Trong hai ngày 22 và 23 tháng 12, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ đàm phán với nhau tại thành phố Côn Minh, miền nam Trung Quốc. Mục tiêu cuộc họp là nhằm tháo gỡ một bế tắc dai dẳng cản trở việc tiến tới một bộ quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và 4 thành viên ASEAN.
Đây là một cuộc họp tập hợp quan chức cao cấp hai bên thuộc Nhóm làm việc phụ trách vấn đề thực thi Bản tuyên bố về các quy tăc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông, tên tắt tiếng Anh là DOC, đã được hai bên ký kết vào năm 2002 để làm tiền đề cho một bộ quy tắc mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.
Cho dù đã được ký kết vào năm 2002, nhưng cho đến nay bản Tuyên bố vẫn không hề được áp dụng trên thực tế. Một cản lực quan trọng, theo những người quen thuộc với hồ sơ này, là lập trường cứng rắn, bác bỏ của Bắc Kinh đối với một đề nghị của ASEAN trong việc thực hiện.
Đó là việc Trung Quốc không chấp nhận một điều khoản trong bản hướng dẫn thực hiện DOC do ASEAN đề xuất, theo đó, 4 nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh tại vùng Trường Sa là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, có thể họp hội ý với nhau trước các cuộc họp ASEAN – Trung Quốc.
Trung thành với chiến lược chia để trị, Trung Quốc vẫn bác bỏ cơ chế này, bất chấp việc ASEAN đã nhiều lần thay đổi ngôn từ cho thích hợp hơn. Bắc Kinh cho rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền tại vùng quần đảo Trường Sa là vấn đề riêng biệt giữa từng nước với Trung Quốc, do đó không phải là một vấn đề chung của 4 quốc gia kể trên, cũng như của ASEAN trong tư cách là một khối.
Theo giới phân tích, Trung Quốc muốn lợi dụng tình trạng có thể gọi là “chia rẽ” trong khối ASEAN về vấn đề Biển Đông, với việc một số nước vì không có quyền lợi thiết thân ở Biển Đông như Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Thái Lan nên sẵn sàng tránh đối đầu với Bắc Kinh vì các lợi ích thương mại. Một trong những ví dụ điển hình là sự kiện thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, vào tháng 10 vừa qua, đã không ngần ngại ủng hộ Trung Quốc khi nước này phản đối các cuộc thảo luận đa phương về Biển Đông và nhắc lại chủ trương đàm phán song phương.
Lần này, liệu Trung Quốc có thay đổi thái độ hay không ? Đây là câu hỏi mà các nhà quan sát đang đặt ra vì hồ sơ Biển Đông gần đây đã có chuyển biến mới, với thái độ dấn thân mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ.
Thái độ quyết đoán quá mức của Bắc Kinh trong việc buộc nước khác tôn trọng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong một hai năm gần đây đã gây nên phản ứng bất đồng tình từ phía Mỹ và một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Từ ngấm ngầm, phản ứng này liên tiếp được thể hiện công khai trên các diễn dàn khu vực, khiến Bắc Kinh phải tỏ dấu hiệu hòa dịu.
Được tổ chức sau khi thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội tháng 10 vừa qua là Bắc Kinh sẽ thúc đẩy việc thực thi Bản tuyên bố về các quy tắc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông, cuộc họp tại Côn Minh lần này được xem là bài trắc nghiệm về thực tâm muốn hòa dịu của Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông mà họ bắt đầu biểu lộ trong một vài tháng gần đây.
T. N.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101219-asean-trung-quoc-chuan-bi-hop-ve-van-de-ung-xu-tai-bien-dong