Việc giam giữ TS luật Cù Huy Hà Vũ được giới luật sư trong nước đặc biệt quan tâm vì tính chất bắt, giam giữ cũng như cáo trạng của Viện Kiểm sát đưa ra có vấn đề liên quan đến bộ Luật Hình sự.
Mặc Lâm phỏng vấn luật sư Trần Lâm, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao để tìm hiều thêm vấn đề, mời quý vị theo dõi.
Yếu tố kết tội phải được xét tỉ mỉ
Mặc Lâm: Thưa Luật sư, theo cái nhìn tổng quát của ông về việc bắt giữ TS Cù Huy Hà Vũ thì điều gì trên mặt chuyên môn khiến ông quan tâm nhất?
LS Trần Lâm: Việc thứ nhất đấy, ý tôi nếu mà đứng về mặt chuyên môn thì tôi loại trừ cái chuyện dính dáng tới cái nhà nghỉ với cái khách sạn khách siếc gì đấy, phải bỏ cái chỗ đó ạ. Nếu mà tôi cãi thì việc đầu tiên là tôi gạt bỏ cái đó trong vụ án, bởi vì trên nguyên tắc pháp lý thì nó như thế này ạ, những điểm mà đưa vào trong vụ án là những điều để mà kết tội, những điều để mà có tình tiết tăng nặng, những điều mà có tình tiết giảm nhẹ, những điều mà dính dáng tới cái tội phạm, chứ còn cái chuyện làm trong khách sạn đấy, nếu mà cái người phụ nữ mà đây chỉ là vấn đề đạo đức mà nếu có thực cũng chỉ là vấn đề đạo đức thôi thì nó không dính gì đến cái vấn đề chính trị, tức là cái chuyện đó đưa vào làm xấu cái con người thôi chứ không dính dáng gì tới tội phạm ạ.
Mặc Lâm: Còn việc thứ hai thì sao, thưa Luật sư?
LS Trần Lâm: Ý thứ hai, nếu bây giờ anh ấy có bằng ấy tội, tức là bằng ấy hành vi người ta kết tội là “hành vi chống đối nhà nước” mà là hành vi phạm tội, tức là anh ấy có bằng ấy hành vi, chẳng hạn như kiện Thủ tướng, chẳng hạn như là đi nói với chỗ nọ chỗ kia để thúc đẩy người ta kiện Thủ tướng, kiện nhà nước, rồi là liên hệ với người này người nọ, rồi viết cái nọ cái kia, đấy thì loại ấy thì đúng phải xét ạ.
Thế thì bây giờ cái việc đó thì theo như chúng tôi đúng người đúng việc là chúng tôi tách ra từng hành vi để tôi nói hành vi này có đúng là cái tội này không. Nếu như cứ tách ra từng việc một thì nó là như thế này ạ, nó lại sa vào một cái tình hình như thế này ạ, là nếu đứng về pháp luật thì có nhiều điều là không có phạm tội. Thí dụ như bây giờ kiện Thủ tướng thì có cái luật nào cấm kiện Thủ tướng?
Mặc Lâm: Cũng có thể bên điều tra cho rằng yếu tố kêu gọi người dân thực hiện dân chủ là chống lại chính quyền, ông có đồng ý với cáo buộc này hay không, thưa ông?
LS Trần Lâm: Kiện thì người ta có kiện mà lại nâng theo cái động cơ kiện để mà làm cho nó khuấy động cái tình hình lên, làm cho xấu cái tình hình đi, hoặc là kiện để kích động quần chúng để quần chúng nổi dậy chống nhà nước, thế thì kiện như thế mới là có tội. Chứ còn bây giờ người ta kiện cụ thể là Vọng Cảnh, bây giờ cái Vọng Cảnh ở Huế, thì theo ý tôi là người ta kiện cái Vọng Cảnh, mà cái Vọng Cảnh bây giờ là phải rút lui, thế thì sao lại nói rằng có tội ạ?
Bấy giờ người ta kiện nhưng mà thấy rằng người ta kiện sai, người ta thấy rằng người ta kiện sai thì người ta có khuyết điểm, nhưng mà đưa lên chỗ là anh kích động để chống đối nhà nước thì nó lại sang một lãnh vực, nó sang một tốc độ, nó sang một giai đoạn khác thì cái đó rất khó chứng minh. Cái Vọng Cảnh hiện nay thì không được mở cái Vọng Cảnh nữa. Nếu mà mở cái Vọng Cảnh là sai lầm nên người ta kiện để cho cái Vọng Cảnh phải rút lui thì cũng không có tội.
Thế thì đi tới kết luận rằng cái ở trong khách sạn thì cái đó là cái chuyện người ta gọi là tình dục ngoài hôn nhân, thì cái chuyện nó kết như vậy thì tôi tính là các ông đàn ông thì có lẽ là tội nhiều lắm ạ. Thế đấy là một chuyện, cho nên cái đó người ta phải bỏ. Còn những vụ kia tách ra từng vụ một thì tôi chưa biết là nên tách như thế nào, nhưng tôi thấy tách, tôi đã tự tách ra một vài vụ thì tôi thấy rằng không thể kết tội được.
Khó ghép ông Cù Huy Hà Vũ vào tội kích động phá hoại chính quyền
Mặc Lâm: Thưa Luật Sư, chính quyền cũng có thể ghép ông Cù Huy Hà Vũ vào tội kích động để phá hoại chính quyền hay không ạ?
LS Trần Lâm: Cái kích động thì cái chỗ này phải xét tỉ mỉ rằng cái người kia người ta có cái ý định như thế không, hay là vì có mình dính vào thì mới nảy ra cái ý định chống đối? Còn nếu họ đã chống đối thì đấy là việc họ chống đối, còn mình ở ngoài mình viết lách rằng cái chống đối là sai hay là đúng thì nó lại sang hai việc. Tôi nói như thế này cho chú rõ nhé.
Đây có một đám công dân kiện cáo nhà nước rồi biểu tình rầm rộ lên vì những quyền lợi của họ, thế thì bây giờ cái việc đó phải xét xem là do mình làm nên cái việc này hay là họ sẵn có như thế mà họ làm cái việc đó, rồi mình giúp đỡ họ, thì đấy là hai loại việc khác nhau.
Thế thì nếu anh ở trong cái phạm vi rằng người ta không muốn kiện cáo, người ta không muốn làm rầm rộ mà anh kích động người ta để người ta làm rầm rộ thì đấy mới là tội làm mất trật tụ trị an. Mà nếu giúp thì phải giúp một cách êm ả, giúp một cách trong vòng pháp luật, giúp một cách trong vòng trật tự, giúp ở trong cái sự ổn định xã hội.
Nếu anh giúp mà anh làm rối loạn lên thì đấy là tội. Nhưng nếu mà họ có cái oan ức mà rồi anh góp ý kiến phải thế này phải thế nọ, họ làm quá lên thì đấy là việc của người ta. Vì thế cho nên cái chỗ kích động thì rất là tế nhị, cái chỗ kích động đó phải xét xem là do cái tác động nào mà trở nên như thế này.
Còn nếu đấy là tự họ, mình góp một vài ý kiến thôi thì chưa chắc đã là tội. Vì thế cho nên cái tội kích động, tội chống nhà nước thì bây giờ bao nhiêu hành vi phải mang tình hình ra rồi bóc ra, tước ra, rồi mới nghiệm nó, hóa nghiệm nó, rồi phân tích nó, rồi mới đi tới kết luận rằng anh Cù Huy Hà Vũ tham gia vào cái việc này như thế nào. Thì tôi thấy rằng cũng khó kết tội. Tôi có cảm giác rằng nhiều hành vi không kết được tội. Thí dụ như kiện thủ tướng thì không thể kết (tội) được.
Mặc Lâm: Trong buổi họp báo tuyên bố về việc bắt ông Cù Huy Hà Vũ thì một viên chức công an cao cấp đã đem việc gia đình ông Cù Huy Hà Vũ tranh chấp để tăng thêm cách nhìn xấu của dư luận đối với ông này, theo luật sư thì hành động này có phù hợp với luật pháp Việt Nam hay không?
LS Trần Lâm: Về vấn đề luật pháp thì không được đề cập việc đó vì cái chuyện đó là chuyện ngoài cái việc chống nhà nước. Nó không có một cái nội dung chống nhà nước. Bởi vì cái luật pháp nó như thế này, bất cứ tình tiết nào đưa vào trong vụ án là nó phải dính tới tội phạm mà mình truy tố chứ không được đưa đến cái chuyện rằng anh này trước kia thì là đã có lần đánh bạc, hay gì gì đấy, thì cái chuyện đấy xa xôi rồi, không được nói. Tách cái chuyện gia đình họ Cù có cái chuyện nọ chuyện kia, như vậy thì bây giờ tôi nghĩ rằng người nào cũng có thể có tội ạ, vì nhà nào mà chẳng có chuyện.
Mặc Lâm: Và xin luật sư một câu hỏi cuối, thưa ông tòa án có thể từ chối không cho một luật sư tham gia vào quá trình tranh cãi hay không, mặc dù luật sư đó được gia đình bị cáo chính thức đề nghị?
LS Trần Lâm: Không ạ! Người ta làm thế này cơ, người ta tìm ra cách để loại trừ ông luật sư chứ không phải người ta nói rằng là tôi không cho ông cãi, tôi không cho luật sư. Nếu nói như thế là nó trái pháp luật. Thí dụ họ loại như thế này, ông này vì có một việc như thế này cho nên không phù hợp với việc cái này. Họ tìm ra những lý lẽ để họ không cho cãi, chứ không phải cứ có quyền là không cho cãi đâu. Bởi vì bây giờ chú thấy rõ là ở trong ta cái dân chủ thì thực là không có dân chủ, nhưng mà người cầm quyền thì người ta cũng cố làm sao để cho nó có vẻ dân chủ, vì thế cho nên phải đấu tranh. Đang đấu tranh một đàng thì dân chủ là dân chủ, không là không, nhưng đàng này cứ nhập nhằng dân chủ và không dân chủ bởi vì không dám vỗ ngực rằng tôi không có dân chủ gì cả.
Trong nước Việt Nam này cứ nửa vời, tức cứ làm ra như là dân chủ nhưng mà thực ra bên trong lại là toàn trị, thành thử ra nó mới khó như thế. Chứ còn ở các nước thì kiện thủ tướng là thường chứ ạ, có việc đâu chứ ạ. Thế mà ở đây kiện thủ tướng là có tội! Thế thì bây giờ các ông nhà nước, các ông phải làm thế nào để có luật rằng có tội, thế mới khó chứ ạ. Cho nên tòa án cứ nói rằng có tội, còn luật sư nói là không có tội, thế nhưng mà họ cứ kết tội. Đấy, nó lại zig-zac như thế, nó lắc léo như thế!
Mặc Lâm: Xin cám ơn LS Trần Lâm đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vần này.