Vài suy nghĩ về Đảng ta và trách nhiệm của một triều đại nhân Quốc khánh 2/9 và Đại hội toàn quốc lần thứ 11 sắp tới của Đảng CSVN

Kể từ khi ra đời đến nay, BVN chỉ tự nhận mình mang tư cách một tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức đối với các vấn đề quốc kế dân sinh cụ thể do Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi trên khắp ba miền đất nước. Mọi chủ trương đường lối cũng như việc thay đổi nhân sự của ĐCSVN không nằm trong mối quan tâm của chúng tôi. Tuy nhiên, bài viết này cốt điểm lại một số sự kiện đã diễn ra từ hơn 60 năm qua, dù tác giả cố gắng truy tìm nguyên nhân thành bại của chúng từ các chính sách của ĐCSVN trong từng giai đoạn lịch sử nhưng đối với đời sống dân tộc thì đấy vẫn là những sự kiện đã có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến nhiều triệu con người, vì thế nói đến Đảng mà chính là tác giả nói đến DÂN và NƯỚC. Đó là lý do để chúng tôi trân trọng đăng bài này lên trang mạng BVN, tất nhiên, bản quyền và trách nhiệm trước sau vẫn thuộc về tác giả.

Bauxite Việt Nam

Đảng kỳ của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đảng kỳ của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cho đến nay, không biết trên thế giới có chính đảng cầm quyền nào, ngoài tên gọi cụ thể, lại còn có thêm danh xưng nữa là “Đảng ta”?

Ở nước mình, nếu tôi nhớ không nhầm thì hai tiếng “đảng ta” có lẽ bắt đầu phổ biến khi hai từ này trở thành điệp khúc trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có đảng của Tố Hữu, nghĩa là vào năm 1960. Để biểu thị tấm lòng tận trung của mình với đảng cầm quyền, nhà thơ Tố Hữu lúc ấy vừa hoàn thành xong nhiệm vụ “vẻ vang” trấn áp “bọn” Nhân văn – Giai phẩm, đã có những câu chữ phải nói là độc nhất, vô nhị mà thơ ca cổ kim đông tây chưa từng có, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, thế này:

“Đảng ta đó trăm tay, nghìn mắt; Đảng ta đây xương sắt, da đồng”. Rồi lại “Đảng ta Mác – Lênin vĩ đại”. Và, lại tiếp “Đảng ta muôn triệu…”, “Đảng ta muôn vạn…”, vân vân và vân vân.

Thôi thì đã thành thói quen, thành câu cửa miệng rồi, nên người viết bài này cũng cứ theo cái khẩu khí ấy mà nêu một vài suy ngẫm về trách nhiệm của “Đảng ta” trước Tổ quốc, trước Nhân dân, trước lịch sử Dân tộc.

Từ ngày 2/9/1945, khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính thức bố cáo với thế giới, với nhân loại về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Nghĩa là gần trọn một kiếp người. Bản Tuyên ngôn ấy đánh dấu sự cáo chung của triều đại phong kiến đã đến hồi mục ruỗng thối nát và mở ra một triều đại khác: triều đại cộng sản kéo dài đến tận bây giờ, với nhiều đời Tổng Bí thư nối ngôi nhau trị vì đất nước.

Lẽ thường, không một triều đại nào, một nhân vật lịch sử nào thoát khỏi sự phán xét của đương đại và hậu thế. Triều đại cộng sản và những người ngồi trên “ngai vàng”, tức trên những cái ghế cao nhất của Đảng ta, cũng không là ngoại lệ.

Về sự chính danh trong việc cướp chính quyền vào mùa Thu, tháng 8/1945, trên trang blog của mình, trong bài “Nhân ngày Quốc khánh 2/9, bàn chuyện chính danh”, TS Phạm Duy Nghĩa đã nêu rõ: “Cách mạng tháng 8, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại nền độc lập – người ta vẫn nói như thế nhân ngày Quốc khánh. Trên thực tế, vào tháng 8 năm 1945, Pháp đã mất Đông Dương, hàng vạn quan, lính Pháp đang bị Nhật cầm tù hoặc lẩn trốn nhục nhã ê chề. Vào tháng ấy, Nhật cũng đã bại trận, quân tướng mất tinh thần ủ rũ chờ ngày nộp vũ khí cho quân Đồng minh (Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân quốc). Việt minh trên thực tế cũng tránh đánh Nhật… Như vậy, Cách mạng tháng 8, về bản chất là một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền trên danh nghĩa từ tay chế độ Bảo Đại – Trần Trọng Kim…”.

Thì ra, Đảng ta đã “cướp chính quyền”, đã khởi nguồn triều đại cộng sản của mình như thế. Tất nhiên, cái sự “chính danh” này sẽ còn được các nhà làm sử chân chính tiếp tục làm sáng tỏ.

Tiếp đến là cuộc cách mạng được coi là “kinh thiên, động địa” mang cái tên “cải cách ruộng đất”. Cuộc cách mạng thực hiện theo lệnh của đàn anh quốc tế quái đản này – đã hủy hoại thuần phong mỹ tục tự ngàn đời, đẩy nhiều vùng nông thôn nước ta vào những tháng ngày khốn nạn nhất, đen tối nhất, chưa từng có trong lịch sử các triều đại phong kiến, đế quốc trước đó – đã được người đứng đầu Đảng ta là Cụ Hồ nhận trách nhiệm và lau nước mắt nhận lỗi với quốc dân đồng bào. Tưởng cũng khỏi cần nhắc lại.

Tiếp đến nữa là cuộc trấn áp “bọn” Nhân văn – Giai phẩm, khiến nhiều tài năng ưu tú của đất nước, tiêu biểu cho một thế hệ những người cầm bút chân chính đã bị “rút phép thông công”. Thì cũng đã có hồi ký của những nạn nhân là người trong cuộc, những nghiên cứu, những bài viết về sự trấn áp phản nhân văn này và chắc chắn văn học sử nước nhà sẽ ngày càng được bổ sung tư liệu đầy đủ. Tưởng cũng không cần thiết phải nêu ra.

Lại tiếp đến nữa là cuộc cải tạo tư sản ở miền Bắc, rồi sau đó là “cải tạo tư bản, tư doanh” ở miền Nam. Mấy cái “cải tạo” này, không phải bây giờ mà ngay lúc ấy, người ta đã thấy là bất công và thất đức. Nay nhắc lại chỉ thêm đau lòng. Rồi lại tiếp đến nữa, tiếp đến nữa… vân vân và vân vân. Nếu cứ liệt kê ra, thì các sự kiện gắn trực tiếp với trách nhiệm của Đảng ta, của triều đại cộng sản của Đảng ta sẽ còn được nối dài, nối dài…

Tổ quốc và Dân tộc là vĩnh viễn, là muôn năm.

Trong lịch sử nước ta chưa có một triều đại nào tồn tại nổi đến con số 400 năm. Không có một triều đại nào là muôn năm cả! Lịch sử thế giới cũng vậy, chẳng có triều đại nào là “muôn năm”. Đến như triều đại của Đảng CS Liên xô, với hùng hậu tên lửa vượt đại châu, phản lực siêu tốc, trùng trùng xe pháo hạng siêu nặng…, cũng phải sụp đổ thảm hại khi đang ở cái tuổi 70. Đảng ta và triều đại cộng sản của Đảng ta cũng không thể nằm ngoài cái định mệnh nghiệt ngã ấy. Nên việc tung hô “muôn năm” chỉ là ước vọng, là khẩu hiệu, rớt lại từ kiểu “vạn tuế, thiên tuế” của các triều đại phong kiến. Và, còn một định mệnh vô cùng nghiệt ngã nữa là, một triều đại dù đã bị tiêu vong, bị vứt vào sọt rác lịch sử, nhưng hậu quả gắn liền với trách nhiệm mà triều đại đó, nhân vật lịch sử đó gây ra thì vẫn còn nguyên một khối nặng vô hình đè lên hậu thế, luôn luôn và mãi mãi nóng bỏng trong dân gian, trong sử sách, truyền đến muôn năm, muôn đời, muôn kiếp mai sau. Trên tinh thần đó, là một công dân, một người cầm bút, nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 và trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 11 này của Đảng ta, tôi xin nêu vài suy ngẫm về trách nhiệm của Đảng ta, của triều đại cộng sản, trước những vấn đề đã, đang và sẽ còn dằn vặt suy tư của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Một là, sau 30/4/1975 làn sóng người Việt Nam vượt biên ra nước ngoài đã kéo dài đến tận cuối thập niên 1980. Làn sóng này cộng với số đồng bào ta di tản khi cuộc chiến sắp kết thúc đã hình thành những cộng đồng người Việt ở hải ngoại (Mỹ, Anh, Canada…) lên tới mấy triệu người. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ và chưa khi nào con dân nước Việt phải bỏ nước ra đi đông đến như thế! Điều gì đã khiến họ chấp nhận ngàn trùng nguy hiểm, thà làm mồi cho cá, cho cướp biển giữa đại dương mênh mông, còn hơn là sống dưới chế độ cộng sản? Phải chăng là vì chính sách phân biệt hà khắc, với hàng loạt các trại cải tạo (tù không án) dành cho những người từng phục vụ trong bộ máy chính quyền cũ, cùng hàng loạt các vụ tịch thu, tịch biên, quản lý tài sản trong những chiến dịch “đánh đổ tư sản”? Phải chăng là họ cảm thấy sẽ không có tương lai tươi sáng gì dưới chính thể cộng sản? Đảng ta đã làm gì, làm như thế nào để đến nỗi họ phải tự dồn mình đến sự tuyệt vọng, phải tự triệt tiêu cả bản năng, sẵn sàng trực tiếp đối mặt với cái chết như vậy? Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận và Đảng ta cũng không thể phủi tay rũ trách nhiệm được.

Hai là, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Bắt đầu từ năm 1958 với Công hàm Phạm Văn Đồng, mặc dù với nhân dân ta công hàm đó chỉ là tờ giấy lộn, nhưng với Đảng ta thì trách nhiệm rất nặng nề, vì hậu quả là, Tổ quốc Việt Nam từ ngàn đời cha ông để lại đã mất trắng quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/01/1974. Máu của 58 liệt sỹ thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa đã đổ xuống một cách tức tưởi. Họ và 64 liệt sỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trên quần đảo Trường Sa năm 1988, chính là những anh hùng quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cho đến nay, đã 36 năm rồi, mảnh đất thiêng liêng Hoàng Sa vẫn bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Là con dân nước Việt, thử hỏi có ai không đau lòng? Suốt hơn ba thập niên qua, ai là con dân nước Việt luôn tri ân tổ tiên và biết tự trọng, đều phải thấy xấu hổ và có tội với tiền nhân, xấu hổ và có tội với hậu thế muôn đời con cháu.

Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta không chỉ đổ máu, mà còn biết bằng nhiều cách gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Chắc Đảng ta cũng phải thừa nhận rằng, dù phải chịu cả 1.000 năm “Bắc thuộc”, cha ông ta cũng quyết không chịu hèn nhát, khiếp nhược trước kẻ thù. Để mất Hoàng Sa là một sự thật nhục nhã mà những ai có lòng tự tôn dân tộc, không vô cảm với vận mệnh của đất nước, không vô cảm với sự kiện Hoàng Sa bị cưỡng chiếm, không vô cảm với đại nạn của các ngư phủ ở Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đều cảm nhận được. Cha ông ta rất uyển chuyển, nhưng không bao giờ chịu quỳ gối trước bá quyền. Lịch sử dân tộc sẽ ghi rõ, để mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, trách nhiệm thuộc triều đại cộng sản của Đảng ta.

Cuối 2008 đầu 2009, các phương tiện thông tin đại chúng loan tin đã hoàn thành việc ký kết phân định biên giới Việt – Trung. Các ông Vũ Khoan, Phó Thủ tướng và hai đại thần nữa của Đảng ta là Vũ Dũng, rồi Lê Công Phụng, là những người được giao trọng trách đàm phán với phía nước Tàu, thay nhau lên ti-vi, lên radio giải thích này nọ về chuyện đất của tổ tiên con cháu Lạc – Hồng có bị mất ở đâu đó không? Chẳng hạn như ở ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Đồng Đăng, Vị Xuyên, Cao Lộc, Tràng Định… Rất nhiều bậc trí giả, bậc lão thần của triều đại cộng sản đã lên tiếng bằng thư ngỏ gửi những người đứng đầu các cấp của Đảng ta, phân tích rõ những thụ động, yếm thế, thua thiệt trong việc ký kết đường biên với “các đồng chí Trung Quốc”. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Có một đường biên giới ổn định, lâu dài với các nước láng giềng, là mong muốn và nguyện vọng muôn đời của mọi quốc gia trên thế giới. Nước ta cũng vậy, rất cần, rất mong muốn có được một đường biên giới trên bộ, trên biển chuẩn xác, ổn định với Trung Quốc. Tuy nhiên, với “ông hàng xóm khổng lồ” quá nhiều tham vọng bành trướng này, những bài học lịch sử từ hàng ngàn năm qua luôn nhắc nhở chúng ta và muôn đời con cháu mai sau rằng, dù rất cần, rất mong muốn, nhưng cũng không thể tùy tiện, vội vàng, dễ dãi về chuyện đường “biên” với họ được.

Xin nêu một câu chuyện ẩn dụ: Anh A người mảnh khảnh, nhưng kiên cường, lại giàu lòng nhân nghĩa, nên làng xóm ai cũng thương. Anh B có chung bờ rào với người hàng xóm cao to như hộ pháp tên Xoài, thường ỷ mạnh để lấn bờ, lấn cõi. Thậm chí Xoài còn dùng độc chiêu cưỡng chiếm luôn cả cái bếp của nhà Mít. Anh Mít ức lắm, nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt để chờ thời cơ đòi lại. Năm tháng qua đi, thấy Mít không nhắc gì đến chuyện cái bếp bị mình cướp trắng, Xoài lại giở chiêu vừa ngon ngọt vừa đe nẹt, dọa dẫm, năm lần bảy lượt mời Mít ngồi lại để hợp thức luôn cả vị trí cái bờ rào. Nhưng lần nào cũng bị Mít từ chối thẳng thừng, rằng“bác lấy mất của tôi cái bếp. Cả làng đều biết cái bếp đó đích thực là của nhà tôi. Nay bác cứ trả lại tôi cái bếp trước đã, rồi tôi mới bàn chuyện cái bờ rào với bác được. Tôi đòi không được thì con tôi, cháu tôi, chút chít của tôi kiên quyết đòi…

Cũng như vậy, Hoàng Sa – mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta – đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Cả thế giới đều biết như vậy. Với những chứng cứ lịch sử và thực tiễn xác đáng, chắc chắn công luận cũng như công lý quốc tế sẽ đứng về phía lẽ phải để khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Tại sao Đảng ta lại không nói thẳng với ông hàng xóm Trung Quốc, rằng “đề nghị các đồng chí hãy trả lại Hoàng Sa cho Việt nam đã, rồi chúng ta mới có thể ngồi bàn về chuyện hoạch định đường biên giới…”?

Ngày xưa các sứ thần của ta trước khi đi đàm phán chuyện biên giới với “thiên triều”, đã được Đức Vua ta dằn mặt “nếu dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di…”. Chính vì cha, ông chúng ta nghiêm cẩn, có trách nhiệm rất cao với non sông, đất nước, với muôn đời con cháu mai sau như thế, nên chúng ta mới có được một đất nước Việt Nam hình chữ S như hôm nay. Cần nhấn mạnh rằng, về mặt quốc thể, từ xa xưa, suốt một thời gian dài đến cả ngàn năm trong tình cảnh Bắc thuộc, hầu như chỉ có giao thương rất ít với bên ngoài, nhưng chưa bao giờ cha ông chúng ta chịu hèn nhát, quỳ gối trước thiên triều. Bản tuyên cáo với trời đất, với thiên hạ “Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư…”, còn vang vọng mãi đến muôn đời. Ngày nay, với hơn 80 triệu dân, lại là thành viên của Liên hiệp quốc, của WTO, trong khi việc Hoàng Sa bị cướp trắng còn sờ sờ ra đấy, lại ký tiếp các văn bản phân định biên giới, thì xin hỏi có phải là sự khiếp nhược và sự vội vàng đáng sợ không? Và, như vậy lợi ích lâu dài của Dân tộc, của Tổ quốc hay lợi ích thiển cận của Đảng ta là trên hết? Câu trả lời thuộc trách nhiệm của Đảng ta.

Ba là, việc Đảng ta cho phía Trung Quốc được khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Giới trí thức đã có hẳn một bản kiến nghị yêu cầu dừng lại ngay cái dự án nguy hiểm này. Cùng với ý kiến của Cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một bậc đại công thần của triều đại cộng sản, là rất nhiều ý kiến, rất nhiều bài viết phản biện phân tích rõ lợi, hại. Tất cả đều xác quyết rằng, dự án khai thác bauxite sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đến tài nguyên nhiều mặt của đất nước và sẽ để lại di họa đặc biệt nghiêm trọng cũng về nhiều mặt cho các thế hệ mai sau. Để quy rõ trách nhiệm của Đảng ta, lịch sử đất nước tất nhiên sẽ phải ghi thật rõ: Vì đại sự quốc gia, cái ý tưởng khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã phải “chết” từ những năm đầu của thập niên 1980. Và, Tây Nguyên hùng vĩ, với không gian văn hóa cồng chiêng rất đáng tự hào, đã đưa nước ta trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu cà phê của thế giới. Nhưng cái từ bauxite lại bắt đầu “sống” lại vào ngày 03/12/2001 với chữ ký của ông Nông Đức Mạnh – TBT Đảng CSVN – trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, nhân chuyến ông Nông Đức Mạnh thăm Bắc Kinh. Tiếp đến là sự nhất trí cao, quyết tâm lớn của Bộ Chính trị, của lãnh đạo Đảng CS Việt Nam, thể hiện qua phát biểu của các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Công thương… Thế đấy! Cứ thử nhắm mắt lại mà hình dung, mới thấy trách nhiệm của Đảng ta trong cái vụ “bauxite” này là lớn đến biết chừng nào.

Bốn là, rất nhiều nhà trí thức, nhà quân sự, giới văn nghệ sỹ… có tâm huyết với vận mệnh và tương lai sống còn của đất nước, đã đồng lòng lên tiếng phản đối việc một diện tích đất rừng biên giới rất lớn (khoảng 1% diện tích lãnh thổ) đã cho nước ngoài, chủ yếu là người TQ thuê dài hạn 50 năm. Theo tâm linh, nếu cõi âm là có thật thì cha, ông ta từ thưở xa xưa: Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… linh thiêng, chắc chắn sẽ cùng nhất loạt đội mồ đứng dậy, chỉ tay và thét vào mặt lũ hậu sinh thời nay rằng: “Mắt chúng mày mù cả rồi sao, bài học muôn đời còn nhỡn tiền đó. Đúng là một lũ hậu sinh vừa ngu dốt, vừa lưu manh, khốn nạn”. Còn hồn ma đám Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đã thấm đòn ô nhục, cũng phải ngán ngẩm lắc đầu, nhăn mặt nhìn lũ hậu bối thế kỷ XXI đã giẫm vào đúng cái vết chân dơ thối, rửa muôn đời không thể sạch của mình.

Xin được lưu ý, với “chiêu” thuê đất này, Bò Tèn – một tỉnh ở biên giới Lào giáp Trung Quốc – đã sầm uất với những trường học, nhà trẻ, cửa hàng, khu kinh doanh… mà chủ nhân toàn là người Hoa. Nếu mấy chục năm sau, dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cũng vô phúc có mấy cái “Bò Tèn” như thế, thì Đảng ta nghĩ gì về trách nhiệm của người cầm quyền?

Trước khi từ biệt thế giới này, Cụ Hồ đã di chúc rằng: “… Đảng ta là Đảng cầm quyền… phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Thực hiện di chúc của Cụ Hồ, Đảng ta đã rầm rộ tổ chức nhiều phong trào, từ “Rước đuốc Bác Hồ” đến “Thi kể chuyện về Bác Hồ”, rồi “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Kết quả, Đảng ta trong sạch thế nào, xứng đáng ra sao, thì đã có giời đất chứng giám và hơn 80 triệu con dân nước Việt cũng đều đã biết rõ cả rồi. Hơn nửa thế kỷ qua, là người cầm quyền, Đảng ta đã lập ra triều đại cộng sản theo mô hình Liên Xô, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin, thứ chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và nay đã bị thế giới văn minh loại bỏ. Thậm chí người ta còn dựng cả tượng đài để tưởng niệm 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Khác với đại hội cũng mang số thứ tự 11, là đại hội cuối cùng, chấm dứt mấy chục năm “ngự trên ngai vàng” cai trị của các đồng chí cộng sản Ba Lan anh em, không biết sau thành công rực rỡ của Đại hội 11 này (mà chắc chắn là phải thành công rực rỡ rồi), dưới ánh sáng chói lòa của chủ nghĩa Mác – Lê nin, Đảng ta sẽ còn tiếp tục đưa đất nước đi đến đâu nữa. Nhưng, dù có đến thiên đường cộng sản, nơi mùa xuân của nhân loại, thì mọi việc lớn, nhỏ liên quan đến quốc kế dân sinh, đến vận mệnh và sự tồn vong của đất nước, rõ ràng Đảng ta và triều đại cộng sản của Đảng ta đều phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân và muôn đời con, cháu.

N. C.

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.