Ông Nguyễn Văn An đi cùng thời đại

Ông Nguyễn Văn An. Ảnh: Phạm Hải.

Ông Nguyễn Văn An. Ảnh: Phạm Hải.

Việc ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nêu ra vấn đề “Sửa lỗi hệ thống” của Đảng ta, đã tác động mạnh mẽ tới xã hội bởi nó phù hợp với tâm tư nguyện vọng của dân và phủ hợp thời đại. Đọc các bài viết của ông An, tôi có thu hoạch cá nhân như sau:

I. Hợp tâm tư nguyện vọng

Bác Hồ đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. Và Người cũng nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân làm chủ”. 35 năm nay dân ta không có thực quyền như đã ghi trong Hiến pháp đầu tiên do Bác Hồ nêu ra, thậm chí Đảng viên cũng không được dân chủ do quy định 19 điều cấm (trong đó điều 3,7 vi phạm điểm 3 mục 3 của điều lệ Đảng và vi phạm Hiến pháp).

Theo chúng tôi hiểu, phạm trù Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai vấn đề khác nhau. Khi chưa nắm chính quyền thì Đảng dựa vào dân. Dân cho ăn, cho ở, cho tiền hoạt động, che chở khi có địch khủng bố, thậm chí hi sinh tính mạng để bảo vệ Đảng, để Đảng tồn tại. Khi Đảng cầm quyền là đổi đời cho dân, từ dân nô lệ đến nguời làm chủ đất nước. Thế mà hiện nay, Đảng với dân như vua với bề tôi, như quan với thứ dân, như chủ với đầy tớ, quan liêu nhũng nhiễu dân. Một chân lý tuyệt đối là có dân mới có Đảng, có dân tộc mới có Đảng, có dân mới có thắng lợi. “Dân vi bản”, đó là lẽ trời.

Cần phân biệt “mở rộng dân chủ” và quyền dân chủ của dân. Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”. Như vậy, dân chủ là quyền tự nhiên của con người. Việc nói “Ý Đảng lòng dân” cũng chỉ coi dân là đi theo, là bị động, không có chỗ nào là ý chí, trí tuệ, sáng tạo của dân. Cho nên mọi cái gọi là dân chủ hiện nay chỉ là hình thức nửa vời, ban ơn, không có tính pháp lý.

Lấy ví dụ Quốc hội Việt Nam, quyền dân chủ đến đâu? Nói Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất mà bầu đại biểu cũng phải “Đảng cử dân bầu”, Chủ tịch Quốc hội do Đảng chỉ định trước, Chủ tịch nước, Thủ tướng cũng do Đảng quyết nên đại biểu quốc hội chỉ là “nghị gật”. Chủ tịch Quốc hội điều hành không phải với tư cách đại biểu để cùng bàn bạc thảo luận những công việc trọng đại của đất nước. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đóng vai ủy viên Bộ Chính trị khẳng định: “Khai thác bô xít là chủ trương lớn của Đảng” để cắt không cho bàn nữa. Việc phá hội trường Ba Đình (một di tích đặc biệt của dân tộc, của Đảng), cũng ép Quốc hội phải thông qua.

Rất mừng là trong vài kỳ họp cuối của Quốc hội khoá 12, phần lớn đại biểu đã tỏ rõ thái độ không đồng tình việc làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, việc biến Ba Vì thành thủ đô như ý định của Bộ Chính trị.

Để việc thực thi dân chủ được chính thức đề cao, để Quốc hội trở thành Quốc hội đích thực thì nên:

–   Đảng báo cáo dự kiến chủ trương chính sách trước Quốc hội để Quốc hội bàn quyết định trước, rồi Bộ Chính trị dựa vào đó điều chỉnh để ra nghị quyết, chỉ thị. Nghĩa là Quốc hội họp trước, Đảng họp sau. Cũng có thể nói dân chủ trước, tập trung sau.

–   Tổ chức trưng cầu dân ý như vua nhà Trần đã mở hội nghị Diên Hồng thống nhất ý dân về vấn đề quyết đánh giắc Nguyên hoặc như Bác Hồ triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt năm 1966 để hạ quyết tâm chống Mỹ (việc phá hay để hội trường Ba Đình lẽ ra cũng phải trưng cầu dân ý như người xưa đã làm).

–   Về cơ cấu Quốc hội, cần cân đối số lượng giữa tỉ lệ dân (87 triệu) và số lượng Đảng viên (trên 3,5 triệu). Không nên đòi hỏi tỷ lệ 87% – 90% là Đảng viên, tỷ lệ 30% có thể là hợp lý.

Ngày nay dân trí đã cao, đã qua tiếp xúc với phương tiện truyền thông hiện đại, đã có học vấn, đã qua thực tiễn cuộc sống, biết ai đúng ai sai, biết phân biệt chính ta, phải trái, tốt xấu, đạo đức thật hay đạo đức giả, cơ hội hay trung thực, phản động hay phản biện… Nhân dân biết rất rõ chỗ mạnh chỗ yếu của Đảng và Đảng viên. Trong khi đó, Đảng lại chưa dựa hẳn vào dân, nhất là còn nghi ngờ trí thức (lợi dụng góp ý có động cơ xấu, chống đối, phá hoại). Phải coi trọng những cán bộ, Đảng viên về hưu, số lượng không phải là nhỏ, họ là những người đã qua thử thách lâu năm, có kinh nghiệm trên các lĩnh vực, có uy tín cao trong dân, còn nặng tâm huyết với nước với Đảng.

II. Phù hợp thời đại

1. Thế giới đã và đang có nhiều thay đổi:

–   Nước Cộng hoà liên bang Nga, quê hương cách mạng xã hội chủ nghĩa đã không còn kiên trì chủ nghĩa xã hội nữa mà chuyển sang chế độ cộng hoà và xây dựng kinh tế thị trường, làm cho nước Nga nhanh chóng hồi phục và xứng đáng là một cường quốc.

–   Trung Quốc mang danh có Đảng theo lý luận Mác nhưng đã thực hiện “một nước hai chế độ”, sử dụng cả “mèo trắng mèo đen”, để vươn vòi bạch tuộc đến các nước châu Mỹ La Tinh, châu Phi, châu Á vơ vét tài nguyên. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc thực chất là tư bản chủ nghĩa biến tướng (chưa nói đến việc mang quân “cho Việt Nam một bài học”, chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam…).

–   Chỉ còn Cuba, Bắc Triều Tiên là thành trì cuối cùng của mô hình xã hội chủ nghĩa cũ. Nhưng Cuba đã bắt đầu thay đổi, còn Bắc Triều Tiên vẫn là một “chủ nghĩa xã hội” khổ hạnh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

2. Đến nay có thể nói, chủ nghĩa xã hội do Mác – Anghen đề xướng giữa thế kỷ 19 là không thực tế (đến nỗi chính hai ông, cuối thế kỷ 19 đã lập ra đệ nhị quốc tế theo mô hình xã hội dân chủ. Mác còn kết luận: Các nước tư bản phát triển nhất sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội trước tiên).

Các nước tư bản qua nhiều chu kỳ khủng hoảng kinh tế (theo quy luật kinh tế thị trường) đã kịp thời điều chỉnh để tích cực sửa chữa những khiếm khuyết của nền kinh tế tự do, đã bước đầu giải quyết những mấu thuẫn trong xã hội tư bản bằng cách gia tăng các chính sách phúc lợi xã hội để thúc đẩy xã hội tiến lên. Kinh tế tư bản không những thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển, đi tới kinh tế tri thức mà bên cạnh đó còn quan tâm những vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, xoá nợ cho nước nghèo, chống đại dịch HIV-AIDS…

Một số Đảng cộng sản trong các nước tư bản (Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ…) đã tìm các mô hình khác cho phù hợp với xu thế thời đại.

Việc toàn cầu hoá của tư bản có mặt tiêu cực, có mặt tích cực nhưng đó là quy luật tiến hoá tự nhiên.

III. Suy nghĩ cá nhân liên hệ với hiện tình đất nước

Tôi có cảm tưởng trong Đảng ta, nói đúng hơn là trên đầu Bộ Chính trị, đang có vòng kim cô nên không đủ sáng suốt, tỉnh táo để hiểu những vấn đề của thời đại trong thế kỷ 21 đang đổi mới. Thời đại hiện nay, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền song song phát triển. Kinh tế phát triển theo quy luật, sáng tạo, đa dạng. Con người là chủ thể cũng luôn sáng tạo. Mác và Anghen đã viết trong tuyên ngôn cộng sản: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Kinh tế thị trường muốn phát triển bền vựng và cân đối nhất định phải xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng ta thường nói “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nhà nước quản lý và nhà nước pháp quyền khác nhau, nhà nước pháp quyền điều hành có luật pháp, có luật lệ công khai minh bạch. Không thể nhân danh Tổng bí thư cho phép khai thác bô xít ở Tây Nguyên mà không cần hỏi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Tổng bí thư Đảng không thể đứng trên Quốc hội. Đảng lãnh đạo Quốc hội nhưng không phải chỉ huy Quốc hội. Việc Đảng chủ trương xử lý kỷ luật nội bộ có đúng pháp quyền không hay là bao che, hay để cho cán bộ Đảng viên tiếp tục vi phạm luật dân sự, luật hình sự… Đã có lúc phải có luật về Đảng, để Đảng hoạt động đúng pháp luật, công khai, minh bạch, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vừa chống bao biện, tuỳ tiện, vừa chống dựa dẫm ỷ lại, không rõ trách  nhiệm, vừa đề cao được uy tín và trí tuệ của Đảng…

Trên đây là những giãi bày tâm sự hưởng ứng đề xuất “Sửa lỗi hệ thống” của ông Nguyễn Văn An. Tôi cảm ơn ông đã vượt lên chính, đi cùng thời đại.

H. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.