“Việt Nam may mắn có rất nhiều nước cùng chia sẻ lợi ích và mối quan tâm đến Việt Nam. Vì thế, nếu Việt Nam tận dụng được những mối quan hệ tốt đó, Việt Nam không việc gì phải lo lắng cho dù nước láng giềng của Việt Nam là một siêu cường như Trung Quốc”. GS Stephen Walt bình luận trong buổi bàn tròn trực tuyến trên VietNamNet chiều 17/01.
Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn: Xin kính chào bạn đọc VietNamNet, hôm nay GS Stephen Walt, học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế của Đại học Harvard đã có mặt tại trường quay của VietNamNet.
Có lẽ bây giờ chủ đề báo chí nước Mỹ và mọi người dân trên thế giới đều quan tâm đó là cuộc gặp cấp cao của hai nước có vai trò quan trọng nhất trên thế giới đó là Mỹ và Trung Quốc, hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong mấy ngày tới.
Ông có bình luận gì, nhìn nhận gì về cuộc gặp này?
GS Stephen Walt: Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chắc chắn là một cuộc gặp vô cùng quan trọng nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đó không phải cuộc gặp duy nhất có thể quyết định được tương lai quan hệ Trung Mỹ cũng như tương lai của bối cảnh chính trị ở châu Á. Vì thế tôi cũng không muốn làm quá lên, hay cường điệu hóa tầm quan trọng của cuộc gặp này.
Tôi muốn nhấn mạnh một điểm đáng chú ý liên quan đến cuộc gặp này. Điều thứ nhất, chúng ta phải theo dõi động thái của cuộc gặp này với một thái độ rất khách quan. Chúng ta biết rằng cho dù giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có không ít điểm mâu thuẫn và khác biệt nhau, họ vẫn sẽ cố gắng làm sao thể hiện trước công chúng rằng cuộc gặp này diễn ra thân thiện, hòa bình.
Nhân cuộc gặp này, chắc chắn hai vị lãnh đạo của hai nước cũng sẽ cố gắng tìm cách đạt được hai mục tiêu.
Thứ nhất, họ sẽ cùng nhau làm rõ để cả hai bên hiểu rằng bên kia không coi bên còn lại như đối thủ hay thậm chí là kẻ thù của nhau.
Cùng lúc với việc làm cho bên kia yên tâm rằng chúng ta không phải kẻ thù, họ cũng phải làm cho đối tác hiểu rõ về những quan ngại, những mối quan tâm và lợi ích quan trọng nhất của từng nước. Kể cả làm rõ những việc mà nước này không bao giờ để cho nước kia làm vi phạm lợi ích của mình.
Cuộc gặp này chắc chắn cũng là cơ hội để Tổng thống Obama một lần nữa nhấn mạnh với lãnh đạo Trung Quốc rằng nước Mỹ có lợi ích và mối quan tâm rất lớn dành cho châu Á, rằng chắc chắn nước Mỹ sẽ còn cam kết và gắn bó với châu Á lâu dài trong nhiều năm nữa.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, bên cạnh những gì chúng ta sẽ được nghe họ trao đổi một cách công khai thẳng thắn, cũng cần phải chú ý đến những điều họ sẽ không nói hoặc nói nhưng không để cho chúng ta nghe được.
Như tôi đã nói ngay từ đầu, chúng ta không nên quan trọng hóa quá mức cuộc gặp sắp tới đây. Bời vì những gì sẽ diễn ra có ảnh hưởng đến thế giới không phải những gì sắp diễn ra trong tuần tới, mà là những gì sẽ diễn ra trong một thập kỷ tới, hai thập kỷ tới khi Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh về kinh tế và ngày càng có vị thế lớn hơn trên thế giới.
Tôi tin chắc nước Mỹ sẽ đi theo một xu hướng không thể thay đổi đó là bớt chú ý đến những khu vực khác trên thế giới và tập trung sự chú ý vào châu Á, để có thể tăng cường ảnh hưởng của mình, củng cố vị thế của mình và giúp đỡ các nước châu Á khác phát triển mạnh để kiềm chế khả năng Trung Quốc trở thành một siêu cường thống trị ở châu Á.
Mỹ không việc gì phải bắt tay với Trung Quốc
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy, có khả năng quay trở lại đề xuất của Trung Quốc là có G2 và phân chia quyền lực lãnh đạo giữa hai quốc gia lớn nhất hiện nay là Mỹ và Trung Quốc hay không ?
GS Stephen Walt: Tôi nghĩ rằng ý tưởng G2 là không khả thi lắm và thế giới ngày càng nhìn nhận ra tính bất khả thi của nó. Trong lịch sử thế giới, tôi chưa bao giờ thấy có bối cảnh nào mà hai siêu cường lớn nhất trên thế giới lại có thể bắt tay và gắn chặt với nhau. Lý do rất đơn giản và rõ ràng, đó là khi hai nước là hai siêu cường duy nhất trên thế giới thì giữa họ luôn luôn có sự cạnh tranh, nghi kỵ và sợ hãi lẫn nhau.
Kể cả họ cố tình muốn liên kết với nhau thì điều này cũng khó xảy ra được bởi một nước luôn luôn là mối đe dọa tiềm năng đối với nước còn lại và không nước nào muốn nước còn lại vượt lên trên mình.
Tôi nghĩ rằng, khả năng Mỹ và Trung Quốc cùng bắt tay nhau để đồng thống trị thế giới là rất khó xảy ra mà khả năng nhiều hơn cả đó là họ luôn ở trong thế đối đầu. Cũng phải nhấn mạnh một điều, mức độ quyền lực giữa hai siêu cường này cũng không hề cân bằng, nếu không muốn nói là quá chênh lệch. Xét theo mọi tiêu chí đề ra, Mỹ vẫn đang ở vị thế cao hơn so với Trung Quốc. Vì thế Mỹ không việc gì phải bắt tay với Trung Quốc để chia sẻ quyền lực trên thế giới. Đối với Mỹ thì đó cũng không phải ý tưởng hay ho.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng trước cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc cũng đã phô trương sức mạnh quân sự, đã đưa ra thử nghiệm, công bố những vũ khí mới. Liệu sức mạnh quân sự Trung Quốc có thể là thách thức đến sức mạnh quân sự của Mỹ hay không?
GS Stephen Walt: Câu trả lời chắc chắn là không. Trong thời gian gần đây, quân sự của Trung Quốc đã phát triển một cách vượt bậc nhưng nó vẫn ở một khoảng cách khá xa so với tiềm lực quân sự của Mỹ. Nó thể hiện ở những khía cạnh như đầu tư cho quân sự của Trung Quốc chưa thể nào bằng Mỹ, lực lượng hải quân của Trung Quốc chưa thể lớn mạnh bằng Mỹ, trang thiết bị của quân đội cũng như là công nghệ quân sự của Trung Quốc cũng chưa tiến bộ như Mỹ hiện nay.
Điều quan trọng đó chính là khả năng triển khai quân trên toàn thế giới của Trung Quốc không thể nào bằng của Mỹ. Một điểm nữa để chứng minh đó chính là những con số rất cụ thể, hằng năm Mỹ đầu tư khoảng 700 tỷ đôla cho quốc phòng trong khi Trung Quốc đầu tư khoảng 150 tỷ đôla. Mỗi năm Mỹ đầu tư cho quốc phòng với một con số gấp 5 lần so với Trung Quốc.
Những con số trên dẫn đến một khẳng định chắc chắn là quân sự của Mỹ bao giờ cũng mạnh hơn Trung Quốc. Tôi tin chắc rằng, quân sự của Trung Quốc sẽ còn phát triển nhanh và mạnh nữa. Nhưng khả năng họ đạt đến tầm cỡ như của Mỹ hiện nay thì chừng nào tôi còn sống thì điều này vẫn chưa xảy ra được và tôi chắc chắn sẽ còn sống rất lâu.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy thì theo ông, ông nhìn nhận kết quả cuộc gặp sắp tới sẽ đi đến những kết quả thỏa thuận nào? Họ sẽ công bố những gì, họ sẽ đưa ra những tuyên bố chung gì trong cuộc gặp sắp tới ?
GS Stephen Walt: Tôi không thể đưa ra một dự đoán gì về những tuyên bố cụ thể mà hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra nhưng do có quá nhiều sự bất đồng giữa hai nước trong các vấn đề như vấn đề thương mại hay biến đổi khí hậu toàn cầu… chắc chắn những tuyên bố mà họ đưa ra sẽ là một nỗ lực sắp xếp từ ngữ, câu chữ sao cho thể hiện cho thế giới thấy rằng cuộc gặp đã diễn ra một cách rất thân thiện và hòa bình nhưng cũng ẩn chứa những dấu hiệu cho thấy hai nước vẫn còn những điểm bất đồng với nhau.
Vì thế, nếu buộc phải đưa ra một dự đoán gì thì tôi dự đoán rằng những tuyên bố họ đưa ra sẽ rất “long lanh” về mặt câu chữ cũng như cho thấy hai nước dường như rất hòa hợp với nhau. Nhưng đằng sau những câu chữ đó sẽ hiện lên rất nhiều vấn đề mà hai nước còn đang bất đồng và vẫn còn đau đầu. Vì thế, khi theo dõi những phát ngôn của hai lãnh đạo thì rất cần phải nhìn vào những tầng lớp sâu hơn của câu chữ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhìn vào tầng lớp sâu hơn của câu chữ thì người nghiên cứu lo ngại rằng những phát biểu của Tổng thống Obama hoặc của Hillarin Clinton gần đây có ẩn chứa một thông điệp rằng “Nếu Trung Quốc không thách thức đến nước Mỹ thì nước Mỹ cũng không quan tâm, không quan ngại đến Trung Quốc nữa” và hai nước gần như có sự thỏa hiệp nào đó qua những thông điệp phát biểu trong những ngày gần đây?
GS Stephen Walt: Một trong những thách thức lớn nhất trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đó là nước Mỹ luôn tỏ ra một lập trường rõ ràng về những điểm mà Mỹ không đồng ý với Trung Quốc nhưng cũng không bao giờ muốn đẩy vấn đề tới mức rứt dây động rừng khiến Trung Quốc có những phản ứng tiêu cực.
Vì thế nước Mỹ cũng tỏ thái độ rõ ràng là luôn để cho Trung Quốc có đường lùi. Nếu Trung Quốc cư xử đúng đắn, không đe dọa đến các nước láng giềng, không đe dọa đến vị thế của Mỹ ở châu Á, cũng như bắt tay và đồng thuận với Mỹ trong một loạt các vấn đề toàn cầu nóng bỏng mà hai bên cùng quan tâm hiện nay như vấn đề khủng hoảng kinh tế hay biến đổi khí hậu toàn cầu, Mỹ cũng không gây những áp lực quá lớn và cũng không đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên thông điệp đó cũng có hai mặt. Mặt khác của thông điệp đó là nếu như Trung Quốc không cư xử đúng đắn và làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ ở châu Á thì chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với cái gọi là quyền lực của nước Mỹ, quyền lực của siêu cường lớn nhất trên thế giới. Vì thế nên tôi muốn nhấn mạnh rằng nước Mỹ luôn dành cho Trung Quốc sự lựa chọn và sự lựa chọn của Trung Quốc sẽ rất có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam vẫn có “lợi thế” trong thế “long hổ tương tranh” ở Châu Á
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy thì vị trí của Việt Nam đứng ở đâu trong mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc như thế này?
GS Stephen Walt: Việt Nam thực sự đang ở trong một vị thế đầy thách thức. Thế nhưng, nếu Việt Nam nhìn rộng ra thì có thể thấy rằng có rất nhiều nước cũng đang chia sẻ tình huống gần giống như Việt Nam. Đó là một loạt những nước cùng chung biên giới với Trung Quốc. Đó là một trong những lợi thế.
Lợi thế thứ hai đó là nước Mỹ đang ngày càng quan tâm hơn đến cán cân quyền lực ở châu Á, và chắc chắn Mỹ sẽ có những tác động của mình vào châu Á. Vì thế nếu như Việt Nam chủ động đưa đất nước phát triển mạnh về kinh tế và thành công hơn nữa trong sự phát triển đất nước của mình, chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn nữa.
Cũng như tất cả các quốc gia khác, Việt Nam cũng có sự lựa chọn của mình, đó là câu hỏi đặt ra, liệu Việt Nam có muốn bị Trung Quốc kiểm soát hay không? Nếu như Việt Nam đưa ra sự lựa chọn của mình, và tôi khá tin tưởng rằng Việt Nam sẽ không lựa chọn trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam phải tự mình chuẩn bị một cách đầy đủ và sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng có thể tự tin đưa ra sự lựa chọn của mình.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Học giả đồng thời cũng là một nhà cựu ngoại giao của Việt Nam có nói rằng “Việt Nam không thể chọn được láng giềng nhưng Việt Nam có thể chọn được thế giới”. Có nghĩa rằng Việt Nam có thể gắn cùng thế giới. Vậy theo ông Việt Nam cần làm gì để Việt Nam có thể chọn được thế giới?
GS Stephen Walt: Có rất nhiều nước trên thế giới cũng ở hoàn cảnh như Việt Nam, đó là phải sống bên cạnh một láng giềng là siêu cường và để có thể đảm bảo được chủ quyền độc lập và sự an toàn của mình đối với láng giềng siêu cường đó, rất nhiều nước đã làm theo cách là họ kết bạn với các nước có cùng chung hoàn cảnh như mình.
Và khi càng có nhiều bạn, khi đất nước đó gặp rắc rối họ sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ rất nhiều phía. Một nước nhỏ mà còn bị cô lập hoặc tự cô lập mình nữa thì chắc chắn nước đó sớm hay muộn cũng sẽ gặp rắc rối. Thế nhưng trong trường hợp của Việt Nam, Việt Nam may mắn có rất nhiều nước cùng chia sẻ lợi ích và mối quan tâm đến Việt Nam. Vì thế, nếu Việt Nam tận dụng được những mối quan hệ tốt đó, Việt Nam không việc gì phải lo lắng cho dù nước láng giềng của Việt Nam là một siêu cường như Trung Quốc.
Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh đó là Việt Nam chắc chắn không phải là một đất nước nhỏ bé. Việt Nam có một dân số lớn, nếu như chúng ta nhớ lại những gì đã diễn ra trong các cuộc kháng chiến của Việt Nam, người dân Việt Nam có tinh thần tự cường và bất khuất rất cao. Thế nên tôi rất tin tưởng vào tương lai xán lạn của Việt Nam trong bối cảnh của châu Á.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ thách thức như vậy nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam vươn lên. Vậy theo ông Việt Nam phải làm gì để tận dụng vận hội này nhằm phát triển đất nước trong ít nhất 5 năm tới?
GS Stephen Walt: Có rất nhiều việc Việt Nam có thể làm, thứ nhất, trong bối cảnh thế giới hiện đại ngày nay, mỗi nước đều phải thúc đẩy và tăng cường trình độ dân trí và hệ thống giáo dục của nước mình. Bởi giáo dục và dân trí là nền tảng để đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển mạnh. Kinh tế phát triển mạnh đồng nghĩa với việc đất nước sẽ có nhiều lợi thế và lựa chọn hơn trong tất cả các vấn đề khác.
Điều thứ hai, Việt Nam đã xác định cho mình cái mục tiêu muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Tôi cũng nhấn mạnh rằng để làm được điều này không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngoại giao, các cán bộ ngoại giao, đó là việc mà mỗi người Việt Nam đều phải chung tay chung sức vào làm.
Ví dụ như sinh viên Việt Nam hãy cố gắng chủ động tìm các cơ hội để đi ra nước ngoài, đi ra nước ngoài không những học được rất nhiều những điều hay, điều mới từ các nước khác mà cũng là cơ hội giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước Việt Nam.
Điều thứ ba tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam nên cố gắng chủ động và tích cực tham gia vào việc thiết lập một cấu trúc an ninh mới ở châu Á dựa trên những thể chế có sẵn. Ví dụ như ASEAN mà Việt Nam là một thành viên.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có những nước đi lên và có vai trò lớn nhờ sức mạnh kinh tế hoặc sức mạnh quân sự, nhưng cũng có những nước lớn lên nhờ vị thế địa chính trị. Việt Nam ngày hôm nay đang có một vị thế địa chính trị tốt, Việt Nam phải làm gì để tận dụng sức mạnh đó của mình để trở thành một nước có vai trò lớn hơn và mạnh hơn?
GS Stephen Walt: Quả thật trên thế giới có rất nhiều nước có được ảnh hưởng lớn đối với thế giới bởi vì họ tình cờ có được một vị trí địa lý mà người ta gọi là vị trí địa chiến lược về mặt quốc phòng, an ninh hay kinh tế. Singapore là một ví dụ, quốc gia này hiện nay đang có một vị thế cực kỳ lớn trong khu vực, không phải chỉ bởi vì nền kinh tế của họ rất mạnh mà còn bởi vị trí cực kỳ đắc địa của họ, ở ngay eo biển Malacca.
Còn Việt Nam, lợi thế địa chính trị của Việt Nam nhìn thấy rõ nhất đó chính là đường bờ biển dài quay mặt sang biển Đông mà biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Với vị thế của mình, Việt Nam cũng ở vào vị trí mà bất cứ quyết định nào của Việt Nam ứng xử đối với biển Đông cũng đều có tác động và ảnh hưởng đến những nước khác trong khu vực.
Nếu nước Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc và muốn giữ được cán cân quyền lực ở châu Á vẫn nghiêng về phía mình, Hoa Kỳ buộc phải quan tâm đến Việt Nam và Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để được lợi từ nước Mỹ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng dường như sự giúp đỡ đó cũng chưa thấy rõ nét ngoài chuyện có hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa phải hàng đầu, rồi hỗ trợ về tái cấu trúc, rồi hiện đại hóa về công nghệ của Mỹ cho Việt Nam vẫn chưa mạnh?
GS Stephen Walt: Cái này chúng ta nên nhìn từ góc độ chiến lược của nước Mỹ. Một sự thật không thể chối cãi là trong khoảng 10 năm gần đây, nước Mỹ đã sao nhãng và chưa để tâm đúng mức đến khu vực châu Á.
Sắp tới đây, trong tương lai, gần chắc chắn sự quan tâm của Mỹ ở châu Á sẽ tăng lên nhiều. Vấn đề thứ hai, nếu nói cụ thể về vấn đề đầu tư thì đó e rằng lại không phải vấn đề của chính quyền Mỹ mà là vấn đề của các doanh nghiệp Mỹ. Liệu các doanh nghiệp Mỹ có nhìn thấy cơ hội đầu tư, cơ hội làm ăn và cơ hội kiếm lời ở Việt Nam hay không? Đó mới là câu hỏi chính.
Vấn đề cuối cùng, nói về việc xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, rõ ràng vẫn còn những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế Việt Nam cần phải tiếp tục đặt ra những câu hỏi về vấn đề này cho nước Mỹ. Nếu nước Mỹ muốn có mối quan hệ thương mại được nâng tầm hơn giữa Việt Nam và Mỹ, Hoa Kỳ cần phải giải đáp những câu hỏi này.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy bây giờ, giữa Mỹ và Việt Nam, hai quốc gia nên làm gì để củng cố lòng tin lẫn nhau. hai nước có một quá khứ chiến tranh, cũng có những khác biệt về thể chế chính trị. Bây giờ đi đến với nhau để cùng có lợi và trở thành đối tác, phải làm gì để hai nước thực sự tin cậy lẫn nhau?
GS Stephen Walt: Điều đầu tiên đó là ở góc độ chính phủ, chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ cần có thêm nhiều cuộc trao đổi thẳng thắn để cùng hiểu thế giới quan và cách nhìn của mỗi nước về bối cảnh châu Á cũng như bối cảnh quan hệ giữa hai nước. Cũng vì hai nước chúng ta có một quá khứ không dễ chịu gì nên việc chúng ta cần làm bây giờ là làm sao tạo thêm nhiều cơ hội để công dân hai nước dễ dàng qua lại, đặc biệt là những công dân trẻ tuổi. Họ chính là tương lai của mỗi nước.
Đó chính là lý do tại sao tôi rất hào hứng đến Việt Nam, tôi muốn tận mắt nhìn thấy những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Về vấn đề mối quan hệ hậu chiến, nước Mỹ đã từng có kinh nghiệm đối với Nhật và Đức sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Mỹ và hai quốc gia trên đã có thể bắt tay và cùng nhau hợp tác. Trong câu chuyện đối với Việt Nam, tôi tin chắc rằng cũng không có gì khó khăn cả và chúng ta có thể làm được.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-19-viet-nam-khong-nho-be-va-lac-long-ben-canh-trung-quoc