Đánh giá lại giá trị của Vinashin một cách nghiêm túc là việc cần làm. Tất cả những gì cho đến nay được quan chức tuyên bố trước Quốc hội đều chưa đáng tin cậy.
Trước phiên chất vấn, Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo bổ sung về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), thông báo thực trạng và kết quả tái cơ cấu bước đầu: còn 259 đơn vị, trong đó 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, 11 đang đầu tư dở dang. Tổng tài sản còn lại là 95.672 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 76.241 tỷ đồng.
Ông Hồ Nghĩa Dũng khi trả lời Quốc hội (VNN ngày 22/1/2010) thì nói rằng dựa trên báo cáo của Vinashin “đến thời điểm 30/6/2010, Tập đoàn có 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, 14 nhà máy đang được đầu tư. Tổng tài sản là 104.649 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 86.565 tỷ đồng.”
Như thế, nợ đã giảm từ 86.565 tỷ xuống 76.251 tỷ mà không một lời giải thích.
Chính ông Vũ Văn Ninh Bộ trưởng Tài chính đã thú nhận là đến thời điểm trả lời chất vấn trước Quốc hội (sáng ngày 23/11/2010) “ Bộ Tài chính vẫn chưa thể biết giá trị tài sản thực của Vinashin là bao nhiêu” (TBKTSG online cùng ngày). Nếu ông Ninh chốt lại ở đấy thì hay hơn là ông đưa ra con số nợ đã giảm xuống ở trên. Đấy là theo ông Ninh, Bộ Tài chính đã tổ chức 4 cuộc kiểm tra định kỳ, 1 kiểm tra đột xuất và được phân quyền tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn và trong quá trình từ năm 2007 đến 2010 mà vẫn không nắm rõ được vấn đề.
Cho nên khi ông Ninh đánh giá, “với những kiến nghị của thanh tra, Vinashin có thực hiện tốt một số yêu cầu, một số thực hiện chưa tốt và một số không thực hiện” thì đây là đánh giá quá sớm và Quốc hội cũng không nên nhanh chóng thỏa mãn với những câu trả lời như thế.
Bất cứ ai làm nghề kế toán đều biết là kế toán tài sản đơn giản có hình thức như sau:
Nếu ta biết được tổng giá trị tài sản thì ta có thể tính được vốn tự có. Vậy thì nếu như tình hình đúng như Bộ Tài chính đưa ra thì vốn tự có của Vinashin vẫn là dương. Điều này chưa thể nói lên là Vinashin thực hiện tốt hay xấu vì vấn đề là Vinashin có làm lời không và tỷ suất lời bao nhiêu theo tài sản đang có và số vốn bỏ ra. Phần này chưa quan chức nào nói đến.
Riêng về đánh giá lại tài sản, nếu không có giải trình thì con số dương về vốn còn lại không có giá trị gì. Vốn còn lại tùy thuộc vào việc đánh giá giá trị tài sản và vốn.
Giá trị tài sản, ngoài trừ tiền mặt và các khoản như tiền có trong tay là giá trị tài sản cố định mà Vinashin hiện có trong tay. Việc đánh giá lại giá trị tài sản quả thật không đơn giản vì tài sản sẽ bao gồm đất đai, nhà máy, công trình xây dựng còn lại, và các tầu bè mà Vinashin mua, v.v. và giá trị hoàn toàn dựa vào giá trị có thể bán lại trên thị trường vào thời điểm đánh giá. Những gì có trong tay mà không bán lại được để biến thành tiền thì đều không có giá trị. Thí dụ những cảng, nhà máy đã xây mà không thể đưa vào sử dụng và nhượng lại cho doanh nghiệp khác thì không có giá trị. Điều này ông Ninh đã thành thật nói ra, nhưng các chuyên gia chỉ có thể có đánh giá chính xác nếu như các tài sản này được công bố chi tiết.
Đánh giá nợ cũng không đơn giản. Nếu là nợ bằng tiền Việt Nam thì tương đối là dễ, nếu bỏ qua việc nợ nợ tiền hưu trí cho công nhân viên. Nhưng nếu nợ bằng ngoại tệ thì nợ này phải được tính lại theo hối suất thị trường hiện nay. Khi hối suất tăng nhanh chóng như ở Việt Nam mà nợ bằng tiền Việt Nam lại giảm hơn 10 ngàn tỷ theo như trình bày của quan chức thì đây là điều đáng ngờ. Điều này chỉ có thể rõ khi mọi món nợ phải được trình bày với chi tiết rõ ràng.
Trong việc đánh giá lại, cũng nên phân tích rõ ràng theo hiện trạng của Vinashin, chứ không nên trình bày tình trạng Vinashin sau khi một số hoạt động với các món nợ có sẵn được chuyển giao lại cho các doanh nghiệp khác. Thủ thuật này đã được nhiều chính phủ trên thế giới sử dụng để làm đẹp bảng kế toán.
Như vậy, Quốc hội nên đòi hỏi thông tin chi tiết và chính xác về các hoạt động của Vinashin với các giải trình cặn kẽ để nhờ các chuyên gia độc lập đánh giá chứ không thể dựa trên những lời phát biểu đại khái của các quan chức chính quyền như hiện nay.
V. Q. V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN