Tối 28-8-2010, có cuộc đón rước long trọng Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu tại Hội trường Mỹ Đình. Tôi đến trước, Giáo sư HNĐ đến sau, sà vào ngồi cạnh, thành ra… mất trật tự cùng nhau.
Hai cái người này vẫn thế: cùng ở Hà Nội, nhưng ít gặp nhau, nên mỗi khi gặp nhau thường nói chuyện riêng nhiều hơn là tham gia vào nội dung chung. Nói cho công bằng, lỗi phần nhiều là do Giáo sư, chứ tôi là loại học trò ngoan, thậm chí rất ngoan. Những khi trầm ngâm một mình, tôi chẳng bao giờ phạm lỗi nói chuyện riêng với ai sất.
Gặp nhau hôm nay, sau cái bắt tay, chúng tôi vào ngay cái đề tài quen thuộc của mình: nếu hôm nay chúng ta là Izrael và nếu hôm nay có ông Yitzhak Rabin, không hiểu ông ấy sẽ làm gì và nói gì?
Sở dĩ chúng tôi hay nhắc đến ông Thủ tướng Israel đó, vì vào năm 1994, HNĐ có qua Izrael và có được tại chỗ biết tới ông trong biệt danh “Ông Thủ tướng Giáo dục”: năm 1965, Yitzhak Rabin được nhận giải thưởng cao quý nhất quốc gia này có tên là Giải thưởng Izrael vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Năm 1994, ông Yitzhak Rabin lại được giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến trong việc thương lượng với Palestine. Dĩ nhiên, cái công lao làm cho nước Izrael thành quốc gia có sự nghiệp giáo dục cao ngất trên thế giới không thể chỉ gán cho riêng ông, song cũng không phải chuyện ngẫu nhiên mà ông đã được nhận Giải thưởng Izrael cùng biệt danh “Ông Thủ tướng Giáo dục” đó.
Một vài con số trong cái “thành tích tập thể” này đáng để ta cùng suy ngẫm.
Hiện nay, Izrael là nước có số đông nữ sinh viên nhất đang theo học tại Đại học Yale danh giá của nước Mỹ.
Trong số 10 trường đại học hàng đầu vùng Trung Đông, Izrael chiếm đứt mất 7 trường (lưu ý: cả nước này chỉ có 7 trường đại học và 1 trường đại học mở).
Trường Đại học Do Thái Jerusalem của Izrael được đứng trong số 200 trường đại học hàng đầu của thế giới – một vinh dự đặc biệt, vì vị trí này xưa nay chỉ thuộc về Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo danh sách lập ra bởi Đại học Jiao Tong Thượng Hải, gọi bằng danh sách SJTU – Shanghai Jiao Tong University – thì Đại học Do Thái của Izrael là trường duy nhất cùng với một trường nữa của Nhật Bản lọt vào hàng 100 đại học hàng đầu thế giới.
Hệ thống giáo dục phổ thông của Izrael gồm ba bậc: bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 6; bậc trung học thứ nhất từ lớp 7 đến lớp 9; bậc trung học thứ hai từ lớp 10 đến lớp 12.
Việc giáo dục bắt buộc (Việt Nam ta gọi bằng “phổ cập”) chỉ tới hết lớp 9. Bậc trung học thứ hai (từ lớp 10 đến lớp 12) là bậc chuẩn bị cho học sinh đủ điều kiện vào đại học. Năm học 2003, có 56,4 phần trăm học sinh lớp 12 đạt tiêu chuẩn vào đại học – tất cả các trường đại học khó tính nhất trên thế giới.
Các trường đại học của Izrael đều do nhà nước trợ cấp, sinh viên phải nộp một khoản tiền học rất nhỏ. Tìm mãi, hóa ra, cái quốc gia cường quốc về giáo dục đó cũng chỉ có 8 trường đại học, trong đó 1 trường là đại học mở. Nhưng số trường cao đẳng thì lại nhiều, lần tay trên danh sách, đếm được chừng ba chục – nghĩa là số trường cao đẳng gấp khoảng ba lần số trường đại học.
Yitzhak Rabin điều hành một chính quyền quốc gia giữa vòng vây cuồng tín sểnh một cái là ôm bom liều chết.
Ông là người hiền hòa, không chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế, mà nghĩ đến phát triển kinh tế bền vững: phát triển kinh tế từ những cái đầu bác học của toàn dân – chứng cứ là những trái cây ngon ngọt mọc lên từ vùng sa mạc sỏi đá.
Và cũng là ông Thủ tướng nhân hậu: ông là một tác giả tích cực tổ chức bàn thương lượng hòa bình với Palestine. Trong diễn văn nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1994, ông nói những điều giản dị và chân thành “Những nghĩa địa quân nhân nằm ở khắp các ngõ ngách trên khắp thế giới là lời chứng thầm lặng về sự thất bại của lãnh tụ các quốc gia trong việc trân trọng những kiếp sống thiêng liêng của con người”.
Hỡi Yitzhak Rabin, nếu hôm nay anh còn sống, nếu anh có mặt ở Mỹ Đình với chúng tôi, anh sẽ làm gì và nói gì?
Trong cơn mơ mòng, hình dung thấy Yitzhak Rabin trong dáng vẻ lù khù sẽ chầm chậm nói vo với mọi người như sau:
“Thưa bạn Ngô Bảo Châu. Xin bạn hãy tin vào lòng chân thành của tôi khi nói sự thật này: tôi không hiểu công việc của bạn, tôi càng không hiểu cái bổ đề bạn đã giải nó thực sự là cái gì. Tôi cũng hoàn toàn tin rằng ít nhất 90 phần trăm số người gần gũi với Toán học của nước nhà cũng không hiểu cái bổ đề cơ bản của bạn là gì. Nhưng tôi cũng như mọi người hoàn toàn biết rõ: bạn là một nhân tài. Tất cả mọi người đều biết rõ: bạn đã tạo ra một vinh quang mà trong nhiều năm nữa không phải ai ai cũng hiểu hết giá trị của nó. Hôm nay, nhân ngày vui khó diễn tả hết thành lời này, xin bạn hãy nhận những lời chúc mừng của triệu triệu con người ngoại đạo Toán học song bất kỳ ai cũng thấy rưng rưng xúc động trước thành công của một Ngô Bảo Châu. Xin cám ơn.”
Toàn văn bài nói của Yitzhak Rabin là 171 tiếng. Theo tiêu chuẩn ở trường thực nghiệm nơi Ngô Bảo Châu từng học, nếu là bài đọc, học sinh lớp 1 sẽ phải đọc từng ấy tiếng trong 2 phút. Nhưng nếu là nói vo thì thời giờ cần dùng sẽ tốn chừng hơn 1 phút. Năng lượng điện dùng vào việc phát đi từng ấy tiếng sẽ hạ xuống khá nhiều; và điều vô cùng quan trọng, ấy là mọi người sẽ lắng nghe Yitzhak Rabin với một tấm lòng biết ơn: ông ấy nói đúng tâm tình của mình.
Đúng là một ông “Thủ tướng Giáo dục” từng nhận Giải thưởng Izrael của một quốc gia có 8 trường đại học thôi, nhưng… như người ta nói, sư tử đẻ mỗi lứa ít hơn thỏ, nhưng là đẻ ra sư tử chứ không đẻ ra thỏ.
Hà Nội, ngày 1-9-2010
P. T.