Một lần nữa, sự kiện Bô xít Tây Nguyên lại được hâm nóng lên bên hành lang Quốc Hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả bên ngoài xã hội, điển hình là việc kêu gọi ký tên kiến nghị dừng các dự án Bô Xít Tây Nguyên sau sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhân sĩ trí thức.
Bằng chứng là có hàng loạt hành động và ý kiến của những người liên quan được đưa ra sau khi báo chí lên tiếng cảnh báo về tác hại của môi trường tại Việt Nam với tấm gương điển hình đang diễn ra tại Hungary.
Trong các động thái nêu trên của các cá nhân, các cơ quan liên quan, có việc ông Phạm Khôi Nguyên trả lời báo chí đăng trên báo điện tử Dân Trí ngày 22/10/2010. Qua đó, theo ông Phạm Khôi Nguyên thì Bộ Tài nguyên – Môi trường có ba nhiệm vụ chính: Một là hồ bùn đỏ, hai là công nghệ khai thác, khai thác đến đâu phải phục hồi rừng đến đấy và thứ ba là chất thải của nhà máy bô xít. Ông còn khẳng định rằng Chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn, nhưng chỉ an toàn trên lý thuyết. Điều này thực sự đáng để suy nghĩ.
Thứ nhất: Không nắm bắt thông tin
Việc thiết kế hay giám sát các thiết kế các hồ chứa bùn đỏ vẫn nằm trong phần nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Tuy nhiên trước đó không lâu, chiều 12/10, Bộ Công Thương đã họp khẩn cấp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) – chủ đầu tư dự án khai thác bôxit và chế biến alumina ở Tây Nguyên để Rà soát thiết kế các hồ chứa bùn đỏ. Tức là chỉ cách nhau 10 ngày sau khi có quyết định rà soát thiết kế hồ chứa bùn đỏ thì ông Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn. Chẳng lẽ một hạng mục quan trọng là hồ chứa bùn đỏ của hai dự án Bô xít cực lớn lại được rà soát nhanh đến vậy sao?
Thứ hai: Lẫn lộn vai trò
Với vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Tài nguyên – Môi trường, cơ quan có thẩm quyền giám sát các hoạt động của dự án khai thác Bô xít liên quan đến môi trường từ khâu thiết kế các hồ chứa đến quá trình vận hành, khai thác, tái tạo, phục hồi rừng, … có thể thấy rằng khẳng định của ông Phạm Khôi Nguyên không được khách quan hay nói đúng hơn là lẫn lộn vai trò. Với vai trò là cơ quan giám sát như vậy, đáng lý ra sau khi có những băn khoăn của dư luận, đặc biệt là sau sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary, ông nên yêu cầu rà soát, kiểm tra lại các thiết kế hay ít ra cũng có những ý kiến lo lắng về mức độ an toàn của dự án. Có thể hiểu sự việc này bằng ví dụ đơn giản hơn là trong một dự án xây dựng, không thể có chuyện đơn vị Giám sát thi công (Bộ Tài nguyên – Môi trường) lại đi bảo vệ cho Đơn vị thi công (Tập đoàn than – khoáng sản VN -Bộ Công thương) sau khi có những lo lắng về chất lượng công trình từ phía Chủ đầu tư (nhân dân).
Thứ ba: Đánh giá vấn đề quá đơn giản
Ông khẳng định rằng hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên đảm bảo an toàn nhưng chỉ trên lý thuyết. Đó là khẳng định dễ dãi, thiếu tính khoa học, quá xem nhẹ vấn đề. Vấn đề an toàn được đặt ra là an toàn tuyệt đối. Sự an toàn của hồ chứa bùn đỏ có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn, kéo dài hàng trăm năm, đó chắc chắn rằng không phải là một sự việc trong phòng thí nghiệm. Một sự việc hệ trọng như vậy thì cần phải an toàn tuyệt đối cả trong lý thuyết và trong thực tiễn. Điều này thì không ai có thể khẳng định cũng như dám khẳng định chắc chắn. Bởi nếu có sự cố gì đáng tiếc xảy ra, không ai có thể tính toán được mức độ thiệt hại, không ai có thể khắc phục được hậu quả.
Thứ tư: Thiếu tự tin
Vấn đề môi trường được cả thế giới quan tâm, đó là sinh mạng của nhân loại trong thế kỷ 21. Bảo vệ môi trường được nêu lên thường xuyên trên các diễn đàn quốc tế mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó dư luận quan tâm đến vấn đề xử lý và các hồ chứa bùn đỏ là điều dễ hiểu. Trước sức ép quá lớn của dư luận, ông Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định một vấn đề rất lớn một cách vội vã nhằm trấn an dư luận. Đúng lý ra, trước sự cố tại Hungary, nên thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề một cách khoa học và toàn diện hơn, sau đó mới đưa ra nhận xét, kết luận.
Với những nhận xét nêu trên, có thể thấy rằng thái độ hời hợt và đơn giản hóa vấn đề của ông Phạm Khôi Nguyên nói riêng và một số người liên quan nói chung.
Một sự việc quá lớn, vượt qua tầm hiểu biết của bất kỳ một vài cá nhân nào, lại có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người, ảnh hưởng đến một vùng đất rộng lớn và những di căn của nó kéo dài đến nhiều thế hệ rất cần những phân tích, nghiên cứu cặn kẽ, đúng về mặt khoa học và đảm bảo tính nhân văn, nhân bản. Không nên kết luận một cách hời hợt, cảm tính.
T. M. Q.
Comment của blogger Gốc Sậy Nguyễn Hồng Kiên:
Ai tin ông Nguyên thì tin. Riêng tôi thì NHẤT ĐỊNH KHÔNG.
Thử nhớ lại trong vụ Vedan VN xem ông đứng về phía ai. Tiếc là các bài về ông này ở blog của tôi đã bị xóa mất. Tôi cũng không còn đủ nhiệt tình và kiên nhẫn để đi trích lục lại những phát biểu của ông này.
Chỉ xin dẫn lại lời ông ở ba thời điểm
1- Bộ trưởng Bộ TNMT: Dứt khoát phải đóng cửa Vedan
“Với Vedan không thể châm chước. Họ lừa dối và xảo quyệt từ năm 1997 khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100 nghìn đồng rồi tung tin làm thế có lợi cho cây trồng, tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn”, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên chia sẻ bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay (22/10/2008).
2- Trong buổi kiểm tra tình hình khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường tại Cty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), sau khi vốc nước thải lên ngửi, ông Nguyên cho rằng: “Nên giải quyết vấn đề trên theo hình thức thỏa thuận vì sẽ có lợi cho cả phía nông dân và Công ty Vedan”.
3- Đến ngày 28/7/2010, SAU 2 NĂM NHỊN NHỤC nghe ông khuyên, nông dân bị VedanVN chày cối nên cương quyết kiện thì ông lại bảo: “Nếu đưa ra tòa, bên chịu thiệt hại chắc chắn là Vedan. Chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết, vì thế, ra tòa là chắc thắng.”
???
NAY, ông Nguyên lại ĐẠI NGÔN VÀ TỰ MÂU THUẪN KHÔNG KÉM, khi trả lời phỏng vấn SGTT:
– Chúng ta đã lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để ứng phó, thưa ông? Ông – Không ai có thể trả lời câu hỏi này (1). Hội đồng chuyên gia và cả chuyên gia nước ngoài cũng đã tính đến những phương án xấu nhất để tính đến biện pháp khắc phục (2). Từ trước đến nay chúng ta đã tính đến hệ số an toàn cao nhất, như động đất 7 độ richter (3). Về công nghệ cũng được khẳng định (4). Song không ai có thể lường trước những tình huống xấu nhất (5).
Hỏi 1 câu, ông trả lời đến 5 câu. Nhưng câu 1 NGƯỢC câu 2. Còn câu 5 thì PHỦ ĐỊNH TẤT.
– Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta nên thử vận hành một nhà máy trước khi mở rộng?
– Hiện 2 nhà máy xây dựng sắp xong, chuẩn bị đi vào hoạt động thì sẽ áp dụng ngay. Đây không phải là toán học để thí điểm hay không thí điểm. Quy mô phòng thí nghiệm đã làm hết trước rồi.
Tôi không hiểu ông học toán thế nào nữa. Chắc phải nhờ GS Ngô Bảo Châu quá !
Tài nói câu sau NGƯỢC câu trước của ông còn được báo Tuổi trẻ hôm nay ghi nhận: “Bộ Tài nguyên – môi trường đảm bảo hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên an toàn. Tuy nhiên vì chưa vận hành nên đảm bảo này chỉ là về lý thuyết, mô hình…”
Theo tôi có nhẽ ông Nguyên nên chuyển nghề làm diễn viên. Ngoài chuyện DIỄN bài ngửi nước thải, ông còn có khuôn mặt CỰC KỲ BIỂU CẢM: