Vạch trần bộ mặt bọn đầu sỏ bá quyền nước lớn Bắc Kinh

Nhân ngày Trung Quốc xâm lược một nửa quần đảo Hoàng Sa

Truyền thống giữ biển đảo Hoàng Sa lâu đời của người dân Lý Sơn. Ảnh: André Menras.

Truyền thống giữ biển đảo Hoàng Sa lâu đời của người dân Lý Sơn. Ảnh: André Menras.

Trong mấy ngày 17/1/1971-19/1/1974, Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, với lực lượng mạnh hơn gấp nhiều lần đã bất ngờ tấn công lực lượng Cộng hòa Việt Nam đang đóng giữ hợp pháp phần lãnh thổ của quần đảo Hoàng Sa Việt Nam. Mặc dù thua kém về quân số và vũ khí, các sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng chiến đấu và gây cho kẻ địch nhiều thiệt hại nặng nề về người và phương tiện, nhưng cuối cùng “quả bất địch chúng” chúng ta đã mất nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa.

Trong sự kiện này, Cộng hòa Việt Nam bị bất ngờ, nhưng Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng chưa kịp nghĩ là Ban lãnh đạo Bắc Kinh lại “giở trò” sớm như vậy. Những người đương thời đều biết nội bộ Trung Quốc lúc đó đang diễn ra những cuộc đấu tranh quyền lực rất dữ dội. Sau khi Lâm Bưu “người thừa kế tay lái vĩ đại đã được ghi vào điều lệ đảng” âm mưu đảo chính không thành, bỏ trốn, phơi xác trên cao nguyên Ngoại Mông, phong trào “phê Lâm, phê Khổng” được cả hai phái “lũ bốn ngưòi” và phái “cán bộ cũ” do Chu Ân Lai và nhất là Đặng Tiểu Bình vừa được phục hồi làm đại diện đã “mày sống tao chết” đấu nhau, căn bệnh ung thư của Chu Ân Lai  đã bước vào giai đoạn di căn, Mao Trạch Đông cũng đã tới lúc gần đất xa trời, sản xuất đình trệ, đời sống nhân dân khó khăn… Trong bối cảnh đó, ít ngưòi nghĩ là Ban lãnh đạo Bắc Kinh lại dám làm một việc “tày trời”: mang quân xâm lược, chiếm đóng lãnh thổ của một nước có chủ quyền. Thế nhưng họ đã làm và đã tạm thời thu được thắng lợi.

Bây giờ đã có đủ chứng cớ để nói cho những ngưòi còn có chút mơ hồ biết rằng:

– Một trong những quyết sách cuối đời của Mao Trạch Đông là phê chuẩn kế hoạch đánh chiếm nốt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do chính tay Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh chỉ đạo soạn thảo.

– Một việc làm quan trọng đầu tiên của Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi công tác là sang ngồi lỳ tại Văn phòng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng Trung Quốc để đôn đốc theo dõi trận đánh này. Ông ta đã “dụi tắt mẩu thuốc và nói chúng ta đi ăn cơm thôi” sau khi được tin trận đánh kết thúc.

Ngoài Mao Trạch Đông ra, 3 nhân vật trên, nói chung khi đó đều ít nhiều có được chút cảm tình của một số ngưòi Việt vì bộ mặt bề ngoài và tài che giấu ý đồ thâm hiểm của họ. Chính vì thế mà sau khi sự kiện xảy ra, chúng ta đã có một cuộc phản tỉnh sâu sắc nữa về ngưòi láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” này. Tuy vậy trong tình trạng “đất nước còn chưa hoàn toàn thống nhất”, chúng ta vẫn cần tranh thủ sự “ủng hộ” cần thiết, chí ít là không để họ tìm cách phá rối sự nghiệp vĩ đại của chúng ta… Cho nên, chúng ta đành phải im lặng. Nhưng quyết tâm và kế hoạch thu hồi các đảo trên quần đảo Trưòng Sa đã được hoàn thành tốt đẹp vào năm sau.

Có một việc mà nhân dịp này cũng thấy cần  nói ra. Sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam. Ngưòi Mỹ vô cùng xấu hổ, tức tối vì đã thua mất mặt trước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để thỏa nỗi oán thù, căm hận đó…, người Mỹ đã ngầm tín hiệu cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: đồng ý không can thiệp quân sự khi họ tấn công Hoàng Sa của Nam Việt Nam. Chính sự đồng tình, làm ngơ này của Mỹ đã khiến Bắc Kinh thêm mạnh tay (Ngoài hành động này ra, chính quyền Mỹ lúc đó còn nợ nhân dân Việt Nam một món nợ lớn nữa: đó là Tổng thống Mỹ Carter đã không dám phản đối Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam tháng 2 năm 1979 mà Đặng Tiểu Bình đã thông báo cho ông ta trong chuyến thăm Mỹ tháng 1/1979. Không những thế ông ta còn cung cấp cho Trung Quốc một số động thái về tình hình quân đội Liên Xô tại biên giới Trung Xô và Đông Âu, giúp Trung Quốc hạ quyết tâm đánh nhanh, rút nhanh tại Việt Nam, trước khi Liên Xô kịp đưa quân ở Đông Âu về).

Thế là bằng việc xâm lược nửa còn lại của quần đảo Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, từ chỗ không hề có chỗ đứng chân trên Biển Đông, sau 25 năm dài đeo đuổi, tính toán, Bắc Kinh đã tạm thời có được cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và tới tháng 4 năm 1988, bằng một trận thủy chiến với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, họ lại có thêm được 7 bãi đá ngầm nữa tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nhìn lại những diễn biến lớn của Biển Đông  trong thời gian qua, mong rằng mỗi ngưòi Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, dù chính kiến còn có chỗ khác nhau, dù oán thù cá nhân còn chưa đuợc cởi bỏ hết v.v.  hãy ghi nhớ nằm lòng điều sau đây: chính Ban lãnh đạo Bắc Kinh mới là kẻ thù xâm lược biển đảo của chúng ta, chính chúng đã gây nên cái chết của bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào ở cả hai miền trên đất nuớc ta trước đây cũng như ngày nay. Trước nghĩa lớn của dân tộc, chúng ta hãy đồng thuận trong đối xử với kẻ thù chung, đừng bao giờ có chút ảo tưỏng về chúng, quyết chặn đứng phá tan mọi âm mưu bành trướng bá quyền mới của bọn chúng đối với Biển Đông nói riêng và với cả đất nước ta nói chung.

Nhân dịp nay xin kính cẩn nghiêng mình kính viếng và vinh danh những liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

BCT

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Biển Đông, Đảng CSVN, Hoàng Sa, kinh tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.