Cứ nghe cung cách trả lời của ông Giám đốc Tập đoàn Alumina Nhân Cơ thì ông ta cũng không khác gì mấy với ông Tổng Kiển ngày trước, ông ta nói nước đôi về tất cả mọi thứ – thì vẫn là một kiểu 50/50 trá hình thôi mà. Nhưng cái đề nghị của ông Lê Dương Quang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TKV nghe ra mới thật kỳ khôi: ông ta đang xin bán vùng đất Nhân Cơ này cho chủ đầu tư trong 70 năm. Nhưng chủ đầu tư là ai? Cho phép chúng tôi nêu lên câu hỏi ấy, bởi thời buổi này ai có tiền mới có thể làm ông chủ, mà sự đổi tráo giữa ông chủ danh nghĩa và ông chủ đích thực là điều ai cũng có thể đoán được, bởi Tập đoàn TKV lâu nay còn bán lậu than thổ phỉ ở Quảng Ninh để kiếm chác, lấy tiền đâu ra mà làm chủ kia chứ. Mà nếu như rồi đây có chuyện thay thầy đổi chủ thì có khác gì bên phía Tây, cả vùng Atopeu của nước bạn đã bán cho Trung Quốc 99 năm? Thảo nào hồi tháng Tư 2009 ông Lê Dương Quang hung hăng chống lại hàng trăm trí thức đưa Kiến nghị cho Nhà nước đề nghị dừng ngay dự án bauxite ở Tây Nguyên với cái giọng cay cú đến ai cũng phải ngờ ngợ. Hóa ra bây giờ mới biết thảm đỏ đã được ông ta chuẩn bị trải từ ngày ấy. Để rồi xem con cháu ông ta có yên lành trên mảnh đất hình chữ S này được không.
Bauxite Việt Nam
Tuổi trẻ – Dự án khai thác bôxit ở Đắk Nông, theo ông Trần Quốc Huy – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, chỉ mới làm thí điểm (Tuổi trẻ 26-2-2010). Vậy việc làm thí điểm này sẽ được triển khai như thế nào?
Tuổi Trẻ đã phỏng vấn tiếp ông Bùi Quang Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần alumin Nhân Cơ thuộc Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV), ngay trước ngày khởi công xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ dự kiến vào 28-2.
Chôn lấp bùn đỏ
15 yêu cầu bắt buộc về môi trường
Quyết định số 2538/QĐ ngày 31-12-2009 của Bộ Tài nguyên – môi trường yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần alumin Nhân Cơ – TKV thực hiện đúng những nội dung được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và 15 yêu cầu bắt buộc khác.
Trong đó, phải lựa chọn các thông số kỹ thuật của hồ chứa bùn đỏ (đặc biệt lưu ý đối với diện tích, dung tích của hồ, kết cấu của lớp lót chống thấm; điều kiện địa chất ở khu vực hồ chứa bùn đỏ và đập chắn, kết cấu của đập chắn) và tính toán đầy đủ các sự cố có thể xảy ra kèm theo các giải pháp quan trắc chấn động, phòng chống ứng cứu sự cố để bổ sung vào hồ sơ thiết kế xây dựng hồ bùn đỏ và trình Bộ Công thương phê duyệt.
Ngoài ra, các hoạt động giải phóng mặt bằng, di dân, tái định canh, tái định cư, di dời các công trình khác có liên quan phải được thực hiện theo quy mô, phạm vi phù hợp với từng giai đoạn của dự án và bảo đảm tính bền vững theo nguyên tắc phù hợp với phong tục, tập quán và các điều kiện sinh hoạt của đồng bào Tây nguyên, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác của pháp luật.
Quyết định của Bộ Tài nguyên – môi trường nhấn mạnh: “Dự án chỉ được đi vào hoạt động chính thức sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận về việc chủ dự án đã thực hiện các nội dung của báo cáo và các yêu cầu của quyết định này”.
* Thưa ông, dự án này sẽ làm thí điểm trong bao lâu?
– Chính phủ không đặt ra thời hạn làm thí điểm mà chỉ yêu cầu TKV xây dựng nhà máy sản xuất để xem hiệu quả thế nào. Thời gian xây dựng nhà máy là hai năm. Theo tính toán, chỉ cần giá alumin bán ra khoảng 335 USD/tấn đã có hiệu quả nhưng hiện giá thị trường thế giới đã trên 400 USD/tấn.
* Còn vấn đề môi trường, những lo ngại mà các nhà khoa học đặt ra đã được giải quyết ra sao?
– Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên – môi trường đã kiểm tra công tác chuẩn bị và kết luận đã đáp ứng được. Các vấn đề về nguồn nước, xử lý bùn đỏ, hoàn thổ… đều đã được tính toán. Quan trọng hơn là trong quá trình triển khai sau này Hội đồng của Bộ cũng sẽ tiếp tục kiểm tra.
* Vấn đề nguồn nước và bùn đỏ sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
– Đắk Nông có lượng mưa rất cao, trên 2.500mm/năm. Nguồn nước dùng cho nhà máy khoảng trên 30 triệu m3/năm và sẽ được cấp từ hai nguồn là suối Đăk Tih và hồ Cầu Tư. Về bùn đỏ, thực chất là bùn đất từ quá trình tách lọc quặng nên thành phần độc hại chủ yếu là dung dịch xút (NaOH) thừa, có nồng độ pH rất cao. Do đó trong phương án xử lý phần xút này sẽ được thu hồi để tái sử dụng, vừa tránh lãng phí vừa hạn chế ô nhiễm, thẩm thấu vào nguồn nước. Và theo tính toán, tỉ lệ thu hồi có thể đạt đến 60%.
* Nhưng đến nay bùn đỏ vẫn là vấn đề đau đầu của các nước phát triển vì chưa có cách nào xử lý triệt để ngoài việc chôn lấp?
– Bùn đỏ ở đây cũng được xử lý chôn lấp trong một hồ chứa vốn là thung lũng có diện tích trên 100ha. Thung lũng này sẽ được xử lý, gia cố nền bằng các lớp sét chống thấm, lót vải địa kỹ thuật và giải pháp chống chảy tràn do mưa. Hồ này chia thành những ngăn nhỏ để chôn lấp trong từng ngăn một và bảo đảm nếu chẳng may ngăn này bị vỡ thì chỉ tràn qua ngăn khác mà không thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Hồ chứa này được thiết kế có khả năng chịu được động đất 7 độ Richter, mặc dù theo dự báo vùng này chỉ có thể xảy ra động đất 5 độ Richter.
* Liệu có bảo đảm hồ chứa bùn đỏ sẽ an toàn 100%?
– Chẳng có gì là tuyệt đối cả. Nhưng dù có xảy ra động đất làm vỡ hồ thì bùn đỏ cũng không thể trôi đi đâu ào ào như nước được, vì theo thời gian nó sẽ khô cứng, có thể đi lại được trên đó.
Chỉ tính hiệu quả kinh tế dự án thí điểm
* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng các nước hiện có xu hướng ngưng khai thác bôxit ở đất nước mình để bảo vệ môi trường, thay vào đó là đi khai thác ở nước khác?
– Họ thấy cái nào có lợi thì họ làm. Trung Quốc có rất nhiều nhà máy alumin, theo tôi biết có hai nhà máy ở Sơn Đông sử dụng quặng từ Indonesia. Chi phí khai thác và sản xuất alumin bằng quặng của Trung Quốc (khác loại quặng của VN) đắt hơn nhiều, giá thành cao hơn là mua ở nước khác.
* Kết luận về hiệu quả kinh tế được tính toán đối với dự án thí điểm nhà máy alumin ở quy mô 650.000 tấn/năm hay cả dự án khai thác bôxit dài hạn, thưa ông?
– Thủ tướng chỉ yêu cầu xem xét hiệu quả kinh tế đối với dự án này thôi. Dự án có công suất 650.000 tấn alumin/năm với tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng. Dù thí điểm nhưng không thể làm bé được, trước đây đã dự tính quy mô 100.000 tấn/năm, rồi 300.000 tấn/năm nhưng quy mô nhỏ không thể hiệu quả.
* Theo kế hoạch, năm năm đầu tiên sẽ khai thác trên diện tích 293 ha, trong đó có đến 271 ha là đất người dân trồng cà phê, điều và cao su. Như vậy đối với người dân, hiệu quả kinh tế được tính toán ra sao?
– Số liệu thống kê cho thấy cây trồng ở vùng này năng suất thấp hơn những vùng khác. Khi khai thác bôxit xong thì phần đất còn lại sẽ tốt hơn, màu mỡ hơn nên sẽ trồng cấy tốt hơn.
* Đã có công trình nghiên cứu nào kết luận cây trồng trên đất có bôxit có năng suất thấp hơn các nơi khác hay chưa, thưa ông?
– Theo tôi biết là chưa có nhưng số liệu thống kê cho thấy năng suất ở đây thấp hơn nơi khác do có bôxit. Nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt cũng dễ dàng thấy cây cối ở đây kém xanh tươi hơn nơi khác.
Kiểm soát lao động nước ngoài
* Một vấn đề khác mà người dân rất quan tâm là quản lý lao động nước ngoài trong quá trình xây dựng nhà máy. Chủ đầu tư đã có giải pháp gì để tránh tình trạng như từng xảy ra ở dự án khai thác bôxit ở Tân Rai, Lâm Đồng?
– Dự kiến trong quá trình xây dựng nhà máy sẽ có 600-700 lao động người Trung Quốc của nhà thầu Chalieco. Rút kinh nghiệm từ dự án Tân Rai là không kiểm soát từ đầu, chúng tôi sẽ có hẳn một quy chế về sử dụng lao động nên sẽ quản lý được ngay, những lao động không đầy đủ thủ tục theo quy định sẽ không được chấp nhận. Các ý kiến lo ngại, cảnh báo thì chúng tôi lắng nghe nhưng không nên quá lo lắng. Tôi đã đi thăm nhà máy sản xuất alumin ở một số nước như Brazil, Úc, Trung Quốc… và thấy họ làm rất tốt.
* Công nghệ của nhà thầu Trung Quốc sử dụng cho Nhà máy alumin Nhân Cơ có phải là công nghệ hiện đại?
– Công nghệ Bayer mà chúng ta sử dụng là công nghệ hiện đại và các nước cũng đang dùng, đáp ứng các yêu cầu về ít tiêu tốn năng lượng, nguyên liệu sử dụng thấp, chất lượng sản phẩm cao. Trong hợp đồng chúng ta đã đặt ra những điều kiện đó.
* Thưa ông, đây chỉ là dự án thí điểm nên có thể sẽ thành công và cũng có thể không thành công. Ông có chuẩn bị phương án xử lý cho cả hai tình huống này?
– Đã chuẩn bị đến như thế mà còn lo chuyện thất bại thì bản lĩnh hơi kém. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi toàn diện các mặt nhưng với giá alumin trên thị trường như thời điểm hiện nay, tôi tin dự án thành công.
NHÓM PV TUỔI TRẺ thực hiện
Dự án có hiệu quả kinh tế nhưng có rủi ro
Đây là một trong những nội dung kết luận của Hội đồng kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả kinh tế dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ do Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang làm chủ tịch (ông Quang đồng thời là Chủ tịch HĐQT TKV) ngày 13-1-2010.
Theo đó, hiệu quả kinh tế của dự án được phân tích, tính toán trong điều kiện cập nhật những biến động mới nhất của thị trường alumin – nhôm thế giới và các yếu tố ảnh hưởng khác. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hiệu quả kinh tế với cơ chế, chính sách hiện hành cho thấy về phía chủ đầu tư, “dự án có hiệu quả kinh tế nhưng có rủi ro”.
Hội đồng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho phép áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư, điều chỉnh chính sách thuế, phí hợp lý nhằm bảo đảm cho dự án có hiệu quả vững chắc. Cụ thể, cho phép chủ đầu tư thuê đất với thời hạn tối đa theo quy định là 70 năm và được miễn thuế thuê đất đối với diện tích chiếm đất cố định trong suốt thời thạn thuê, đồng thời cho phép vay một phần vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Mặt khác, hội đồng cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế xuất khẩu alumin từ 20% hiện hành xuống còn 10-15% và giảm phí môi trường đối với sản phẩm tinh quặng bôxit (hiện áp dụng mức 30.000 đồng/tấn quặng nguyên khai).
N.TRIỀU
Nguồn: tuoitre.com.vn