Nói đi nói lại về lòng yêu nước mà vẫn không chán, mà rồi lại vẫn cứ phải nói, phải lý giải bằng cách này hay bằng cách kia, điều đó chứng tỏ trong tâm thức dân tộc chúng ta, lòng yêu nước là một cái gì luôn luôn canh cánh, một món nợ lòng đối với Tổ quốc mà hễ một lúc nào quên lãng, thì không còn xứng đáng là người. Khốn thay, thời buổi kinh tế thị trường này, mọi thứ đều có thể đem ra bán, thì cái thiêng liêng nhất là lòng yêu nước cũng có thể bị đem bán lắm. Nhưng những ai sở hữu lòng yêu nước thì đương nhiên không bao giờ bán vì bán nó đi là bán một phần cơ thể của mình, chắc chắn mình sẽ tự triệt tiêu mình. Vậy thì ai có thể bán cái mà cả dân tộc này sở hữu? Nếu đất đai là sở hữu vật chất thiêng liêng của toàn dân mà những kẻ nào đó còn có thể ngang nhiên tìm cách này cách khác chiếm đoạt và đem bán thì lòng yêu nước cũng chính là cái phần đất đai phi vật thể phân đều trong mỗi con người Việt Nam. Ai bán được đất đai thì cũng bán được lòng yêu nước. Không bao giờ thừa nếu cả dân tộc chúng ta nâng cao tinh thần cảnh giác với chúng.
Bauxite Việt Nam
Thế hệ hôm nay lại triển khai lòng yêu nước bằng cách trau dồi tri thức, năng lực làm giàu cho cộng đồng và làm giàu cho chính mình
Lâu nay, người ta hay có thói quen suy nghĩ trên một lộ trình đường ray rằng, cái gì đã định hình thì mãi mãi định hình, bất biến, không thay đổi. Ví như lòng yêu nước.
Qua đó, số người này muốn khẳng định chắc nịch: Đã yêu nước là phải xả thân, phải gắn bó tận cùng với số phận của non sông của dân tộc, quên hẳn cái cá nhân vị kỷ của mình đi, chỉ để cho cái lợi ích của cộng đồng lên trên tất cả, nếu cần hy sinh luôn thân mình vì nghĩa lớn.
Đúng! Điều đó hoàn toàn đúng. Bao lâu nay, nhất là trong những điều kiện giặc giã, mất còn sinh tử, cái chủ thuyết mang hồn khí của lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm đó đã tạo dựng nên diện mạo non sông, đã hun đúc nên phẩm cách của dân tộc để đến hôm nay, ta có thể ngẩng cao đầu mà tự hào nói to lên rằng, hết thảy mọi vinh quang và chiến công đó đều thuộc về lòng yêu nước sâu thẳm và bất diệt của người dân Việt.
Nhưng lòng yêu nước không phải bao giờ cũng trung trinh một chiều bền vững. Khi có giặc, lòng yêu nước mặc nhiên được dâng lên như triều cường để bảo vệ chính mình, gia đình thân yêu và giang sơn của mình. Con người lúc ấy mới cao thượng và tốt đẹp làm sao. Trong vắt và tinh khiết làm sao. Tất cả được hội tụ, nâng lên thành những giá trị tinh thần bất khả chiến bại [1] mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng bách chiến bách thắng.
Thế rồi, bỗng một ngày không còn bóng giặc, con người bỗng phân thân kỳ lạ. Lòng yêu nước có vẻ như bị tan loãng vào cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt thường ngày khiến cho nhiều khi khái niệm yêu nước trở nên bàng bạc, mơ hồ. Khi đó cái TÔI đã ngoi lên lấn át cái TA. Tiếng gào trống rỗng của những chiếc dạ dày và khát vọng hưởng thụ luôn ngự trị trong từng miếng ăn giấc ngủ. Lòng yêu nước thoắt trở nên một cái gì như là xa xỉ, không có thật. Hoặc có đi nữa lại thường chỉ âm thầm nằm day dứt trong trái tim những con người chính trực.
Còn một số khác lại hành trình ngược lại, luôn miệng hô hào yêu nước, thương dân, nhưng không từ một thủ đoạn nào vét cho đầy hầu bao. Mầm mống tham nhũng bắt đầu từ đó mà cái mầm mống này nó càng tệ hại hơn là chính họ lại đi nhân danh lòng yêu nước, yêu dân cần lao, đi đâu ngồi đâu cũng lớn tiếng rao giảng những điều cao siêu đạo lý, trong khi vẫn nhẫn tâm dấn sâu vào sự vô đạo. Họ luôn làm thất thoát, chiếm dụng, đục khoét vào vốn nhà nước, mượn đồng tiền nhà nước, tức là đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của người dân đóng góp để vinh thân phì gia, để tự cho phép mình được hưởng một thu nhập chất ngất mà không cần biết xung quanh họ triệu triệu người còn thắt lưng buộc bụng. Họ nhân danh ai, nhân danh cái gì, đã làm lợi cho Tổ quốc được bao nhiêu mà có thể có những hành xử phi nhân và độc ác như thế? Đấy là một căn bệnh vô cảm dẫn đến thoái hóa lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc đã được đổi bằng núi xương sông máu của bao thế hệ mới có.
Mà thôi, ngày xuân nồng nàn chả nên đi sâu đi kỹ vào chuyện này làm gì, nó nhức nhối, nó ngóc ngách, giằng dịt, nó mất xuân đi. Chỉ hy vọng rằng, mỗi độ xuân về, dưới bầu trời xuân tâm linh thăm thẳm, cái tà khí sẽ bị xua dần đi và ánh thái dương cùng với nụ xuân tốt lành sẽ đâm chồi nảy lộc.
Giờ ta nên nói chuyện khác, chuyện về giới trẻ.
Không ít người cho rằng, giới trẻ hôm nay là vô ơn, là không màng gì đến nỗi đau và sự gắng gỏi không cùng của dân tộc đã rớm máu trải qua, là bạc nhược, là thiển cận, là đánh mất truyền thống, là chỉ biết chìm nghỉm vào cuộc sống vật chất hưởng thụ mà không lo đến tương lai, khát vọng, tiền đồ, lý tưởng của đất nước, cứ đà này rồi là chết, là thậm nguy, chí nguy nếu non sông lại phải đương đầu với thác ghềnh ghê gớm như đã từng đương đầu.
Nỗi lo này có phần nào đáng để tâm suy nghĩ vì nó đã nhỡn tiền xảy ra chỗ này chỗ khác, người này người khác, nhưng nếu tĩnh trí lại thì ắt sẽ tìm được lời giải khiến ta bình tâm hơn. Thì đó, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, các đoàn binh tràn về qua năm cửa ô làm cuộc tiếp quản lịch sử, một đồng chí lãnh đạo đảng cao cấp thấy viên đạn bọc đường của đời sống đô thị, đời sống hòa bình làm thay đổi biết bao những chàng trai mà trước đó họ còn là những chiến binh kiêu hùng đã buộc phải thốt lên: “Gay rồi! Kiểu này không khéo sẽ mất hết cơ đồ!” Nhưng rồi khi chiến tranh nổ ra, Mỹ vào, lại chính những con người đó đã rùng rùng ra trận làm nên những chiến công huy hoàng không thua kém gì thời cha anh đánh Pháp.
Và bây giờ cũng vậy. Bởi một lẽ đơn giản nhưng đã được định vị chắc bền ở tầng sâu trầm tích: Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng một thế hệ nào, thế hệ cha anh triển khai lòng yêu nước bằng cách xông pha vào trận diệt thù, còn thế hệ hôm nay lại triển khai lòng yêu nước bằng cách trau dồi tri thức, năng lực làm giàu cho cộng đồng và làm giàu cho chính mình. Song các thế hệ đều có một mẫu số chung là hạt kim cương của lòng tự trọng lấp lánh nằm trong lồng ngực, mà tới đây nếu có bất cứ một ai, một thế lực nào động chạm đến bàn thờ ông bà, xúc phạm đến dân tộc là thế hệ hôm nay cũng sẽ biết mở những cuộc hành binh oai hùng và tráng lệ không thua kém gì các thế hệ cha anh.
Lịch sử ngàn năm trận mạc chống ngoại xâm đã chứng minh điều đó. Và ngày hôm nay, thế hệ trẻ còn phải chứng minh thêm một điều nữa không kém phần cam go khốc liệt, đó là phải trả lời bằng được câu hỏi: Tại sao cái nhục mất nước ta không chịu được thì chả lẽ cái nhục đói nghèo ta lại dễ chịu đựng hay sao?
Nhìn về thăm thẳm chiều sâu lịch sử, nhìn về rạng ngời phía trước, ta có thể tin rằng, con người Việt Nam hôm nay, thế hệ trẻ hôm nay sẽ trả lời được, sẽ có cách trả lời. Tin như hết mưa trời lại nắng, hết đông lại chuyển sang hè. Mùa xuân nao nức đang về trên ngàn ngàn cây lá, cỏ xanh.
C.L
Nguồn: baodautu.vn