Ra chính sách ngắn hạn sai cần phải “trả giá”

(VEF) – Về chính sách ngắn hạn, Việt Nam cũng cần các cá nhân dám đề xuất, dám chịu trách nhiệm khi chính sách thất bại, trả giá bằng “từ chức”, chịu trách nhiệm, chấp nhận mất việc, bị sa thải như một huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp.

Năm hết Tết đến… Còn chưa tới 1 tháng nữa thì năm 2010 sẽ trôi qua, một mùa Giáng sinh an lành lại về và Tết Dương lịch đang gõ cửa mọi nhà.

Trong lúc đó, các cơ quan ban ngành của Chính phủ và địa phương đang nỗ lực thực thi các chính sách kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt của người – vốn đang sống trong các cơn “bão giá” được giảm thiểu phần nào các ảnh hưởng thiệt hại.

Năm hết Tết đến là lúc giá cả lại “leo thang” lên cao. Năm nay đang diễn ra một áp lực tương tự cộng hưởng với việc giá vàng tăng cao cả trong và ngoài nước và hiện đang ở mức hơn 36 triệu/lượng, giá USD trong và ngoài hệ thống ngân hàng đang chênh chệch khoảng 2.000 đồng, tức khoảng 10% giá trị.

Điều đó khiến cho các doanh nghiệp và cá nhân, những ai vay nợ làm ăn kinh  doanh bằng vàng hay USD phải đối mặt với việc thanh toán nợ vay cuối năm cao hơn, tốn kém hơn.

Các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khi ngân hàng “chần chừ” không muốn bán USD theo tỷ giá chính thức, hoặc tính thêm một số loại “phí” dịch vụ để bù trừ khoảng chênh lệch khác biệt tỉ giá với thị trường ngoài ngân hàng (19.500 và 21.500 đồng) trong khi doanh nghiệp xuất khẩu thu được ngoại tệ thì “kêu” vì ngân hàng chỉ mua USD bằng với giá chính thức 19.500!

Giá cả các mặt hàng ở chợ và siêu thị dù muốn hay không cũng đã tăng cao khi lạm phát dự kiến sẽ vượt mức xa 8% được dự kiến trước đây và có thể là 2 con số.

Tăng trưởng và “chính sách ngắn hạn”

Xuất khẩu đạt 64.3 tỷ USD, nhập khẩu 75 tỷ USD tạo ra nhập siêu hơn 10 tỷ USD được cứu vãn phần nào nhờ lượng kiều hối khoảng 8 tỷ USD giúp cán cân thanh toán ngoại tệ được giảm áp lực.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt ngoại tệ cho thanh toán xuất nhập khẩu như đã nói ở trên vẫn đang diễn ra bất chấp các chủ trương chính thức là nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử phạt các hình thức “găm giữ” hay “đầu cơ ngoại tệ”.

Tại sao vậy?

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, khó có thể thay đổi nhanh, như cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư công, dàn trải kém hiệu quả, dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ với các mặt hàng chuyên về gia công, xuất khẩu thô tài nguyên dầu khí, than đá, chưa có các sản phẩm chủ lực phát triển bền vững, v.v. các chính sách được ban hành về tiền tệ, tài khóa được xem là nguyên nhân chủ quan cần được mổ xẻ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những năm tới.

Dễ nhìn thấy có chính sách được thiết lập có tính dài hạn như tài khóa, các đầu tư lớn, các khoản thu chi ngân sách lớn… được Quốc hội và Chính phủ ra quyết định từ đầu kỳ có tính lâu dài, dài hạn, thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách ngắn hạn nhằm đối phó với những thay đổi nhanh trên thị trường như tỉ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, lãi suất cơ bản, phát hành trái phiếu, v.v.

Chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt, chính sách tỉ giá VND/USD thả nổi theo thị trường hay cố định, chính sách lãi suất cho vay thả nổi hay theo “đồng thuận” cố định… trong năm 2010 phần nhiều mang tính ngắn hạn do phải chạy theo đối phó với những biến động thay đổi của tình hình kinh tế quốc tế và trong nước.

Thậm chí có khi thiếu nhất quán, thiếu sự kiên định khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp cũng như cá nhân kinh doanh không thể dự đoán dẫn đến thua lỗ nặng và mất lòng tin vào đồn nội tệ VND.

Tăng tính trách nhiệm của cá nhân ra quyết định

Nói về các chính sách có tính ngắn hạn, nặng về đối phó tình huống khẩn cấp thì rất dễ rơi vào trạng thái chủ quan, suy diễn và nhu cầu phải ra quyết định nhanh trong thời gian gấp gáp khiến nhiều chính sách vừa ban hành đã thấy không có tác dụng, thậm chí tác dụng ngược lại hoặc phải lập tức ban hành một chính sách mới thay thế khiến nhà đầu tư kinh doanh cảm thấy hụt hẫng, giảm niềm tin vào một chính sách nhất quán.

Ví dụ: chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để kích thích sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đang xúc tiến thì phải thay bằng thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất cơ bản (doanh nghiệp luôn phải trong trạng thái chờ thông tin từ Ngân hàng Nhà nước ban hành lãi suất cơ bản mỗi tháng.

Điều này ảnh hưởng đến việc vay vốn làm ăn) để hạn chế lạm phát trong thời gian 1-2 tháng trở lại đây khiến các doanh nghiệp bối rối.

Ví dụ khác: Nếu việc điều chỉnh tỉ giá tăng cách đây vài tháng được xem là động thái hỗ trợ xuất khẩu hay làm cho tỉ giá bên trong và ngoài ngân hàng đến gần nhau hơn, xóa dần việc có 2 loại tỉ giá VND/USD, thì hiện nay chính sách giữ nguyên tỉ giá VND/USD bất chấp tỉ giá bên trong và ngoài ngân hàng đang khác biệt 10%, được xem là nỗ lực kiềm chế mất giá của đồng VND vốn đã và đang chịu áp lực mất giá và chống lạm phát cao, v.v.

Trong cả 2 ví dụ trên thì doanh nghiệp đều phải thay đổi kế hoạch kinh doanh để đối phó với tình hình mới khi chính sách có tính thay đổi ngược chiều quá nhanh.

Sự thành công của một chính sách có tính ngắn hạn sẽ được minh định bằng kết quả là sự hài lòng của người dân, các đối tượng trong vòng ảnh hưởng của chính sách đó.

Việc tổ chức các điểm bán lẻ bình ổn giá hay kêu gọi các doanh nghiệp cam kết giữ giá bán, không được tăng giá cũng là các chính sách mang tính ngắn hạn.

Không khả thi trong trung và dài hạn vì đây là một dạng can thiệp trực tiếp bằng chính sách hay chủ trương nhà nước vào thị trường cung – cầu dễ rơi vô tình trạng chủ quan, duy ý chí.

Hơn nữa, Nhà nước sau đó dùng ngân sách để bù lỗ cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá thì tiền vẫn phải lấy từ cùng một túi tiền thuế mà người dân phải trả dù là trả trước hay sau mà thôi.

Mặt khác, nếu bắt các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, ví dụ các công ty dược phẩm hay sữa cam kết không tăng giá, giữ giá bán không đổi, v.v. thì dễ rơi vào tình trạng vi phạm một số cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO.

Sau cùng, việc đề xuất một ban hành chính sách có tính ngắn hạn cũng dễ rơi vào tình trạng khó khả thi, ví dụ: Ngân hàng Nhà nước đề xuất “xử lý nghiêm đầu cơ ngoại tệ” – yêu cầu quản lý thị trường, công an và chính quyền địa phương vào cuộc (xem Tuổi Trẻ ngày 3/12/2010 trang 3), vì muốn xử lý thì phải định nghĩa thế nào là “đầu cơ ngoại tệ”? Thế nào là “găm giữ ngoại tệ”? Liệu một doanh nghiệp hay cá nhân nào đó có vài ngàn hay vài chục ngàn USD trong tài khoản có vi phạm? Các ngân hàng đang sở hữu nhiều USD có vi phạm? Có lý do gì để nói một doanh nghiệp hay cá nhân nào đó không nên cất giữ nhiều hay ít USD vì họ phải lo toan cho nhu cầu kinh doanh riêng của mình mà không ai lo giùm được?

Nếu không trả lời được các câu hỏi nói trên thì đề xuất “xử lý nghiêm đầu cơ ngoại tệ” xem như khó khả thi, chưa kể việc thiếu nền tảng luật lệ nào để xử phạt các vi phạm này!

Hơn nữa, nếu coi thị trường mua bán vàng và ngoại tệ ngoài ngân hàng là thị trường “đen” thì cần có nghiên cứu tìm hiểu ai đang vận hành thị trường này? Liệu có mối quan hệ giữa 2 thị trường trong và ngoài ngân hàng? Tại sao có 2 tỉ giá? Có nên dẹp bỏ thị trường ngoài ngân hàng khi bên trong ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm, đầu tư, thanh toán của người dân? Dẹp bỏ được không? Thị trường ngoài ngân hàng có là sản phẩm tất yếu của hệ thống tài chính tín dụng Việt Nam hiện nay? Các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vàng và tiền tệ ngoài ngân hàng là một hình thức các ngân hàng nhỏ, mô hình ngân hàng tín dụng nhỏ đang đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân? Đây lại là vấn đề dài hạn.

Một chính sách ngắn hạn đối phó với trạng thái khủng hoảng có thể thành công hoặc thất bại, và nếu thành công sẽ mang lại niềm tin cho doanh nghiệp và người dân, mang lại tăng trưởng và phát triển, hòa nhịp với các chủ trương chính sách lớn có tính dài hạn.

Khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và các chính sách ngắn hạn như “nới lỏng định lượng” (quantitative easing – QE) đều mang dấu ấn cá nhân của ông Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang (FED) Ben Bernanke.

Thành công hay thất bại chưa rõ nhưng dấu ấn cá nhân người đề xuất chính sách, bảo vệ chính sách trước Quốc hội Mỹ và thực thi chính sách “nới lỏng định lượng” đều đè nặng lên vai ông Ben Bernanke, dù rằng chắc chắn ông có một ban cố vấn hỗ trợ sau lưng.

Có lẽ, Việt Nam cũng cần các cá nhân dám đề xuất chính sách, dám chịu trách nhiệm khi chính sách thất bại, trả giá bằng “từ chức”, chịu trách nhiệm, chấp nhận mất việc, bị sa thải như một huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp dù đội bóng có thắng 10 trận nhưng thua trận chung kết, không đáp ứng nhu cầu kỳ vọng thì vẫn phải “từ chức” ra đi trong danh dự.

C. T.

Nguồn: http://vef.vn/2010-12-10-ra-chinh-sach-ngan-han-sai-can-phai-tra-gia-

This entry was posted in kinh tế, lao động. Bookmark the permalink.