thảo luận Hiến pháp vừa qua ở quốc hội, có thể thấy các đại biểu đa phần là xem xét theo thứ tự đảo ngược. Thậm chí, nguyên tắc tối thượng là tôn trọng đạo lý thì không mấy người đề cập tới. May mắn là hãy còn có cơ hội để các đại biểu tự nhắc mình, làm sao cho hợp đạo lý. Còn người dân ít chữ thì hiểu và đòi hỏi điều đó từ lâu rồi.

Hiến pháp 1992 sửa đổi có tôn trọng đạo lý hay không, trách nhiệm đang chờ ở các đại biểu quốc hội trong kỳ họp tới.

(*) Đạo 纛, theo tìm hiểu của người viết, thuật ngữ “Đạo luật” không thông dụng trong ngôn ngữ Trung hoa

(**) Đạo lý 道理, justification basis

(***) Vua xử bầy tôi chết, bầy tôi không chết là không trung thành

T.X.H.

Bài đã được đăng trên Tạp chí Tia Sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=6502&CategoryID=42). Đây là bản đầy đủ.

Nguồn: http://trangiapho.blogspot.com/#

This entry was posted in Hiến Pháp, phản biện. Bookmark the permalink.