Trung Quốc: Cấm báo chí đưa tin giải Nobel Hòa bình 2010

Cảnh sát Trung Quốc chặn báo trí trước lối vào nhà của Lưu Hiểu Ba tại Bắc Kinh, hiện chỉ có vợ ông sống tại đó. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Trung Quốc chặn báo trí trước lối vào nhà của Lưu Hiểu Ba tại Bắc Kinh, hiện chỉ có vợ ông sống tại đó. Ảnh: Reuters

Hôm qua, ngày 8 tháng 10, Ủy ban Nobel đã thông báo quyết định trao giải Nobel hòa bình 2010 cho nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, hiện đang bị cầm tù tại Trung Quốc. Một quyết định gây tiếng vang lớn trên thế giới. Ngay sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối và cảnh báo rằng quyết định này sẽ gây hậu quả tiêu cực cho quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy.

Nhật báo Liberation dành trang nhất cho sự kiện này với nhận định: “Giải Nobel làm Trung Quốc phẫn nộ”. Đang bị giam cầm tại tỉnh Liêu Ninh xa xôi, hiện tại Lưu Hiểu Ba vẫn chưa biết tin mình được trao giải Nobel Hòa bình năm nay. Thậm chí ở Trung Quốc, ít người biết được chuyện này, vì tất cả tin tức liên quan đều bị kiểm duyệt. Kênh truyền hình quốc tế CNNBBC đôi khi cũng bị cắt sóng đúng vào lúc có tin tức liên quan. Ngay cả những tin nhắn SMS nội dung có tên Lưu Hiểu Ba cũng bị chặn. Báo giới cũng bị cấm tiếp xúc với vợ của ông này.

Liberation phác họa lại chân dung và hoạt động của Lưu Hiểu Ba: Cuối tháng 5 năm 1989, Lưu Hiểu Ba ngừng việc giảng dạy văn chương ở Trường Đại học Comlombia New York. Trong khi nhiều người Trung Quốc tìm cách chạy ra nước ngoài tị nạn, thì giáo sư 33 tuổi, Lưu Hiểu Ba quyết định về lại Bắc Kinh để ủng hộ các sinh viên đang biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn trong vòng vây công an. Cùng với một người bạn là giáo sư giảng dạy triết học Mác Lênin ở Học viện Khoa học Chính trị Thanh niên, ông Lưu đã đứng ra thương thuyết với chính quyền và quân đội. Đêm 4 tháng 6 năm 1989, cảnh sát nổ súng vào nhóm biểu tình, và từ đó Lưu Hiểu Ba bị xem là người li khai. Ngày hôm sau, Lưu Hiểu Ba bị bắt. Ông bị buộc tội đứng sau điều khiển vụ biểu tình và phải lãnh án 20 tháng tù.

Khi mãn hạn tù, Lưu Hiểu Ba bị buộc thôi việc. Thiên An Môn khi ấy chỉ còn tồn tại như là một vết đen trong lịch sử Trung Quốc, mà cả chính quyền và nạn nhân điều cố tìm cách xóa đi. Thế nhưng, Lưu Hiểu Ba tiếp tục đấu tranh. Từ năm 1996 đến năm 1999, ông bị đưa vào trại lao động cải tạo. Sau đó, ông bị quản thúc tại địa phương trong thời gian dài. Lúc nào ông cũng bị công an theo dõi và luôn bị đe dọa bắt giam. Trước cảnh nông dân bị mất đất, người biểu tình bị đàn áp, giới văn nhân bị sách nhiễu, luật sư bị hành hạ, Lưu Hiểu Ba quyết định dùng ngòi bút đấu tranh cho dân chủ với niềm tin “Cần phải sống trong sự thật”. Lập trường của ông là đấu tranh hòa bình, vì thế ngay trong hàng ngũ những người li khai, có nhiều người rất ghét ông, thậm chí có người còn cho rằng ông Lưu sẵn sàng hợp tác với chính quyền cộng sản.

Tháng 3 năm 2008, Lưu Hiểu Ba đã tung lên mạng một bản kiến nghị ủng hộ phong trào li khai của người dân Tây Tạng. Ông nói : “Khi không có chuyện gì nghiêm trọng, thì người ta có thể nghĩ rằng Đảng đã có tiến bộ. Thế nhưng, khi có chuyện lớn, thì người ta lại nhận ra rằng tiến bộ của Đảng chỉ là bề mặt”.

Ngày 8 tháng 12 năm 2008, đúng vào ngày kỷ niệm Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã xuất hiện trên mạng Internet “Bản hiến chương số 8”, thu hút mạnh mẽ dư luận. Nội dung tài liệu này dựa trên Hiến pháp hiện hành của Trung Quốc và Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tài liệu không yêu cầu giải tán Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc nên chấm dứt độc tài và chấp nhận những giá trị chung của nhân loại, để theo kịp các nước văn minh và xây dựng một hệ thống chính quyền dân chủ. Lưu Hiểu Ba đã ra sức tuyên truyền cho bản hiến chương. Sau đó ông bị cáo buộc đứng sau bảng hiến chương này và bị bắt. Noel năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù giam về tội “tuyên truyền lật đổ nhà nước”. Libération cho rằng tội danh này luôn được chính quyền Trung quốc gắn cho những ai không có cùng quan điểm với Đảng, dù đó là trí thức hay nông dân.

Trước quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, Libération đăng nhiều phản ứng đến từ nhiều phía khác nhau. Hôm thứ sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng: Lưu Hiểu Ba là tội phạm bị xử đúng theo luật pháp hiện hành của Trung Quốc. Trao giải Nobel cho một người như vậy là quyết định sai lầm.

Nhà điêu khắc kiêm họa sỹ Ngải Vị Vị, 53 tuổi, sống tại Bắc Kinh, người từng tham gia thiết kế sân vận động thế vận hội Olympic 2008, tâm sự: “Tôi cảm thấy nhẹ lòng khi biết rằng cộng đồng quốc tế còn quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Đây là một tin tốt lành cho những người trong nước đang ngày đêm đấu tranh cho dân chủ, công bằng và tự do. Giải thưởng là một tia hy vọng đến đúng lúc mà mọi việc đang rối tung và nhiều người bị tống giam hoặc biệt tích. Đó là một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, sẽ khích lệ tuổi trẻ Trung Quốc suy nghĩ về giá trị căn bản của con người và làm cho nhiều người hiểu rằng bên cạnh phát triển kinh tế, xã hội còn cần những giá trị nhân văn”.

Còn nhà li khai đấu tranh cho môi trường – bà Đái Tình, 69 tuổi, con gái nuôi của ông Diệp Kiếm Anh (cựu lãnh đạo Trung Quốc) cho biết: “Giải thưởng này cũng dành cho tất cả những người Trung Quốc đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, đã và đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp, giam cầm, tra tấn, cho những người đang phải sống lưu vong ở nước ngoài. Mọi người sẽ tự hỏi tại sao chính phủ lại giam cầm và xem là tội đồ một người được cộng đồng quốc tế kính trọng như vậy”. Bà cũng cho rằng, tuổi trẻ Trung Quốc thế kỷ 21 rất khác biệt so với thế hệ thời Đặng Tiểu Bình: thời ấy, người ta chỉ biết vâng lời, còn hiện tại, thế hệ trẻ rất ý thức về quyền được sống một cách đúng nghĩa. Hy vọng về một nền dân chủ thật sự đang ngày càng lớn dần, mọi người đã thay đổi, ngay cả ở tầng lớp thấp trong xã hội”.

L.P.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20101009-cam-bao-chi-dua-tin-giai-nobel-hoa-binh-2010

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.