Chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy bên chiếc ghế trống cùng tấm bằng và huy chương Nobel Hòa bình dành cho Lưu Hiểu Ba tại Oslo, ngày 10/12/2010. Ảnh:EUTERS/Heiko Junge/Scanpix Norway
Ngày hôm nay 10/12/2010 tại Oslo, chủ tịch Ủy ban Nobel đã đặt tấm Huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế trống dành tượng trưng cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba và kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai. Theo thông báo của Ủy ban thì có 16 nước ủng hộ Trung Quốc không cử đại sứ đến tham dự. Trong số 65 quốc gia có đại diện ngoại giao tại Na Uy, 45 nước tham dự trong danh sách đầu tiên. Giờ chót có ít nhất ba nước là Colombia, Serbia và Ukraina cuối cùng đã đến tham dự.
Trong buổi lễ trao giải sáng nay (10/12) tại Oslo, do ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị giam và thân nhân của ông bị quản thúc hoặc công an giám sát nên ban tổ chức đã chọn một động thái biểu tượng. Trước chiếc ghế trống, chủ tịch ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland nhắc lại rằng: “Ông Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái. Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi”. Chủ tịch Ủy ban kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho giải Nobel hòa bình 2010 và đặt bằng chứng nhận và huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế để trống.
Tại Hoa kỳ, Tổng thống Barack Obama cũng thúc giục Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai, cựu lãnh đạo phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989, đồng tác giả Hiến chương 08 công bố tháng 12 năm 2008 đề xướng dân chủ hóa chính trị.
Còn tại Trung Quốc, theo AFP, khoảng 100 người nhân ngày quốc tế nhân quyền 10 tháng 12 đã biểu tình trước cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Bắc Kinh. Dù cho chính quyền tìm cách ngăn chận thông tin và trấn áp đối lập, thông tin về giải Nobel Hòa Bình vẫn tràn ngập trên mạng internet và trong giới sinh viên.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật lại cuộc phỏng vấn tại đại học Hồ Nam:
Tại Trung Quốc không ai biết Lưu Hiểu Ba là ai trước khi Ủy ban Nobel Hòa Bình thông báo trao giải thưởng cách nay hai tháng. Nhưng từ đó đến nay, tình thế đã thay đổi. Các biện pháp kiểm duyệt thông tin không ngăn chặn được Internet và điện thoại đi động.
Mặc dù đa số dân chúng chọn thái độ thầm thặng, giải Nobel tạo ra cơ hội thảo luận trong giới sinh viên đại học. Một sinh viên chấp nhận trả lời RFI trong cuộc tiếp xúc kín đáo trên sân vận động. Cô sinh viên cho biết : “sinh viên bình thường ít khi họ nói đến vấn đề này…”.
Ai là những sinh viên bình thường và thế nào là sinh viên không bình thường? Cô sinh viên trả lời: “đó là những sinh viên thích đề cập đến đề tài thay đổi chế độ…”.
Những sinh viên muốn thay đổi chế độ đã căng biểu ngữ trong khuôn viên đại học : “Lưu Hiểu Ba nhận giải Nobel Hòa bình 2010. cám ơn thế giới không quên nhân dân Trung Quốc”. Biểu ngữ này được giăng trước hàng rào đại học Trường Sa-Trung Nam tỉnh Hồ Nam.
Tuy chỉ tồn tại được vài phút nhưng hình ảnh của tấm biểu ngữ đã được loan tải trên các mạn thông tin điện tử bên cạnh những lời tuyên truyền của chính phủ do những kẻ theo phe nhà nước tung lên để cáo buộc Tây phương muốn can dự vào chuyện nội bộ Trung Quốc.
Cuộc tranh luận rất sôi nổi và thường trở nên gay gắt mặc dù tên tuổi của nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba không bao giờ được xuất hiện trên báo chí và truyền hình nhà nước. Khi được hỏi tại sao chính quyền Trung Quốc giấu không cho người dân biết là có một người Trung Quốc được giải thưởng này thì cô sinh viên trả lời : “Nếu nói đến giải Nobel Hòa bình thì tôi rất hãnh diện. Dù gì cũng là một người Trung Quốc. Nhưng nói đến quan điểm chính trị thì tôi không dám nói…”
T. A.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101210-uy-ban-nobel-keu-goi-trung-quoc-tra-tu-do-cho-luu-hieu-ba