Cách mạng Pháp năm 1789 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử nước Pháp. Cuộc cách mạng góp phần thay đổi thể chế chính trị ở Pháp, đã xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế tồn tại trong suốt 1300 năm. Cách mạng Pháp năm 1789 là nguồn khích lệ tinh thần cho các dân tộc khao khát tự do dân chủ.
Các lãnh tụ phát động phong trào giải phóng thuộc địa trong những năm 60 của thế kỷ 20 tin rằng các dân tộc nhược tiểu thuộc thế giới thứ ba cần phải theo con đường của nhân dân Pháp năm 1789 để đòi lại các quyền cơ bản của con người trong đó có quyền được sống, quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm. Các nhà trí thức và những người tranh đấu cho dân chủ đều ngợi khen cuộc cách mạng năm 1789. Họ coi đó là tấm gương sáng cho các dân tộc bị áp bức.
Trong thực tế, cách mạng Pháp 1789 nổ ra vì cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị bắt đầu từ năm 1788. Đây là cuộc cách mạng để chống lại cái đói. Vào thời điểm đó, giá lương thực tăng gấp 5 lần, nhân dân Pháp phải sống trong tình trạng thiếu thốn. Nạn đói là mối đe dọa lớn nhất ở Pháp khi đó.
Người Pháp không muốn lật đổ chế độ quân chủ vì nhà vua luôn có một chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Vua giữ quyền lực hợp pháp khi được truyền ngôi và được Đức Giáo Hoàng phong vương, vua là người bảo vệ lợi ích chung của mọi người. Nhân dân chờ đợi một cuộc cải cách kinh tế và chính trị quan trọng có lợi cho tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Hội nghị của các giai tầng trong xã hội Pháp được vua Louis XVI triệu tập theo sáng kiến của bộ trưởng tài chính Jacques Necker, hơn 1000 đại biểu đại diện cho ba tầng lớp trong xã hội Pháp : Giai cấp quý tốc, tầng lớp giáo sĩ và nhân dân lao động. Các đại diện mang đến Hội nghị nhiều bản kiến nghị phản ánh tâm tư và nguyện vọng của nhân dân. Đại biểu của ba giai cấp mong muốn triều đình sẽ chú ý đến các yêu sách của họ.
Giai cấp quý tộc muốn được tham gia vào các lĩnh vực thương mại và kinh tế vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ đất nước và tham gia chiến tranh, họ không được phép buôn bán. Tầng lớp tăng lữ giáo đồ muốn có thêm các quyền về chính trị và giữ các chức vụ quan trọng, nhiệm vụ của họ trước đây là giáo dục và nuôi dưỡng tinh thần cho người dân. Giai cấp thứ 3 là nhân dân lao động, bao gồm tầng lớp tư sản, nông dân, công nhân, chiếm 97 % dân số, họ phải làm việc cực nhọc để nuôi sống hai giai cấp trên. Giai cấp thứ 3 mong muốn nhà vua sẽ tiến hành cải cách, giảm bớt các thứ thuế và bãi bỏ các quyền lợi của giai cấp quý tộc và tăng lữ.
Người nông dân Pháp phải nuôi giai cấp quý tộc và tăng lữ
Vua Louis XVI triệu tập Hội nghị các giai cấp với ý định duy nhất là tăng thêm các khoản thuế để bù vào ngân quỹ của triều đình bị khánh kiệt. Bài phát biểu của vua khiến toàn thể Hội nghị thất vọng, đặc biệt là giai tầng thứ 3. Các bản kiến nghị của nhân dân không khiến nhà vua quan tâm, vua và giai cấp quý tộc chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ.
Các đại biểu của giai tầng thứ 3 đòi hỏi nhà vua phải đáp ứng các yêu sách của người dân. Họ quyết định thành lập Hội nghị lập Hiến để viết một bản Hiến pháp quy định vai trò và trách nhiệm của nhà vua trong hoàn cảnh mới.
Nhân dân chờ đợi những thay đổi từ phía Nhà nước để đời sống của họ đỡ khó khăn vì thiên tai và khủng hoảng kinh tế trong suốt hai năm 1788 và 1789. Đời sống của nhân dân trở nên cơ cực. Nhưng họ không thấy tín hiệu cải cách nào từ phía nhà vua. Nhân dân bị đói và rét trong mùa đông năm 1788. Họ sẽ nổi dậy, sẽ phá ngục Bastille để thách thức nhà vua và tầng lớp thống trị.
Tình hình kinh tế khó khăn năm 1788 và 1789 ở Pháp, đã khiến nhân dân vùng dậy (I), người dân tấn công ngục Bastille và giải phóng các tù nhân bị giam giữ tại đây (II).
I. Hoàn cảnh lịch sử của Pháp trước cách mạng 1789
Nước Pháp tham gia chiến tranh bên cạnh 13 thuộc địa của Anh, 30 nghìn quân đã được đưa tới Bắc Mỹ để chiến đấu ủng hộ những người nổi dậy. Pháp luôn coi đế chế Anh là đối thủ lớn nhất. Quân đội Pháp-Mỹ đã giành được nhiều chiến thắng, nhiều vùng rộng lớn tại Bắc Mỹ đã được giải phóng. Các tàu chiến của Pháp gây nhiều tổn thất cho quân đội Anh trên các Đại dương. Để duy trì được lực lượng mạnh phục vụ cho bộ máy chiến tranh, Pháp đã phải chi nhiều khoản tiền đầu tư cho quân đội, khiến ngân sách Nhà nước bị kiệt quệ.
Các khoản chi tiêu vô bổ của triều đình cũng góp phần làm cho ngân sách cạn kiệt. Vua Louis XVI sống tại cung điện Versailles với 16.000 cận thần, ông là người thích tổ chức các buổi tiệc và dạ hội. Ý thức được các khoản chi tiêu tốn kém mà không cần thiết, bộ trưởng tài chính Necker đã cấp báo với vua về tình hình ngân sách, nhưng Louis XVI không quan tâm. Hoàng hậu Marie Antoinette cũng là người thích tổ chức các bữa tiệc và các trò chơi, bà thích mua sắm nhiều đồ trang sức quý hiếm. Người dân ghét Marie-Antoinette và gọi hoàng hậu bằng cái tên “quý bà gây thâm hụt ngân khố”. Người dân quan niệm rằng mọi khổ đau của nước Pháp đều xuất phát từ tính tình đỏng đảnh và thích lãng phí của Marie-Antoinette. Cần phải đuổi Marie-Antoinette về Áo.
Đối lập với cuộc sống đầy đủ vật chất và giàu sang trong triều đình của vua Louis XVI là cuộc sống nghèo khổ của người dân. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1788 và 1789 đã khiến nhiều công nhân mất việc làm, nhiều gia đình sống trong tình trạng đói kém. Nông dân Pháp bị mất mùa do thiên tai, họ không có tiền mua hạt giống vì giá tăng gấp 5 lần. Ngành sản xuất bông sợi bị phá sản vì không cạnh tranh được với nước ngoài. Nhân dân phải hứng chịu đói rét trong suốt mùa đông năm 1788. Ở vùng quê đã xảy ra nhiều vụ cước bóc. Tình hình kinh tế nước Pháp ngày càng xấu đi. Người dân rất thất vọng.
Nông dân Pháp muốn nhà vua xóa bỏ thuế muối, thuế đinh, và các hình thức lao động không công nhưng bắt buộc cho quý tộc và tăng lữ. Người nông dân từ bao đời phải nuôi sống hai giai cấp ăn trên ngồi trốc, phải đóng nhiều thứ thuế vô lí, họ bị khai thác và bóc lột tối đa. Nông dân sản xuất ra lương thực, nhưng họ lại là những người bị đói khi mùa màng thất bát. Các yêu cầu cải cách của nông dân được ghi lại trong 50.000 bản kiến nghị, được các đại biểu của giai tầng thứ 3 gửi đến nhà vua. Nhưng những đòi hỏi của họ bị rơi vào quên lãng vì vua và tầng lớp thống trị có nhiều điều đáng quan tâm hơn. Nông dân ở nhiều nơi đã nổi dậy, họ trang bị vũ khí, đốt phá hàng trăm lâu đài của giới quý tộc.
Người dân Paris cũng phải sống trong cảnh thiếu đói. Với số dân khoảng 660.000 người, có hơn 60.000 người phải ăn mày, họ sống trong lo sợ vì chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Họ muốn có bánh mì để sống và có tự do để thoát khỏi không khí ngột ngạt đè nặng lên mọi người. Câu khẩu hiệu “tự do và bánh mì” xuất hiện trong hoàn cảnh đó. Nông dân và công nhân trở thành lực lược tiên phong trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789.
Quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước trở nên căng thẳng, khi Vua Louis XVI mắc sai lầm bằng cách ra lệnh đưa 30.000 quân đến vùng ngoại ô Paris, trong số này có các đoàn lính Đức và Thụy Sĩ. Người dân Paris phản đối sự có mặt của lính ngoại quốc, nhiều tin đồn về một cuộc tàn sát quy mô như vụ Saint-Barthélemy sẽ diễn ra. Nhân dân Paris lo lắng, họ tìm kiếm vũ khí để chống lại. Giai cấp tư sản lập ra các lực lượng tự vệ ở thủ đô. Luật sư Camille Desmoulins kêu gọi nhân dân nổi dậy và cướp lấy vũ khí. Bạo loạn bắt đầu vào đầu giờ chiều ngày 14 tháng 7.
II. Phá ngục Bastille ngày 14 tháng 7 năm 1789
Người dân Paris chiếm l’Hotel des Invalides, họ thu được 3000 khẩu súng và hàng chục khẩu đại bác, nhưng họ không tìm thấy thuốc súng. Họ đi bộ đến pháo đài Bastille ở thị trấn Saint-Antoine để tìm thuốc súng. Nhà ngục Bastille với 8 ngọn tháp nằm ở phía đông Paris, là hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế. Sự kiện phá ngục Bastille sau này trở thành biểu tượng của tự do chống lại chế độ chuyên chế áp bức, là chiến thắng của nhân dân đối với chế độ quân chủ. Tuy nhiên, phá ngục Bastille chỉ là hình thức tự vệ của nhân dân Paris khi đó, họ không có ý định lật đổ chế độ quân chủ, đó chỉ là phản ứng nhất thời của họ. Sau cuộc cách mạng năm 1789, vua vẫn là nhà lãnh đạo tối cao, nhưng nhiều quyền đã được chuyển giao cho Quốc hội. Chế độ quân chủ chỉ chấm dứt tại Pháp, khi phái Jacobin chính thức nắm quyền năm 1793, vua và hoàng hậu đều bị đưa lên máy chém.
Người chỉ huy pháo đài Bastille là hầu tước Launay, với một tiểu đoàn 115 lính, khi Launay nhìn thấy những người nổi dậy đang tiến đến ngục Bastille, ông muốn thương lượng và chấp nhận kéo các khẩu đại bác khỏi các vị trí trên pháo đài, nhưng ông không ngăn được những người nổi loạn ùa vào trong sân, một người lính bắn vào đám đông, một số khác đứng về phía những người nổi dậy, họ chĩa các khẩu đại bác về phía các ngọn tháp cao. Trận chiến giữa hai bên diễn ra trong sân và trên pháo đài trong suốt 4 giờ. Quân lính bị bao vây, một số bị giết, tướng Launay đầu hàng, với lời hứa sẽ được tha. Về phía nhân dân nổi dậy, khoảng 100 người bị giết. Những người nổi dậy giải thoát cho 7 tù nhân trong ngục Bastille, trong số đó có hai kẻ điên, một kẻ bị kết án vì phạm tội tình dục, bốn kẻ chuyên làm hàng giả. Đám đông giải Launay và 6 người lính về tòa thị chính Paris, họ chặt đầu, treo trên các cây gậy và diễu hành trên phố.
Vua Louis XVI biết tin khá muộn vì sáng ngày 14 tháng 7 năm 1789, nhà vua vẫn ghi trong sổ: “Thứ 3, ngày 14 tháng 7, không có gì cả”. Khi vua và đoàn tùy tùng đi săn về ngày 15 tháng 7, có người cấp báo việc nhà ngục Bastille bị thất thủ, Louis XVI phản ứng: “Có nổi loạn à?”, những người cấp dưới trả lời : “Không, thưa bệ hạ, đó là một cuộc cách mạng”. Nhà vua lo sợ bạo lực sẽ lan rộng, ông giao cho Necker đến tòa thị chính để thảo luận với những người nổi dậy.
Mấy hôm sau, nhân dân đi bộ đến Versailles để yêu cầu vua và hoàng hậu về Paris, ban đầu nhà vua phản đối, nhưng trước áp lực mạnh mẽ của đám đông, vua ưng thuận, ông đến tòa thị chính Paris, đồng ý kéo lá cờ ba màu, một biểu tượng mới của nước Pháp, thể hiện nhiều hứa hẹn thay đổi.
Sự kiện phá ngục Bastille gây tiêng vang khắp nước, nhân dân Pháp nổi dậy ở mọi nơi, họ cướp phá lâu đài của các quý tộc. Họ đòi tự do và bình đẳng như hai giai cấp thống trị là quý tộc và tăng lữ. Họ muốn tài sản đất đai phải được phân chia lại. Cần phải bãi bỏ tất cả các đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc như quyền được săn bắn, quyền được thu thuế, quyền được gắn gia huy. Để giải quyết những căng thẳng với nông dân, một nhóm các quý tộc họp lại theo sáng kiến của tử tước Pierre Nouailles và công tước Aiguillon. Đêm mùng 4 tháng 8, họ đi đến quyết định xóa bỏ vĩnh viễn các quyền lợi của giai cấp đã tồn tại từ nhiều đời.
Sau cách mạng năm 1789, nền chính trị ở Pháp luôn trong tình trạng mất ổn định, nổi loạn vẫn diễn ra ở nhiều vùng. Thời kỳ Convention năm 1793, những người Jacobin thiết lập Nhà nước chuyên chính và gieo rắc bạo lực, khiến 30.000 người bị đưa lên máy chém. Tình hình trở lại ổn định, sau khi Napoléon Bonaparte tiến hành đảo chính năm 1799, thiết lập đế chế đầu tiên.
Cách mạng Pháp đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị xã hội ở Pháp? Đối với Alexis de Tocqueville, Cách mạng Pháp không phải là quá trình thay đổi hoàn toàn về chính trị, đó là sự tiếp nối các chính sách cải cách hành chính, nhằm chuyển dần quyền lực từ trung ương đến địa phương. Các chính sách này đã được các vị vua thực hiện trước năm 1789, và sẽ tiếp tục được thực hiện sau cuộc cách mạng (Alexis de Tocqueville, Chế độ cũ và cuộc cách mạng).
Một số nhận xét về cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789
Trước cách mạng 1789, nước Pháp có số dân vào khoảng 25 triệu người, trong đó có 200.000 quý tộc, 150.000 giáo sĩ, 700.000 tư sản và 24 triệu nông dân, công nhân và lao động tự do. Giai tầng thứ 3 chiếm 97 % dân số. Cuộc cách mạng năm 1789 đã chuyển 1/3 số tài sản của nước Pháp từ tay giai cấp quý tộc sang tay tầng lớp tư sản. 24 triệu người Pháp không được hưởng lợi gì từ cuộc cách mạng. Tuy nhiên, nông dân và công nhân là những người có công lớn nhất, họ trở thành lực lượng làm thay đổi chế độ, nhưng không được hưởng lợi. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, ngày 26 tháng 8 năm 1789 nhằm bảo vệ trước hết quyền lợi của giai cấp tư sản. Tầng lớp này chỉ nghĩ đến lợi ích của họ, trong khi 97 % dân số là những người lao động không có gì cả.
Karl Marx có lí khi nhận xét Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền là một sản phẩm thuần túy của giai cấp tư sản, để bảo vệ các quyền lợi của họ đạt được sau cách mạng. Những người chiến thắng được hưởng lợi nhất từ cuộc cách mạng phải chăng là nhân dân lao động? Chính giai cấp tư sản mới là những người chiến thắng thực sự. Phải mất thêm 84 năm nữa, để nhân dân được thừa hưởng các quyền cơ bản nêu ra trong Bản Tuyên ngôn này.
Lời phê phán của Karl Marx chỉ có cơ sở đến thời kì nửa sau thế kỷ 19. Hôm nay, nó không còn phù hợp nữa, vì Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền có ý nghĩa phổ quát. Tất cả các quyền cơ bản đều có giá trị đối với mỗi người. Nhà nước dân chủ có nghĩa vụ đảm bảo các quyền tự do và bình đẳng cho con người. Vì vậy, tinh thần của cuộc cách mạng Pháp thể hiện qua Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền vẫn còn tỏa sáng đến hôm nay và cả mai sau.
P.T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN