Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội: Không giám sát được đầu tư của Vinashin

TT – Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội. Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là sai phạm của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), tình trạng thiếu điện và việc nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội không đạt.

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội): “Thủ tướng nói Chính phủ có trách nhiệm về vụ Vinashin, đó là chung, không nói rõ ai” - Ảnh: V.Dũng

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội): “Thủ tướng nói Chính phủ có trách nhiệm về vụ Vinashin, đó là chung, không nói rõ ai” - Ảnh: V.Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Quang Bình cho rằng: “Cảnh báo về Vinashin đã có từ lâu, đã có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến Vinashin. Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều, dư luận trong dân không ít. Rồi 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nhưng không phát hiện hoặc có phát hiện nhưng chỉ là những cái “râu ria”, còn cái “lõi” thì không phát hiện được. Như vậy thanh tra, kiểm tra, giám sát ở đây thế nào?”.

Cha chung không ai khóc

Theo ông Lê Quang Bình, báo cáo của Chính phủ cho biết Thủ tướng đã phát hiện được những vấn đề về Vinashin và có nhiều chấn chỉnh. Ví dụ: việc Vinashin vẫn mua tàu Hoa Sen, theo Chính phủ, là cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng về đầu tư. Khi được thông tin Vinashin mua tàu Hoa Sen cũ và chuẩn bị mua chiếc thứ hai, Thủ tướng đã yêu cầu chủ tịch tập đoàn ngừng và kiểm điểm việc mua tàu cũ.

“Vậy Thủ tướng có quyền bổ nhiệm ông chủ tịch HĐQT Vinashin, tại sao đã không đồng ý rồi mà Vinashin vẫn cố ý làm trái? Ở đây trách nhiệm của bộ chủ quản, bộ chuyên ngành cũng không rõ” – ông Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) băn khoăn: “Ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin) chỉ là con người cụ thể, nhưng dân muốn biết ông Bình quan hệ, liên quan với ai ở Chính phủ. Thủ tướng nói Chính phủ có trách nhiệm, đó là chung, không nói rõ ai”.

Trong khi đó theo đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM), vấn đề Vinashin là chuyện “cha chung không ai khóc”. Bà Hồng nói: “Nếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì có ai bỏ tiền ra mua một cái tàu cũ không? Ở đây có chuyện là hoa hồng bao nhiêu, bỏ túi được bao nhiêu không? Mấy năm trước Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin vay 750 triệu USD. Nói đóng tàu là quả đấm thép. Chúng ta chưa giải trình với người đóng thuế những chuyện như vậy đâu”.

Luật sơ hở

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết đã đầu tư khoảng 4-5 tỉ USD vào Vinashin. Ông Phúc nói: “Chúng ta cho tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề, tạo quyền tự chủ tối đa. Thậm chí khi đưa vào luật cũng theo mô hình nới rộng quyền cho các tập đoàn.

Luật doanh nghiệp nhà nước, khi quán triệt tinh thần nghị quyết trung ương 3 khóa IX, cho HĐQT và trong trường hợp nào đó HĐQT được ủy quyền cho tổng giám đốc các tập đoàn có quyền quyết định các dự án đầu tư giá trị bằng 50% giá trị tài sản của tập đoàn hoặc tổng công ty nhà nước theo sổ sách. Năm 2008, kiểm tra vấn đề này chúng tôi phát hiện như vậy là quá lớn.

Ví dụ như Vinashin có khoảng 100.000 tỉ đồng vốn, tài sản đăng ký trên sổ sách, thì ông chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc có quyền quyết định đầu tư đến 50.000 tỉ đồng (trong khi đó trước đây dự án đến 20.000 tỉ đồng là Chính phủ đã phải trình Quốc hội). Luật sơ hở như vậy, chúng tôi phát hiện và kiến nghị sửa, nhưng vì luật chỉ có hiệu lực đến 1-7-2010, nếu sửa luật phải mất thời gian nên Chính phủ thấy rằng không cần sửa mà để điều chỉnh dần”.

Theo ông Phúc, ngay cả lĩnh vực giám sát đầu tư “cũng bỏ hết”, nghĩa là quyền quyết định đầu tư là của doanh nghiệp, quyền giám sát đầu tư đưa vào giám sát vốn và giám sát hoạt động, như vậy lĩnh vực hoạt động đầu tư không được giám sát, cho nên Bộ Kế hoạch – đầu tư giám sát đầu tư của tập đoàn không được.

“Năm 2008, khi Chính phủ chỉ định chúng tôi kiểm tra các tập đoàn kinh tế, vào các tập đoàn họ không tiếp vì họ nói bộ không còn chức năng nữa. Chúng tôi phải nói đây là làm theo chỉ thị đột xuất (về chống lạm phát) chứ không phải theo luật. Tuy nhiên, kiểm tra đột xuất họ chỉ báo tổng đầu tư các dự án, còn dự án nào cụ thể thì không được làm, mà cái đó là quyền của Bộ Tài chính, của Bộ Giao thông vận tải…” – ông Phúc nói.

Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính cho rằng việc chỉ đạt 16/21 chỉ tiêu Quốc hội giao là do Chính phủ, các cơ quan Chính phủ quản lý vĩ mô, điều hành chưa tốt, để xảy ra tình trạng chỗ này có tồn tại lớn, chỗ kia có thất thoát nhiều.

Ông Đào Trọng Thi – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng – băn khoăn tính bấp bênh của việc hoàn thành chỉ tiêu. Ông Thi nêu: “Chỉ tiêu khống chế lạm phát cách đây một tháng tin có thể đạt ở mức 7%, nay thì lại có thể không đạt. Chỉ số này rất bấp bênh”. Ông Thi cũng cho rằng việc không đạt các chỉ tiêu giáo dục, môi trường cần phân tích sâu hơn, xem cái nào đã cố hết sức hay có thể chưa có cố gắng.

Đặc biệt, ông Thi thẳng thắn: “Đề nghị nghiên cứu cả trách nhiệm Quốc hội khi thông qua các chỉ tiêu. Như chỉ tiêu 200 sinh viên/vạn dân, nếu theo chỉ tiêu ấy thì quy mô tăng quá nhanh, vượt xa điều kiện đảm bảo chất lượng”.

Trước những bất cập trong điều hành của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) mạnh mẽ đề nghị cần bỏ phiếu tín nhiệm một số thành viên Chính phủ, đặc biệt là các bộ trưởng liên quan đến chỉ tiêu không hoàn thành. Theo bà Khánh, Quốc hội khóa này gần như không còn cơ hội nào đánh giá Chính phủ nữa nên cần làm ngay kỳ họp này. “Đây cũng là việc góp phần tích cực vào công tác nhân sự của đại hội Đảng sắp tới” – bà Khánh nói.

Thiếu điện: nhà đầu tư bỏ chạy

Đem nỗi bức xúc về tình hình thiếu điện trầm trọng thời gian qua vào buổi thảo luận, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) chuyển tải những kiến nghị của cử tri: “Đông đảo cử tri, cán bộ, đảng viên đều yêu cầu Chính phủ phải quyết liệt, sơ đồ điện VI đã có rồi, phải có chính sách đặc thù gì đấy để thu hút đầu tư cho ngành điện.

Nói về điện nguyên tử phải 10 năm nữa chứ không thể giải quyết ngay năm sau được, thủy điện đã hết nguồn thủy năng để làm thủy điện lớn, còn nhiệt điện đã có bài học phải trả giá trong đầu tư. Như vậy năm 2011, 2012 sẽ giải quyết thế nào? Tôi cho rằng cắt điện triền miên sẽ gây ra bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội”.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận năm 2010 thiếu điện đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống và môi trường thu hút đầu tư. “Các nhà đầu tư không dám vào vì điện không đảm bảo. Đây là bài học không chỉ riêng ta mà nhiều nước ở Đông Nam Á, chẳng hạn Philippines trong những năm từ 1995-2000 bị ảnh hưởng rất lớn vì thiếu điện, các nhà đầu tư bỏ chạy. VN đang bước vào tình trạng này, chúng tôi đã báo động Chính phủ”.

Vinashin thực chất nợ bao nhiêu?

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) cho biết theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ của Vinashin khoảng 86.000 tỉ đồng, tuy nhiên có thông tin nói bây giờ số nợ này là 120.000 tỉ đồng. “Nếu như vậy bình quân mỗi người dân VN gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng” – ông Lợi nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Quang Bình cho biết có người phản ảnh với ông là sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận 45 vụ việc, trong đó có Vinashin, thì các ngân hàng gửi phiếu đòi nợ Vinashin đến một cơ quan có trách nhiệm và tổng hợp lại thì số dư nợ vào khoảng 120.000 tỉ đồng.

Ông Bình nói: “Tất nhiên con số 120.000 tỉ đồng nêu trên là không chính thức, nhưng con số mà đại biểu Quốc hội được cung cấp như vậy có đúng không? Đề nghị Chính phủ báo cáo thật chính xác để đại biểu Quốc hội có thông tin trả lời cử tri”.

V.V.THÀNH

L.KIÊN – V.V.THÀNH – C.V.KÌNH

_____________________

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Tháng 11 sẽ có một Vinashin mới

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Việt Dũng

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi với báo chí vào giờ giải lao phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 22-10, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết một số thông tin liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin. Ông Hùng nói:

– Chúng ta đang xử lý trước tiên là nợ, để nợ đó có thể chậm lại, có thể giảm đi. Đồng thời từng bước đẩy mạnh sản xuất. Người lao động yên tâm tư tưởng; thay được lãnh đạo, từ thay đổi lãnh đạo cấp cao sẽ thay đổi lãnh đạo ở những cấp dưới nữa. Tạo ra một cách làm ăn, cách quản trị mới.

Bây giờ các đơn hàng không bị hủy, công nhân trở lại làm việc, có những việc “đắp chiếu” thì giờ bắt đầu trở lại. Thời gian vừa rồi đã giao được mấy con tàu, làm được cơ khí phụ trợ… Một số con tàu chuyển giao cho Vinalines bước đầu đi vào vận chuyển. Một phần giao cho dầu khí cũng bắt đầu hoạt động. Nhờ hoạt động được nên công nhân có việc làm, không bị mất những công nhân được đào tạo chuẩn quốc tế.

Bước hai là trong tháng này và nếu có chậm là đầu tháng 11 sẽ ra một Vinashin mới. Vinashin mới có ngành nghề chính, ngành nghề phụ trợ và đi theo đó là hệ thống đào tạo đội ngũ, để tiếp tục hướng tới mục tiêu mà Bộ Chính trị, Chính phủ đặt ra là tạo ra ngành công nghiệp đóng tàu của VN, trong đó Vinashin đóng vai trò chủ lực.

Vinashin không làm tất cả, nước ngoài có thể làm, tư nhân có thể làm, nhưng Vinashin phải tạo ra năng lực chủ lực để đóng những con tàu lớn, sửa chữa những con tàu lớn. Nó cũng có thể tham gia công nghiệp tàu thủy quốc phòng, sắp tới có thể đóng những con tàu phục vụ chiến đấu.

Về những khoản nợ của Vinashin lấy đâu tiền trả?

Một là đóng được tàu thì bán đi để có tiền trả nợ. Hai là phải bán bớt đi, nhượng bớt đi. Bây giờ hơn 200 doanh nghiệp con của Vinashin có những cái phải bán đi, có những cái phải cho nó phá sản.

* Thưa Phó thủ tướng, quá trình tái cơ cấu đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra chưa?

– Như tôi vừa nói, hiện đang đi theo kế hoạch.

* Quá trình này đang gặp những khó khăn gì?

– Cái khó khăn là tính mất cân đối của nó. Cùng một lúc phải giải quyết ba việc: một là phải ổn định sản xuất; hai là phải thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý; ba là nợ nần phải tính, phải đàm phán, mà đàm phán với chủ nợ là không đơn giản.

Rồi phải rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước: thanh tra thế nào, kiểm tra thế nào, giám sát thế nào? Quản lý chủ sở hữu bây giờ thế nào? Trước đây phân cấp quá rộng. Đi với nó là một bản điều lệ mới, quy chế tài chính mới.

* Như vậy, bây giờ Chính phủ đã nắm hết được bệnh của Vinashin chưa?

– Ban chỉ đạo có các tổ, có tổ cơ cấu tài chính, tổ cơ cấu sản xuất, đầu tư, có tổ chuyên giám sát sẽ nắm chắc hơn, nắm chắc sổ sách và tình hình hiện có. Phải tiếp tục kiểm toán, tiếp tục đánh giá xem thế nào là lợi hơn.

Ví dụ như có những cái Vinashin đang “ôm” như Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), nếu tính giá trên sổ sách thì không bao nhiêu, nhưng nếu đem để tái đầu tư, tiếp tục phát triển thì nó lợi. Nhưng có những con tàu mua như tàu Hoa Sen thì phải làm sao cho nó có hiệu quả để trả được nợ.

LÊ KIÊN ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/407203/Khong-giam-sat-duoc-dau-tu-cua-Vinashin.html

This entry was posted in kinh tế, quốc hội and tagged . Bookmark the permalink.