* Luật lập sai, đại biểu Quốc hội cũng phải có trách nhiệm
SGTT.VN – Là bộ trưởng đầu tiên trong buổi chiều 23.11 trả lời các đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các bộ trong vụ Vinashin, bộ trưởng Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc làm các đại biểu bất ngờ khi tuyên bố “không có trách nhiệm”!
Cầm cuốn Luật Doanh nghiệp trên tay, ông Phúc xin được đọc những quy định nói về trách nhiệm của các bộ, của hội đồng quản trị tập đoàn. Theo ông Phúc, lúc đầu bộ ông được giao lập quy hoạch phát triển và giám sát Vinashin, nhưng sau sửa đổi thì chỉ còn nhiệm vụ tham mưu chiến lược phát triển và bộ “đã làm tròn nhiệm vụ”.
Thừa nhận có phát hiện sai phạm, vướng mắc nhưng ông Phúc cho rằng luật đã quy định quyền hạn của hội đồng quản trị, của tổng giám đốc quá lớn đến mức bộ trưởng chỉ như “đười ươi giữ ống” nên bộ có ý kiến là “trái luật” và “không thể kiên trì”. “Luật lập sai, thẩm định phê duyệt cũng sai nên đại biểu Quốc hội cũng phải có trách nhiệm”, ông Phúc nói.
Trước ý kiến của ông Phúc, đại biểu (kiêm chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội) Nguyễn Văn Thuận phản pháo: “Tập đoàn nhà nước khác doanh nghiệp mà luật Doanh nghiệp quy định. Quốc hội đồng tình cho thí điểm tập đoàn thì bộ phải tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết hay sửa luật Doanh nghiệp, vì ta có thể dùng một luật sửa nhiều luật”. Ông Thuận đặt câu hỏi: “Vì sao bộ Kế hoạch đầu tư không báo cáo để sửa? Bộ không thể vô can được” và nhắc bộ trưởng Phúc “hết sức bình tĩnh” khi nói về vấn đề thẩm định, ban hành luật.
“Tiếp thu dự án luật là trách nhiệm của uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Quốc hội thảo luận, ủy ban Thường vụ tiếp tục thảo luận, báo cáo chứ ủy ban Thường vụ không làm cả”, ông Thuận nói.
Vinashin sẽ có lãi từ năm 2013
Theo tính toán của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, số nợ Vinashin không chỉ dừng lại ở con số 86 nghìn tỉ đồng mà sẽ trên dưới 100 nghìn tỉ đồng vì tính mức lãi 16% – 19%/năm cho khoản nợ đó thì mỗi ngày Vinashin phải trả 30 tỉ đồng tiền lãi.
Tuy nhiên, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định “không có chuyện nợ trên 100 nghìn tỉ” mà điểm bất thường chỉ là ở chỗ nợ vượt trên vốn chủ sở hữu đến… 11 lần, mất an toàn và khả năng bị phá sản. Nhưng nếu thị trường phát triển tốt thì có thể xoay sở được và thực tế Vinashin có 28 nhà máy đang làm ăn tốt, có hàng chục hợp đồng đóng tàu đang thực hiện dở.
Bộ trưởng trấn an đại biểu: “Nhà nước không trả nợ thay Vinashin mà sẽ bằng cơ chế đúng pháp luật tạo điều kiện cho Vinashin tiếp cận vốn, giúp hoạt động kinh doanh trở lại để lấy tiền trả nợ”.
Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cung cấp những thông tin có phần sáng sủa của tập đoàn này. Theo đó, từ khi bắt đầu tái cơ cấu vào năm 2008 đến nay, từ chỗ có hơn 180 dự án thì Vinashin chỉ còn 28 dự án và chỉ tập trung 13 dự án chuyên ngành chính với 130 con tàu giữ được hợp đồng, 28 nhà máy đóng tàu hoạt động trở lại, 27 tàu dở dang tiếp tục triển khai, có chủ mua, 66 tàu được hoàn thành trong năm nay thu về 600 triệu USD. Công nghiệp phụ trợ cũng thu khoảng 14.000 tỉ đồng, làm được đầu máy diezen từ 3.000-6.000 mã lực kéo được tàu 12.000 tấn.
Phó Thủ tướng cho hay 23/26 tàu Vinashin chuyển cho Vinalines đã ra biển thu về 1.400 tỉ đồng, còn 3 tàu đã bán, một tàu Hoa Sen đã có phương án cho thuê, có thể thu về một năm 4 triệu USD.
Đặc biệt, “80% số nợ Vinashin đang gánh, nếu thị trường phục hồi nhanh, giá vận tải lên, giá đóng tàu lên lại thì năm 2012 có thể không lỗ nữa, từ 2013 trở lại có lãi”, phó thủ tướng lạc quan.
Còn lại khoảng 20% tổng tài sản là 216 công ty tới đây sẽ tái cơ cấu để thu hồi vốn từ từ bằng cách cổ phần hóa, bán hoặc cho thuê.
Riêng về xử lý vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị, phó thủ tướng cho biết đã, đang làm tích cực theo đúng pháp luật: “Từ kiểm điểm trách nhiệm của Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ, tất cả sẽ công bằng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, kết quả công khai trước công luận”, phó Thủ tướng nói.
“Xin đừng lôi Quốc hội vào đây!”
Dù đã nhận được trả lời bằng văn bản của bộ trưởng Giao thông vận tải về việc tái khởi động dự án đường sắt cao tốc, nhưng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) vẫn chưa hài lòng. Ông Thuyết tiếp tục hỏi: “Căn cứ pháp lý để tái khởi động dự án đường sắt Bắc – Nam trích từ nghị quyết nào của Quốc hội”?
Theo bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, vì Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư nên Thủ tướng không chỉ đạo và bộ cũng không tiến hành đầu tư. Thủ tướng chỉ chỉ đạo bộ tiến hành nghiên cứu dự án. “Điều này luật cho phép vì Chính phủ được phép thực hiện những nghiên cứu dưới dạng tiền khả thi, khả thi, đề xuất dự án”, ông Dũng giải thích. Ông nói thêm: dự án này cũng dưới dạng báo cáo khả thi để phục vụ làm rõ những vấn đề mà báo cáo tiền khả thi chưa có điều kiện nêu đầy đủ như về công nghệ, hiệu quả, vốn, môi trường. Ngoài ra, ông Dũng cũng coi việc tiếp tục nghiên cứu là nhằm “phục vụ công tác quy hoạch giao thông vận tải”.
Ông Dũng nhấn mạnh: việc nghiên cứu khả thi không phải toàn tuyến mà chỉ một số dự án, một số đoạn đường như Hà Nội – Thanh Hóa, TP.HCM – Nha Trang, rồi cả TP.HCM đi Cần Thơ. “Tất cả chỉ dừng ở nghiên cứu và lập dự án. Còn quyết định đầu tư, nếu có thể thực hiện, thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội. Dự án nào nằm trong thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quyết, nếu vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo để Quốc hội quyết định”, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.
Viện dẫn thêm băng ghi âm kết luận của chủ tọa kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, rằng “nếu không quá bán thì Chính phủ tiếp tục nghiên cứu trình kỳ họp tiếp theo”, bộ trưởng Dũng cho đây cũng là một căn cứ. Đặc biệt, bộ trưởng cũng dẫn kết luận của Bộ Chính trị về đường sắt đến 2020 tầm nhìn 2030, trong đó nói rõ: “Đường sắt cần ưu tiên đi trước một bước theo hướng đi thẳng vào hiện đại”. Thừa nhận không biết kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương này nhưng ông Thuyết tỏ ý lo ngại trước tình trạng Chính phủ chia nhỏ các dự án để nghiên cứu. Đại biểu Thuyết cũng nhắc nhở bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng rằng “biên bản Quốc hội không phải là căn cứ pháp lý mà chỉ là ý kiến chủ tọa động viên, nên xin đừng lôi Quốc hội vào”.
Cũng chất vấn về đường sắt cao tốc, nhưng mối quan tâm của đại biểu Dương Trung Quốc là tại sao bộ Giao thông vận tải không ưu tiên cải thiện đường sắt lên đường khổ đôi 1.435mm mà cứ phải là đường sắt cao tốc. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải thích: đường sắt khổ 1m đã có 130 năm, tất cả chỉ duy tu bảo dưỡng chứ hiện đại hóa là “bất khả kháng”, chưa kể “hành lang” bị xâm hại; các thành phố lớn có nhu cầu chuyển đường sắt ra ngoài nên “làm đường 1.435mm trên tuyến này không khả thi”.
Ông Dũng cũng cho biết: theo quy hoạch chung sẽ hiện đại hóa từng phần cho vận chuyển hàng hóa liên vùng và Bắc – Nam, đồng thời để chở khách tuyến ngắn vài trăm kilomet. “Còn chúng ta cân nhắc làm đường cao tốc là vì muốn đi ngay vào hiện đại, bởi các nước giờ đã có đường sắt 300 – 400 – 600km/giờ, nếu ta đi sau mãi thì không nên”, ông Dũng nêu quan điểm.
Hố tử thần: Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.Hồ Chí Minh) về 42 hố tử thần xuất hiện tại thành phố này thời gian qua, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho hay khi nhận được thông tin đã cử cán bộ xem xét, trao đổi với phó chủ tịch UBND thành phố tìm ra các nguyên nhân như: do công trình tái lập mặt đường cẩu thả; mức độ xuống cấp của công trình ngầm như thoát nước; do địa chất thủy văn, triều cường, khai thác nước ngầm…
Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước, bộ trưởng thừa nhận đúng là có sự chồng chéo giữa bộ Giao thông vận tải và bộ Xây dựng, chính quyền địa phương, khi quản lý kết cấu hạ tầng thì của bộ Xây dựng (trong đó có hạ tầng ngầm, vỉa hè, thoát nước, công trình ngầm) nhưng đường thì do bộ Giao thông quản. “Trước kia giao thông công chính nói chung nên không bộc lộ, nhưng sau khi tách ra thì sở Giao thông vận tải và sở Xây dựng chồng chéo”, bộ trưởng lý giải và cho biết đang nghiên cứu, bàn với bộ Xây dựng xin ý kiến Chính phủ về việc này.
Về xây dựng hạ tầng đô thị, ông Dũng cho biết bộ không làm chủ bất cứ công trình nào trong nội đô. Ông nhấn mạnh: “Vấn đề trách nhiệm thì chủ đầu tư ở đâu phải chịu trách nhiệm ở đó”.
Vận chuyển bô xít ra sao?
Là đại biểu duy nhất hỏi về dự án bô xít trong chiều nay, nhưng không phải hỏi về độ an toàn, về môi trường mà đại biểu Dương Trung Quốc hỏi vì “chưa rõ giao thông vận chuyển bô xít thế nào?”.
Tuy nhiên câu trả lời chỉ vẻn vẹn một câu của bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng rằng, “Trước mắt là đường bộ, lâu dài là doanh nghiệp cùng nhà nước làm thêm đường sắt, sau nữa là đường ống” khiến ông Dương Trung Quốc ngồi dưới chống cắm và lắc đầu!
Chưa bằng lòng, các đại biểu Quốc tiếp tục chất vấn: Hiện nay phương án vận chuyển bô xít ra cảng biển là đường nào? Cử tri sinh sống dọc Quốc lộ 20 ở Đồng Nai đã kêu nhiều vì đường quá tải, tai nạn…, nếu chạy trên đường này nữa thì tình hình có nghiêm trọng thêm không?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Thủ tướng đã chỉ đạo chuẩn bị đường bộ như mở rộng đường 14. Quốc lộ 20 ở Bảo Lộc cũng đã xong và hiện chúng ta đang lập dự án để tiếp tục mở rộng các đoạn còn lại. Ngoài ra có một số tuyến khác cũng sắp có dự án để kết nối thế nào cho đồng bộ”.
Bộ trưởng Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc cũng thông tin thêm là đã tính đến các phương án giao thông cho bôxít. Cụ thể, với dự án Tân Rai, phương án của TKV là vận chuyển bằng đường ống từ Bảo Lộc xuống cảng Kê Gà, nhưng trước đó sẽ dùng đường bộ từ Bảo Lộc xuống Dầu Giây về cảng Thị Vải. “Phương án này đảm bảo được, vì công suất một ngày chuyển 2.000 tấn alumin, tức chỉ dùng 200 xe tải trọng 10 tấn là đủ. Lưu lượng này tôi cho rằng Quốc lộ 20 đáp ứng được”, ông Phúc tính toán.
Với dự án Nhân Cơ, cũng theo ông Phúc, về sau sẽ chuyển bằng đường sắt nối tiếp từ Đồng Xoài lên Gia Nghĩa, còn trước mắt từ Đồng Xoài đến Đồng Nai về TP.HCM thì đường bộ hiện tại có thể đảm bảo được, chỉ còn đoạn Đồng Xoài lên Gia Nghĩa là phải tiếp tục đầu tư.
Chí Hiếu (ghi)
Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/133360/Vu-Vinashin-chung-toi-khong-co-trach-nhiem.html