Ngôn ngữ ngoại giao, hành động bá quyền

Lời bình:

Ngài Tôn Quốc Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, có lời vàng ngọc rằng: “Kinh nghiệm quí báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung-Việt là ‘hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại.'” Chắc khi dùng từ đấu tranh, ngài không gộp những hành động của lính Trung Quốc cướp bóc, khảo của  ngư dân Việt Nam vào đó. Thậm chí, ngài còn cho đây là chuyện bịa đặt, là tin xấu và khuyên báo chí Việt Nam không nên đăng. Vậy thì hẳn ngài có ngụ ý đe Việt Nam sẽ thất bại nếu “đấu tranh” với Trung Quốc.

Thưa ngài Tôn Quốc Tường,

Việt Nam đã quá quen lời kêu gọi “hợp tác” sặc mùi dọa dẫm đó. Hoàng Sa và Trường Sa là “máu của máu Việt Nam”, là “thịt của thịt Việt Nam”, lẽ nào con cháu của Trần Hưng Đạo, của Quang Trung lại tuân theo lời ngài, để mặc cho Trung Quốc cưỡng chiếm? Sông Bạch Đằng còn đó, Gò Đống Đa vẫn kia, nước Việt Nam tuy yếu, nhưng cha ông chúng tôi đã xác quyết: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). Việt Nam yêu quý hòa bình, nhưng tấc đất cha ông, đời này chưa đòi lại được, đời sau lớp lớp con cháu phải đòi, chứ làm gì có chuyện sợ hãi quỳ gối.

Đài RFA phê phán Trung Quốc “ngôn ngữ ngoại giao, hành động bá quyền”. Hành động bá quyền thì đã rõ. Nhưng ngôn ngữ cũng trịch thượng, bá quyền nốt, chứ chẳng có gì đáng gọi là ngoại giao.

Ngài Tôn Quốc Tường đã có lời lẽ làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị Việt Trung đến như thế, Bộ Ngoại giao Việt Nam nên có công hàm đề nghị triệu hồi ngài về nước. Và chính phủ Trung Quốc, nếu thành tâm muốn vun đắp cho tình hữu nghị Việt Trung, cũng nên kỷ luật ngài đại sứ mới phải.

Bauxite Việt Nam

Ngôn ngữ ngoại giao, hành động bá quyền

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2010-01-09

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường kêu gọi Việt Nam tạm gác lại tranh chấp, chờ điều kiện chín muồi sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông.

AFP photo - Trung Quốc đưa các loại tàu ngầm tối tân ra biểu diễn nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập CHND Trung Hoa.

Trong cuộc họp báo ngày 6/1 ở Hà Nội, tiến tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Việt, người đại diện của Bắc Kinh nhấn mạnh: “kinh nghiệm quí báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung-Việt là ‘hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại.’”

Tạm gác tranh chấp

Một số báo điện tử đã đưa lên mạng bài tường thuật cuộc họp báo. Theo VietnamNet, Đại sứ Tôn Quốc Tường nhận định, quan hệ Trung-Việt có 3 vấn đề lịch sử để lại: phân định biên giới trên đất liền, phân định vịnh Bắc Bộ và giải quyết vấn đề biên giới trên biển. Theo lời ông, Bắc Kinh và Hà Nội đã giải quyết được hai vấn đề trước và chỉ còn lại vấn đề Nam Hải, tức Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc. Đại sứ Tôn Quốc Tường cho rằng hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán, để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước.

Kinh nghiệm quí báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung-Việt là ‘hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại.’

ĐS TQ Tôn Quốc Tường

Vẫn theo VietnamNet, Đại sứ Tôn Quốc Tường cho biết lãnh đạo Trung Quốc đưa ra sáng kiến gác lại tranh chấp trên biển, cùng nhau khai thác. Ông Tường giải thích, ý nghĩa của sáng kiến là không nhắc đến vấn đề tranh chấp trong khi hai bên có thể tiến hành hoạt động phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của mình. Người đại diện Bắc Kinh nhấn mạnh, đang cố gắng tiếp xúc với cơ quan hữu trách Việt Nam để thúc đẩy vấn đề này. Theo đó, sáng kiến gác lại tranh chấp là con đường hiện thực, thiết thực mà hai bên có thể thực hiện, cho tới khi vấn đề Biển Đông có điều kiện giải quyết.

Khi vấn đề tranh chấp Biển Đông trở thành thời sự nóng bỏng, truyền thông báo chí đưa tin nhiều về tình cảnh ngư dân Việt Nam bị hành hạ cướp bóc từ lực lượng Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, cựu viên chức ngoại giao từng phục vụ ở Bắc Kinh đã nhận định với Đài ACTD:

“Theo tôi, vấn đề biển-đảo nếu Trung Quốc cứ khăng khăng là của Trung Quốc, Việt Nam khăng khăng là của Việt Nam, thì vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết được. Tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng quân sự, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin hóa, trong giai đoạn thế giới phụ thuộc vào nhau như hiện nay, không phải là việc dễ làm. Chúng tôi không mong muốn chuyện đó, chúng tôi muốn giải quyết bằng cách thương lượng hòa bình. Chính người Trung Quốc bình luận là phải giải quyết hòa bình, hai bên cùng thắng. Tôi nghĩ trong vấn đề Biển Đông cũng phải áp dụng phương châm này, tranh chấp giữa hai nước Trung Quốc cũng phải thể hiện trách nhiệm một nước lớn như lãnh đạo Trung Quốc thường nói.”

Không đưa thông tin xấu

Trong cuộc họp báo ngày 6/1 ở Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường phủ nhận các thông tin về việc ngư dân Việt Nam bị lực lượng Trung Quốc ngược đãi, thu giữ công cụ đánh bắt cũng như thủy sản của họ. Theo lời ông Tường, qua xác minh phía Trung Quốc chỉ đuổi tàu cá ra khỏi lãnh hải Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam. Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió tại những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc, đã được đối xử nhân đạo, nhưng theo lời ông Đại sứ, khi ngư dân Việt Nam rời cảng, họ lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo, điều này làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc.

Liên tục bị lính và cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ, đánh đập và tịch thu tài sản, nhiều ngư dân Việt Nam không dám tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản.

Báo chí Việt Nam đưa tin không bình luận gì về tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường. Nhưng ngược dòng thời gian, VietnamNet ngày 14/10/2009 và những ngày tiếp theo đã tường thuật câu chuyện bi thảm của 200 ngư dân Quảng Ngãi, cùng 17 tàu cá tránh bão số 9 ở Hoàng Sa vào ngày 28/9. Khi vào phải treo cờ trắng, nhưng hai ngày sau khi nhổ neo rời đảo Hoàng Sa, thì tàu chiến Hải Quân TQ mang số hiệu 1312 chắn đường, lục soát các tàu cá Việt Nam, đánh đập ngư dân để khảo của. Thuyền trưởng Trương Minh Quang tàu cá QNg 90078 kể lại với Đài RFA:

Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường gọi các thông tin về sự kiện ngư dân Việt Nam bị lực lượng Trung Quốc ngược đãi trên vùng biển tranh chấp, là loại “thông tin xấu” không nên phổ biến.

“Bão tan rồi là nó ra nó lấy đồ hết, nó bóp cổ, làm dữ dội, làm kinh lắm, lấy hết dụng cụ đi làm biển của mình chỉ để lại 1 cái la bàn cho mình về. Thì nghe đài Tiếng Nói Việt Nam nói Hoàng Sa là của Việt Nam mình, nhưng của Việt Nam gì mà ra đây nó bắt miết à. Việt Nam đi ra đó ban đêm né ban ngày còn không dám đi. Nó bắt được nó phạt dữ lắm.”

Trở lại cuộc họp báo ngày 6/1 ở Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường gọi các thông tin về sự kiện ngư dân Việt Nam bị lực lượng Trung Quốc ngược đãi trên vùng biển tranh chấp, là loại “thông tin xấu” không nên phổ biến. Đại sứ Tôn Quốc Tường nhấn mạnh rằng, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên Biển, tranh chấp về nghề cá và phía Trung Quốc luôn xuất phát từ đại cục tuy rằng thấy mình có lý nhưng phía Trung Quốc thấy không nên đưa tin.

Ứng xử “xuất phát từ đại cục”

VietnamNet trong chuyên mục Tuần Vietnam có đăng một bài viết của độc giả Khương Duy với tựa “ Đại sứ Trung Quốc và cách ứng xử “xuất phát từ đại cục”, chúng tôi trích một đoạn: “Những việc xấu như thế này” mà ông Tôn Quốc Tường nhắc đến là những vụ việc gây xôn xao gần đây, khi những ngư dân Việt Nam lên tiếng về cách đối xử thiếu nhân đạo và trái luật pháp quốc tế của đội kiểm ngư, tuần tra trên biển của phía Trung Quốc.

Trận hải chiền năm 1988, trước hỏa lực mạnh mẽ của hải quân TQ tàu HQ 604 của quân chủng HQVN đa bị bắn chìm.

Tác giả viết tiếp, vì tôn trọng cách ứng xử “xuất phát từ đại cục” mà báo chí Việt Nam, và cả nhân dân Việt Nam đã thôi không nhắc đến những chuyện buồn trong mối quan hệ giữa hai nước trong vài thập niên cuối thế kỷ XX. Diễn biến cuộc chiến nơi biên giới Việt Trung năm 1979 chỉ được nhắc đến vài dòng trong sách Lịch sử. Trận hải chiến không cân sức trên biển chục năm sau trên bãi Gạc Ma – nơi những người lính hải quân nhân dân Việt Nam nắm tay nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng – cũng chỉ gần đây mới được hé lộ đôi điều.

Bài viết của độc giả VietnamNet nhấn mạnh: “Người dân Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, biết khi nào nên cầm súng chiến đấu, khi nào nên bắt tay làm hòa, lẽ nào không thấm nhuần cách ứng xử lấy đại cục làm trọng ấy sao?

Ngày 18/1/2010 đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai nhà nước trong số ít ỏi những quốc gia theo cộng sản còn sót lại trên địa cầu. Người Việt Nam sẽ uyển chuyển như thế nào để tồn tại trước người láng giềng khổng lồ phương Bắc? Ông Dương Danh Dy, nguyên cán bộ ngoại giao từng nhiều năm công tác ở Bắc Kinh nhận định:

“Điều tôi luôn tâm niệm, mong làm sao tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, mong làm sao cán bộ đối ngoại Việt Nam có được trí tuệ, có được bản lĩnh, có được nghệ thuật chung sống với Trung Quốc, thì tôi tin là chúng tôi sẽ vượt qua được mọi khó khăn.”

Tối 7/1 tại Hà Nội, sau phiên họp chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ báo chí. Theo báo Pháp Luật điện tử, người đứng đầu chính phủ tuyên bố: “Hiện đại hóa quân đội là nhằm thực hiện tốt các nguyên tắc chung sống hòa bình”. Thủ tướng VN nhấn mạnh vừa rồi chính ông đã đàm phán với Thủ tướng Nga Putin mua sáu tàu ngầm hiện đại, mua tên lửa đất đối hải, máy bay chiến đấu hiện đại nhất. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Biển ta rộng, ta phải bảo vệ. Mua sắm đây không phải vì có gì đột xuất hay chạy đua vũ trang.”

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/Diplomatic-language-and-chauvinistic-action-nnguyen-01092010091543.html

This entry was posted in Ngoại Giao and tagged , . Bookmark the permalink.