Hội Kinh tế & Vận tải ĐSVN
Một dự án trọng điểm quốc gia đã “qua mặt” Quốc Hội!
Được lợi thế “một mình một chợ” và là một doanh nghiệp Nhà nước “con cưng”, ngành ĐSVN đã thực hiện dự án lớn 24.500 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD theo thời giá năm 2004) để kiên cố hóa ĐS mà không thông qua QH, mặc dù vào thời điểm đó những dự án có mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng đều phải được công khai phản biện và phải được Quốc hội xem xét phê chuẩn, vì đó là những hạng mục dùng ngân sách Nhà nước bằng tiền thuế đóng góp từ những người dân.
Thật đáng tiếc, một dự án đặc biệt quan trọng liên quan đến tính mạng hàng chục triệu người dân và nhân viên ĐS cùng tương lai phát triển bền vững của cả một dân tộc, có vị trí quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh và kinh tế xã hội…, ngốn một lượng tài sản lớn như vậy lại không được xem xét phản biện khoa học, lại “lách” qua Quốc hội – người đại diện cho toàn dân, lại được thực hiện một cách vội vàng, bỏ qua những quy tắc chuẩn mực khắt khe, nghiêm túc về các luận chứng kinh tế, kỹ thuật, tác động môi trường, yếu tố bền vững và yếu tố an toàn liên quan trực tiếp đến tính mạng người dân và vai trò về quốc phòng – an ninh.
Kiên cố hóa hay rước họa cho ĐS nước nhà?!
Mục tiêu trong sáng của những tiến sỹ ĐS và tác giả dự án là đưa tà vẹt bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực “tiêu chuẩn Nhật Bản” vào thay thế loại tà vẹt mềm bê tông 2 cục là tà vẹt K1 & K2, để đạt mục tiêu tăng tốc 120 km/h, nhằm nâng thị phần vận tải ĐS đang tụt hậu từ 7% lên 25%. Song cách làm này không thể thực hiện được, vì tà vẹt BTCT dự ứng lực có độ bền chắc và độ bật nẩy cao, chỉ phù hợp với ĐS khổ rộng trên 1,435 m vì thông số mômen kháng lật của đường đó đủ sức chống lật, để đảm bảo tăng tốc an toàn. Độ bật nẩy của lại tà vẹt BTCT dự ứng lực đã gây nên thảm họa lật tàu tại Nhật Bản trên đường sắt khổ 1,067 m khi chỉ chạy tốc độ 90 km/h.
Với khổ đường đó, độ an toàn của ĐS Nhật Bản cao hơn ĐS nước ta khoảng 15-20%. Vậy mà liên tiếp xảy ra 2 vụ lật tàu làm hơn 500 người chết và bị thương ngay trong tháng 10 và 12/2005. Cả nước Nhật bàng hoàng, Chính phủ Nhật tuyên bố quốc tang. Các quan chức và chuyên gia ĐS giải thích trước công chúng rằng nguyên nhân sự cố xảy ra do chạy trong bão tuyết và lái tàu không làm chủ tốc độ. Thế nhưng điều không giấu nổi là Nhật Bản hiện có 93% chiều dài ĐS toàn quốc khổ 1,067 m đã được kiên cố hóa. Thảm họa ĐS đó đã làm cả đất nước bừng tỉnh. Khi biết được sự thật là một nước đại cường quốc về kinh tế và khoa học kỹ thuật công nghệ ĐS, giàu thứ nhì thế giới mà lại có hệ thống 22.000 km ĐS khổ 1,067 lạc hậu nhất thế giới, Chủ tịch tập đoàn ĐS đã phải từ chức để làm dịu cơn phẫn nộ của công chúng. Song trước cả một hệ thống 22.400 km đã được kiên cố hóa bằng loại tà vẹt BTCT dự ứng lực 1,067 m với tuổi thọ sử dụng trên 100 năm, họ đành phải ngậm “trái đắng” do chính các tiến sỹ và kỹ sư của họ làm ra, vì không dễ thay tà vẹt ĐS khổ rộng như “thay áo khoác” cho hàng chục ngàn km ngốn hàng chục tỷ USD giữa lúc nợ công của Nhật đang vượt 208% GDP – nguy cơ trở thành một Hy Lạp thứ 2!
Người Nhật thì “ôm hận” với ĐS khổ hẹp 1,067 mét còn các tiến sỹ ĐSVN lại mê say loại tà vẹt BTCT dự ứng lực bền chắc này. Ngành ĐSVN đã đưa ra “sáng kiến” cắt ngắn 67 mm của “tiêu chuẩn Nhật Bản” để lắp đặt vào khổ đường 1 mét của nước ta với mục tiêu chạy với tốc độ 120 km/h!
Thế nhưng, kiến thức vật lý sơ đẳng cũng như cơ học lý thuyết cho thấy bề rộng khổ ĐS là “linh hồn” quyết định độ an toàn và tốc độ chạy tàu. Nó là “cánh tay đòn” trong bài toán cân bằng động lực học để tính được hệ số mômen kháng lật/mô men lật. Giá trị, mô men kháng lật của khổ đường 1 mét rất thấp, dù có kiên cố hóa tà vẹt hay đường ray đến cỡ nào cũng không thể làm tăng được giá trị mômen kháng lật. Điều tai hại mà chưa hề có một tiến sỹ ĐS nào nhận ra là độ cứng đường càng cao thì phản lực nền càng lớn làm giảm mômen kháng lật nên dễ dàng gây lật tàu. Như vậy vòng xoáy luẩn quẩn đang trói chặt ĐSVN trong tình trạng “tiền mất tật mang”. Như vậy sẽ không thể nào tăng tốc để rút ngắn hành trình 31 tiếng Hà Nội – TP HCM trên loại đường này. Khổ ĐS 1 mét kiên cố hóa bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực “tiêu chuẩn Nhật Bản” sẽ trở thành “vòng kim cô” trói chặt tương lai của ĐS nước ta trong sự rệu rã và nguy cơ đi dần tới phá sản.
Hiện nay, những đoàn tàu “băng băng như rùa…” tốc độ 50 km/h trên khổ đường sắt gầy còm 1 mét được kiên cố hóa vẫn không thể tránh khỏi nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, có những ngày xảy ra 2 vụ trật bánh, một tháng xảy ra 2 vụ lật tàu ngay trên những cung đường bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực tại Miền Trung. Đánh giá nghiêm túc và chính xác: ĐS nước ta hiện đang tụt hậu quá xa so với “ĐS thời kỳ nô lệ” – trước 1945 – cả về chiều dài mạng lưới, độ an toàn cũng như thị phần vận tải và mất an toàn nghiêm trọng.
Chính khổ đường 1 mét đang chặn đứng mọi nỗ lực sáng tạo, làm cho ĐSVN vừa tụt hậu lại ngày càng tụt hậu và sẽ không thể giữ nổi thị phần của mình vốn đã rất thấp, chỉ đạt 6% về hành khách và 4% về hàng hóa. Với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7% năm cùng tăng trưởng dân số 1 triệu người/năm thì mặc nhiên thị phần sẻ phải giảm đi khoảng 1- 1,5% và sức giảm không dừng lại theo lũy tiến của biểu đồ tăng trưởng. Lượng hành khách vận tải hiện nay là năm sau thấp hơn năm trước thì đến năm 2012 chỉ còn dưới 5% và nguy cơ phá sản vào năm 2015 là khó tránh khỏi.
Tư duy kiên cố hóa ĐS lạc hậu khổ 1 mét đang biến ĐS nước ta thành một bảo tàng “ĐS thời nô lệ” và nguy cơ xóa sổ ĐS nước ta. Sự tụt hậu thê thảm của ĐSVN đang đẩy thực trạng giao thông nước nhà vào sự quá tải và tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng. Khổ ĐS 1 mét đang là “vòng xiềng xích” kìm hãm bước tiến của một dân tộc và đang trở thành nổi đau thể xác của một đất nước 86 triệu dân với mỗi năm có trên 13 ngàn người chết, hàng chục ngàn người bị thương vì tai nạn giao thông.
Đã đến lúc Quốc hội phải cứu lấy sự nghiệp ĐS nước nhà!
Kiên cố hóa ĐS khổ 1 mét bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực tốn kém 1,8 tỷ USD là một việc làm hết sức cẩu thả, là một sai lầm nghiêm trọng của các tiến sỹ Bộ GTVT, đang gây ra tai họa cho nhân dân, cho ngành ĐS và dự án này sẽ là “tiền mất – tật mang”, vừa trói chặt ĐS nước ta trong vòng “kim cô” tai nạn, vừa lạc hậu, vừa mất trắng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD bằng thuế đóng góp của Nhân dân.
Đây là sai lầm lớn về kỹ thuật công nghệ ĐS, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế dự án này không kém gì thất thoát trong vụ Vinashin. Điều giống nhau của hai dự án này là đã vượt qua tầm kiểm soát của Quốc hội. Cái giá phải trả là Nhà nước thất thoát nhiều tỷ USD cho những dự án thiếu khoa học này đồng thời gây tổn thất nặng nề do quá tải và đại họa TNGT! Đó cũng là trách nhiệm nặng nề của Bộ GTVT về vấn đề quản lý Nhà nước về công nghệ, an toàn và hiệu quả đầu tư vào Đường sắt!
Từ chỗ ĐS đã vượt qua “barie” của Quốc hội, nay ĐS đã được “đặt nghiêm túc lên bàn QH” để thảo luận công khai là công lớn của Chính phủ. Bác dự án ĐSCT tốn kém 56 tỷ USD là một quyết định sáng suốt hợp lòng dân để tránh được nhiều thương vụ phá sản theo kiểu Vinashin, còn cứu ĐS thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và phá sản hay không tùy thuộc vào trách nhiệm của Quốc Hội.
Cách đây 100 năm Quốc hội Pháp quyết định phê chuẩn ngân sách cho việc mở đường sắt Đông Dương trong đó có ĐS Việt Nam, thì hôm nay Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8 cần có những quyết sách quan trọng để vừa cứu lấy sự nghiệp ĐS nước nhà, đó phải là một Nghị quyết Quốc hội huy động sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp mở rộng để hiện đại ĐSVN, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và tìm được sự phát triển bền vững cho muôn đời con cháu mai sau!
T. Đ. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN. Đã đăng trên khoahoc@doisong.net