Dmitry Medvedev: Nền dân chủ của chúng ta chưa hòan thiện, chúng ta hiểu rất rõ điều đó. Nhưng chúng ta đang tiến lên phía trước

Lời ban biên tập Tạp chí Nga (russ.ru). Gần một năm trước, tổng thống Dmitry Medvedev công bố bài báo mang tính cương lĩnh: Nước Nga tiến lên!, trong đó ông trình bày quan điểm của mình về tương lai của đất nước chúng ta. Ông không chỉ nói mà cón kêu gọi nhân dân Nga, kêu gọi những người công dân tích cực, những người quan tâm đến số phận của nước Nga, tiến lên. Hôm qua, ngày 23 tháng 11, qua videoblog Tổng thống lại đưa ra một thông điệp chính trị mới. Ông nói về tình hình dân chủ ở nước Nga, về những vấn đề cấp bách cũng như những việc đã làm được kể từ khi khởi động công cuộc cải cách chính trị. Tạp chí Nga xin đăng lại bản ghi lời phát biểu này.

* * *

Các bạn thân mến!

Trong hai năm vừa qua chúng ta đã lần lượt thực hiện cương lĩnh cải tạo hệ thống chính trị của nước Nga. Mục tiêu là rõ ràng. Tôi đã nói nhiều lần rồi

Chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn làm cho hệ thống chính trị của chúng ta đơn giản là trở nên công chính hơn. Mềm dẻo hơn, năng động hơn, cởi mở hơn đối với sự cải tiến và phát triển. Phải được cử tri tin cậy hơn. Không phải là bí mật khi nói rằng từ một giai đọan nhất định trong hệ thống chính trị của chúng ta đã xuất hiện triệu chứng trì trệ, xuất hiện nguy cơ biến sự ổn định thành tác nhân của sự đình đốn. Sự trì trệ như thế có hại cho cả đảng cầm quyền lẫn các lực lượng đối lập. Nếu phe đối lập không có một chút hi vọng nào rằng họ sẽ thắng trong cuộc đấu tranh trung thực thì họ sẽ thóai hóa và sẽ trở thành lực lượng đứng bên lề. Nhưng nếu đảng cầm quyền không bao giờ và không thua ở bất kì đâu thì đơn giản là nó cũng “vàng vọt”, và cuối cùng cũng sẽ thóai hóa, tương tự như mọi cơ thể sống mà không vận động vậy.

Vì vậy mà cần phải nâng mức độ cạnh tranh lên.

Nhưng nhiệm vụ chính của chúng ta, nhiệm vụ chính của mọi chế độ dân chủ là nâng cao chất lượng của các cơ quan đại diện của nhân dân. Làm mọi cách để đa số về mặt chính trị không phải chỉ là con số thống kê. Chính xác hơn, để cho nó không trở thành đa số những người chỉ biết thực hiện. Để đảng cầm quyền có quyền và trách nhiệm chứ không chỉ là  tổ chức đi kèm bên cạnh chính quyền hành pháp. Để nó có thể tham gia một cách đầy đủ vào việc hình thành chính quyền hành pháp. Và cần làm điều đó không phải là để cho đảng cầm quyền cảm thấy thỏai mái. Đảng là phương tiện, là công cụ chính trị của chế độ đại diện. Đảng đại diện cho các cử tri. Còn trong trường hợp đảng cầm quyền thì là đại diện cho đa số cử tri, và thực hiện quyền của họ, tôn trọng ý kiến của họ – đấy là nguyên tắc nền tảng của chế độ dân chủ.

Đảm bảo quyền của thiểu số là nhiệm vụ không kém phần quan trọng và còn phức tạp hơn. Nhưng đây cũng là nguyên tắc dân chủ căn bản. Hệ thống chính trị phải được xây dựng sao cho nó có thể nghe thấy và tính đến ý kiến của tất cả mọi người, kể cả những nhóm xã hội có ít thành viên nhất. Lí tưởng là nghe được từng người dân một. Hệ thống này phải minh bạch và nhạy cảm đối với mọi người dân. Mỗi người cần phải biết rằng họ có những người có cùng quan điểm trong các cơ quan đại diện. Đấy chính là ý nghĩa của nền dân chủ đại diện – khi có một người nào đó đại diện cho quyền lợi của một nhóm đông người. Có những người có cùng quan điểm, cùng quyền lợi. Có những người không bàng quan với những gì diễn ra xung quanh. Những người đại diện cho thiểu số như thế có cơ hội phê phán đa số cầm quyền, đưa ý kiến và đề nghị của thiểu số lên bộ máy hành chính và đến với dư luận xã hội.

Và cuối cùng, tôi xuất phát từ quan điểm cho rằng cải cách chính trị không được làm cho rối lọan và làm cho tê liệt các định chế dân chủ. Tôi đã nhiều lần nói về vấn đề này: cải cách phải củng cố dân chủ chứ không phải là phá họai nó. Vì vậy mà trong bài báo “Nước Nga tiến lên!”, viết năm ngóai, tôi đã xác định phương pháp và cách thức tiến hành cải cách: cải cách phải được thực hiện từ từ nhưng liên tục.

Hôm nay tôi có thể nói rằng trong hai năm qua chúng ta đã tiến một cách từ từ đồng thời liên tục về phía mục tiêu. Và như tôi thấy, chúng ta đã tiến được khá xa.

Đầu kì họp Duma quốc gia Nga vừa qua, một lọat dự luật đã được thông qua, đấy là những dự luật do tôi đệ trình quốc hội vào năm 2009 và 2010. Tôi đã nói về sự cần thiết phải thông qua những đạo luật này trong thông điệp gửi tới Đại hội Liên Bang. Năm 2009 các đạo luật sửa đổi một cách căn bản hệ thống bầu cử và hệ thống đa đảng trên bình diện quốc gia và liên bang đã có hiệu lực. Năm nay những cải tiến tương tự trên bình diện các chủ thể liên bang cũng sẽ có hiệu lực. Tôi đã nói về điều đó và sẽ không liệt kê tất cả các đạo luật đã được thông qua vì có thể làm các bạn mệt mỏi, mặc dù về mặt chuyên môn thì đấy là điều thú vị. Nhiều đạo luật, tên gọi cũng khá kêu, nhưng mọi cử tri, mọi công dân phải hiểu được bản chất của chúng.

Tôi xin nói những điểm căn bản nhất

Thứ nhất, chúng ta đã làm được những gì. Chúng ta đã đưa nguy cơ bị lèo lái trong quá trình bầu cử đến mức tối thiểu. Không để xảy gian lận trong bầu cử, chúng ta hiểu chuyện đó. Để làm chuyện đó, đã tiến hành sắp xếp lại thủ tục bầu cử sớm và thủ tục ủy quyền rút tên khỏi danh sách ứng cử (đại diện các đảng đối lập đã nhiều lần nói với tôi về chuyện này): những hành động [phi pháp] trong việc ủy quyền rút tên như thế đã được đưa vào luật hình sự.  Ở đây đã xảy ra những vụ vi phạm tồi tệ nhất.

Ngòai ra, chúng ta đã giảm vai trò tác nhân của con người trong việc kiểm phiếu. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm như thế. Ngay trong năm nay thiết bị điện tử sẽ bảo đảm cho khỏang 5% các khu vực bầu cử. Đây là công việc rất tốn kém: năm 2012 bảo đảm cho 15%, và đến năm 2015 thì 100% các khu vực bầu cử, nhưng nó sẽ làm cho hệ thống bầu cử của chúng ta trở thành hòan thiện hơn. Đáng bỏ ra một số tiền như thế. Hi vọng rằng người đóng thuế đánh giá đúng.

Thứ hai. Các đảng đều bình đẳng trong việc xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, cả trên bình diện liên bang lẫn khu vực, đại diện các đảng đối lập đã nói với tôi nhiều lần về chuyện này. Các ủy ban bầu cử phải kiểm tra việc thực hiện. Mà sự bình đẳng không phải trên lời nói (như trước đây) mà là thực chất, tính bằng giờ, bằng phút, thậm chí bằng giây nữa. Các đảng còn có quyền bình đẳng trong việc sử dụng phòng để họp hành và vận động tranh cử. Về vấn đề này cũng đã có rất nhiều chuyện.

Thứ ba. Các đảng nắm đa số trong các hội đồng khu vực có quyền đề nghị với tổng thống các ứng viên thống đốc,  nghĩa là những người đứng đầu các tỉnh, các khu và nước cộng hòa. Như vậy là, thông qua các đảng mà cử tri ủng hộ, cử tri có cơ hội tham gia vào việc hình thành chính quyền hành pháp ở khu vực của mình. Đảng mà bạn bỏ phiếu, cuối cùng sẽ là người đề cử với tổng thống ứng viên thống đốc và giao quyền cho ông ta. Bằng cách đó, chúng ta đã đưa nội dung cụ thể vào quyền của đa số: quyền thành lập chính quyền hành pháp tại địa phương.

Thứ tư. Quyền của thiểu số được bảo vệ bằng một lọat biện pháp. Ngòai quyền bình đẳng trong việc tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, như tôi đã nói bên trên, phe đối lập còn dược quyền thay thế chức vụ lãnh đạo trong các hội đồng địa phương. Số lượng chữ kí cần phải thu thập để có thể được đưa vào danh sách ứng viên cũng đã giảm. Thực tế đại diện các đảng chỉ cần thu được 5% phiếu bầu là đã có chân trong các cơ quan dân cử tất cả các cấp. Nhưng chúng ta sẽ không dừng lại ở đấy, chúng ta sẽ tiếp tục hòan thiện định chế này và mở rộng thêm cơ hội.

Thứ năm. Chúng đã đã buộc các chủ thể của đất nước lập lại trật tự số lượng thành viên trong các cơ quan đại diện. Trước đây có khu vực một người đại biểu đại diện cho 10 ngàn người, đấy là khu vực ít người, còn khu vực khác thì một người đại diện cho 300 ngàn người. Thế là không theo tỉ lệ. Ngòai ra, nhiều đại biểu quá thì sẽ khó khăn cho ngân sách. Còn ít quá thì sẽ khó biết được ý kiến khác nhau của cử tri. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ tìm được sự cân bằng.

Nguyên tắc đại diện trong Hội đồng liên bang cũng đã thay đổi. Bây giờ chỉ có những người đã có chân trong các cơ quan dân cử và tự quản địa phương mới là có thể trở thành đại biểu Thượng viện. Nghĩa là thành viên Hội đồng liên bang phải là người được dân chúng ủng hộ trong các kì bầu cử, dân chúng biết ông ta, và mặt khác, ông ta cũng biết các nhu cầu, biết các vấn đề của họ.

Tôi hi vọng rằng hệ thống chính trị sẽ tốt lên sau những thay đổi như thế. Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng hệ thống chính trị sẽ cởi mở hơn và mềm dẻo hơn. Và cuối cùng là công chính hơn. Những cuộc bầu cử vào tháng mười đã cho chúng ta thấy rằng những lời phàn nàn đã ít hơn là cách đây một năm rưỡi. Cả dư luận xã hội lẫn các đảng đối lập đều đưa ra các đánh giá bình tĩnh hơn.

Dĩ nhiên là vẫn còn những lời phê phán, đấy là chuyện bình thường, phải có. Nhưng đã ít hơn. Điều đó tạo cho ta hi vọng.

Và còn một điều nữa, tôi đã nói cách đây chưa lâu. Nền dân chủ của chúng ta chưa hòan thiện, chúng ta biết rõ điều đó. Chúng ta đang ở đọan đầu của con đường. Và cái chính là chúng ta không đứng yên một chỗ. Chúng ta đang tiến lên phía trước.

Nguồn: http://blog.kremlin.ru/post/119/transcript

This entry was posted in Dân chủ, Nga. Bookmark the permalink.