Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Đặng Quốc Bảo –nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa IV, Trưởng ban Khoa giáo T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn – đã chia sẻ với Báo Thanh Niên:
Chính thể nào cũng vậy, đảng cầm quyền cũng phải tự điều chỉnh mình để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đơn giản là vì trí tuệ của đông đảo quần chúng bao giờ cũng đa diện, phong phú và sáng suốt hơn của cá nhân. Đảng ta cũng vậy, sự lãnh đạo của Đảng sẽ rất hiệu quả, sẽ lãnh đạo nhân dân đi đến phồn vinh và hạnh phúc khi Đảng biết lắng nghe. Lắng nghe ý kiến của dân, tôn trọng quyền làm chủ của dân, để cho dân được làm chủ. Để biết lắng nghe, người lãnh đạo phải có cái tâm, phải biết nghe ý kiến nhiều chiều, biết chắt lọc chân lý và biến nguyện vọng của quần chúng thành quyết sách của Đảng.
Theo tôi, toàn Đảng ta phải lắng nghe, từ Bộ Chính trị đến các chi bộ, từ T.Ư đến các địa phương. Chúng ta phải tiếp tục tiếp thu phản biện xã hội như trong thời gian qua vì phản biện xã hội rất quan trọng, nó tạo cho người lãnh đạo có thêm thông tin để xử lý các vấn đề phát sinh trong xã hội. Phản biện xã hội còn góp phần vào việc xây dựng cái tâm của lãnh đạo, điều chỉnh hành vi của lãnh đạo. Tôi thấy thời gian vừa qua các phản biện xã hội nếu được tiếp thu thì đều cho hiệu quả tích cực.
Không chỉ là phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, Đảng cũng cần chấp nhận và có cơ chế tham khảo ý kiến trái chiều. Theo tôi, ý kiến trái chiều có bốn nguyên nhân phát sinh. Một là khi người ta giỏi hơn, người ta phê mình. Hai là họ có thông tin tốt hơn mình. Ba là khi mình có hành vi đối xử không phải. Bốn là khi họ chính là đối nghịch của mình. Tôi đặc biệt quan tâm đến điều thứ 4 này, nó rất quan trọng vì thường thì khi kẻ đối nghịch phê phán ta họ thường nghiên cứu mình kỹ lắm. Cũng nên chọn lọc những ý kiến ấy để lắng nghe, phân tích. Thậm chí, sẽ còn tốt hơn nếu chúng ta đối thoại, tranh luận với họ. Theo tôi, nếu chúng ta có cơ chế cho người dân được góp ý kiến, cho các nhà khoa học phản biện thì rất tốt, cá nhân tôi rất hào hứng với việc tổ chức ra các cuộc tranh luận để mình tìm ra được một chân lý. Với nhiều vấn đề, nếu cho cơ chế dân chủ nêu ý kiến phù hợp, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người dám nói, dám nêu ý kiến. Ở nước ngoài, người ta còn có những cơ quan thăm dò ý kiến xã hội, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng nên mở rộng việc này.
Chúng ta đều biết kết quả của Đại hội VI là đổi mới, vốn được bắt đầu từ sự lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng trong quá trình chuẩn bị đại hội, đặc biệt là sự tiếp nhận, đổi mới tư duy từ đồng chí Trường Chinh, khi đó là Tổng bí thư.
Lưu Quang Phổ (ghi)
Đ. Q. B.
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201102/20110108003008.aspx