“Ba cùng”

Thăm người thân bịnh nằm ở khu “Nội Dân” xong, vừa đến ngã rẽ ra cổng, vẳng nghe tiếng gọi tên mình, tôi nhìn sang khu “Nội Cán”, xa xa có 2 người mặc đồ bịnh nhân vẫy tay. Thấy tôi do dự trước cửa gỗ chắn cao ngang ngực, một trong hai nói to:

– Cửa chỉ để phân cách, không có khóa, đẩy cửa sang đây!

Tôi cặp cổ hai chiến hữu TriThọ:

– Sao lại nhõng nhẽo vào đây?

– Hết đát, nắng không ưa, mưa không chịu, nhát gió, kỵ mù sương…

– Sao vắng hoe vậy?

– Chủ nhật…, mấy người khỏe, nhà gần “dù” hết rồi, chỉ còn có 2 đứa buồn thúi ruột, ra cựa quậy, nhả thán, hít dưỡng kiếm sống qua ngày. Thấy anh “di hành” gọi vô cho thêm người bớt vắng. Ta vào trong có trà, có máy điều hòa.

Khi cả 3 an vị bên bình trà, tôi nói vui:

– Vậy là hôm nay tôi đi từ “Địa ngục” sang “Thiên đàng”.

– Nghĩa là sao ? – Thọ hỏi.

–  Chỉ cách nhau cửa gỗ, bên Dân thì nằm sắp lớp, thiếu thốn mọi bề, còn bên Cán thì  rộng rãi, đủ mọi bề… Nhìn vào ai mà không chướng mắt, khiến người có đầu óc hưởng thụ muốn làm quan để được lên “Thiên đàng”?

– Phải chi tỉnh mình bắt chước tỉnh bạn tách nơi trị bịnh cho Dân, cho Quan xa ra cho đừng xốn mắt người ta? – Thọ nói.

–  Lại tính “mánh” nữa rồi ! – Tôi vỗ vai Thọ nói.

Tri xen vô nói với vẻ bất bình:

– Giao thông, Giáo dục, Y tế là bộ mặt xã hội, là nhu cầu bức thiết về dân sinh, thế mà hết ông nầy tăng cường, ông kia ra sức, ông nọ đẩy mạnh mà nó cứ vẫn trì trệ, chẳng biết đến khi nào mới được cải thiện!?

– Khi nào lãnh đạo 3 cùng với dân – tôi nói.

– Ý anh là “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” chớ gì? – Thọ hỏi.

– Không đâu, đó là 3 cùng thời kháng chiến, thời ấy chúng mình toàn là ăn nhờ ở đậu trong nhân dân, không ba cùng ấy để lấy lòng dân, họ tống cổ. Ba cùng tôi nói ngày nay là “cùng đi, cùng học, cùng trị bịnh” với nhân dân.

– Anh lý giải xem sao ? – Tri nói.

– Về 3 mặt bức thiết nầy, các vị cầm quyền cấp cao chưa 3 cùng với dân: Các vị đi đường không bằng chuyên cơ, đi đường bộ có xe riêng, đi đến đâu có cành sát mở đường, bấp chấp đèn đỏ đèn xanh / Phần lớn con cháu các vị cho đi học ở nước ngoài / Các vị đau yếu có bịnh viện riêng, có danh y, có thuốc đặc trị, nếu bịnh găng quá đưa ra nước ngoài trị. Các bịnh viện dành cho dân như những “nhà thương” – thương nhờ ghét chịu, có chi dùng nấy không được đòi hỏi!?. Là bịnh nhân phải “biết điều” với thầy thuốc để họ thủ vai từ mẫu không thì họ đóng vai ác mẫu đừng trách.

– Hai tôi về hưu ở nơi khỉ ho cò gáy, những việc này nghe người ta đàm tiếu chung chung cũng nhiều, chẳng biết có phổ biến hay không, anh nói rõ, cụ thể thêm xem sao?

– Đã phổ biến, tôi khẳng định như vậy. Đã là phổ biến mà kể chuyện cá biệt thì tôi không nói tên người, hài tên người ấy ra sẽ không công bằng, bởi vì đâu chỉ có người ấy làm thế? Tôi kể 3 chuyện gây ấn tượng nhất trong tôi cho 2 ông nghe:

     1/ Chuyện cũng hơi lâu rồi, bữa nọ vào 4 giờ rưỡi chiều, tôi đi rước đứa cháu ngoại học ở trường tiểu học Thủ Khoa Huân, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trường xây sát lộ, lúc tan trường phụ huynh và học sinh đông nghẹt, thường phải chiếm hai phần ba lòng đường, bỗng dưng như “hung thần” xuất hiện: hai chiếc xe mô tô phân khối lớn mở đường, mỗi xe 2 cảnh sát, người lái mở còi inh ỏi, người ngồi sau cầm dùi cui hầm hứ gạn người dạt ra 2 bên, phụ huynh hộc tốc lôi xểnh mấy đứa nhỏ ép vào lề, kế đến một xe ô tô cũng của cảnh sát liên tục rú còi, mở đèn hiệu chóa mắt giành quyền ưu tiên, liền sau đó hai xe ô tô sang trọng chạy êm như ru vụt qua, mọi người ngơ ngác nhìn theo. Hỏi ra mới biết, anh Ba đi thị sát cầu Cần Thơ bị sập về ghé vào đây thăm người thân.

2/ Ông Cao, Chủ tịch tỉnh lân cận, báo giấy không ngớt lời khen ông đi làm việc bằng xe mô tô tự lái. Biết ra, ông Cao cho 2 đứa con du học ở Hoa Kỳ. Khi nghỉ hè, chúng về quê thăm viếng. Biết “tôn sư trọng đạo”, ông Cao tổ chức cho chúng viếng thầy cô trường cũ. Thế là thầy trò trường xếp hàng đón chúng cho phải lẽ với ông Chủ tịch. “Tiếng lành đồn xa” đến tận trung ương, anh Hai, anh Ba nào đó hỏi ông Cao: “Tiền đâu anh cho 2 đứa con đi học ở nước ngoài?”. Ông Cao cười rồi trả lời: “Tôi cũng bắt chước Anh đó thôi ”. Thế là họ cùng nhìn nhau cười, xử huề.

3/ Tôi có đứa cháu gái, chồng nó là cán bộ xã, bị tai biến liệt nửa người, phải nghỉ việc. Nhà nghèo quá, cháu gái tôi lên Sài Gòn tìm việc làm. Khoảng 6 tháng sau nó ghé thăm, tôi hỏi và nó trả lời những câu hỏi của tôi: “Cháu làm nghề chăm sóc bịnh nhân ở các bịnh viện. Xin vào cũng khó, phải đăng ký danh sách với đầu mối, tiền công phải chia một ít cho họ, bịnh viện nào cần người chăm sóc bịnh nhân do đầu mối phân bổ. Tiền công nhựt không chừng đổi, nói chung là hơn 100 ngàn ngày, có khi người mướn hảo tâm cho thêm chút đỉnh. Chăm sóc bịnh khổ lắm chú ơi: ngoài đỡ đần, giặt giũ, còn phải thông cảm, chấp nhận cho cho họ rầy la, cằn nhằn khi đau đớn, khổ nhứt người mập mà bị tê liệt đỡ họ mình rớt mồ hôi hột. Có phúc lắm mới được phân công đi làm ở bệnh viện Thống Nhứt, ở đó dành cho cán bộ Trung Cao cấp: nó rộng rãi, đủ tiện nghi mình đỡ vất vả, con cháu họ làm lớn, có tiền nhiều, mình làm tốt, biết kính trọng họ chắc chắn có boa, thức ăn thừa của họ mình xin ăn không hết, tối ngủ rất nhiều chỗ chui. Tụi cháu nói vui với nhau “tao thích làm cho những đày tớ giả”.

– Nghĩa là sao ? – tôi hỏi.

–  Chú cũng là cán bộ, cháu nói chú đừng giận: Cả Cụ Hồ và các bác các chú  xưa nay đều nói  “Cán bộ là đày tớ của Dân”, nhưng chúng cháu thấy cán bộ Trung Cao cấp ở biệt thư, đi xe hơi, ăn uống như ông bà hoàng, phần lớn có người giúp việc trong nhà, khi đau ốm mướn người chăm sóc… Vậy họ là đày tớ giả, như tụi cháu mới đày tớ thật.

– Biết vậy ai biểu lủi đầu vào xin làm đày tớ? – tôi thăm dò.

– Đúng là cán bộ không biểu, cái thiếu thốn, nghèo khổ nó biểu mình phải tự giác.

 

Đã hết tập 1 của truyện dài nhiều tập.

Chưa đủ cũng thôi, trưa rồi, tôi về, hai ông nghỉ. Có điều 2 ông nên “ém quân” trong này, đừng chường sang bên ấy.

Mỗi người một vẻ, ba chúng tôi chia tay nhau trong nỗi buồn sâu lắng.

11/07/2013

        T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

This entry was posted in Thư bạn đọc. Bookmark the permalink.