Có một điều có thể khẳng định rằng chẳng nước nào tiến hành chiến dịch vơ vét tài nguyên toàn cầu với mức độ diện rộng và qui mô bằng Trung Quốc hiện nay. Đói tài nguyên nghiêm trọng cho kế hoạch phát triển “như điên” là bằng chứng giải thích cho “cơn lên đồng” tìm kiếm và thu vén tài nguyên của họ nhưng bên cạnh đó cũng còn ẩn chứa không ít lý do khác, một sự thật cốt lõi nằm sau một sự thật bề mặt…
Từ “Tẩu xuất khứ chiến lược”…
Bản tin đề ngày 9-4-2010 của trang mạng Tài Kinh (caijing.com) cho biết Trung Quốc hiện sử dụng tài nguyên nhiều nhất thế giới. Đó là lý do chính thường được nêu cho các thương vụ đầu tư-tìm kiếm-khai thác tài nguyên toàn cầu và là một phần trong kế hoạch phát triển 10 năm trong khuôn khổ chiến lược “Tẩu xuất khứ” đề ra năm 2004, với chủ trương khuyến khích và hỗ trợ các công ty Trung Quốc, đặc biệt ngành năng lượng, xuất dương hải ngoại làm ăn. Năm 2009, Trung Quốc chi 16,1 tỉ USD cho các thương vụ thu mua và đầu tư vào công nghiệp mỏ và khoáng sản thế giới, chiếm 27% toàn cầu (theo báo cáo Ernst & Young ngày 8-4-2010). Và chỉ từ năm 2008 đến thời điểm được Ernst & Young ghi nhận, Trung Quốc đã đầu tư hơn 50 tỉ USD trong 369 thương vụ liên quan công nghiệp khoáng sản thế giới (tất nhiên không chỉ công nghiệp mỏ mà còn dầu hỏa, khí đốt…).
Trong một tài liệu cập nhật mới đây (1), năm 2008, chỉ dầu và chì là Trung Quốc tiêu thụ nhiều thứ hai thế giới, trong khi những nguyên liệu khác đều đứng đầu (nickel, đồng, nhôm, thiếc, thép, than, quặng sắt khai thác từ lòng biển và kẽm). Đó cũng là năm mà, Đinh Hải Yến – phó chủ tịch tập đoàn nhôm lớn nhất Trung Quốc (Chalco, công ty khai thác bauxite tại nước ta) – nói rằng trữ lượng nhôm Trung Quốc chỉ có thể được khai thác trong 10 năm nữa là hết sạch (China Daily 28-10-2008). Trung Quốc đúng là đang ngốn nhôm với mức độ kinh khủng. Theo istockanalyst.com (15-10-2010), nhập khẩu nhôm Trung Quốc dự kiến tăng hơn 25 lần (2.446%!) vào trước năm 2015, tức từ 198.000 tấn năm 2011 lên 5,04 triệu tấn năm 2015 (dựa theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Harbor Intelligence tại Texas, Mỹ). Cầu vượt cung là lý do khiến Trung Quốc tìm kiếm nguồn bauxite (cho công nghiệp nhôm) khắp thế giới. Nhiều dự án khai thác bauxite đã được ký, từ Jamaica, Guinea, Ghana, đến Đông Nam Á (đặc biệt tại Lào và nước ta) – như được ghi nhận trong một nghiên cứu tỉ mỉ của tác giả Kate M. Lazarus (2)…
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thật sự khan hiếm và cạn kiệt tài nguyên đến mức kêu gọi các công ty họ phải bôn ba “tẩu xuất khứ”? Trong trang web chính thức giới thiệu chung về “đất nước, con người và tài nguyên” mình (china.org.cn/english/features/china/203700.htm), Trung Quốc “khoe” rằng họ có nguồn tài nguyên khoáng sản “dồi dào” với “171 loại khoáng sản đã được phát hiện trước nay”, trong đó có 158 loại được chứng minh là có trữ lượng đáng kể (10 loại liên quan năng lượng chẳng hạn dầu, khí đốt, than, uranium; 54 loại liên quan kim loại như sắt, mănggan, đồng, nhôm, chì, kẽm…); rằng năm 2005, các cuộc thăm dò đất và nghiên cứu địa chất đã phát hiện thêm tổng cộng 169 trầm tích mới liên quan khoáng sản với trữ lượng trung bình và lớn, trong đó có 40 quặng khoáng sản năng lượng, 58 mỏ khoáng sản kim loại… Tân Hoa Xã (9-10-2010) tiếp tục cập nhập thêm về sự ban tặng hào phóng của thiên nhiên cho “đất nước và con người” Trung Quốc khi cho biết (dẫn lại từ công bố của Cơ quan khảo sát địa chất trung ương nước này), rằng trong 12 năm qua, giới khoa học Trung Quốc đã phát hiện hơn 900 địa điểm chứa khoáng sản trong đó có 5 tỉ tấn quặng sắt rải rác khắp các tỉnh cũng như 38,5 triệu tấn quặng đồng tại Tây Tạng, Tân Cương và Vân Nam. Ngoài ra, đặc biệt, còn có (thêm) 450 triệu tấn quặng bauxite tại Sơn Tây, Hà Nam, Quý Châu và Quảng Tây (chỉ riêng quặng bauxite Hà Nam đã có trữ lượng tổng cộng hơn 5,6 tỉ tấn – tương đương hoặc hơn trữ lượng bauxite tại Tây Nguyên nước ta). Tất cả cho thấy Trung Quốc dường như chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng đến mức phải đi thu gom nguồn nguyên liệu toàn cầu.
Riêng với bauxite, câu hỏi được quan tâm là Trung Quốc có khai thác bauxite nước họ để đáp ứng nhu cầu nhôm nội địa mà rõ ràng là đang ngày càng “bức xúc” hay không? Theo trang tin khoáng sản thế giới phần về bauxite (mineralszone.com/minerals/bauxite.html), hiện Trung Quốc khai thác bauxite chủ yếu tại hai tỉnh Sơn Tây và Quý Châu, dù họ có khoảng 300 mỏ bauxite. Có vẻ Trung Quốc vẫn muốn “để dành” làm của cho con cháu họ nên dường như chưa khai thác mạnh nguồn này ở nội địa. Một số hoạt động có vẻ chỉ cầm chừng, so với những chiến dịch đầu tư sôi nổi và ráo riết mà công nghiệp nhôm Trung Quốc đang đầu tư vào các quặng bauxite nước ngoài. Và đó hẳn có thể là lý do khiến có rất ít thông tin về công nghiệp bauxite tại Hoa lục trên các trang mạng; và nếu có, cũng chỉ là vài tin nhỏ, được báo chí chính thống Trung Quốc đăng tải, chẳng hạn mẩu tin cực ngắn với vỏn vẹn hơn 100 từ về vụ… bảy công nhân Trung Quốc bị kẹt trong hầm mỏ bauxite ngập nước tại Sơn Tây ngày 19-9-2010 được Tân Hoa Xã khiêm tốn cho biết vào ngày hôm sau…
Đến chiến lược thao túng nguồn tài nguyên toàn cầu
Trong bài viết đề ngày 27-2-2010 (trên voxeu.org – cổng thông tin của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế-CEPR), Theodore H. Moran (giáo sư Đại học Georgetown, tác giả quyển China’s Strategy to Secure Natural Resources: Risks, Dangers, and Opportunities mới ấn hành) nhắc lại rằng, nhiều người bắt đầu lo ngại chuyện Trung Quốc có thể đang cố “khóa” nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới để có thể không chỉ thu vén cho riêng mình mà chiến lược này còn giúp họ mở rộng sự kiểm soát các ngành công nghiệp khai khoáng thế giới. Nói huỵch toẹt, Trung Quốc đang “tích trữ đầu cơ” nguồn tài nguyên toàn cầu để “làm giá” (khi gần như tất cả các nguồn đã được thu tóm và họ trở thành “nhà cung cấp độc quyền”), để “làm reo” (như một lá bài mặc cả trên thương trường hoặc thậm chí ngoại giao) và để “làm giàu” (tất nhiên!). Trong quan hệ với khối ASEAN, người ta có thể thấy cụ thể hơn, khi Trung Quốc dùng ASEAN như một thị trường để bán hàng thành phẩm giá cao trong khi họ mua nguyên liệu thô của khu vực này với giá thấp.
Thật ra, “tầm nhìn” Trung Quốc về chiến lược tài nguyên thậm chí vượt khỏi cái gọi là “nhu cầu thị trường” hay “kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia”. Chiến lược tài nguyên Trung Quốc thực chất là chiến lược bành trướng chủ nghĩa bá quyền, tương tự cách giống Mỹ cách đây một thế kỷ nhưng theo hướng khác. Sự khác biệt nằm ở chỗ, Trung Quốc kết hợp giữa nhu cầu phát triển kinh tế thật sự với mục tiêu và viễn kiến bành trướng chính trị. Trung Quốc có thể được định nghĩa là một cường quốc siêu thực tế (über-realist power). Đến châu Phi, họ chỉ đặt trọng tâm với chiến dịch đầu tư vào những quốc gia dồi dào nguồn dầu cũng như khoáng sản. Khu vực vành đai Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng tương tự. Nói cách khác, những quân cờ của họ luôn được đặt tại những địa điểm xung yếu mang lại ưu thế địa chính trị. Trung Á là một ví dụ, thể hiện ở hai đường ống dẫn dầu (dẫn đến Tân Cương) sắp hoàn thành: một chuyển dầu từ biển Caspian băng ngang Kazakhstan; và một chuyển khí đốt từ Turkmenistan ngang Uzbekistan và Kazakhstan. Không thuần túy đầu tư kinh doanh, họ còn nhắm đến mục tiêu khống chế sức mạnh Nga tại khu vực Trung Á và Viễn Đông. Khó có thể nói họ chỉ là những công ty làm kinh tế đơn thuần (như các công ty phương Tây khi mở nhà máy tại nước ngoài), khi lại xây dựng hạ tầng chỉnh chu và tổ chức đưa dân họ đến lập nghiệp như một chiến lược định cư lâu dài và có chủ định. Trong bài viết trên The Telegraph (16-7-2009), cây bút David Blair cho biết, Moscow đã bắt đầu lo ngại khi nhìn thấy sự vươn tay Trung Quốc, thể hiện ở các “ngôi làng người Hán” mới mọc theo sau sự xuất hiện các công ty khoáng sản Trung Quốc tại khu vực Viễn Đông. Dù Trung Quốc luôn nói “chúng tôi chỉ đến khai thác khoáng sản thôi!” nhưng chỉ cần băng qua khu vực biên giới mà bên kia chỉ có bảy triệu người Nga (vùng Viễn Đông), người ta đã thấy ngay bên này là ba tỉnh nhung nhúc khoảng 100 triệu dân Trung Quốc. Liệu việc khai thác khí đốt, dầu, gỗ, kim cương và vàng tại khu vực trên có cần một lực lượng công nhân hùng hậu đến 100 triệu người?
Gút lại, có thể lấy nhận xét của Robert D. Kaplan trong bài viết trên Foreign Affairs (tháng 5&6-2010) làm kết luận, rằng: “Sự thu tóm nguồn tài nguyên là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao Trung Quốc”!
M. K.
(1) Chuyên đề The China Analyst (68 trang) của The Beijing Axis Ltd, Hong Kong, tháng 8-2010.
(2) In Search Of Aluminum: China’s role in the Mekong Region (44 trang; được thực hiện với hỗ trợ của Heinrich Böll Stiftung Cambodia, Quỹ đời sống hoang dã Đan Mạch và Viện phát triển bền vững quốc tế-IISD), ấn hành 2009.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN