2010, cùng ngoảnh nhìn lại

"Báo chí có quyền đấu tranh với những người cố tình bưng bít thông tin, đòi hỏi sự minh bạch trong công vụ, qua đó giành lại quyền tác nghiệp một cách chính đáng của mình, đã được quy định bởi pháp luật".

"Báo chí có quyền đấu tranh với những người cố tình bưng bít thông tin, đòi hỏi sự minh bạch trong công vụ, qua đó giành lại quyền tác nghiệp một cách chính đáng của mình, đã được quy định bởi pháp luật".


Năm 2010 là một năm dồn tụ nhiều sự kiện lớn và cũng đầy biến chuyển. Cuối năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cận kề. Nhân thời điểm sắp kết thúc năm, một chuyên san mời mấy anh em tham gia cuộc tọa đàm qua mạng với chủ đề: “Năm 2010 – thực trạng và bàn luận”. Cách này đỡ mất thời giờ đi lại, phòng ốc bày vẽ tiếp đón lễ tân… Vậy là anh tòa soạn được cái nhàn, chỉ phải đọc bài biên tập phê duyệt cho vừa ý báo mình rồi cho in. Về tọa đàm chủ đề có rồi, cứ thế từng người đưa chủ kiến của mình. Nhà văn Nguyễn Đình Chính được tòa soạn giao nhiệm vụ “chủ trì” nêu câu hỏi, nêu vấn đề và từ đấy mấy anh em chúng tôi phát biểu bằng văn bản. Sau khi chuyển ý kiến cho nhau, trao đi đổi lại với nhau, một văn bản chung cuộc được anh Chính gửi cho tòa báo. Các anh bên báo xem xét và quyết định cuối cùng, sao là tùy các bạn ấy.

Nhận thấy các vấn đề phù hợp với blog này, xin đưa về đây bạn bè cùng chia sẻ (mà hai entry trước tôi đã đưa một phần nội dung, nay đưa toàn văn). Cũng nói ngay đây là bản viết của ba anh em chúng tôi, còn bản sẽ in vào chuyên san có thể giữ nguyên thế này hoặc có sửa chữa thêm bớt là phía tòa báo người ta quyết định.

Thực trạng từ các góc nhìn

Nhà văn Nguyễn Đình Chính (anh thường tự giới thiệu mình như một cây bút tự do, free-lance): Năm 2010 là một năm có rất nhiều sự kiện lớn, sôi nổi, đầy biến động về kinh tế, chính trị và xã hội. Điều đó cũng là tất yếu sẽ xẩy ra khi đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ trên con đường hội nhập với nền kinh tế, chính trị và văn minh toàn cầu.

Hiện nay trên báo chí, truyền thông và nhất là trong dư luận rộng rãi ngoài xã hội cũng đang có nhiều ý kiến nhận định, đánh giá, tranh luận, phản biện rất sôi nổi.

Không chỉ riêng tôi mà có lẽ nhiều người đọc của Tinh hoa Việt (THV) muốn nghe ý kiến khái quát của hai anh về những nét chính về kinh tế – chính trị – xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội): Về kinh  tế, Việt Nam có một số thành công đáng ghi nhận trong duy trì tốc độ tăng trưởng và cải thiện về xuất khẩu, cũng như phát triển thị trường trong nước. Tuy nhiên, đang xuất hiện ngày càng đậm những vấn đề cả mới và cũ về những “nút thắt cổ chai” trong thể chế, trong nguồn nhân lực lãnh đạo và lao động có chất lượng, trình độ cao; về cơ sở hạ tầng cũng đòi hỏi nhiều bước tiến hơn nữa đối với chất lượng các công trình trước yêu cầu phát triển đất nước ngày càng cao theo hướng hiện đại và bền vững… Những giới hạn về phát triển theo bề rộng và mô hình cũ ngày càng “đội trần”, những nét mới về phát triển theo chiều sâu chưa định hình rõ ràng hoặc chưa phát huy hiệu quả; khuynh hướng can thiệp hành chính vào nền kinh tế và những động thái giá cả, lãi suất và thị trường bất thường, phi thị trường và bất chấp hiệu quả đầu tư, cũng như độ an toàn trong nền kinh tế ngày càng tích tụ, nhạy cảm và có tính báo động cao.

Nguyễn Vĩnh (Nguyên Vụ trưởng, Tổng Biên tập Báo Quốc tế, Bộ Ngoại  giao): Năm 2010 là năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai thế kỷ mới; năm Thăng Long – Hà Nội 1000 tuổi, năm kết thúc thực hiện các chương trình mục tiêu 10 năm phát triển kinh tế-xã hội (2001-2010) cũng là năm ngay trước thềm Đại hội Đảng XI… Ở đây tôi tập trung vào bức tranh kinh tế-xã hội. Nhìn lại năm 2010 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Thống kê quốc gia cho biết, trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra cho kế hoạch năm 2010 đã có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. GDP cả năm khả năng tăng 6,7% là cao hơn kế hoạch đề ra (6,5%) và cũng vượt hơn năm 2009 (5,32%).

Tuy nhiên nhìn toàn cục nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm. Do Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu các nguyên nhiên liệu khoáng sản thô, còn sản phẩm phần lớn sử dụng nhiều lao động trong khi lợi thế chi phí nhân công thấp như vậy không thể kéo dài. Việc khai thác tài nguyên và sản xuất chạy theo số lượng đã làm môi trường bị hủy hoại nặng nề.

Nguyễn Minh Phong: Về chính trị, tôi nghĩ có sự gia tăng uy tín chính trị và vị thế quốc tế; sự dân chủ hóa chính trị và đời sống xã hội có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực; đồng  thời,  sự đồng thuận xã hội và sức ép yêu cầu cải cách toàn diện về thể chế ngày càng gia tăng… Về xã hội dễ nhận thấy sự gia tăng sức ép xã hội về việc  làm, thu nhập thực tế và chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng; có nguy cơ gia tăng tỷ lệ nghèo và tái nghèo gắn với những khó khăn khách quan. Về thời tiết có những biểu hiện bất thường gây thêm lo lắng cho các tầng lớp nhân dân vùng bị thiên tai. Bên cạnh đó là sự bất cập của một số  chính sách kinh tế-xã hội, nạn tham nhũng và tệ chạy theo lợi ích nhóm hoặc nhiệm kỳ chưa có dấu hiệu cải thiện đều ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Vĩnh: Những tháng cuối năm đồng tiền quốc gia đã mất giá so với vàng và các ngoại tệ mạnh. Điều này sẽ làm giảm sức thu hút đối với đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do giá cả tăng cao.

Kết cấu hạ tầng như một căn bệnh cố hữu khó khắc phục; rồi tình trạng thiếu điện lặp đi lặp lại vẫn chưa có giải pháp thoát ra; khan hiếm các nguồn nhân lực có chất lượng cao…, tất cả những nhược điểm này cộng hưởng sẽ tác động không thuận cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho những năm tới.

Hòa bình, an ninh cùng tiếng nói chung?

Nguyễn  Đình Chính: Tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc (LHQ) khai mạc trọng thể sáng ngày 20/9/2010 tại trụ sở tổ chức này tại New York – với sự tham dự của 193 đoàn đại biểu các nước thành viên – trong số này có tới 140 các vị  nguyên thủ nhà nước hoặc chính phủ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng tham dự hội nghị này. Ngài Ban Ki-Moon, Tổng thư ký LHQ đã khẳng định: Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG), đem lại nhiều bài học, kinh nghiệm tốt cho các quốc gia khác”.

Thú thực là nghe ngài Tổng thư ký LHQ khẳng định như vậy, tôi thấy có vẻ như một lời khen ngoại giao thì đúng hơn. Không biết hai anh  suy nghĩ gì về lời nói trên của Ngài Tổng thư ký LHQ?

Nguyễn Minh Phong: Về tổng thể và cơ bản thì đúng đấy. Tuy nhiên, Việt Nam không nên ngủ quên và tự thỏa mãn, vì về thực chất, vẫn có nhiều bức xúc và tính thiếu ổn định khá là cao của những thành tựu này. Thậm chí ở đây cần hiểu đúng những bài học và kinh nghiệm tốt cho các nước có thể là chính những điểm mà Việt Nam đôi khi làm chưa tốt…

Nguyễn Vĩnh: Ngài Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẳng định như vậy vì đúng là Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn tới 5/8 mục tiêu phát triển mà LHQ đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh họp tại New York cách đây 10 năm, tháng 9/2000. Ba mục tiêu còn lại Việt Nam vẫn theo sát phấn đấu, gần như nói chắc là sẽ hoàn thành vào năm 2015 như lộ trình của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này khuyến nghị.

Dù có thể còn chưa hài lòng với những thành tựu Việt Nam đạt được khi so sánh với các chỉ số của những nền kinh tế phát triển nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, từ một nước thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực và nhiều mặt hàng thiết yếu, nay sau những năm phấn đấu gian nan Việt Nam đã không còn ai chết vì đói, đất nước đã có một lượng lương thực thực phẩm dồi dào, thậm chí là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hàng nông sản và một số mặt hàng gia dụng.

Đánh giá của Ngài Tổng thư ký là thành tựu của Việt Nam “đem lại nhiều bài học và kinh nghiệm tốt cho các quốc gia khác” một mặt là sự trân trọng đáng quý dành cho Việt Nam, nhưng mặt khác càng khiến chúng ta phải suy nghĩ để phấn đấu hơn nữa cho xứng đáng với lời khen ngợi như vậy.

Nguyễn Đình Chính: Năm 2010 dư luận trong nước và trên thế giới hoan nghênh Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã thành công tuyệt vời nâng cao vị thế và và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới khi đưa vấn đề tranh chấp và đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế hóa, được các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, cam kết cùng nhau có trách nhiệm giữ gìn hòa bình, an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông.

Nguyễn Vĩnh: Có lẽ việc làm tốt nhất về đối ngoại năm 2010 là Việt Nam đã đưa được vấn đề Biển Đông ra trao đổi tại cuộc gặp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm mà chúng ta luân phiên làm Chủ tịch. Đương nhiên cách tiếp cận vấn đề hòa bình – an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông như thế cũng đã trở thành mối quan tâm lớn tại các diễn đàn cấp cao bên cạnh ASEAN, như ARF (an ninh khu vực), ASEAN + 1, ASEAN + 3 (cơ chế giữa hiệp hội với một nước hoặc nhóm nước ở Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Đặc biệt của Thượng đỉnh ASEAN lần này là hai sự kiện có ý nghĩa diễn ra trước đó: Cuộc gặp cấp cao Mỹ – ASEAN tại Washington ngày 25/9/2010 và Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) họp tại Hà Nội ngày 11/10/2010 với sự tham gia của 10 Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN và 8 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia và New Zealand.

Tại cuộc gặp cấp cao Mỹ – ASEAN vừa kể trên phía Mỹ coi tổ chức này là đối tác chiến lược và khẳng định nguyên tắc hòa bình trên Biển Đông đã đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN. Còn với ADMM+ lần đầu tiên tổ chức tại nước chủ nhà Việt Nam thì kể từ đây được coi là cơ chế hợp tác và tham vấn về quốc phòng và an ninh cao nhất cấp Bộ trưởng về các vấn đề an ninh khu vực giữa các nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác.

Với sự thành công của một chuỗi các hội nghị cấp cao nhất và cấp Bộ trưởng của AEEAN và các quốc gia đối tác diễn ra dồn dập trong năm nay đã làm cho chính bản thân cộng đồng ASEAN tự tin hơn, vị thế của ASEAN cũng được nâng thêm một bước mới quan trọng. Đương nhiên là nước chủ nhà, Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã có đóng góp đáng kể cho các thành tựu chung này.

Nguyễn Minh Phong: Đúng là có phần nào góp sức của Việt Nam cho những thành công này, tuy nhiên cần cứng rắn và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc và quốc tế trong chuyện này hơn nữa, không để những nguy cơ chia rẽ và ngập ngừng làm suy yếu ý chí và sức mạnh ngàn năm của Việt Nam.

Nguyễn Vĩnh: Không thể không thấy sự phức tạp của tình hình Biển Đông, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo trong khu vực này vẫn chất chứa những ẩn số khó lường khiến cho tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông là không đơn giản.

Mặc dù vậy, nhìn từ khía cạnh khác chúng ta còn thấy, cùng với hoạt động của giới chính trị quốc tế, các hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra gần đây của giới học giả và các nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và đề xuất chính sách, tất cả đã tăng thêm đáng kể cách tiếp cận quốc tế về Biển Đông. Những điều đó làm cho năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN mở ra một hướng mới giải quyết vấn đề Biển Đông – đó là vấn đề này cần được nhìn nhận từ thực chất là hòa bình an ninh khu vực, tức là phải được quốc tế hóa.

Nhìn nhận vấn đề như thế đương nhiên còn có các ý kiến khác nhau. Nhưng rõ ràng hòa bình và an ninh cho Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của một số quốc gia liên quan trực tiếp mà đã trở thành mối quan tâm của nhiều nước đối tác, vì nó liên quan đến tự do hàng hải quốc tế ở một vùng biển có ý nghĩa chiến lược. Đấy có thể là thành tựu cơ bản và quan trọng nhất về đối ngoại và cụ thể là ngoại giao đạt được trong năm nay xung quanh vấn đề Biển Đông.

Nguyễn Đình Chính: Nhưng thưa hai anh đó đây, thông tin truyền thông vẫn cho chúng ta thấy ngư dân miền Trung, nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ngãi khi đánh bắt hải sản trên biển vẫn bị các nước láng giềng đe dọa vũ lực và bắt giữ tàu thuyền cùng con người. Điều đó cũng nói lên một điều: Biển Đông chưa thực sự lặng sóng. Trong khi đó chúng ta vẫn cố duy trì thực hiện một chính sách ngoại giao hòa bình giữ đúng nguyên tắc bảo vệ vững chắc chủ quyền và hết sức mềm dẻo, linh hoạt là cần thiết cho đất nước chúng ta.

Nguyễn Minh Phong: Mềm dẻo, linh hoạt là đúng, nhưng không được đồng nghĩa với yếu đuối và ngập  ngừng, thậm chí vô trách nhiệm với lịch sử và tương lai, nhất là không được phép làm thui chột ý chí tự lực, tự cường và tinh thần yêu nước và bất khuất như một tài sản vô giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Vĩnh: Phải nói tranh chấp ở Biển Đông là một thực tế không thể lẩn tránh trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tranh chấp ở đây không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản mà đằng sau nó ẩn hiện nhiều lợi ích sống còn về chủ quyền, về khai thác các tài nguyên biển khác cũng như những yêu cầu về tự do hàng hải lâu dài… Tuy nhiên câu chuyện bắt giữ tàu thuyền đánh cá và ngư dân ta vẫn nổi lên như một vấn đề “nóng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nói tóm lại vấn đề Biển Đông là rất phức tạp vì nó liên quan đến chủ quyền biển đảo, tự do hàng hải và tầm nhìn chiến lược lâu dài phát triển đất nước của các quốc gia liên quan đến Biển Đông. Cho nên từ lâu Việt Nam vẫn kiên trì một lập trường nguyên tắc – một mặt khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ cơ sở pháp lý; mặt khác vẫn luôn luôn nói rõ với cộng đồng quốc tế là mọi vấn đề tranh chấp về Biển Đông đều phải được giải quyết thông qua con đường thương lượng hòa bình, và trong khi chờ đợi điều đó, các bên liên quan không được làm gì gây phức tạp thêm tình hình.

Hành động Trung Quốc tiến hành bắt giữ tàu thuyền và ngư dân Việt Nam vừa qua là hành động đơn phương gây căng thẳng, và chính điều đó đã làm tình hình thêm phức tạp.

Thiên tai triền miên và bão giá

Nguyễn Đình Chính: Lũ lụt miền Trung hầu như năm nào cũng xuất hiện, nhưng năm 2010 mức độ nặng nề khủng khiếp. Tôi rất đau lòng khi xem ti vi thấy biển nước mênh mông nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà, rồi người leo cột điện, người trèo ngọn cây, trâu bò chết, người chết… Thiệt hại vô cùng lớn! Và tôi có cảm giác dường như các đám cháy rừng vẫn cứ triền miên không dứt? Chúng ta đang bất lực trước nạn rừng đang bị đốn hạ không thương tiếc. Chả lẽ không có cách gì để rừng xanh mãi và hạn chế lũ lụt? Mặc dù công tác phòng chống bão lụt của chúng ta rất quyết liệt, nhưng tôi có cảm giác sức con người quá nhỏ bé không chống nổi thiên nhiên hung dữ và cộng thêm ý thức ứng xử thô bạo và lầm lẫn với thiên nhiên, rõ ràng là chúng ta đang rất lúng túng bị động trong mùa lũ lụt và bão dông.

Nguyễn Vĩnh: Lũ lụt ác liệt như ở miền Trung năm vừa qua là một điều chưa từng thấy xuất hiện không chỉ ở cường độ bạo liệt hơn xưa mà về tần xuất thì liên tục và dày đặc. Vì thế tôi nghĩ ở đây có vấn đề biến đổi khí hậu đang xảy ra trên toàn cầu mà nguyên nhân chính là hiệu ứng nhà kính và còn còn có nguyên nhân do con người chúng ta khai thác tài nguyên bừa bãi và nhất là nạn phá rừng ở quy mô không thể kiểm soát. Đúng là chúng ta đã “ứng xử thô bạo và lầm lẫn” với thiên nhiên và đương nhiên thiên nhiên “ngoảnh mặt” và “đối đầu” với chính chúng ta.

Tại Cancun, Mehico, Liên hợp quốc sẽ nhóm họp Hội nghị Biến đổi khí hậu của thế giới. Lúc này hội nghị chưa diễn ra nhưng xem ra các thỏa thuận tích cực mà phần lớn nhân loại mong đợi có thể sẽ không đạt được bởi nguyên nhân sâu xa bên trong là “các lợi ích” của các nước lớn sẽ bị đụng đến nếu họ đi tới thỏa thuận dễ dàng. Vì thế “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp diễn và kéo dài bất chấp các nước đang phát triển và nước nghèo ngay giờ đây đã và đang bị đả thương và lãnh đủ! Trong số ai cũng biết rất rõ là có Việt Nam chúng ta.

Nguyễn Minh Phong: Một vấn đề rất quan trọng liên quan tới là cần tiếp tục công cuộc chống tham nhũng kiên quyết hơn nữa trong lĩnh vực này, quy trách nhiệm cụ thể ở cấp lãnh đạo địa phương cụ thể là cấp tỉnh thành; đi đôi với tăng cường minh bạch hóa, cụ thể hóa quyền sở hữu, quyền khai thác và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ban hành chế tài nghiêm ngặt và tăng quyền tự vệ, trấn áp cho kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng sẽ giúp công cuộc bảo vệ thiên nhiên và rừng cây hiệu quả hơn. Trong một số trường hợp cần thiết có thể huy động quân đội vào công tác bảo vệ rừng ở những địa bàn nhạy cảm hoặc kiểm lâm yếu, có biểu hiện hối lộ tham nhũng ở địa phương liên quan.

Nguyễn Vĩnh: Một thông tin có ý nghĩa: Truyền thông thế giới vừa tường thuật tại Cancun, Mehico là ngoài các đại biểu dự hội nghị còn có tới hơn 500 người tự nguyện đến Cancun từ các phương trời khác nhau. Những đại biểu “dân cử” này đã tiến hành các hoạt động phong phú trước ngày diễn ra hội nghị này nhằm gây ảnh hưởng tích cực nhất lên các vị đại biểu chính thức cho các quốc gia tham dự. Trưng cầu ý kiến thì có khoảng 88% người trong số đại biểu cho nhân dân kể trên cho rằng, nếu hiện tại các chính phủ hữu quan không áp dụng biện pháp quyết liệt giải quyết từng bước vấn đề khí hậu biến đổi xấu, thì đây có thể sẽ là mồi lửa cho các cuộc xung đột trên thế giới, thậm chí dẫn đến chiến tranh quy mô lớn chứ không thể xem thường.

Sự việc trên càng nói lên tính tương phản sắc nét của cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu – một bên là của những con người đại diện cho lương tri nhân loại rộng rãi; và bên kia là các nhóm lợi ích thiểu số có phần tham lam tại một số cường quốc nước lớn… Buồn thay đó lại là thực tế, nó đã và đang diễn ra trên thế giới như một sự thách đố.

Nguyễn Đình Chính: Một độc giả của “Tinh hoa Việt” tâm sự là anh có cảm giác đang đứng trước một bức tranh năm 2010 khá ảm đạm và buồn bã. Cuối năm lạm phát tăng tốc và giá cả thị trường biến động chóng mặt. Chẳng hạn như vàng có lúc bị đẩy lên tới 36,5 triệu đồng/1 cây và đôi lúc bị đẩy cao hơn nữa. Các loại hàng lương thực thực phẩm tăng 13-15%. Người nội trợ rất lúng túng và khổ sở khi đồng lương vẫn thế mà giá cả thì không kiểm soát được. Chúng ta sẽ cùng chia sẻ với nhau và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Dù hiểu giá cả tăng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong nước và thế giới… nhưng chẳng phải là phần lỗi nặng hơn nghiêng về nhân tố chủ quan và trong nước?

Nguyễn Vĩnh: Bức tranh năm 2010 có “khá ảm đạm và buồn bã” hay không thì hãy làm một “phép thử”: Hãy thử ngừng làm một nhà báo, một quan chức quản lý hay một nhà nghiên cứu chỉ chừng một khoảnh khắc thôi để tạm trở thành một người nội trợ trong những tháng cuối năm này. Bạn sẽ thấy ngay lập tức cái sức ép của cơm áo gạo tiền, của đời sống thường nhật nó gắt gay đến mức nào?

Cho dù những cắt nghĩa và lý luận giải thích ra sao của các chuyên gia kinh tế, của người quản lý giá cả thì người tiêu dùng vẫn phải trực diện hàng ngày đối mặt với giá cả tăng – từ đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất đến các mặt hàng khác mà người dân nhiều khi không thể không mua sắm và sử dụng dịch vụ. Cảm giác chung là đều thấy khó chịu và đầy lo lắng.

Nguyên nhân của thực trạng không mong muốn này có thể là từ nền kinh tế vĩ mô “có vấn đề”. Chẳng phải là chính Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã bày tỏ quan ngại là hệ thống quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng. Tại đây chúng đã và đang bộc lộ rõ sự bất cập mà điển hình là vụ việc xảy ra ở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Lý do được chỉ ra là cơ chế kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời… Chính sự nợ nần, thất thoát, lỗ lã triền miên của nhiều tổ chức kinh tế quốc doanh từ lớn đến nhỏ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển không bền vững của toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin về đồng tiền Việt Nam, gây nên những đợt sốt giá.

Đồng ý là giá vàng thế giới dịp vừa qua có tăng, nhưng ở Việt Nam biên độ tăng giá của đồng tiền Việt Nam khi so sánh với vàng và một số ngoại tệ mạnh luôn luôn vượt trội, đủ hiểu người ta không mấy tin tưởng giữ lại đồng tiền quốc gia mà họ sở hữu trong tay. Có thể các mặt hàng khác nhau đồng loạt tăng giá là xuất phát từ nguyên nhân cơ bản này.

Nguyễn Đình Chính: Vinashin nợ nần chồng chất hơn 86 ngàn tỷ đồng. Rõ ràng là mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm và tính không ưu việt của nó…

Nguyễn  Minh Phong: Cái đó đã quá rõ, nhất là do cơ chế trách nhiệm cá nhân và nhìn qua các giải trình thì đều thấy bộc lộ…

Nguyễn Vĩnh: Về vụ Vinashin tôi nghĩ dù chính phủ luôn thông tin là đã có những nỗ lực khắc phục, tuy nhiên là công dân chúng tôi nghĩ là không nhiều người đã yên tâm và hài lòng đối với những thong tin và giải trình hiện nay. Gần đây còn có nhiều thông tin liên quan đến những khoản nợ ngân hàng nước ngoài, trong đó tới 60 triệu USD đáo hạn phải trả ngay và chủ trương từ chính phủ xin giãn hoặc hoãn khoản nợ đó (cụ thể là khoản nợ một ngân hàng Thụy Sĩ 600 triệu USD mà Vinashin đáo hạn phải trả làm 10 lần trong một số năm liên tiếp). Kết quả thế nào chưa biết vì còn phụ thuộc vào thiện chí của bên cho vay là ngân hàng nước ngoài.

Nguyễn Đình Chính: Theo tôi biết thì ngân hàng nước ngoài này vừa qua đã không đồng ý cho Vinassin khất hoãn nợ…

Nguyễn Vĩnh: Hiện nay thông tin chính thức nói rằng xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo cấp cao của Đảng thì Chính phủ đang vào cuộc nhằm “tái cơ cấu” Vinashin theo cách cho hoãn trả nợ đối với các khoản ngân hàng thương mại ở trong nước. Điều đó đương nhiên sẽ đụng chạm đến phần lãi suất, đồng nghĩa là ngân sách nhà nước sẽ phải có cách nào đó bù cho các ngân hàng thương mại; đồng thời với chủ trương miễn giảm thuế cho Vinashin trong ba năm tới thì đương nhiên phần thuế thu vào ngân sách cũng sẽ bị giảm theo…

Nguyễn Đình Chính: Tôi tin vào chủ trương tái cơ cấu Vinashin vì đấy là cũng là cách duy nhất mà hầu  hết các nước trên thế giới đang làm để cứu các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng khổng lồ đang đứng trước nguy cơ  phá sản do hậu quả và ảnh hưởng xấu của  khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Vĩnh: Ở đây chúng ta phải phân định rạch ròi tập đoàn kinh tế của nước ta khác hẳn với các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Tập đoàn của ta, từ vốn liếng nhân sự tất cả hoàn toàn là của nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, trong khi tại các nước (hiểu là hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa) họ lại đều đi từ tích tụ tư bản tư nhân riêng lẻ. Các doanh nghiệp nhà nước của chúng ta khó mà đi theo con đường quản lý có hiệu quả mà các tập đoàn kinh tế tư nhân nước ngoài đã làm được chừng nào chúng ta xử lý không rõ ràng các cơ chế quản lý – mà cụ thể là một trong những biểu hiện đó chính là cơ chế bộ/ngành “chủ quản” các doanh nghiệp cần sớm được xóa bỏ. Đã là doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp “công ích” mà quốc gia nào cũng phải lập ra) là chỉ hoạt động theo luật doanh nghiệp, tức hoạt động theo luật pháp và chỉ phải tuân theo luật pháp! Mọi can thiệp có tính chất hành chính đều có thể phá hỏng mọi kiểu cách quản lý và điều hành của doanh nghiệp.

Nguyễn Đình Chính: Đúng là có dư luận xã hội cho rằng nhà nước dùng biện pháp hành chính can thiệp quá nhiều trong cách điều hành kinh tế nên đã xẩy ra không ít sự cố trong năm 2010. Nhưng cũng thật may là xã hội ta ổn định, có sự đồng thuận cao và đặc biệt nền kinh tế nước ta có một sức chịu đựng rất dẻo dai. Vì vậy cần phải nới lỏng sự can thiệp của nhà nước để thị trường tự giải quyết theo quy luật của mình.

Không hiểu hai anh có chung ý kiến này với tôi không?

Nguyễn Vĩnh: Theo tôi nghĩ, nhà nước về nguyên tắc chỉ cần nắm những ngành những khâu then chốt có tính cơ bản của toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Điều quan trọng bậc nhất là điều tiết giá trị thực chất của đồng tiền quốc gia, bởi tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế. Do đất nước đã hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế thế giới nên bộ máy theo dõi và nghiên cứu kinh tế thế giới, cụ thể hơn là nghiên cứu về thị trường giá cả, về tài chính ngân hàng tiền tệ quốc tế phải hết sức năng động và có tiếng nói tư vấn kịp thời. Chính phủ chỉ quyết định khi nhận được những thông tin và tư vấn đáng tin cậy và có chất lượng nhất của bộ máy nói trên. Xem ra ở ta công tác này chưa được thực sự coi trọng.

Xã hội dân sự và dân chủ đang tốt dần lên

Nguyễn Đình Chính: Theo dõi hai kỳ họp Quốc hội, tôi rất mừng là không khí tranh luận, phản biện rất sôi nổi. Các vị đại biểu Quốc hội như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết cứ đăng đàn là hội trường “nóng” lên. Thủ tướng và các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn, người thì trả lời chung chung, đổ tội cho cơ chế; người thì bản lĩnh, mạnh dạn thẳng thắn, sắc sảo đối thoại.  Người xem truyền hình trực tiếp rất mừng và phấn khởi? Điều đó cho thấy những dấu hiệu gì?

Rồi ngay cả ở các diễn đàn đại hội Đảng, đại hội các tổ chức đoàn thể cũng diễn ra rất sôi động. Chúng ta thấy nhiều vị đứng đầu địa phương, ngành tri thức, học thức cao và còn… rất trẻ. Rõ ràng là nguồn nhân lực quốc gia đang có đất tốt để phát triển?

Muốn biết ý kiến của hai anh về các hiện tượng và thực tế này.

Nguyễn  Minh Phong: Việt Nam đâu thiếu nhân tài, vấn đề là cơ chế phát hiện, trọng dụng, bảo vệ  và tôn vinh nhân tài thôi.

Nguyễn Vĩnh: Mấy năm gần đây không khí xã hội đã làm quen dần với những tranh luận và phản biện. Chẳng hạn rõ nhất là từ diễn đàn quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội cho đến các diễn đàn cấp dưới là Hội đồng nhân dân các địa phương nổi lên một không khí dân chủ cùng với nhiều ý kiến tranh luận phản biện. Nhiều phiên chất vấn các cơ quan hành pháp trở thành những diễn đàn phản biện và tranh luận khá sôi nổi, có sức cuốn hút dư luận và truyền thông. Các phiên họp quan trọng như vậy thường được tường thuật tại chỗ qua phát thanh và truyền hình. Tính công khai và minh bạch từ các cơ quan nắm quyền lực nhà nước đã phần nào được thể hiện và cọ xát trước cử tri và công luận.

Bức tranh vẫn sáng sủa

Nguyễn  Minh Phong: Dù lạm phát, giá cả tăng, đồng tiền Việt Nam mất giá, giá cả sinh hoạt có chiều hướng tăng nhanh vào cuối năm nhưng các mục tiêu cơ bản kinh tế – chính trị – xã hội đã hoàn thành tốt. Thành tựu xuất sắc nổi bật năm 2010 chính là giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Vĩnh: Tôi cũng đồng tình với tiến sĩ Nguyễn Minh Phong về thành tựu xuất sắc nổi bật năm 2010 chính là giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên cuối năm có biểu hiện sự tăng trưởng này là  không bền vững.

Nguyễn Đình Chính: Trước một ngày tham dự buổi tọa đàm lý thú này, một bạn đọc đã hỏi tôi, thưa nhà văn với tư cách là một công dân, ông hãy chọn một vấn đề nóng bỏng, bức xúc nhất để góp ý với Nhà nước thì ông sẽ lựa vấn đề nào? Vậy lựa chọn của hai anh?

Nguyễn Vĩnh: Chọn một vấn đề nóng hổi và bức xúc nhất góp ý cho Nhà nước lúc này quả là khó. Bởi có quá nhiều vấn đề “nóng hổi” mà xã hội đang đặt ra.

Nhưng nếu buộc phải chọn thì vấn đề phát huy dân chủ lúc này phải được đặt ra một cách quyết liệt và thực chất nhất. Trước Đại hội Đảng XI vấn đề này càng bức thiết, cũng là một cơ hội để Đảng bàn thảo và có những quyết định theo hướng dân chủ hóa hơn nữa đời sống xã hội.

Nguyễn  Minh Phong: Hãy đột phá toàn diện về thể chế và chống tham những triệt để trong công tác cán bộ.

Nguyễn Đình Chính: Những năm qua nhờ đổi mới tư duy đổi mới kinh tế trước, đổi mới chính trị sau nên đất nước ta đã được những thành tựu to lớn phát triển kinh tế vượt bực và có mức tăng trưởng vào loại nhất nhì ở châu Á. Nhưng có lẽ đã đến lúc, để bảo vệ và phát triển những thành tựu này, chúng ta lại phải đồng thuận từ trong Đảng ra đến toàn xã hội cùng bắt tay vào tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện, nghĩa là đã đến lúc ngoài đổi mới mạnh mẽ về kinh tế còn phải đổi mới về chính trị, về thể chế chính trị. Đây là một tiến trình mà theo cách nói hiện nay là hết sức nhạy cảm nhưng lại cực kỳ hệ trọng không thể lừng chừng, nếu chúng ta muốn đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Nguyễn Vĩnh: Khi khai sinh nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy ngay điều đó nên trong tiêu ngữ đặt tên nước Việt Nam mới đã gắn ngay với nền “dân chủ cộng hòa”. Nghĩa là Hồ Chí Minh muốn một nhà nước Việt Nam mới do người dân làm chủ. Và suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh mọi lợi-quyền của đất nước là ở nơi người dân. Và ngày nay hơn lúc nào hết, dân chủ càng cần thiết để huy động và tập hợp được mọi nguồn lực – vật chất và tinh thần – của toàn dân tộc.

Dân chủ sẽ cho chúng ta sức mạnh to lớn để toàn dân tộc Việt Nam vượt qua những thử thách không phải là kém gay gắt, thậm chí là hết sức quyết liệt trong những năm tháng sắp tới .

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1485&prev=-1&next=1484

This entry was posted in báo chí, Dân chủ. Bookmark the permalink.