Bé cái nhầm chi tiêu đại lễ, thở phào là xong?


Hà Nội công bố số tiền thực chi cho Đại lễ Nghìn năm, tưởng đâu dư luận đã có thể thở phào vì con số hàng chục nghìn tỷ chỉ là đồn thổi. Đà Nẵng “hổng giống ai” khi dám “chặt cầu” không tuyển sinh viên có bằng tài chức vào cơ quan Nhà nước…Đằng sau mỗi quyết định, là không biết bao nhiêu chuyện “lùm xùm”.

Chi tiêu đại lễ: Chỉ là tin đồn, dân bé cái nhầm!

Sau rất nhiều lùm xùm, đồn thổi xung quanh số tiền thực chi cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sáng 8/12, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển đã công bố số tiền chi cho đại lễ là gần 265 tỷ 923 triệu đồng.

Chính xác hơn thì “UBND TP đã ứng trước cho các cơ quan, đơn vị theo dự toán là 265 tỷ 923 triệu đồng, thấp hơn dự toán trên 4,7 tỷ đồng. Con số quyết toán sẽ chỉ có giảm xuống chứ không cao hơn“. Phó Chủ tịch Hiển cũng dẫn lại dự toán mà HĐND TP đã dự định chi cho công tác tuyên truyền các hoạt động văn hoá, lễ tân và quà tặng là 350 tỷ đồng, nhưng sau đó, dự toán chi trực tiếp cho đại lễ là 270 tỷ 669 triệu đồng.

Nghĩa là so với dự toán chi trực tiếp, thành phố ít nhất đã tiết kiệm được 4 tỷ 746 triệu đồng, có thể còn tiết kiệm nhiều hơn. Hà Nội dự tính chi không nhiều mà khi triển khai thực hiện vẫn chủ động thắt lưng buộc bụng đến thế thì Hà Nội quá xứng đáng được khen ngợi, biểu dương; về điểm này, truyền thông có lỗi đã vì không làm tốt nhiệm vụ của mình sau khi Hà Nội công bố số liệu.

Nhưng hãy khoan bàn đến số tiền cụ thể, mà thử cùng nhìn lại xem vì sao dư luận lại quan tâm quá nhiều đến số tiền chi cho đại lễ đến thế, nóng từ diễn đàn Quốc hội đến diễn đàn HĐND, đều là diễn đàn của những người đại diện cho dân. Không phủ nhận nhiều người bức xúc với con số 94.000 tỷ được đồn thổi sau đại lễ, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận lý do chính khiến các ĐBQH bức xúc là vì các hoạt động diễn ra trong dịp đại lễ đã không tạo được ấn tượng đủ tốt đẹp trong lòng bản thân họ, mà nói rộng ra là trong dư luận xã hội. Khởi nguồn từ những bức xúc về “chất lượng” hoạt động đại lễ không được như thủ đô đã hứa hẹn, người dân mới chuyển sang băn khoăn về số tiền đã được chi cho đại lễ là bao nhiêu. Và chính bởi người dân có sẵn cảm nhận việc chi tiêu cho đại lễ là tốn kém không cần thiết, nên họ mới truyền tai nhau con số 94.000 tỷ được đồn thổi như một sự thật.

Chi tiêu cho Đại lễ vẫn còn nhiều câu hỏi.

Chi tiêu cho Đại lễ vẫn còn nhiều câu hỏi.

Xin được lạm bàn một chút về con số 94.000 tỷ đồng lớn kinh khủng kia, dĩ nhiên không thể là số tiền chi cho riêng 10 ngày đại lễ, mà phải tính gộp cả các công trình được gọi là chào mừng đại lễ nữa. Đó là những đại lộ lớn, những cây cầu, những trường học, rồi công viên, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng… đều là những công trình phục vụ dân sinh, và sẽ tồn tại lâu thật là lâu sau đại lễ. Gọi là mừng đại lễ, nhưng những công trình này không phải chỉ phục vụ đại lễ, thậm chí có khi chẳng hề phục vụ gì cho đại lễ cả, mà chỉ được “gắn biển” mừng đại lễ thế mà thôi. Để khi “kiểm kê” thành tích mừng đại lễ, thành phố sẽ có hàng loạt những công trình phục vụ đủ mục tiêu, chứ không chỉ có những hoạt động cờ đèn kèn trống, văn hóa nghệ thuật diễn ra vèo một cái là… hết.

Đến đây thì một câu hỏi tất yếu phải đặt ra, ĐBQH và ĐB HĐND nói riêng, và đông đảo cử tri nói chung, có “nhầm” chuyện nhiều nghìn tỷ đồng được chi riêng cho các hoạt động mừng đại lễ không? Chắc chắn là không rồi, bởi ngay cả khi ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã giải thích chắc như đinh đóng cột rằng “không thể lấy con số chi phí cho các công trình xây dựng, công trình hạ tầng cơ sở để tính vào chi phí cho riêng đại lễ, vì nếu không có đại lễ thì các công trình xây dựng phục vụ cho sự phát triển của thủ đô và của đất nước, phục vụ cho nhu cầu dân sinh chúng ta vẫn phải xây dựng (như các đại lộ lớn, cầu, đường, công trình văn hóa, trường học, bệnh viện…), và chúng ta làm trong dịp này là để tạo cái cột mốc đẹp là thời điểm 1.000 năm” thì các ĐBQH vẫn tiếp tục “đeo bám”, chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về vấn đề này. Bộ trưởng Tài chính trả lời Chính phủ đã chi 218 tỷ đồng, thì các ĐB HĐND tiếp tục yêu cầu thành phố Hà Nội phải công khai số tiền thành phố chi cho đại lễ trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội, cũng như trong những trao đổi với báo chí bên lề.

Về đích nhưng không “tới đỉnh”, tại anh hay tại ả?

Không ai nhầm chuyện nhiều nghìn tỷ đồng chi riêng cho các hoạt động mừng đại lễ, nhưng họ vẫn tiếp tục chất vấn, là bởi như lời ĐBQH Nguyễn Lân Dũng “Đại lễ 1.000 năm Thăng Long tốn kém mà không thấy để lại được điều gì thực sự mang tính dấu ấn”. Mấu chốt của vấn đề nằm ở đây, vì người dân không thấy đại lễ thật sự để lại dấu ấn rực rỡ, nên họ mới lo âu không biết số tiền đã phải chi ra là bao nhiêu? Dù lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã khẳng định không thể tính chi phí cho các công trình xây dựng vào chi phí đại lễ, nhưng câu hỏi vẫn tiếp tục phải đặt ra là tiền chi cho các công trình ấy có lãng phí không? Còn nhớ, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp HĐND, ĐB Vũ Đức Tân đã thẳng thắn phát biểu “Với các công trình văn hóa như công viên, rạp hát còn cần bàn thêm. Những cái này cần nằm trong tổng thể quy hoạch chung, bao nhiêu người dân thì cần rạp. Hiện nay thành phố xây dựng chỉ là có công trình kỷ niệm thôi chứ chưa tính đến hiệu quả“.

Nếu không có đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các công trình đó có phải xây vội vàng, khánh thành vội vàng cho kịp đại lễ, để rồi sau ngày khánh thành vẫn ngổn ngang nhiều việc lớn, như ĐB Nguyễn Việt Hưng đã thẳng thắn chỉ ra trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội không? Những ví dụ rất cụ thể như đại lộ Thăng Long, công viên Hòa Bình hay Bảo tàng Hà Nội, giá đừng phải vì khánh thành cho kịp đại lễ, thì sẽ không có chuyện đại lộ lớn nhất Việt Nam mà đi lại tốc độ thấp vẫn thấy mấp mô, công viên Hòa Bình vừa lát đá xong đã bong tróc, hay Bảo tàng Hà Nội chỉ tạm hoàn thiện phần vỏ, còn ruột thì chưa đâu vào đâu, vẫn phải vội vàng mở cửa. Chẳng mấy ai không tự hào khi Thủ đô 1000 tuổi, nhưng cũng rất nhiều người không đồng tình với cách cả nước là đại công trường để về đích (hoặc chưa về đích nhưng cũng xem như về đích) đúng dịp đại lễ.

Lãnh đạo Hà Nội đã công bố số tiền chi cho riêng đại lễ ước tính gần 266 tỷ đồng, trong khi chính phủ chi cho đại lễ 218 tỷ đồng. Những số tiền đều quá nhỏ, nếu so với số tiền được đồn thổi vài chục nghìn tỷ đồng trước đây. Liệu các ĐBQH, ĐB HĐND nghĩ gì về những con số này? Vài trăm tỷ đồng cho những hoạt động như thế, có là lãng phí không?

Báo cáo của UBND thành phố đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy tinh thần tiết kiệm của thành phố, nhưng liệu sự tiết kiệm ấy đã hợp lý chưa? Chỉ đơn cử một việc nhỏ, thành phố ngừng bắn pháo hoa ở 29 điểm, chỉ để lại duy nhất bắn pháo hoa nghệ thuật tại sân Mỹ Đình, để tiết kiệm số tiền 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Về mặt nghĩa cử thì chắc chắn cử tri đánh giá cao quyết định của Thành phố, nhưng bình tĩnh xét lại, ngừng tại 29 điểm mà chỉ tiết kiệm được 5 tỷ đồng thì có đúng không?  Nếu đúng, tính trung bình mỗi điểm bắn pháo hoa “chỉ” tốn khoảng 172.4 triệu đồng, nên chăng giữ lại vài điểm bắn pháo hoa nữa để người dân đỡ phải cực khổ từ “vùng sâu vùng xa” lặn lội dồn về hết Mỹ Đình, để rồi ai nấy đều lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, xem pháo hoa cũng không được mà về cũng chẳng xong.

ĐB HĐND chất vấn sát sao chiều hôm trước, sáng hôm sau Phó Chủ tịch thành phố đã công khai ngay số tiền trước quyết toán, dễ hiểu là để “chấm dứt đồn thổi”. Nhưng “hậu” của việc công bố này sẽ ra sao? Số tiền thực chi sẽ là bao nhiêu? Dù là vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ hay vài chục nghìn tỷ, vấn đề quan trọng hơn phải là, những gì diễn ra trong dịp đại lễ có xứng đáng với số tiền bỏ ra không? Số tiền ấy đã “loại trừ” tất cả các công trình lớn nhỏ “không chỉ phục vụ riêng đại lễ”, vậy thì những công trình ấy đã được đầu tư bao nhiêu? chất lượng có xứng đáng với số tiền bỏ ra không?…

Chỉ khi đã trả lời rốt ráo những câu hỏi đó, bức tranh của đại lễ mới thật sự sáng. Chả nhẽ vì số tiền bỏ ra không lớn như đồn thổi nên ai cũng “thở phào” nhẹ nhõm? Nói dại, nếu cảm giác “nhỏ” hơn kia chỉ vì số tiền đã được chia nhỏ ra thì sao nhỉ? Bỗng có liên tưởng đến một câu chuyện không thật tương đồng, Quốc hội thường xuyên “bức xúc” vì chính phủ đã chia nhỏ dự án để từng dự án thành phần không phải trình ra Quốc hội. Không tương đồng, nhưng lại rất tương đồng đấy chứ.

K. L.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-10-pn-and-hd-be-cai-nham-chi-tieu-dai-le-tho-phao-la-xong-

This entry was posted in Tin Tức, Tố Cáo. Bookmark the permalink.