Báo chí bây giờ ít có tờ nào có mục “Ngày này năm xưa”. Tui nhớ cách đây chục năm có đến gần chục tờ có mục ni. Tui tra google thì thấy có hai ngày quan trọng, liên quan đến Việt Nam. Thứ nhất là ngày 19/1/1997, Hoàng Thị Minh Hồng – Phóng viên của báo Đầu tư và Ngân hàng cùng 35 thanh niên của 25 nước trên thế giới tiến hành cuộc thám hiểm Nam Cực do UNESCO tổ chức. Tại Nam Cực, Minh Hồng đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng, quốc kì Việt Nam lên xứ sở đầy tuyết phủ này. Thứ hai là ngày 19/1/ 1974, ngày mất Hoàng Sa, ngày ông hàng xóm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. “Sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi, hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, khi ấy do Việt Nam Cộng hòa tuyên bố chủ quyền”. Một ngày vui sướng tự hào vì lá cờ Việt Nam được cắm ở cực Nam của thế giới. Một ngày buồn đau đắng cay vì ta mất Hoàng Sa, chưa biết khi nào đòi lại được.
Tui nghĩ ngày ni nên đem vào SGK cho con nít học. Chúng ta có ngày Quốc Khánh 2/9/1945, ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Ngày Chiến thắng Điện Biên 7/5/1954. Nhưng chúng ta cũng có ngày 19/1/1974 nữa, vì đó là ngày mất Hoàng Sa. Phải cho các cháu nhớ cả những ngày đáng tự hào cả những ngày đau thương mất mát, đừng để cho chúng nhớ một chiều sau này chúng dễ mắc bệnh chủ quan.
Tui vừa đọc một bài rất hay của Quỳnh Chi nói về dân trí dân khí nhân tài, trong đó có nhắc tới ông Phúc Trạch Dụ Cát tức Fukuzawa Yukichi (1935-1901) là nhà cải cách chính trị, xã hội và giáo dục tiên phong từ cuối thời Edo và đầu thời Minh Trị của Nhật Bản”. Những tư tưởng của ông đã tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới”. Ông Phúc Trạch Dụ Cát đã từng nói: “Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”.
Phải quá! Chúng ta nên nghe lời ông Phúc Trạch Dụ Cát. Nói phải củ cải cũng nghe, huống hồ chúng ta không phải là củ cải, chúng ta đều có trí và đều là dân yêu nước.
N.Q.L