Mấy chữ “tư duy nhiệm kỳ” nghe mà phát ghét. Ở đó bao hàm tất cả những cái gì là hủ bại nhất trong tính cách dân tộc, nhất là cái tính cách ăn xổi ở thì. Ăn xổi ở thì thì làm bất kỳ việc gì cũng cốt qua loa cho xong đi, để mà còn nặng túi trở về với gia đình, chăm sóc cái tổ ấm vốn đã lo đâu vào đấy trong khi đang tại chức. Cho nên mọi việc anh làm, tiếng là vì dân, nhân danh thật to tát, cuối cùng chỉ là đổ vỏ ra đấy để cho kẻ đến sau đi hót. Và chu trình cứ thế lặp đi lặp lại, trở thành một đại họa cho dân. Một thành phố Hà Nội mà càng cải tạo lại càng nhếch nhác chẳng phải vì thế thì còn gì. Nghe đâu ngài đương kim trọng thần của nhiệm kỳ này đang cố tranh thủ một mảnh đất nào đấy ở Hồ Mây, cái đích ngài cố ngắm cho trúng, chứ đâu phải là nghĩ suy về những quy hoạch tổng thể cho Hà Nội ngàn năm “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như cụ Hồ nói. Trách gì mới vài năm trước khi nước mưa biến cả thành phố thành sông thì có vị quan to đã có ngay một câu thật nổi tiếng: Dân Hà Nội bây giờ quen dựa dẫm vào Nhà nước mất rồi. Thì chính là vì dựa dẫm vào Nhà nước mà dân chúng Thủ đô chúng tôi cứ tưởng rồi sẽ có đường phố khang trang, đi lại thông thoáng hơn, nào hay bây giờ ra đường đã thấy ngay những con đường do Nhà nước cải tạo đã đang tắc ứ. Còn các khu Hà Nội mới mở từ khi Thủ đô ta giải phóng đến nay nhất là từ khi có đồng vốn vay nước ngoài để làm kinh tế thị trường, thì nhiều nơi lại còn ngõ ngách chật hẹp, chen chúc, lúc nhúc còn hơn cả Hà Nội 36 phố phường thuở xưa. Những nơi ấy xe cộ tha hồ mà tắc.
Ấy là lấy một Hà Nội mà làm ví dụ vậy thôi chứ xem binh tình cả nước thì có đâu mà không tắc. Các quan đầu tỉnh còn làm được gì hơn ngoài việc bán rừng mà sống theo kiểu “sống chết mặc bay”. Các kế hoạch xây dựng càng xây càng hỏng, nào hầm Thủ Thiêm, đường hầm Kim Liên…; có nhà máy như Dung Quất tưởng đã vận hành từ lâu thì nay lại phát hiện thêm 100 lỗi trong khi thi công nên phải tạm ngưng, không biết sẽ còn ngưng đến bao giờ. Các đại tập đoàn đứng sau Nhà nước, tưởng lập ra là cốt tăng thêm GDP, giúp cho an sinh được cải thiện, dân đỡ khổ hơn, nào hay anh nào cũng dài mồm than lỗ, mới ra Tết mọi thứ sản phẩm của họ đã tăng giá vùn vụt, nghĩa là họ chỉ góp phần vào bĩ cực mà chẳng thấy có thái lai.
Vậy thì còn gì nữa nhỉ nếu ta chưa tìm cách cắt phăng ngay đi cái kiểu tư duy nhiệm kỳ, tống quách nó vào quá khứ có hơn không? Nhưng làm thế nào để “cắt”? Thì xin bạn đọc cứ hiến kế để cả nước cùng bàn.
Bauxite Việt Nam
Dự án khai thác quặng nhôm trên Tây Nguyên của Chính phủ gặp nhiều ý kiến phản đối trong mọi giai tầng nhân dân. Nhưng vì sự thống nhất từ Bộ Chính trị mà dự án này đột nhiên được thông báo là tiếp tục triển khai vì lợi ích kinh tế khu vực Tây Nguyên và được sự đồng thuận cao trong nhân dân?
Tưởng rằng dự án khai thác này ký cách đây nhiều năm, như việc đã rồi với Trung Quốc. Không thể dừng lại được cho nên bằng mọi giá bỏ qua những lời khuyên của các nhà chuyên môn, trí thức, Bô Xít Tây Nguyên (cụm từ chắc chăn sẽ gắn liền với thể chế này để đi vào lịch sử) vẫn triển khai như thống nhất trước từ đâu đó.
Cho dù bô xít được triển khai trên Tây Nguyên, những tiếng nói ngăn cản không thành, nhưng thiết nghĩ đó cũng là bài học cho những nhà lãnh đạo đất nước khi động bút đến tài nguyên, môi trường, vị trí chiến lược của đất nước sẽ cẩn trọng hơn. Để cho họ nhận ra một điều minh bạch là bất ổn xã hội không phải do các thế lực thù địch nào tạo ra, mà bất ổn có thể do chính những quyết sách không được lòng dân. Một sự thật hiển nhiên là chưa có dự án nào từ xưa đến nay của Chính phủ mà bị chỉ trích công khai nhiều như dự án khai thác bô xít.
Người ta đưa nhiều lý do để biện minh cho việc khai thác bô xít, một nguyên nhân thuyết phục nhất là để phát triển kinh tế địa phương. Những người dân Tây Nguyên quanh năm sống trong nghèo khó, một sớm mai nghe tin có dự án, có việc làm, có cơ hội kinh doanh, dịch vụ… những cơ hội cải thiện đời sống được vẽ ra rạng ngời. Và hiện thực là tiền của đang đổ vào nơi họ sống. Dân nào mà chả muốn, nhất là dân nghèo. Họ đâu cần biết ngày mai, hay thế hệ sau hậu quả ra sao. Bởi vì họ không tính được đến mai sau cho nên họ là dân. Còn những người ra quyết sách lớn lao đó họ có tính được không ? Tôi nghĩ họ tính được bởi vì họ nói họ khôn ngoan hơn dân, có đạo đức hơn dân. Bởi thế dân đã tin tưởng chọn họ làm lãnh đạo để ra những quyết sách.
Môt số người nói rằng những hành vi đang bán nước.
Tôi không nghĩ vậy hoặc chưa dám nghĩ vậy. Xưa nay bề trên kết tội kẻ dưới có thể tùy tiện. Nhưng kẻ dưới hặc tội bề trên thì dù có lý lẽ hẳn hoi đều có kết cục bi thảm. Mệnh đề “bán nước” là chuyện nghiêm trọng, cần đông đảo nhân dân hay lịch sử sau này phán xét mới thật sự khách quan.
Mới đây người ta vừa được biết có hơn 300 ngàn ha rừng đầu nguồn đã được cho Trung Quốc thuê với thời gian đến nửa thế kỷ.
Lý do đưa ra vẫn muôn thuở – phát triển kinh tế khu vực.
Một dự án bô xít Tây Nguyên mà dư âm phản đối còn chưa lắng đọng, lại tiếp thêm 300 nghìn ha rừng đầu nguồn.
Phát triển kinh tế khu vực hay tư duy nhiệm kỳ?
Có lẽ cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” nhẹ nhàng và có phần sát với thực tế hơn là kết luận “bán nước”.
Ở nhiệm kỳ của mình, vị lãnh đạo nào cũng muốn thể hiện được việc gì đó rõ ràng mang ích lợi về cho địa phận mình quản lý. Ở tình trạng dân chúng làm ăn tư duy manh mún, chụp giật, cán bộ dưới quyền quan liêu , năng lực yếu, bộ máy hành chính cồng kềnh những vận hành trì trệ, không ăn khớp… để giải quyết hạ tầng năng lực, tư duy ở một địa phương như vậy, nhà lãnh đạo cần bao nhiêu năm? Giải quyết vấn đề phi vật thể như vậy, công sức bỏ ra nhiều, thời gian cũng nhiều mà kết quả không thể đánh giá được ngay. Người lãnh đạo cầu toàn thường hay chọn cho mình phương án tối ưu nhất trong thời gian mình lãnh đạo địa phương. Và cách thu được tiền bạc nhanh nhất là cho thuê đất, đào tài nguyên đem bán lấy tiền? Nhất là không thể không nói đến những khoản hoa hồng cho người đặt bút ký.
Nhiệm kỳ 10 năm làm vậy, thì các lãnh đạo khác của 40 năm sau này còn gì để thuê, còn gì để khai thác. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ thêm vài nhiệm kỳ nữa, con người Việt Nam còn chưa chắc thuộc về mình chứ đừng nói đến đất đai, tài nguyên, chủ quyền, văn hóa…
Người ta lại có thể lý giải, nhiệm kỳ này cho thuê đất, khai thác tài nguyên để lấy vốn phát triển nội lực, sau này không phải bán hay cho thuê gì nữa. Vẫn là ngụy biện cho qua nhiệm kỳ thôi. Hạ tầng năng lực, chuyên môn, kiến thức, tư duy… con người như vậy thì tiền đổ vào thế chứ nữa cũng chỉ làm nháo nhào trương cái biển, dựng cái cổng, mua máy móc cũ vận hành loáng thoáng để chụp ảnh, quay phim lấy thành tích rồi bỏ đó, quản lý và phát triển được đâu. Cốt có lý do để mang tiền về rồi chia nhau tiêu, rồi có số liệu để nói kinh tế đang tăng trưởng… Việc này xảy ra nhan nhản ở khắp các địa phương.
Bao nhiêu tài nguyên đã ra đi để mong mỏi làm vốn liếng cho đất nước phát triển, một mỏ than Quảng Ninh mênh mông tưởng rằng vô tận. Thì ngày hôm nay điện tăng giá vì lý do than phải nhập từ Trung Quốc về nên giá lên. Cả một khu dầu mỏ Dung Quất, Vũng Tàu đầy tiềm năng, đầu tư không biết bao nhiêu, mà giờ để xăng, dầu tăng giá với lý do nhập khẩu dầu thế giới tăng. Chúng ta khai thác tài nguyên lấy vốn để giờ chúng ta vượt xa Căm Pu Chia những 20 năm. Tự hào chăng?
Giờ đang còn nhiều tài nguyên nữa đang và chuẩn bị ra đi để đổi lại cho đất nước, con người Viêt Nam này là gì?
– Là hãy nghĩ đến bản thân mình bây giờ đi, xã hội thế nào có người khác lo.
Đó là lời của người có quyền sinh sát nhắc nhở tôi, chắc chắn nhiều rất nhiều người trong nhân dân chúng ta cũng nghĩ vậy.
Đôi khi có lúc tôi không nghĩ vậy, vì thỉnh thoảng không nghĩ vậy tôi viết bài như thế này.
Còn bình thường tôi lại nghĩ rằng:
Chúng ta đừng nhìn Nhật, Nam Hàn, Phi, Mã, Sing, Thái, In Do… chúng ta nhìn Căm Pốt, Bắc Hàn để thấy rằng mình còn hạnh phúc, còn lạc quan, còn tin tưởng vào những gì mà chúng ta bảo nhau là cần lạc quan tin tưởng.
Nguồn: nguoibuongio.multiply.com