Một giáo sư người Nhật nghiên cứu thực địa về hai dự án bauxite Tây Nguyên nói dự án “thất bại, nhưng không có ai chịu trách nhiệm”.
Viết trên báo Nhật Asahi Shimbun hôm 25/6, Tiến sĩ, từ Đại học Daito Bunka, cũng bày tỏ lo ngại về hiệu quả của các dự án điện hạt nhân mà Nga và Nhật đang làm tại tỉnh Ninh Thuận.
Bà lo ngại về sự thiếu minh bạch tại Việt Nam và kêu gọi chính phủ Nhật xem xét lại quan hệ song phương.
‘Thiếu thông tin’
Tác giả, một chuyên gia về chính trị, ngoại giao và nhân quyền Việt Nam, cho biết bà trực tiếp phỏng vấn các nông dân ở tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng, nơi đang khai thác bauxite.
“Không cư dân nào nhận được giải thích rõ ràng về các mỏ bauxite, việc xây dựng và mở rộng nhà máy alumina, hay kế hoạch thu hồi đất, đền bù”.
Bà nói mặc dù người dân đã khiếu nại về tác động môi trường, nhưng chính phủ không có “biện pháp đầy đủ nào”.
Một số công nhân cũng không được trả lương đầy đủ, tạo nên nghi ngờ về hứa hẹn của chính phủ rằng dự án đem lại việc làm cho cộng đồng.
Tác giả nhắc lại tin tức về sự chậm trễ trong việc xây nhà máy bauxite – nhôm Lâm Đồng và việc phải dừng cảng Kê Gà, ban đầu định dùng để vận chuyển sản phẩm.
Tiến sĩ Ari Nakano nói hồi đầu năm nay, bà tổ chức một hội nghị ở Hà Nội về tài nguyên, môi trường. Nhưng Bộ Công Thương nhất quyết không cho đưa vấn đề bauxite vào nghị trình, cũng như không cho những người chỉ trích dự án có mặt.
“Dự án rõ ràng là một thất bại, nhưng không rõ ai phải chịu trách nhiệm,” tác giả viết.
Lo ngại hạt nhân
Nhắm tới các độc giả người Nhật, bà Ari Nakano nói các trí thức Việt Nam chỉ trích dự án bauxite cũng phản đối các dự án xây nhà máy điện hạt nhân mà Nga và Nhật đang làm ở tỉnh Ninh Thuận.
Kế hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận có sự hỗ trợ từ Nhật Bản
“Trong hơn 20 năm tôi quan sát nước này, xu hướng cố gắng che lấp các sự thật khó chịu của chính phủ Việt Nam về căn bản là không đổi”.
“Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, gói trong bầu không khí chính trị không có đủ thông tin và đàn áp tự do ngôn luận, chưa gì đã có các vấn đề nghiêm trọng trước khi chúng có thể tạo ra kết quả kinh tế hay công nghệ”.
“Nhật Bản nên hiểu tình hình ở Việt Nam và xem lại cách làm thế nào hợp tác với một đối tác như thế”, tác giả kêu gọi.
Năm nay Nhật Bản và Việt Nam đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao và chính giới Nhật Bản không giấu giếm mong muốn thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược.
Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của chuyến công du nước ngoài.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/06/130625_japan_viet_relations_comment.shtml
*****
Tin được không?
Vinacomin: Yên tâm về hiệu quả Dự án Bô-xít ở Tây Nguyên
07:00 | 26/06/2013
(Petrotimes) – Tự tin về tính khả thi, đảm bảo hiệu quả kinh tế về mặt lâu dài của Dự án Bô-xít Tây Nguyên,Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (Vinacomin) và Ban Chỉ đạo Dự án Bô-xít Tây Nguyên khẳng định tiếp tục triển khai hoạt động cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ theo đúng kế hoạch.
Đã có kết quả bước đầu
Tính đến tháng 4/2013, tổng giá trị thực hiện đầu tư của toàn bộ dự án đạt khoảng 11.612 tỉ đồng, tổng giá trị đã giải ngân đạt khoảng 11.125 tỉ đồng.
Về tiêu thụ sản phẩm: Hiện tại, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumina với Công ty Marubeni (Nhật Bản), Công ty HH Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra các công ty của Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Chalco Trading (Trung Quốc), Anh quốc, Malaysia… cũng quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam. Ngày 25/5/2013 vừa qua, Vinacomin đã xuất 15 ngàn tấn alumin đầu tiên cho khách hàng là Thụy Sĩ.
Như vậy, có thể nói việc tiêu thụ sản phẩm alumin hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo ngại như dư luận lên tiếng. Cho ra đời sản phẩm alumin đầu tiên từ tháng 12 năm ngoái, đến thời điểm hiện tại tính đến tháng 4/2013, tổ hợp đã sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bô-xít, 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrate (là sản phẩm đưa vào nung để ra alumin). Về chất lượng sản phẩm alumin cơ bản đã đạt chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng (hàm lượng Al2O3 > 98,6%).
Ông Hoàng Khải Quốc Minh, Giám đốc Nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng cho biết: “Hiện nay, nhà máy chạy khoảng 50-60% công suất theo đúng như kế hoạch và trong quý II phấn đấu đảm bảo 100% công suất. Với sản phẩm hiện nay đã được thị trường chấp nhận, hiện nhà máy đã bán sản phẩm cho một số đối tác trong nước cũng như là xuất khẩu”.
Về công nghệ sản xuất alumin bằng phương pháp thủy nhiệt (BE), tách bô-xít ở nhiệt độ 140-145oC trong độ kiềm thấp được áp dụng cho các dự án. Theo Vinacomin đây là công nghệ tiên tiến đang được phổ cập trên thế giới. Hiện thế giới có 27 nhà máy xử lý alumin thì có 26 nhà máy sử dụng công nghệ tương tự ở Tân Rai và Nhân Cơ. Quặng khai thác đến đâu, đưa vào khu tập trung sản xuất theo quy trình và hoàn thổ đến đó. Liên quan đến việc hoàn thổ, tập đoàn dự kiến chỉ sau 3 năm là hoàn nguyên.
Về vấn đề xử lý bùn đỏ, qua 6 cấp lọc rửa thu hồi xút và các hóa chất, chất thải của quá trình tuyển bô-xít sản xuất alumin được biến thành bùn khô. Dung dịch nước sút trong quá trình thải được thu hồi phục vụ sản xuất. Công nghệ đang được áp dụng tại Nhà máy Tân Rai và Dự án Nhân Cơ sau này cũng là công nghệ thải bùn đỏ được 70% nhà máy alumin trên thế giới sử dụng. Ngoài ra, nguồn nước phục vụ tuyển quặng cũng đã được chủ đầu tư đảm bảo bởi các hồ chứa.
Khả năng nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ đã có kết quả ban đầu và khả năng thành công lớn. Được biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tích cực khẩn trương hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho dự án và đặc biệt là giảm thiểu mức độ ô nhiễm của bùn đỏ, giảm thiểu việc đầu tư hồ bùn đỏ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với dự án.
Đối với Dự án Tân Rai, Vinacomin đã cho xây hồ chứa 20 triệu m3. Trong mùa khô vừa rồi, ngoài nước phục vụ sản xuất alumin, Vinacomin còn giúp giải quyết tình trạng hạn hán cho sản xuất nông nghiệp và được địa phương đánh giá cao.
Chủ động triển khai Dự án Nhân Cơ
Với Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), dự án đã được triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm và công suất bảo đảm vận hành là 630.000 tấn alumin/năm. Dự án được tổ chức thực hiện tương tự như Dự án Tổ hợp bô-xít – nhôm Lâm Đồng.
Tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan tính đến hết hết tháng 3 đạt hơn 6.800 tỉ đồng. Trong đó: Giải ngân gói thầu EPC Nhà máy Alumin đạt khoảng 4.606 tỉ đồng. Theo đánh giá của Vinacomin, dự án đạt hiệu quả kinh tế cũng đạt hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, mọi hoạt động trên công trường đang hoạt động bình thường, các gói thầu nhà máy alumin đã triển khai được 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị đã được tập kết tại chân công trình, nhà thầu đang tiến hành lắp đặt thiết bị, trong đó khối lượng hoàn thành đã đạt hơn 50%. Dự kiến đến giữa năm 2014, nhà máy sẽ hoàn thành và có sản phẩm. Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông Bùi Quang Tiến khẳng định: “Việc triển khai xây dựng nhà máy được chuẩn bị kỹ càng và Vinacomin có trách nhiệm với công việc của mình. Nhà máy dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014”.
Rút kinh nghiệm từ Dự án Tân Rai để tập trung chỉ đạo Dự án Nhân Cơ, lãnh đạo Vinacomin cho rằng, Nhân Cơ tuy đã chậm tiến độ một thời gian nhưng Vinacomin vẫn luôn chủ động triển khai kế hoạch và tập đoàn cũng tập trung cao điểm cho việc xây dựng nhà máy này.
Tổng vốn Vinacomin đã đầu tư cho hai dự án bô-xít tại Tây Nguyên hiện là trên 18.000 tỉ đồng. Cả hai dự án đều đã phải tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 30% so với phê duyệt năm 2009 do các nguyên nhân khách quan như biến đổi tỷ giá, lãi suất vốn vay, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư bảo vệ môi trường… và nguyên nhân chủ quan như tăng chi phí quản lý, tư vấn… Những yếu tố này khiến thời gian thu hồi vốn của 2 dự án tăng thêm 3 năm so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư khẳng định: Về tổng thể, đây vẫn là những dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hai dự án này được xác định là dự án thí điểm để làm cơ sở cho việc quyết định chủ trương về phát triển ngành công nghiệp bô-xít – nhôm trong những năm tới. Về mặt kinh tế, các tính toán về hiệu quả của cả hai dự án đều đã xem xét đầy đủ mọi yếu tố ảnh hưởng và kết quả tính toán cho thấy cả hai dự án đều có hiệu quả kinh tế.
Đối với công việc hiện tại của cả 2 dự án còn rất nhiều việc phải làm bởi dự án này cần phải tính đến hiệu quả kinh tế xã hội tổng thể và tính hiệu quả phải xét cả vòng đời dự án. Các tính toán kinh tế chỉ tính cho 30 năm hoạt động, song thực tế dự án sẽ tồn tại trên 50 năm và những năm về sau sẽ có hiệu quả lớn hơn (do nhà máy đã hết khấu hao).
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam – Vinacomin: Dự án Alumin Tân Rai là 1 trong 2 dự án thí điểm lần đầu tiên xây dựng ở nước ta, thực hiện giai đoạn 1 với công suất bằng 1/2 công suất kinh tế và đi vào hoạt động trong bối cảnh kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái. Dự án là bước đi ban đầu trong việc thực hiện quy hoạch phát triển đồng bộ một ngành công nghiệp bô-xít – alumin – nhôm và sau nhôm cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nói chung và hiệu quả kinh tế nói riêng của dự án phải được xem xét tổng thể, toàn diện, đầy đủ trong bối cảnh đó chứ không được cắt khúc, chia đoạn ra để đánh giá.
Tiềm năng để nâng cao hiệu quả kinh tế của Dự án Alumin Tân Rai bao gồm tiềm năng trong ngắn hạn và trong dài hạn là rất lớn. Dự án chắc chắn có hiệu quả kinh tế cao khi khai thác, phát huy được các tiềm năng nêu trên. Vấn đề cơ bản hiện nay là sớm đưa Nhà máy alumin Tân Rai đi vào hoạt động ổn định và nỗ lực thúc đẩy thực hiện các bước tiếp theo của chiến lược phát triển ngành công nghiệp bô-xít – alumin – nhôm đã đề ra trong quy hoạch.
Kiên Nguyễn