Đọc những lời tâm huyết của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc trên Pháp Luật TP HCM ngày 14-1, chủ một cơ sở sản xuất tư nhân ngậm ngùi: “Nếu không tuyên bố rõ ràng rất có thể sẽ có một chỉ thị Z30 thứ hai, thứ ba… Chúng tôi sợ rơi vào tình cảnh như “vua lốp” Chẩn lắm rồi”.
Ý kiến của ông chủ mới chỉ có bốn lao động làm thuê đó cũng là tâm tư của hàng trăm ngàn chủ doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, trách nhiệm hữu hạn đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, những người đang giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động. Tâm tư bởi vì việc thực hiện chỉ thị Z30 hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước (tịch thu tài sản của những người có nhà hai tầng trở lên) đã khiến những doanh nhân tận tụy, giàu ý tưởng như “vua lốp” trắng tay trong nháy mắt mà chẳng kịp hiểu vì sao!
Cho nên khi bắt đầu đổi mới, được khích lệ về tự do kinh doanh bằng những đạo luật tiến bộ như Luật Doanh nghiệp và nhất là được cam kết trong văn kiện Đại hội X thì các nhà đầu tư tư nhân rất phấn khởi. Nói như Bộ trưởng Phúc, với sự xác tín của Đảng, rằng sẽ xác lập quan hệ sản xuất đan xen đa sở hữu, có công hữu, có tư hữu, có tư nhân, có tất cả các thành phần kinh tế… là các ông chủ tư nhân đã dốc sức chung tay với nhà nước làm giàu cho mình, cho cộng đồng. Theo ông Phúc, đó là thành tựu đặc sắc sau 20 năm đổi mới và Cương lĩnh sửa đổi, với tính chất là kim chỉ nam cho cả một thời kỳ dài, cần xác nhận rõ điều này.
Mặt khác, sự lý giải rạch ròi của Bộ trưởng Phúc về cụm từ “vai trò chủ đạo” cũng cho thấy một nhu cầu khắt khe hơn về sự bình đẳng. Lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với kinh tế nhà nước là một, nên khi nói kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là cũng coi DNNN có vị thế như vậy. Thật ra kinh tế nhà nước còn bao gồm đất đai, ngân sách, thương quyền kinh doanh, tài nguyên khoáng sản… và những nguồn lực đó (cùng DNNN) mới đóng vai trò chủ đạo chứ không riêng DNNN.
Tư tưởng này từng được thể hiện trong bài viết giữa tháng 7-2010 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng “phải tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân – thành phần có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tạo nhiều việc làm nhất…” và “đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường”… Nhiều doanh nhân đã rất tâm đắc ở phần giải thích thêm của Thủ tướng, rằng chỉ như vậy “sự phát triển của DNNN mới không chèn lấn các nguồn lực để phát triển khu vực tư nhân – một động lực chủ yếu của tăng trưởng”.
Cho nên ghi nhận một thành tố tạo nên thành tựu đặc sắc rất Việt Nam trong Cương lĩnh, là sở hữu và sự bình đẳng của kinh tế tư nhân, thực sự là mong đợi của nhiều người.
P.L
Nguồn: http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://butlong.multiply.com/journal/item/761/761