Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Cân nhắc kỹ vấn đề “công hữu”

Dự thảo Cương lĩnh 2011 mô tả đặc trưng của xã hội XHCN mà nước ta đang xây dựng là xã hội dựa trên “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”.

Vấn đề này đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận tại diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ XI. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh để góp thêm một góc nhìn của chuyên gia kinh tế về vấn đề hệ trọng này.

TS Lê Đăng Doanh nói: “Tôi đề nghị Đại hội có sự xem xét cầu thị, dựa vào thực tế để thảo luận kỹ vấn đề này và không thông qua mệnh đề công hữu về tư liệu sản xuất (TLSX) chủ yếu để đưa vào Cương lĩnh 2011”.

Sẽ dội nước lạnh vào nhà đầu tư

. Qua thảo luận tại hội trường, có hai luồng ý kiến trái chiều về việc đưa vấn đề “công hữu TLSX chủ yếu” vào Cương lĩnh 2011. Ông có ý kiến như thế nào?

+ Tôi không đồng ý với mệnh đề đặc trưng của XHCN dựa trên chế độ công hữu về TLSX chủ yếu. Mác đã nói: “Sự phát triển tự do của mỗi một người là điều kiện tự do của tất cả mọi người. Trong đó, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột và có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Đó mới là mục tiêu của XHCN chứ bản chất XHCN không phải nằm ở chỗ công hữu TLSX chủ yếu. Mác chỉ nghĩ rằng công hữu TLSX chủ yếu sẽ dẫn đến mục tiêu đó. Tức, công hữu TLSX chủ yếu chỉ là phương tiện để thực hiện XHCN chứ không phải là bản chất, là đặc trưng của XHCN.

Hơn nữa, mô hình công hữu không còn phù hợp với khoa học hiện đại, theo đó một tài sản phải có chủ sở hữu rõ ràng. Không có chủ sở hữu rõ ràng sẽ dễ dẫn đến việc cha chung không ai khóc, tài sản sẽ dễ bị xâm phạm, hao tổn…

. Theo ông thực tiễn thời gian qua đã nói lên điều gì về chế độ công hữu TLSX chủ yếu?

+ Thực tiễn đã chứng minh chế độ công hữu TLSX chủ yếu là sai lầm, rõ ràng nhất là sự sụp đổ của Liên Xô. Trong khi ta đã chuyển từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán… Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế của chúng ta đang thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ để hiện đại hóa đất nước mà tuyên bố như vậy chẳng khác nào dội gáo nước lạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài cần được đảm bảo việc làm ăn ổn định, lâu dài ở Việt Nam.Trong ảnh: Sản xuất đồ điện chính xác của doanh nghiệp nước ngoài tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Hữu Luận

Các nhà đầu tư nước ngoài cần được đảm bảo việc làm ăn ổn định, lâu dài ở Việt Nam.Trong ảnh: Sản xuất đồ điện chính xác của doanh nghiệp nước ngoài tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Hữu Luận

TLSX chủ yếu không chỉ là đất đai

. Ông cho rằng nếu chúng ta đồng tình với quan điểm công hữu về TLSX chủ yếu sẽ mâu thuẫn với con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang đặt ra?

+ Đúng vậy. Là một đất nước còn nghèo và lạc hậu, muốn phát triển chúng ta phải tiếp thu công nghệ khoa học của nước ngoài mà lại bảo công hữu hóa TLSX thì khó thuyết phục được. Người ta có thể hiểu mọi việc mà chúng ta làm hiện nay chỉ là tạm thời để đến một lúc nào đó quốc hữu hóa. Nói một cách nôm na như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là giống như ông đang vỗ béo chúng tôi rồi đến một lúc nào đó sẽ làm thịt chúng tôi.

Người ta muốn có sự đầu tư lâu dài, ổn định mà mình tuyên bố thế thì người ta sẽ không sẵn sàng đầu tư. Chính sự tự do kinh doanh như Luật Doanh nghiệp mới đem lại sự lớn mạnh cho kinh tế Việt Nam. Nếu không có sự tham gia của toàn dân, sự sáng tạo, đầu tư của toàn dân thì làm sao có sự phồn vinh như thế này.

. Riêng việc hiểu như thế nào là TLSX chủ yếu cũng còn nhiều tranh cãi. Ông có ý kiến gì về việc này?

+ Trước kia, quan niệm TLSX chủ yếu là lao động, là đất đai. Còn trong thế giới ngày nay, TLSX chủ yếu có thêm phần mềm máy tính, là vốn, là khoa học công nghệ, là những sáng chế, phát minh… Đây đều là sản phẩm của cá nhân. Mình tuyên bố công hữu thì ai dám đầu tư vào cho mình, mình hội nhập làm sao được! Còn nói bây giờ chỉ dựa vào lao động, vào đất đai mà không có sáng chế, phát minh, phần mềm thì làm được gì!

Sở hữu xã hội là phù hợp

. Mặc dù Cương lĩnh 1991 có quy định về công hữu TLSX chủ yếu nhưng lâu nay, bằng những chính sách, pháp luật hợp lý ta vẫn thu hút đầu tư nên không có chuyện cản trở thu hút đầu tư khi thực hiện công hữu TLSX, thưa ông?

+ Đúng là Cương lĩnh 1991 có quy định nhưng lâu nay mình không nhắc lại điều đó nên người ta chỉ căn cứ vào luật pháp của mình để thực hiện. Nhưng bây giờ khơi lại, người ta sẽ nghĩ rằng họ đang nhận được một lời cảnh báo mới. Ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng có thể nghĩ rằng Nhà nước cho phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nhưng đến một lúc nào đó sẽ quốc hữu hóa nhà máy, vốn…

. Ông lý giải thế nào trước những ý kiến cho rằng nếu không dựa vào công hữu TLSX chủ yếu sẽ mất đi đặc trưng XHCN?

+ Tôi đã nhấn mạnh mục đích của XHCN không phải là công hữu TLSX chủ yếu, không phải là chế độ công hữu mà là sự tự do của con người, giải phóng con người. Để đạt được mục tiêu đó, ban đầu Mác tưởng chế độ công hữu là tốt nhưng sau này ông nhận ra và đã thay đổi chế độ công hữu bằng sở hữu xã hội, trong đó công ty cổ phần là hình thức chủ yếu. Thế mà bây giờ mình không dùng cái từ Mác đã sửa mà quay lại với từ Mác chưa sửa. Rõ ràng như vậy là về mặt lý luận cũng không phù hợp với Mác mà thực tế cũng không phù hợp với thế kỷ XXI.

Cho nên tôi đồng tình với cách ghi trong Nghị quyết của Đại hội X “dựa trên quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” và điều ấy là hợp lý.

. Xin cảm ơn ông.

Nguồn: http://phapluattp.vn/20110116115656215p1013c1144/tien-si-le-dang-doanh-can-nhac-ky-van-de-cong-huu.htm

This entry was posted in lao động. Bookmark the permalink.