TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội cho hay, sắp tới Ủy ban sẽ tham gia đoàn công tác liên ngành đi tìm hiểu tình hình triển khai các dự án bôxít ở Tây Nguyên, sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungary.
Lường hết rủi ro
Trước khi xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bôxít ở Hungary, chủ đầu tư dự án nước này khẳng định nhiều lần về sự an toàn của hồ chứa. Điều đó rút ra bài học gì cho Việt Nam?
– Đây cũng là một lời cảnh báo cho vấn đề xử lý bùn đỏ trong các dự án chế biến bôxít trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhân dịp này chủ đầu tư, các cơ quan có trách nhiệm phải tiếp tục đánh giá, kiểm tra để nâng cao độ an toàn của công trình hồ chứa bùn đỏ. Cần lường hết những yếu tố rủi ro có thể dẫn đến sự cố môi trường, nhất là trong điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.
Trước đây tôi cũng có làm việc với Bộ Tài nguyên – Môi trường, nhiều vấn đề cần phải bàn bạc để làm sáng tỏ. Bởi vì trong bối cảnh dự án đang triển khai thì còn có khả năng khắc phục. Chứ nếu xong xuôi hết rồi mà có sự cố xảy ra thì xử lý rất khó.
Ủy ban đánh giá thế nào về khâu đánh giá tác động môi trường ở hai dự án đến thời điểm này?
– Từ tháng 4/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương phải thiết kế quy trình đảm bảo tiêu chuẩn không gây ảnh hưởng.
Thứ nhất là chọn địa điểm, yếu tố về mặt địa chất, không gây ảnh hưởng, chấn động. Thứ hai là về mặt thiết kế, chống rạn nứt, ăn mòn, độ dày, độ cao, chất lượng xi măng… Sau đó là đảm bảo vận hành cho tốt.
Như ở Tây Nguyên rừng mất nhiều rồi. Nếu gặp lượng mưa lớn thì nguy cơ tràn vỡ rất lớn. Vì vậy phải xây hệ thống kênh bao quanh để nước lũ tràn về vẫn có một lối thoát chứ không tràn vào hồ để đẩy bùn đỏ ra ngoài.
Đi khảo sát hiện trường công trình vào năm ngoái, ông cũng là người bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ bùn đỏ. Vậy đến nay khâu thực hiện đã ổn chưa?
– Những chỉ đạo Thủ tướng là rất rõ ràng và chỉ đạo đó cũng xuất phát từ việc lắng nghe ý kiến từ QH, từ các chuyên gia, các trí thức tâm huyết với đất nước.
“Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học” .
Trích thư kiến nghị của các nhân sĩ, trí thức gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Những ý kiến về việc khai thác bôxit là những ý kiến đáng tôn trọng vì nhiều người rất lo lắng và rất tâm huyết với Tây Nguyên như một mái nhà chung. Chỉ đạo thì rõ rồi nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình thực hiện nên vẫn chưa thể kết luận được gì.
Nói thật, vùng Tây Nguyên kiến tạo đất khá bền vững. Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu như bây giờ, không ai dám khẳng định không có động đất.
Trong kế hoạch mấy chục năm, bùn đỏ nếu không làm gạch hay làm một số thứ thì nó cũng khô, nó bay rồi cũng sẽ độc hại. Cho nên chọn vị trí là rất quan trọng, phải chú trọng đến vấn đề kinh tế, tuy nhiên nếu chọn vị trí không đảm bảo sẽ chứa đựng rất nhiều nguy cơ.
Đừng làm áng chừng
Nhiều cảnh báo đã được đưa ra, theo ông đáng lo ngại nhất là vấn đề gì?
– Lo ngại nhất là mưa lũ. Động đất cũng là một vấn đề lo ngại nhưng xác suất thấp hơn. Chẳng hạn mưa lũ như đợt vừa rồi là không thể lường trước được.
Doanh nghiệp và chính phủ đều đã cam kết xây dựng thiết kế hồ chứa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quan trắc môi trường. Nhưng theo ông, liệu có nên lập một cơ quan giám sát độc lập để theo sát, đảm bảo việc thiết kế cũng như vận hành đúng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật?
– Theo tôi, việc lập cơ quan giám sát độc lập thông thường chỉ dành cho những dự án xây dựng mang tính chất thời gian ngắn, vài ba năm và tính chất kỹ thuật phức tạp, như cầu Cần Thơ, nhà máy lọc dầu Dung Quất hay Thủy điện Sơn La.
Còn việc vận hành bùn đỏ diễn ra hàng chục năm và việc giám sát nó vẫn nằm trong chức năng của các cơ quan nhà nước, các sở Tài nguyên – Môi trường và Bộ Tài nguyên – Môi trường. Rồi chủ đầu tư, các cơ quan hữu quan. Nếu các cơ quan này làm tốt thì cũng không cần những cơ quan giám sát độc lập.
Ông có tin là các cơ quan đó sẽ làm tốt?
– Là đại biểu Quốc hội, tôi không thể không tin tưởng. Nhưng dĩ nhiên tin như vậy thì cũng không có nghĩa là phó thác, khoán trắng cho người ta làm mà Quốc hội phải theo dõi, giám sát.
Liệu vấn đề đã đến mức phải đưa ra thảo luận riêng tại kỳ họp này không?
– Chính ra trong kỳ họp này, Quốc hội cũng nên đưa ra bàn bạc. Tất nhiên, thảo luận về chuyện bùn đỏ cũng có thể lồng ghép trong thảo luận chung về phát triển kinh tế – xã hội, trong các chỉ tiêu về môi trường. Hai năm liên tiếp các chỉ tiêu này đều không đạt.
Cân nhắc giữa việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường đảm bảo đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả kinh tế thu được từ dự án thì ông thấy hiệu quả kinh tế cuối cùng thu về từ các dự án này có còn nhiều?
– Thực tế mà nói, các dự án khai thác khoáng sản lớn và nhỏ cho đến nay thì chi phí cho môi trường chưa bảo đảm yêu cầu.
Nếu như chi phí cho môi trường quá lớn thì chủ đầu tư không còn lợi nhuận bao nhiêu.
Tôi cho rằng tất cả các dự án thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và tính toán rất kỹ, đừng làm áng chừng để khi xảy ra sự cố, dư luận vào cuộc rồi đến khi đấy bắt doanh nghiệp bù lỗ là rất khó. Cho nên việc chuẩn bị, phê duyệt các chủ trương dự án là phải được tính toán ngay từ đầu. Đó là cách làm chính quy, còn ở ta thì có nơi tuân thủ được, nhiều nơi chưa làm được.
L. N.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/Chuan-bi-kiem-tra-thuc-dia-cac-du-an-boxit-943778/