Ký họa chân dung vị Giáo sư Bauxite Việt Nam

GS Nguyễn Huệ Chi, qua nét ký hoạ của TS Cù Huy Hà Vũ

GS Nguyễn Huệ Chi, qua nét ký hoạ của TS Cù Huy Hà Vũ

TS Cù Huy Hà Vũ vẽ ký họa GS Nguyễn Huệ Chi

TS Cù Huy Hà Vũ vẽ ký họa GS Nguyễn Huệ Chi

Cuối năm con Trâu, Giáo sư-nhà văn Nguyễn Huệ Chi gặp chuyện không vui. Cơ quan an ninh đến nhà thu máy tính, ổ cứng để điều tra xem trang web BAUXITE VIỆT NAM có liên quan gì với bọn phản động hay không. Qua gần một tháng xem xét các bài viết thì không thấy có bài nào phản động, không có chút cấu kết tẻo teo nào với bọn chống phá nhà nước. Các đồng chí an ninh làm việc hòa nhã, lễ phép với GS Huệ Chi. Giáp Tết Canh Dần mọi việc đã hoàn tất, máy móc, ổ cứng được hoàn trả cho chủ nhân. GS Huệ Chi còn được nhận quà chúc tết của các đồng chí an ninh.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ còn là một họa sĩ kí họa chân dung tài hoa. Nhân sự kiện tai qua nạn khỏi này, họa sĩ Cù Huy Hà Vũ đã kí họa chân dung GS-nhà văn Nguyễn Huệ Chi. Những đường nét phóng khoáng, tài hoa, vững tay của CHHV đã bắt thần Huệ Chi rất thần tình. Tình thâm giao của họ thật đáng trân trọng. Suốt thời gian GS Huệ Chi đi làm việc, TS Cù Huy Hà Vũ luôn luôn bên cạnh để giúp đỡ, động viên Huệ Chi ổn định huyết áp.

GS Huệ Chi và TS Cù Huy Hà Vũ bên tượng nhà thơ Xuân Diệu

GS Huệ Chi và TS Cù Huy Hà Vũ bên tượng nhà thơ Xuân Diệu

Trannhuong.com xin giới thiệu mấy bức kí họa GS Huệ Chi của họa sĩ-TS luật Cù Huy Hà Vũ… Cũng xin được mách nhỏ: họa sĩ-TS Cù Huy Hà Vũ vẽ ký họa GS Nguyễn Huệ Chi hai lần, một lần vợ chồng họa sĩ cất công mời GS lên hẳn trang trại của mình ở Hòa Lạc, vừa để GS thư thái trong khi đang bận bịu với việc “thăm hỏi” liên miên, vừa vẽ ông trong trạng thái của người quyết giữ phẩm tiết “con nhà nòi”, và một lần ở 24 Điện Biên Phủ khi ông đã hết hẳn mọi bận bịu, tâm trạng đã hoàn toàn thanh thản. Tất cả có đến ngót 10 bức. Bức nào cũng thần tình. Nhưng họa sĩ chưa muốn tiết lộ hết “của nả” của mình, đợi một bài viết riêng của chính anh, nên lần này chỉ mới tiết lộ cho Trần Nhương tôi 2 bức, trong đó, một bức đã được treo tại nhà GS kịp trước Tết, và bạn bè của GS đến thăm ông năm nay (nườm nượp hơn mọi năm) đã được thưởng thức cái thần thái của một người có “nụ cười hóm và con mắt chiêm nghiệm… những sự đời mà mình vừa trải qua”.

Hà Nội ngày 6-1 Canh Dần
TN


Xin chúc mừng bức ký họa rất “sống” của anh Cù Huy Hà Vũ và xin chúc mừng nét cười rất “xuất thần” của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Đầu Xuân mà được thưởng thức món quà quý như  vậy là hạnh phúc cho tôi lắm lắm.

Chỉ  có điều khiến tôi hơi băn khoăn là bức ảnh hai anh chụp bên cạnh tượng Nhà thơ Xuân Diệu có phải là chụp ở trong “VƯỜN” ngôi biệt thự số 24 đường Điện Biên Phủ  hay không? Tôi hỏi vậy vì tôi biết ngôi biệt thự này từ sáng ngày 1/1/1955, trong Lễ Mít-ting và buổi duyệt binh tuần hành của nhân dân Hà Nội đón Chính phủ trở về Thủ đô, sau cuộc kháng chiến 9 năm. Sự kiện này xẩy ra mà đến nay có lẽ chỉ còn có hai người được biết là mẹ anh Vũ, cô Xuân Như và cậu anh Vũ, chú Xuân Huy. Còn tôi thì lúc đó còn nhỏ lắm, mà anh Vũ thì chưa ra đời.

Tôi không rõ vì mối thân tình từ thủa nào mà gia đình tôi và gia đình anh Cù Huy Hà Vũ rất quen biết nhau, nên vào lúc nhà thơ Xuân Diệu gả em gái là Xuân Như cho Nhà thơ Cù Huy Cận, thì nhà ông ngoại tôi ở bên dòng sông La cạnh Đồn Linh Cảm, huyện Đức Thọ trở thành trạm dừng chân cho nhà thơ Huy Cận nghỉ ngơi một đêm và sửa soạn áo mũ cân đai, trước khi ra mắt nhạc phụ là Cụ Hàn xứ Nghệ, ở một địa danh có tên rất dân gian là Chợ Nướt cách xa thị trấn Đức Thọ khoảng 10 Km.

Có lẽ  vì mối thân tình đó nên sau khi tiếp quản Thủ đô cuối năm 1954, tôi thường hay được đến chơi ngôi nhà số 24 phố Cột Cờ tức đường Điện Biên Phủ sau này, để tự do chạy nhảy khắp tầng trên tầng dưới như ở nhà mình vậy. Căn biệt thự hai tầng nhỏ nhắn nhưng khá đẹp. Nhà thơ Cù Huy Cận và vợ chỉ ở tầng trên, nhà thơ Xuân Diệu sống một mình ở tầng trệt.

Vào những năm 70, khi tôi đã là Kiến trúc sư và  đã có gia đình riêng, thì nhà thơ Huy Cận đã là Thứ trưởng Bộ Văn hóa rồi là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, nhà thơ Xuân Diệu vẫn độc thân, nhưng nuôi Cù Huy Hà Vũ, con đầu lòng của vợ chồng nhà thơ Huy Cận và là cháu ruột mình làm con.

Ấy vậy mà sau khi các ông đã khuất núi thì sao? Tôi rất buồn khi tôi đến thăm anh Cù Huy Hà Vũ cách đây 3 năm, nhà cửa điêu tàn, tường che, vách ngăn lộn xộn. Anh Vũ cho biết những ai đó ở Bộ Văn hóa Thông tin vẫn không ngừng kiện anh vì họ không thừa nhận quyền thừa kế của anh với một căn phòng và những sách vở, bút tích, di cảo của Nhà thơ – của ông Bác ruột – ông bố nuôi để lại cho anh. Trước  dịp Tết vừa qua tôi còn được biết chính quyền sở tại đã đưa quân đến phá bức tường rào nhà anh mà anh đã xây lại do bão làm đổ vào tháng 9 năm ngoái nữa. Như vậy là người ta ghen tỵ với quyền thừa kế khối tài sản vật chất chỉ có một căn phòng rộng chừng 20m2 do Nhà thơ để lại cho anh hay với khối kiến thức phong phú truyền từ đời ông ngoại là cụ Hàn xứ Nghệ của anh, đến ông bác ruột mà từ nhỏ anh đã luôn luôn gần gũi?

Tại sao lại có chuyện đó? Tôi rất muốn công luận phân rõ trắng đen câu chuyện cười  ra nước mắt này. Một câu chuyện không ra làm sao cả, một lối hành xử rất thiếu văn hóa của một nhóm người đại diện cho ngành văn hóa và một sự lợi dụng chức quyền của mấy ông cán bộ phường quận nào đó đối với công dân. Thật đáng xấu hổ.

Phụ lục: Cảnh vườn nhà KTS Trần Thanh Vân
Phụ lục: Cảnh vườn nhà KTS Trần Thanh Vân

Riêng tôi, tôi rất muốn được đóng góp với anh Cù Huy Hà Vũ một chút gì đó bên bức tượng của Nhà thơ, như vậy có được không?  Là Kiến trúc sư cảnh quan mà,  tôi rất biết cách trang trí và làm đẹp cho nhà vườn, như sân nhà của tôi đây (xin xem ảnh Phụ lục đính thêm cuối  bài này).

KTS Trần Thanh Vân

—————————————————–

Nguồn: trannhuong.com – Có bổ sung.

This entry was posted in Tản Mạn and tagged , , . Bookmark the permalink.