Vietnamnet- “Xin nói thành thật là chúng tôi nói ra những điều này rất đau lòng. Chúng tôi không thích gì làm mất lòng ai, nhưng trách nhiệm phải nói. Nhân dân giao cho Quốc hội, giao cho Chính phủ tài sản như thế, bây giờ xảy ra chuyện như vậy mà từ sáng tới giờ không ai chịu trách nhiệm cả, tôi không hiểu ra làm sao, hay cuối cùng trách nhiệm ở 500 đại biểu Quốc hội?”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết đứng lên giãi bày ngay sau câu trả lời của Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng về sai phạm ở Vinashin.
Đây có thể xem là phiên chất vấn “kịch tính” nhất trong các kỳ họp gần đây. Khi mà các thành viên Chính phủ đều viện dẫn ý kiến Quốc hội để chứng minh những chủ trương đang làm phần nào đều có sự cho phép của Quốc hội. Hoặc, các vướng mắc không thể tháo gỡ đều vì vướng các luật mà Quốc hội ban hành. Và đại biểu đứng lên phản đối: “Giải thích trước Quốc hội phải bình tĩnh, lắng nghe nhau, không nên nói võ đoán”.
Đầu tiên là tình huống Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng giải thích một trong các lý do xây đường sắt cao tốc do căn cứ theo kết luận trong bản tổng hợp thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 19/6, sau khi biểu quyết không thông qua nghị quyết xây đường sắt. Không thông qua nhưng Quốc hội cũng không kết luận không cho nghiên cứu nữa.
ĐB Thuyết phản bác, biên bản thảo luận ở Quốc hội không có tính pháp lý:
“Chủ trương của Bộ Chính trị tôi nhất trí, quyền của Chính phủ chúng tôi nhất trí nhưng đừng lôi Quốc hội vào đây”.
“Kịch tính” lần thứ hai là khi ĐB Dương Trung Quốc đứng lên đưa ra phân tích phản đối lập luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng về dự án bôxit.
Và cao trào là lúc Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc tiếp tục nói về việc đại biểu cũng “liên đới” trách nhiệm trong sai phạm ở Vinashin.
Theo ông Phúc, Bộ KH&ĐT không có chút trách nhiệm nào theo luật định nên không không phải chịu một trách nhiệm gì ở đây. Vì có muốn làm gì, đụng đâu cũng vướng luật. Nên nói chuyện trách nhiệm thì đây là trách nhiệm chung, Chính phủ trình luật sai, Quốc hội bấm nút sai, nên mỗi đại biểu Quốc hội đều phải chịu trách nhiệm.
Hiếm khi phát biểu trong các phiên chất vấn, nhưng Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phải đứng lên khẳng định, Bộ KH&ĐT “nói vô can là không được”. Nếu Bộ sớm phát hiện lỗ hổng trong Luật doanh nghiệp thì năm ngoái phải đề xuất sửa, khi Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật.
Những màn đối thoại trên có thể chưa đi được đến tận cùng vấn đề nhưng cử tri theo dõi cuộc chất vấn đã có thể tạm an lòng. Vì đại biểu Quốc hội đã cho thấy thái độ thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm không ngại va chạm, né tránh, sự sòng phẳng khi đòi hỏi minh định rõ trách nhiệm cơ quan hành pháp – lập pháp, tránh thái độ xuê xoa “hòa cả làng” vốn dĩ tồn tại lâu nay dễ biến những phiên chất vấn nghị trường thành cuộc “trình diễn”.
Vị trưởng ngành giao thông đôi lúc phải dừng lại tìm từ ngữ giải thích, có lúc còn nói nhầm họ tên đại biểu. Các bộ trưởng không phải chuyên gia. Không thể đòi hỏi họ phải rành rẽ vấn đề kỹ thuật (thường bộ trưởng vẫn khất với những câu hỏi quá chuyên sâu), nhưng chất vấn là phép thử bản lĩnh chính khách. Nên mọi lối nói vòng vèo, cách “đá bóng” sang chân Quốc hội đều sẽ được cử tri “chấm điểm”.
Đại biểu đã tận dụng từng phút ngắn ngủi trên diễn đàn để tranh luận, phân tích. Những người vốn hay “nhường” người khác chất vấn do vị thế chủ nhiệm các ủy ban cũng không ngần ngại bày tỏ chính kiến.
Rõ ràng, “trách nhiệm phải nói” đã buộc các đại biểu Quốc hội lên tiếng. Nhiều đại biểu thường gửi sớm chất vấn bằng văn bản. Có người nhận xong câu trả lời, lẳng lặng đem về báo cáo lại với những cử tri quan tâm, dẫu thâm tâm chưa chắc họ đã hài lòng với câu trả lời, mà chỉ vì muốn làm tròn trách nhiệm.
Có đại biểu cho hay, vị thế khiến họ thường xuyên được gặp các trưởng ngành, nên cũng dễ “ý kiến” về những chuyện khúc mắc ở nơi đâu đó. Có người lại bàn chuyện ngoài lề, rằng những người nói nhiều, nói mạnh là những đại biểu sắp mãn nhiệm, không tái cử khóa mới nên phát biểu không ngại va chạm…
Điều hiển nhiên là mỗi phiên chất vấn chính là một “phép thử” để cử tri đánh giá phẩm chất của đại biểu lẫn chất lượng hoạt động.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mỗi đại biểu cũng luôn được hưởng quyền miễn trừ. Nhưng khi từng đại biểu tự thấy mình phải nói tại diễn đàn chất vấn vì quốc kế dân sinh thì đó là sự khẳng định trách nhiệm chính trị trước niềm tin cử tri giao phó.
L. N.
Nguồn: http://www57.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/597/phien-chat-van-kich-tinh-va-trach-nhiem-phai-noi.html