Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đã mở ra một trang sử mớ của dân tộc. Hai tháng sau đó, ngày 04/10/1945, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ do Hồ Chủ tịch chủ trì, lần đầu tiên Chính phủ đã nêu lên yêu cầu phải thành lập một tổ chức Thanh tra. Trong lúc chờ đợi có một Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra, Chính phủ giao cho cấp trên được quyền xử lý lầm lỗi của cấp dưới và giao cho Bộ Nội vụ lập một Uỷ ban Thanh tra hành chính có nhiệm vụ điều tra công việc hành chính của các địa phương. Sau nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt – tổ chức tiền thân ngành Thanh tra hiện nay, đánh dấu sự ra đời của Thanh tra Nhà nước Việt Nam (nay là Thanh tra Chính phủ). Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80/SL cử cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Không chỉ quan tâm tới tổ chức, hoạt động của Ban mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp viết giấy giới thiệu cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận với các địa phương để tạo thêm uy tín và điều kiện hoạt động thuận lợi cho Ban Thanh tra đặc biệt. Phải nói rằng, ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời cho đến lúc Bác qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra nói chung và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân nói riêng. Với Bác, “Thanh tra là công tác rất quan trọng”.
Trước việc Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 04/2010/TT-TTCP, ngày 26/8/2010 về việc “Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo”, đặc biệt việc đó xảy ra trước “ngưỡng cửa” ngành Thanh tra Việt Nam sắp kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống (23/11/1945- 23/11/2010), xin trở lại một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khiếu nại tố cáo của công dân.
Theo Hồ Chủ tịch,
“Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” và “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn” [1].
“Quan điểm của chúng ta đối với những điều nhân dân kêu với chúng ta. Điều đó chia ra làm hai loại: Một là, người ta kêu về những cái mà bản thân người ta bị thiệt thòi; hai là, người ta kêu về những cái mà người ta thấy không đúng trong công việc của chúng ta trong đội ngũ cán bộ của chúng ta, người ta tố cáo những cái không đúng đó. Trách nhiệm của những người ở cơ quan Nhà nước đồng thời cũng là những người ở cương vị lãnh đạo của Đảng trong chừng mực nào đó, nghĩa vụ, trách nhiệm tối thiểu của chúng ta là phải giải quyết những điều người ta kêu với chúng ta. Những người đó là nhân dân, các tầng lớp nhân dân, những người bị thiệt thòi, những người có điều uất ức trong lòng”. [2]
“Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.
Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.
Kiểm soát cách thế nào? Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ. Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát như thế:
1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu.
2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan.
3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết.
Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ của mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên” [3].
Phải thừa nhận rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên khắp cả nước những năm gần đây diễn biến phức tạp; số vụ việc khiếu nại, tố cáo có gia tăng, tính chất khiếu kiện gay gắt. Tình trạng khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương vẫn còn xảy ra, nhất là trong những dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đó là quy luật! Vì sao?
Có mấy nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất, như Bác Hồ đã nói “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại”. Thực tế là “oan ức” của dân ngày càng gia tăng. Ngoài những vấn đề oan ức do lịch sử để lại mà đến hiện nay vẫn phải tiếp tục giải quyết, phải thừa nhận rằng, thời gian qua, việc thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng… phục vụ cho mở mang các khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác hiện nay với nhiều chính sách không nhất quán, sự thiếu công khai minh bạch, dân chủ và nhiều biểu hiện vụ lợi, tham nhũng của chính quyền các cấp đã làm gia tăng khiếu nại tố cáo.
Thứ hai, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước, kể cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có thanh tra ngày càng phát triển, gần như vô phương trong việc ngăn chặn, kiểm soát; tiêu cực xã hội ngày càng đáng lo ngại.
Thứ ba, nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển của đất nước; ví dụ các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường sống, tác động tiêu cực đến của người dân (vụ Vedan là một điển hình); nhiều quyết sách của Nhà nước chưa thuyết phục được nhân dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, sự an nguy của đất nước như vấn đề cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, khai thác bauxite ở Tây Nguyên…
Thứ tư, năng lực của hệ thống thanh tra các cấp, năng lực của công chức ngành Thanh tra không đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn kém; nhiều nơi không làm đúng thẩm quyền, làm hết thẩm quyền, đùn đẩy, né tránh. Điều đáng tiếc là chỉ riêng hệ thống thanh tra nhà nước từ Chính phủ đến các tỉnh, thành phố, quận, huyện ngày càng “phình to”; ví dụ, cơ quan Thanh tra Chính phủ trước đây chỉ chưa đầy 200 cán bộ công chức, hiện nay khoảng hơn 700 người nhưng hiệu quả hoạt động lại không tương xứng. Nhiều nơi, có biểu hiện ngay trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân cũng có hiện tượng tiêu cực. Đây là nguyên nhân của tình hình khiếu nại tố cáo vượt cấp, tái khiếu, khiếu kiện đông người, gay gắt.
Thứ năm, tòa án hành chính hoạt động không hiệu quả, nếu không muốn nói là không hoạt động. Do vậy, các khiếu nại tố cáo vẫn tập trung gửi tới các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ theo cơ chế hành chính như trước khi chưa có tòa án hành chính các cấp.
Cũng phải thừa nhận rằng, hệ thống thanh tra hiện nay là công cụ của chính quyền các cấp, thanh tra chỉ có quyền kiến nghị sau khi kết thúc thanh tra. Thanh tra không được bảo đảm chỉ tuân thủ pháp luật như luật định. Hệ quả là, nhiều trường hợp kết luận thanh tra bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại tố cáo nhưng không phù hợp với ý chí và lợi ích của người đứng đầu chính quyền các cấp, nơi xảy ra khiếu kiện là kết luận thanh tra sẽ bị vô hiệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chính quyền nói chung và cán bộ ngành Thanh tra nói riêng: “Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”. Như vậy, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo của công dân còn có lợi cho Đảng, Nhà nước.
Đáng tiếc, quan điểm nhân dân trong giải quyết khiếu nại tố cáo đã không còn. Chính quyền sợ khiếu kiện đông người, sợ đơn nhiều người ký, sợ đối thoại với nhiều người cùng một lúc. Thử hỏi, một chính sách thu hồi đất đai thiếu công khai minh bạch, áp giá đền bù sai làm thiệt hại cho số phận nhiều người thì tại sao lại không chấp nhận khiếu nại của tập thể bị xâm hại đó? Hay Thanh tra Chính phủ lại cho rằng đơn nhiều người ký là “diễn biến hòa bình”?
Rõ ràng là, với việc ban hành Thông tư 04/2010/TT-TTCP, ngày 26/8/2010 về việc “Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo”, Thanh tra Chính phủ đã đi ngược lại quan điểm của Bác Hồ, không phù hợp với Luật Khiếu nại Tố cáo và yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng Nhà cước “của dân, do dân, vì dân” theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
T. T.
* Tác giả nguyên là chuyên viên của Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ).
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Chú thích:
[1] Bài Huấn thị của Hồ Chủ tịch về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1960;
[2] Bài nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị xét, giải quyết khiếu tố ngày 15/4/1971;
[3] Trích ba bài Huấn thị của Hồ Chủ tịch về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc các năm 1957, 1960, 1961 và cuốn sách “Bác Hồ với Thanh tra Việt Nam theo dòng lịch sử”;