Bài thơ này Ngô Mai Phong viết từ lâu, bây giờ tôi mới được đọc trong chùm thơ anh gửi cho. Dễ hiểu vì sao nhà thơ nghẹn ngào, có phần buồn tủi và như bất lực. Khi chính quyền còn coi người dân biểu tình, in áo, kẻ khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” là “tội phạm an ninh quốc gia”, thì ngay cả những bài thơ lặng lẽ như thế này cũng không thể được in trên các báo “lề phải”. Có bao giờ lòng yêu nước của người dân Việt Nam phải thầm thì như ở thời buổi này? Đau quá! Nhưng Mẹ Việt Nam nhìn thấy hết, những đứa con tuẫn tiết cho Người và cả những đứa con phản bội Người.
Hoàng Hưng
BẦY DIỆC Ở HOÀNG SA
Ngô Mai Phong
Họ đứng như bầy diệc
Bị chôn chân giữa dải đá ngầm
Bốn mặt sóng đen rầm chiến hạmNhững con diệc không thể bay
Không có chỗ ẩn nấp
Những con diệc lặng băng như ngọn cờ tuẫn tiếtBuổi sáng ấy chỉ mẹ tôi nhìn thấy
Có đàn chim đẫm máu về trời
Hai mươi năm Hoàng Sa thành Nam SaHà Nội chiều nay thanh bình thế
Triệu Vi hát trên truyền hình
“Thu thủy vô ngân” * –
Nước mùa thu không vết dấu …——————–
* Lời một bài hát trong phim “Kinh hoa yên vân” do Triệu Vi – diễn viên và ca sĩ nổi tiếng của Trung Quốc thể hiện.
Chín ngư dân ở Lý Sơn vẫn chưa trở về gia đình sau một tháng bị giam giữ và sau năm ngày được trả tự do theo thông báo. Họ được phóng thích trong tình trạng ra sao? Có ai chứng nhận là họ thực sự đã được trả tự do? Có thể nào tin vào lời nói của giới lãnh đạo Trung Quốc vốn rất chuyên nghiệp về khoản miệng lưỡi dối trá cũng như quen thói sử dụng vũ lực? Những ngư phủ này vốn là thủy thủ kỳ cựu trong nghề đi biển. Làm sao họ lại có thể đi lạc ở khu vực mà họ rất thông thạo đường đi nước bước, trong khi mấy tháng trước đây những bạn chài đồng nghiệp của họ, cũng được trả tự do, với một ít nhiên liệu và không hề có trang thiết bị đi biển tối tân nào cả, chỉ với cái la bàn cũng có thể tìm đường về đến quê nhà?
Cho dẫu họ được xem như tù dân sự và không vũ khí trong một cuộc giao chiến không tuyên bố nhưng được Trung Quốc tiến hành một cách không giấu giếm trong vùng lãnh hải mà chủ quyền còn đang trong vòng tranh cãi, hoặc cho dẫu họ là nạn nhân của tệ cướp biển được tổ chức có hệ thống và mang tính khủng bố cuả Nhà nước Trung Quốc trong khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam – nếu thực sự người ta biết tôn trọng luật quốc tế, luật trên biển cũng như tôn trọng chứng cứ sáng rõ của lịch sử ba thế kỷ qua – thì kẻ tấn công rõ ràng vẫn là Trung Quốc, là kẻ đáng bị lên án vì tội ác lặp đi lặp lại này.
Trong cả hai trường hợp trên, nhà chức trách Việt Nam đều có cùng một nghĩa vụ hàng đầu: bảo vệ các hoạt động làm ăn hợp pháp và mạng sống của các công dân của mình. Không một ngôn từ nào hay khẩu hiệu nào có thể thay thế cho nghĩa vụ đó.
Thế mà, từ nhiều năm nay và đặc biệt là trong mấy tháng gần đây, khi Bắc Kinh tăng cường các hoạt động bành trướng ở Biển Đông, nhân dân Việt Nam và bạn bè năm châu đã chứng kiến một tình trạng tồi tệ và đau lòng: Đáp lại các cuộc tấn công của Trung Quốc là những phản kháng yếu ớt, những công hàm mang tính ngoại giao, những lời tuyên bố “vô tư” từ phía các giới chức chính trị, quân sự, những lời khuyên “tự bảo vệ mình” do các ban ngành địa phương đưa ra cho ngư dân, những chỉ đạo cứ bị đùn đẩy từ cơ quan chức năng này sang cơ quan chức năng khác không có điểm dừng. Người ta tốn nhiều hơi sức và nước bọt trong những cuộc thương thảo nhưng lại ngồi im chờ đợi những quyết định cụ thể chẳng bao giờ đạt được. Trong lúc đó thì ngư dân đang phải một mình đối mặt với hiểm nguy và nỗi lo sợ, hoàn toàn đơn độc khi bị giam cầm, đơn độc trước họng súng AK của bọn Trung Quốc, chịu ngược đãi về thân thể, bị sỉ nhục, đơn độc trước nợ nần chồng chất do hậu quả của nhiều lần bị đánh phá tàu, bị tịch thu ngư cụ…, tất cả những vấn nạn đó chẳng mấy chốc sẽ đẩy họ đến chỗ phải chịu thua và rời bỏ ngư trường, là nơi tổ tiên họ bao đời nay vẫn thường xuyên lui tới để đánh bắt kiếm sống cùng là để góp phần khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam trên quần đảo này.
Ngay cả khi được trả tự do, họ thậm chí cũng không được đón tiếp để bảo đảm chuyến trở về được an toàn trước các phần tử thù nghịch cũng như sau nhiều tuần bị giam giữ và kiệt sức… Quân đội Việt Nam ta đâu rồi?! Hệ thống bảo vệ quốc phòng trên biển của ta đâu rồi?! Bọn cướp biển đã vô liêm sỉ đến mức buộc các nạn nhân này phải ký vào một tài liệu trong đó họ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có xảy ra tai nạn trên đường trở về. Thế mà bây giờ nhà chức trách VN lại đề nghị tổ chức một cuộc tìm kiếm chung với cái bọn kẻ cướp ấy, như thể chúng có đủ tư cách xử sự của chiến hữu, như bạn bè của chúng ta vậy!
Với những trường hợp như thế này, theo tôi, một giải pháp đơn giản nhất là Việt Nam ngay lập tức huy động trực thăng cứu hộ, phối hợp song song với hải quân tinh nhuệ của mình, tìm kiếm và bảo vệ nhóm ngư dân vừa được thả ra này. Nhẽ ra, việc làm này phải được Chính phủ triển khai ngay khi nhận thấy sự bất ổn họ không trở về từ tối ngày 12.10, chứ không phải ngày 15.10 mới bắt đầu một cách yếu ớt như vậy.
Tôi đã tường thuật rất cụ thể và chi tiết kinh nghiệm đáng buồn của mình về chuyện xảy ra mấy ngày trước đây trên đảo Lý Sơn. Bài báo của tôi viết có tựa: “Hoàng Sa: Sếp đi vắng!”. Lần này, khi phóng viên báo Tuổi Trẻ (ngày 15.10) muốn hỏi ý kiến của trung tướng Trần Quang Khuê – phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn VN – và ông Phạm Hoài Giang – chánh văn phòng của Ủy ban – để tìm hiểu về thông tin tìm kiếm cứu nạn chín ngư dân, cả hai vị lãnh đạo này đều từ chối trả lời với lý do: “bận họp”. Như vậy, tôi sẽ không thay đổi dù chỉ một dấu phẩy cho bài viết 10 ngày trước.
Bác Hồ ơi, xin Người hãy sống dậy mà coi nè!
Ngày 15 /10 /10
H. C. Q. – A. M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Bauxite vn 05/10/2010