cố vấn Kissinger – tổng thống Nixon
ngoại trưởng Rogers – thủ tướng Chu Ân Lai
Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một Tổng thống Mỹ, Richard Nixon từ 21 đến 28/2/1972, đã là một bước ngoặt lịch sử không chỉ cho quan hệ Mỹ – Trung Quốc. Gần hai năm sau, Hoàng Sa của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc, cho dù trước kia đây là nơi quân Trung Quốc chỉ có thể lò dò đến như những tên trộm đêm (xem “HOÀNG SA 1956, KHI “ĐƯỜNG LUỠI BÒ” CHƯA RA ĐỜI!”).
Bằng chứng của sự thay đổi chính sách ấy là việc bốn ngày sau khi Hoàng Sa của Việt Nam thất thủ, 6giờ 15 chiều thứ tư 23/1/1974, ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã có thể thanh thản tiếp Han Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của CHDCND Trung Hoa tại Mỹ:
KHÚM NÚM VÀ CHỐI BỎ
Kissinger (cười cầu tài bắt chuyện): Liệu chúng ta có sắp gặp lại Đại sứ của quý vị không?
Han: Ông ấy đang du xuân ở Trung Quốc.
Kissinger: Tôi nghĩ qua cuộc gặp ngắn này chúng ta sẽ vượt qua hai vấn đề. Một là các đảo Hoàng Sa, và hai là chuyến đi Trung Đông của tôi. Hãy nói về vấn đề không vui trước. Chỉ có hai điểm tôi muốn nêu liên quan đến vấn đề đảo Hoàng Sa. Lực lượng Trung Quốc đã bắt giữ Gerald Emil Kosh, một nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ. Chính phủ Sài Gòn đang lập nhiều phái đoàn đến các các tổ chức quốc tế như SEATO và cả LHQ. Chúng tôi muốn quý vị rõ rằng chúng tôi không liên kết gì với các phái đoàn đó. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến các tù nhân. Chúng tôi ghi nhận rằng chính phủ quý vị đã cho biết rằng sẽ thả ra vào thời điểm thích hợp. Chúng tôi mong rằng thời điểm thích hợp đó sẽ đến thật sớm, đặc biệt do có một người Mỹ trong nhóm này. Được vậy, sẽ giải tỏa tình hình có liên quan đến Hoa Kỳ. Đó thực sự là tất cả những gì mà tôi muốn nói về vấn đề này” .
Kissinger (quay sang hỏi Hummel): Có bổ sung gì không, Art?
Hummel: Vì những lý do chính trị đối nội, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi đã bị hỏi han về người Mỹ ấy.
Kissinger: Chúng tôi chỉ đề cập đến việc này do phải trả lời những điều thiên hạ hỏi mà thôi.
Đến đây, Winston Lord, lúc đó là Giám đốc Nha Kế hoạch và Điều hợp nhân viên, nhắc Kissinger rằng sở dĩ thiên hạ hỏi han là vì muốn biết chính xác tình hình của người Mỹ ấy.
Han Hsu: Tôi chỉ có vài lời về vấn đề này. Chúng tôi gọi các đảo đó là Tây Sa vì đó là lãnh thổ chúng tôi. Chúng tôi từng tỏ rõ trong các phát biểu của chúng tôi rằng chúng tôi là một nước xã hội chủ nghĩa; nên chúng tôi không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ của ai, song chúng tôi không để mặc cho ai chiếm lãnh thổ chúng tôi.
Kissinger: Không phải nước xã hội chủ nghĩa nào cũng như vậy cả.
Han: Chừng nào các tù binh sẽ được thả, chúng tôi tuyên bố rằng họ sẽ được thả vào thời điểm thích hợp. Đó là tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Còn cá nhân tôi thì có nhận xét riêng sau. Tôi chỉ ngạc nhiên khi có một công dân Mỹ ở khu vực đặc biệt ấy vào thời điểm đặc biệt ấy. Chúng tôi không rõ cụ thể tình huống ra sao, liệu người ấy có ở đó hay không, hoặc có bị bắt giữ hay không.
Kissinger: Anh ta không ở thường trực tại đó; mà chỉ tạm thời ở đó theo yêu cầu của Nam Việt Nam cho một công tác kỹ thuật, và do chúng tôi ngỡ rằng thời điểm đó thì yên ổn. Anh ta dự trù ở đó chỉ một hai ngày mà thôi. Thật ngắn ngủi mà thôi. Thế rồi, anh ta bị bắt giữ. Không có một người Mỹ nào đóng thường trực hay ngắn hạn trên các đảo đó cả. Vụ đó chỉ là một sự cố không may mà thôi.
Han: Liệu anh ta có bị bắt làm tù binh hay không, chúng tôi chẳng rõ.
Kissinger: Đại sứ có thể dò lại vụ này cho chúng tôi được không?
Han: Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem tình huống như thế nào.
Kissinger: Chúng tôi biết ơn Đại sứ rất nhiều. Lập trường của Hoa Kỳ là không hậu thuẫn Nam Việt Nam yêu sách các hòn đảo đó. Tôi muốn tỏ rõ điều này. Còn bây giờ, hãy nói qua về chuyến đi Trung Đông của tôi. Hay là Đại sứ muốn tiếp tục đề tài kia?
Han: Về việc ông Hummel gợi ý sớm công bố về vụ này cho báo chí…
Kissinger: Chúng tôi có thể đợi được mà. Quý vị muốn gì? Quý vị báo cáo lại Bắc Kinh đi. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tuyên bố gì, nên chúng tôi có thể đợi thêm 24 giờ nữa. Chịu rát mặt chút. Chúng tôi sẽ đợi đến sáng thứ sáu 25/1. Song, nếu quý vị càng sớm thông báo cho chúng tôi, thì càng tốt. Tất nhiên, chúng tôi sẽ loan báo rằng chúng tôi đã có nói chuyện với quý vị về vụ này.
Han: Để chúng tôi báo cáo cho chính phủ chúng tôi đã, rồi chúng tôi sẽ tính xem trả lời ra sao.
Hummel chen vào: Chúng tôi sẽ chỉ loan báo rằng chúng ta đã có nói chuyện với nhau, chứ không nhắc đến các điểm mà Ngoại trưởng đã nêu lúc nãy.
Kissinger: Chúng tôi sẽ đợi đến thứ sáu vậy. Chúng tôi đợi quý vị đến sáng thứ sáu để xem quý vị có nhận được trả lời gì không. Chúng tôi bị tố đủ thứ chuyện. Chúng tôi dám bị tố là đã nào là bỏ bê quyền lợi một người Mỹ trong suốt một ngày.
Thật khúm núm, ngoại trưởng Mỹ lừng lẫy của thời đại Nixon đã mặc cho lịch sử sang trang! Tất cả vụ Hoàng Sa, đối với Kissinger, chỉ còn là chuyện một công dân Mỹ nào đó (đối với ông ta) tên Kosh xui xẻo bị bắt …
Phần tiếp theo của cuộc gặp, thật ra chẳng cần thiết gì, chẳng qua “câu giờ” thêm chút ít cho ra vẻ họp hành – dẫu sao cũng là “triệu tập đại diện lâm thời sứ quán TQ vô Bộ Ngoại giao” – song lại rất ý nghĩa: đó là bằng chứng một sự câu kết trong một giai đoạn mà thế giới lúc đó không đơn giản chỉ gồm hai phe, mà là ở thế “Tam quốc”. Trong đó, “hai” đang “chọi một”!
ÂM MƯU VÀ BÁN ĐỨNG!
Kissinger: Ta nói qua về chuyến đi Trung Đông của tôi nhé.
Han: Xin mời.
Kissinger: Thực ra cũng chẳng có gì để nói lắm đâu, do lẽ tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đeo đuổi chính sách mà Thủ tướng quý vị đã yêu cầu tôi. Đó là làm giảm bớt ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Tôi có cảm tưởng rằng đã khá thành công. Qua các thảo luận chung, quý vị hẳn đã rõ nội dung các thỏa thuận đó rồi. Chắc quý vị thích biết được rằng người Ai Cập nay đang rất không hài lòng các quan hệ của họ với Liên Xô, và rằng họ đang rất mong cải tiến quan hệ với Cộng hòa Nhân dân. Tôi đã mạnh mẽ khuyên họ điều đó. Họ muốn quý vị dựng một nhà máy sản xuất máy bay Mig-21 ở Ai Cập. Họ sẽ trả tiền cho quý vị, bao nhiêu tùy quý vị. Đó là để họ tách ra khỏi Iraq, như tôi đã mô tả với Thủ tướng quý vị. Thủ tướng quý vị yêu cầu tôi tích cực hoạt động ở Trung Đông. Giờ đây không biết Thủ tướng có nghĩ rằng chúng tôi có quá tích cực lắm hay không (cười nịnh).
Han (lạnh lùng chối biến) : Chúng tôi không biết gì về nội dung quý vị thảo luận với Thủ tướng chúng tôi ở Bắc Kinh. Song có biết về cuộc nói chuyện giữa thứ trưởng Chiao với Ngoại trưởng và đại sứ Hummel tại New York.
Kissinger: Thì cũng nội dung đó, Thủ tướng thì đi vào chi tiết hơn. Quý vị sắp nghỉ lễ phải không?
Han: Bắt đầu từ hôm nay, nghỉ Xuân ba ngày.
Kissinger (pha trò): Chúng tôi phải trả đũa thôi. Chúng tôi sẽ triệu hồi đại sứ Bruce vài tuần để tham khảo ý ông ấy về một số vấn đề, trong đó có vấn đề châu Âu. Có thể tôi sẽ phái ông ấy đi châu Âu ít tuần.
Han: Tôi có nhớ rằng lần gặp trước Ngoại trưởng có đề cập đến vụ này rồi. Xong rồi phải không?
Kissinger: Đúng vậy.
Han: Đa tạ đã đón tiếp chúng tôi.
Có thể thấy:
1/ Cuộc gặp này chủ yếu là để hỏi han về người Mỹ bị Trung Quốc bắt kia, và để chối bỏ mọi cam kết, dính líu trước kia với miền Nam Việt Nam trong vấn đề Hoàng Sa.
2/ Phần sau của cuộc gặp thật ra để cho có. Ấy thế mà Kissinger vẫn cố kể công đã ly gián Ai Cập với Liên Xô. Đại diện lâm thời Han không “dính bẫy’: không hé răng hay hí hửng gì trước những khoe thành tích “chiều ý” Thủ tướng Chu Ân Lai, triệt hạ ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Tài liệu này nay có giải mật cũng không có bằng chứng từ phía người của Trung Quốc, để có thể qui chụp Trung Quốc đã câu kết với Mỹ hãm hại Liên Xô.
3/ Mỹ “bán rẻ” Đài Loan (tống ra khỏi LHQ), hất Liên Xô (ra khỏi Ai Cập) cho Trung Quốc vào thay còn được, huống hồ là Nam Việt Nam và Hoàng Sa.
________________________________________
Nguồn: Foreign Relations of the United States, 1969–1976 Volume XVIII, China, 1973–1976, Document 66. Memorandum of Conversation 1 1. Source: National Archives, Nixon Presidential Materials, NSC Files, Kissinger Office Files, Box 96, Country Files, Far East, China Exchanges, November 1, 1973–March 31, 1974. Secret; Sensitive; Nodis. The meeting was held at Kissinger’s office in the Department of State.
T. T.
Nguồn: http://thientrieu2010.blogspot.com/2011/01/ngay-nay-thang-1-1974-kissinger-va-vu.html