“Cho đến 18h hôm nay (15/10), tàu cá cùng 9 ngư dân của Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt và thả vẫn chưa về đến Lý Sơn. Chính phủ đã họp chỉ đạo tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.” (VietNamNet)
Họ là 9 công dân của nước CHXHCN Việt Nam. Tôi liên hệ đến 33 thợ mỏ Chi Lê bị mắc kẹt 69 ngày, dưới đất sâu gần 700 mét được cả nước Chi Lê cứu sống. Thật hạnh phúc thay cho số thợ mỏ này vì họ là công dân của nhà nước Chi Lê, họ có quyền tự hào vì Tổ quốc Chi Lê đã không bỏ rơi họ, có lẽ cả cuộc đời họ không cần có thêm một quốc tịch nào khác.
Và một trường hợp khác cũng mới gần đây thôi, ở nước Trung Quốc láng giềng cũng có các ngư dân của họ bị nước Nhật bắt giữ đã được nhà nước họ và dân chúng nước họ đón rước trở về khác xa với nhà nước Việt Nam, khi đối với công dân của mình. Tôi chưa nói đến góc độ pháp lý của sự kiện này, về việc xảy ra giữa nước Trung Quốc và nước Nhật. Nhưng có một điều chắc chắn tôi tin rằng 9 ngư dân Việt Nam đã không hề xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc mà bị Trung Quốc bắt giữ cả người và thuyền cá.
9 ngư dân này đã bị bắt vùng biển nào? Đã bị giam giữ ở đâu? Và được Trung Quốc thả ra từ địa điểm nào? Sao nhà nước Việt Nam không thông tin cho nhân dân Việt Nam được biết?
9 ngư dân Việt Nam chưa về đến nhà, rồi Trung Quốc cho máy bay trực thăng tìm kiếm. Vậy máy bay Trung Quốc có bay vào vùng biển Việt Nam để tìm kiếm người Việt Nam không? Ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho đây là việc dân sự hay việc liên quan chủ quyền quốc gia?
Cũng trong trong năm 2010, cả thế giới đã chứng kiến đích thân vị cựu tổng thống Mỹ đã đến Bắc Triều Tiên để giải thoát cho công dân người Mỹ gốc Triều Tiên như thế nào. Đã đành Việt Nam chưa thể so sánh được với Mỹ, nhưng đã là người sao không có quyền nghĩ về thân phận công dân của một nhà nước.
Với sự liên hệ như vậy thì đây có phải là câu trả lời, cho câu hỏi tại sao các giáo sư Ngô Bảo Châu, nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn… và bao nhiêu người Việt Nam khác đã và sẽ muốn có thêm hoặc phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để có quốc tịch một nước khác không. Nhân đây, cá nhân tôi cũng xin được bày tỏ sự khâm phục và cám ơn tấm lòng của công dân Hồ Cương Quyết vì đã dũng cảm nhận, chia sẻ trách nhiệm công dân với các ngư dân – nạn nhân.
Thăng Long – Hà Nội, ngày 15/10/2010
H. Đ. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN