Nobel Hòa bình là lời chê trách Trung Quốc

BẮC KINH – Ngày nay ít có quốc gia nào là một thách thức cho mô hình nhà nước dân chủ hơn Trung Quốc, nơi có một Đảng Cộng sản 89 tuổi đã lèo lái dẹp yên các phong trào chính trị trong khi tạo được một nền kinh tế náo nhiệt, bán thị trường và áp đặt một lớp vỏ xã hội ổn định.

Với nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu cùng với ảnh hưởng toàn cầu giảm sút, vài nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có vẻ vững tin rằng việc đòi tự do ngôn luận, bầu cử đa đảng hay các quyền hiến định – những gì mà một vài nhà vận động nhân quyền gọi là giá trị phổ quát – chỉ là những gì của người phương Tây, và nên dừng lại ở đó.

Việc tặng giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), 54 tuổi, là một kháng biện sắc bén trước triết lý ấy. Dĩ nhiên, một Ủy ban Na Uy đã tặng ông giải thường, giúp cho giới chức Trung Quốc và những người ủng hộ họ có đủ lý do để tố cáo rằng việc tặng giải này là một cố gắng khác của phương Tây hòng áp đặt những giá trị của mình lên Trung Quốc.

Nhưng chờ đợi chỉ trích, các thành viên ủy ban tuyển chọn đã chú trọng vào sự ủng hộ tại Trung Quốc đối với những việc làm và cảnh ngộ của ông Lưu, điều mà họ nói đã chứng tỏ rằng người Trung Quốc cũng khao khát như mọi người những quyền tự do chính trị được hưởng thụ tại các nước như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nam Dương.

Ủy ban Nobel Na Uy nói rằng: “Cuộc vận động để các nhân quyền phổ quát cũng được thiết lập tại Trung Quốc đã được phát động bởi rất nhiều người Trung Quốc, cả trong và ngoài nước. Qua hình phạt nghiêm khắc ông phải trải qua, ông Lưu đã trở thành biểu tượng hàng đầu của cuộc tranh đấu đa diện cho nhân quyền ở Trung Quốc.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, người cũng được giải Nobel Hòa bình năm 1989, đã nêu rõ cuộc vận động tận gốc rễ của người Trung Quốc để cải tổ chính trị trong một bản tuyên bố ca tụng ông Lưu, nói rằng “những thế hệ người Trung Quốc tương lai sẽ có thể được hưởng thành quả từ cố gắng của những công dân Trung Quốc hiện tại đang làm, hướng về một chính quyền có trách nhiệm.” Tuy nhiên, vị thế của Đức Đạt Lai Lạt Ma là bằng chứng cho thấy rằng cuộc tranh đấu cho nhân quyền ở Trung Quốc rất khó khăn, và việc thắng giải Nobel không phải là bảo đảm cho ngay cả một thành tựu nhỏ mọn.

Dầu sao, con số những người ký vào Hiến chương 08, văn kiện mà ông Lưu là đồng tác giả, kêu gọi dần dần gia tăng các quyền hiến định, ít nhất cho thấy rằng có một chiều hướng tại nước này muốn có thảo luận công khai về các giá trị mà giới lãnh đạo cứng rắn của Đảng Cộng sản gạt bỏ như là một món hàng mới của đế quốc phương Tây.

Từ 300 chữ ký lúc đầu trên văn kiện, đã tăng lên 10.000 khi được phổ biến trên Internet, ngay cả đã bị chính quyền cố gắng loại bỏ. Chắc chắn nhiều người trong số ký tên là trí thức, không phải họ đại diện cho đa số dân Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã có một lịch sử phong phú về cải tổ chính trị được lãnh đạo bởi thành phần tinh hoa. Các luật sư Trung Quốc, nhà báo, học giả, nghệ sĩ, cố vấn chính sách – nhiều người trong số họ sẽ phấn khởi trước quyết định của Ủy ban Nobel.

Wan Yanhai, nhà vận động nổi tiếng nhất cho người bị bệnh AIDS tại Trung Quốc và là một người đã ký vào Hiến chương 08 từ đầu; ông đã tạm thời rời Trung Quốc sang Hoa Kỳ vào tháng Năm vì điều ông gọi là bị công an sách nhiễu, nói rằng: “Họ giấu mặt, nhưng họ có đấy. Dân chúng tổ chức những phong trào chống đối khác nhau, đôi khi theo đường lối ôn hòa, đôi khi bạo động.”

Bà Cui Weiping, một nhà phê bình xã hội dạy tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (Beijing Film Academy), nói rằng cuộc tranh đấu cho nhân quyền đã chuyển từ địa phương tới toàn cầu: “Giống như mọi chuyện xẩy ra tại Trung Quốc ngày nay, phong trào dân chủ ở đây tồn tại trong một khung cảnh toàn cầu. Cho nên đây là một bài học cho Trung Quốc: không thể kìm giữ phong trào dân chủ mãi mãi”.

Internet, cỗ xe từng đưa Hiến chương 08 đến chỗ nổi bật, đã âm ỉ với sự ủng hộ của người Trung Quốc dành cho ông Lưu vào tối thứ Sáu mặc dầu những cố gắng gạn lọc của chính quyền. Lưu Hiểu Ba là đề tài được đề cập tới nhiều nhất tại Weibo, một diễn đàn đông khách trên Sina.com. Microbloggers nồng nhiệt thích thú với giải thưởng và phóng lời thóa mạ về phía chính quyền. Một người là Nan Zhimo viết: “Cải tổ chính trị và giải Nobel, đây có phải là bước khởi đầu mới? Cuối cùng ngày này đã tới.” Một người khác là Hei Zechuan nói: “Người Trung Quốc đầu tiên thực sự thắng giải Nobel đã xuất hiện, nhưng bây giờ ông ấy vẫn còn đang trong tù; đúng là cười ra nước mắt.”

Ngay cả trước khi giải thưởng được loan báo vào chiều thứ Sáu, một đám người ủng hộ đã tụ tập bên ngoài đơn vị gia cư ở Bắc Kinh, nơi bà Lưu Hà (Liu Xia), vợ ông Lưu Hiểu Ba sinh sống. Họ tỏ ra ít sợ hãi đám công an đồng phục đen vây quanh.

Một trong những người đứng ngoài căn hộ là ông Li Yusheng, 66 tuổi, nhà báo hưu trí, người từng ký Hiến chương 08 và sáng lập ra một nhóm có mục đích giúp người nghèo, nói: “Tôi tin rằng giải thưởng này sẽ mở tung cho việc thảo luận về chính trị tại Trung Quốc. Và nó sẽ gây áp lực trên nhà cầm quyền để thay đổi đường lối cũ, nhờ đó họ sẽ không còn có thể bỏ tù những người như Lưu Hiểu Ba trong tương lai. Họ sẽ phải thay đổi, hoặc là bị kéo khỏi quyền lực.”

Nhưng nhà cầm quyền vẫn bám theo thói cũ vào đêm thứ Sáu. Theo các tin tức trên Twitter, nhiều giới chức công an đã có mặt tại các cuộc tụ họp vui mừng tại Bắc Kinh và Thượng Hải để lôi những người tụ tập về đồn công an.

Một số chuyên viên chính trị ở đây nói rằng ngay cả những nhà lãnh đạo có đầu óc tiến bộ hơn cũng ít muốn đẩy mạnh việc cho thêm nhiều quyền chính trị, và sẽ tiếp tục kìm hãm, tăng thêm lừa lọc trước cuộc chọn lãnh đạo kế vị vào năm 2012 – một thời điểm ưu thế của thái độ cứng rắn. Khuynh hướng này đã cho thấy rõ ràng vào tháng Ba năm 2009, khi Wu Bangguo, Chủ tịch Quốc hội, một cơ chế hữu danh vô thực, đã đọc một bài diễn văn, trong đó ông gạt bỏ mọi việc làm hướng về dân chủ kiểu phương Tây, đề cập tới chuyện này không dưới chín lần. Ông nói:

“Chúng ta không bao giờ giản dị bắt chước chế độ của các nước phương Tây hay giới thiệu một chế độ đa đảng thay nhau nắm chính quyền. Mặc dầu các cơ quan nhà nước Trung Quốc có những trách nhiệm khác nhau, nhưng tất cả đều gắn bó vào một đường lối và những chính sách của đảng.”

Một số người Trung Quốc cấp tiến như ông Wan nói họ nhìn thấy ở Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) là một người đồng chí hướng, người mới vào tháng Tám vừa qua đã công khai đề cao việc cải tổ chính trị. Theo báo Nhân dân của Trung Quốc, ông Ôn đã nói rằng: “Không có bảo đảm của việc thay đổi chế độ chính trị, những thành công của việc tái kiến trúc chế độ kinh tế sẽ bị mất và mục tiêu hiện đại hóa không thể đạt được”.

Một số nhà kinh tế cấp tiến như các ông Yang Yao và Wu Jinglian cũng mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ việc tái cấu trúc chính trị, biện luận rằng nền kinh tế Trung Quốc, nơi các xí nghiệp quốc doanh có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản tiếp tục chi phối các kỹ nghệ lớn, chỉ có thể đạt mức trưởng thành khi được điều hành và kiểm soát như trong chế độ dân chủ.

Thể chế dân chủ rõ ràng là điều vẫn thường còn mơ hồ trong những cuộc thảo luận này. Giới cấp tiến biết rằng kêu gọi những cuộc bầu cử đa đảng – một thách thức trực tiếp đối với địa vị hàng đầu của Đảng Cộng sản – là điều cấm kỵ. Ông Ôn Gia Bảo được nhiều người Trung Quốc ca tụng, nhưng thực quyền của ông không rõ ràng, đã tránh né đề cập tới bầu cử. Ông Lưu và các đồng tác giả của Hiến chương 08 cũng thận trọng tránh kêu gọi bất cứ một thay đổi mạnh bạo và tức thì nào đối với vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Ông Zhang Zuhua, một trong những tác giả chính của Hiến chương, nói rằng: “Ý định của chúng tôi là không đe dọa Đảng hay chính quyền. Đó là việc đặt ra cái khuôn khổ cho các giá trị phổ quát, và xây dựng một sự đồng thuận trong cái xã hội chung quanh nó, trong số ấy có cả những người ở trong và ngoài chế độ.”

Ông nói: “Rõ ràng chỉ có chính quyền không thừa nhận các giá trị phổ quát này.”

E. W.

Đinh Từ Thức dịch từ Nobel Prize for Dissident Is Seen as Rebuke to China” của Edward Wong, viết từ Bắc Kinh. The New York Times, ngày 8 tháng 10, 2010.

Nguồn: http://www.talawas.org/?p=25321

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.