Không thể có quyền lực chính đáng nếu dân không tin

Ai cũng biết tin cậy là nền tảng của xã hội. Không có tin cậy thì không còn bất cứ giao tiếp nào giữa người với người, và do đó cũng không còn xã hội.

Không có tin cậy giữa vợ với chồng, cha với con, thì gia đình tan nát. Không có tin cậy giữa thầy với trò thì giáo dục vô hiệu. Không có tin cậy ở đồng tiền thì kinh tế khủng hoảng. Không có tin cậy ở đất nước, người dân vượt biên. Ai cũng biết vậy, nhưng phải đợi đến Locke (1632-1704) tin cậy mới đi vào lý thuyết chính trị để cắt nghĩa nguồn gốc của quyền lực.

Do đâu quyền lực được xem như chính đáng? Locke trả lời: từ sự tin cậy của người dân. Sự tin cậy đó cắt nghĩa tại sao con người từ bỏ tình trạng hoang dã ban sơ để lập nên một uy quyền chính trị mà ngày nay ta gọi là Nhà nước. Trong tình trạng ban sơ, chỉ có cá nhân với cá nhân, tổ chức đoàn thể duy nhất là gia đình. Giữa cá nhân và cá nhân, ai cũng tự do, muốn làm gì thì làm, ai cũng bình đẳng, ai cũng tự lo bảo vệ sinh mạng, tài sản, ai cũng tự mình giải quyết xung đột, ai cũng dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Thế nhưng trên đầu vẫn có một thứ luật, luật tự nhiên, mà con người tự biết chẳng cần ai dạy, vì đã là người thì ai cũng có lý trí bẩm sinh.

Lý trí dạy: xâm phạm tính mạng của người khác thì người khác xâm phạm tính mạng của mình. Xâm phạm tài sản của người khác thì của cải của mình cũng bị xâm phạm lại. Vậy thì, đừng ai xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do, tài sản của ai. Luật đó là luật tự nhiên, luật sinh tồn hỗ tương, có qua có lại. Vấn đề là: nếu luật đó bị vi phạm thì sao? Kẻ yếu làm sao tự xử? Yếu làm sao xử được mạnh? Mà kẻ mạnh nào lại không có đứa mạnh hơn ở trên đầu? Chính vì vậy, vì thiếu một tổ chức để phân xử, mà con người chấm dứt tình trạng ban sơ để bước qua tình trạng xã hội có tổ chức. Bước qua như vậy không phải để sống, mà để sống tốt hơn.

Với thời đại gần đây, lý do đó lại càng rõ hơn nữa. Đồng tiền xuất hiện, kinh tế trao đổi bước qua kinh tế tiền tệ, xã hội phải được tổ chức chặt chẽ. Với đồng tiền, con người có khuynh hướng để dành, tích lũy. Từ đó, bất bình đẳng tăng lên, tăng mãi, đến mức con người không thể ngủ yên nếu tài sản không được một tổ chức bảo vệ: tổ chức ấy là tổ chức chính trị, là Nhà nước.

Vậy thì, con người thành lập tổ chức chính trị để tránh nguy hiểm của bất an ninh, để tự do, để tài sản được bảo vệ. Muốn vậy, mỗi người phải từ bỏ quyền tự mình hành xử luật tự nhiên và trao quyền đó cho một tổ chức độc lập, đứng trên mọi cá nhân: đó là cái hợp đồng xã hội cơ sở. Quyền lực của tổ chức chính trị bắt nguồn nơi sự từ bỏ đó của mọi người. Nhưng, khác với các nhà tư tưởng khác, Locke không xem sự từ khước đó là vô giới hạn. Bởi vậy, quyền lực của tổ chức chính trị chỉ rộng đến mức cần thiết, vừa đủ để đạt mục tiêu của xã hội, tức là hạnh phúc của con người và an ninh của tài sản. Tổ chức chính trị đó thu hẹp tự do và tài sản mà con người có trong tình trạng ban sơ, nhưng không triệt tiêu. Đó là điểm mấu chốt trong Locke.

Có thế con người mới tự nguyện, thỏa thuận, bước vào xã hội chính trị, chấp nhận uy quyền của Nhà nước. Không có sự thỏa thuận đó, uy quyền chính trị sẽ không chính đáng. Ông vua ngày xưa nhận quyền uy từ thiên mệnh. Nhà nước ngày nay nhận tính chính đáng từ sự thỏa thuận của dân. Dân thỏa thuận vì dân tin cậy. Người cầm quyền nhận một nhiệm vụ mà dân giao phó để thực hiện một mục tiêu mà hai bên thỏa thuận trong sự tin cậy lẫn nhau. Tin cậy là gốc của quyền lực.

Nếu anh làm tôi mất lòng tin thì tôi rút lui sự tin cậy

Trên mặt lý thuyết, cái nhìn của Locke là cái nhìn đầy lạc quan. Khác với các tư tưởng gia khác, ông nghĩ: tình trạng ban sơ không phải là hoàn toàn rừng rú, con người không phải là chó sói với nhau. Từ đầu, con người đã biết sống hợp quần, chỉ vì một lý do tự nhiên: bản tính của con người là tin ở lời nói, tin nhiều hơn là nghi. Nếu từ đầu, từ căn bản, không ai tin gì ở lời nói của ai cả, thì làm sao đồng ý được với nhau về cái hợp đồng xã hội? Huống hồ đây là một hợp đồng chuyển nhượng quyền và tự do của mình cho một quyền lực mà mình chưa hề biết gì về cách tổ chức, hoạt động. Bước nhảy từ tình trạng hoang sơ đến tình trạng xã hội là một bước nhảy đầy bất trắc. Không tin nhau, không tin ở cái cơ cấu xã hội sẽ tổ chức, ai dám nhảy? Ai dám nhảy với nhau và với cái quyền lực chưa hề biết mặt mũi kia?

Bởi vậy, con người trong cái hợp đồng xã hội của Locke là con người tự tín, tự chủ, biết trách nhiệm. Tôi biết trách nhiệm về việc giữ lời nói của tôi, cho nên tôi cũng tin rằng anh biết trách nhiệm về lời nói của anh. Ý thức về trách nhiệm hỗ tương đó tạo ra mối liên hệ sâu xa giữa người với người: kẻ nào bội hứa, nuốt lời, kẻ ấy đi ra khỏi cái hợp đồng đạo đức đã tạo ra khuôn phép cho đời sống xã hội. Tôi cho anh bạc thật, anh không thể trả lại cho tôi bạc giả.

Trong cái hợp đồng ký kết giữa anh với tôi, giữa chúng ta với tất cả, giữa tất cả với quyền lực, mỗi người đều là những con người trưởng thành, tự lập, có lý trí, biết trách nhiệm. Con người trong tình trạng thiên nhiên đã thế, con người trong xã hội hiện đại ngày nay lại càng như thế. Không thể có xã hội nếu không có những cá nhân biết trách nhiệm. Không thể có một quyền lực chính đáng nếu quyền lực đó vô trách nhiệm.

Giữa những con người biết trách nhiệm như vậy, sự tin cậy đối với hợp đồng chính trị dựa trên lý trí, không phải dựa trên lòng tin mù quáng, và khác với lòng tin tôn giáo mà câu chuyện Abraham trong thánh kinh là biểu trưng. Thánh kinh kể nguyên văn: “Thượng đế gọi: “Abraham!” Abraham trả lời: “Con đây!” Thượng đế bảo: “Dẫn đứa con duy nhất của ngươi, đứa con mà ngươi yêu thương, Isaac, dẫn đến ngọn núi mà Ta sẽ chỉ, thiêu nó trên dàn lửa”. Sáng sớm, Abraham thức dậy, bửa củi, chất củi trên lưng lừa, dẫn Isaac đến nơi hẹn.

Qua ngày thứ ba, Abraham ngước mắt, thấy núi từ xa. Abraham lấy củi chất trên lưng Isaac, tay cầm lửa và dao, cùng đi lên núi. Isaac nói: “Đây là lửa, đây là củi, còn đâu là con cừu để giết?” Abraham trả lời: “Này con, Thượng đế sẽ lo việc mang cừu đến”. Và cả hai tiếp tục đi. Đến nơi, Abraham dựng một bàn tế, chất củi. Ông trói Isaac, đặt trên đống củi. Rồi Abraham đưa tay lấy con dao để cứa cổ đứa con trai duy nhất mà ông yêu thương. Nhưng sứ giả của Thượng đế gọi ông từ trên trời, bảo ngừng tay lại. “Abraham! Ngươi đã biết sợ Thượng đế, biết không từ chối Thượng đế đứa con của ngươi, đứa con duy nhất”. Abraham ngừng tay, thấy trong bụi cây cặp sừng của một con cừu bị vướng, bèn bắt con cừu cho vào dàn lửa.”

Đó là chuyện kể trong kinh thánh Cựu ước. Kinh Coran của Hồi giáo cũng kể một chuyện tương tự, chỉ khác cái tên của đứa con, không phải Isaac mà Ismael. Abraham nói với con: “Này con, cha vừa nằm thấy trong mộng cha đang thiêu con trên dàn lửa, con nghĩ sao?” Đứa con trả lời: “Ồ, thưa cha, cha hãy làm điều gì mà Thượng đế bảo làm, nếu Thượng đế muốn”.

Triết gia Kierkegaard giải thích hành động của Abraham bằng cách đặt lòng tin lên trên đạo đức khi có mâu thuẫn giữa hai ép buộc. Mâu thuẫn đó không thể giải quyết được bằng dung hợp, bắt buộc phải giải quyết bằng cách lựa chọn giữa một trong hai. Con người lắm khi bị đặt vào những hoàn cảnh bi đát như thế, và chỉ còn có cách chọn lựa mà thôi, không phải chọn lựa giữa tốt và xấu, thiện và ác, mà chọn lựa giữa chọn lựa và không chọn lựa, nghĩa là quyết định hay không, và quyết định là dấn thân. Đối với Abraham, bổn phận trước Thượng đế là bổn phận tuyệt đối, bổn phận đó buộc ông phải dấn thân theo Thượng đế, không cần suy nghĩ, nghĩa là không cần suy nghĩ đến đạo đức của người thường.

Thượng đế rất bằng lòng về thái độ của Abraham. Thượng đế muốn thử lòng tin của ông và biết ông có lòng tin tuyệt đối. Nếu đây chỉ là lòng tin tôn giáo, ta kính cẩn cúi đầu. Vấn đề là không ít quyền lực muốn đưa lòng tin tôn giáo đó vào mối tương quan với người dân: dân là tín đồ, mình là Thượng đế, mệnh lệnh là tuyệt đối. Bảo đi là đi, bảo chết là chết: không thiếu gì thơ văn ca tụng những lòng tin chính trị như vậy. Kể nguyên văn một đoạn trong thánh kinh là cốt để so sánh với thơ văn sùng tín đưa lòng tin chính trị vào cõi tuyệt đối của lòng tin tôn giáo. Tin cậy trong Locke không phải như vậy. Đó là tin cậy giữa những con người mở mắt, ngang nhau, không trên không dưới, sáng suốt, có lý trí, những con người tin có điều kiện. Điều kiện là: nếu anh làm tôi mất lòng tin thì tôi rút lui sự tin cậy.

Trong tương quan giữa người dân và quyền lực, Locke nói: nếu quyền lực không làm đúng nhiệm vụ được giao phó, dân sẽ xem như đang ở trong tình trạng chiến tranh, nghĩa là sẽ chống lại để lấy lại tự do nguyên thủy. Quả quyết đó của Locke mở ra một chân trời mới trong học thuyết chính trị đương thời: trước cả Cách mạng 1789, Locke đã chủ trương nguồn gốc của quyền lực nằm nơi dân. Dân trao quyền, không phải là trao hẳn, mà là trao có điều kiện. Điều kiện đó là phải giữ lòng tin, trust. Trong thời đại dân chủ ngày nay, ta nói: đó là lòng tin đặt vào những người biết trách nhiệm. Cơ sở của quyền hành là trách nhiệm. Không biết trách nhiệm thì quyền lực chỉ là bạo lực.

Chính vì đánh hơi thấy trước bước đi của thời đại như vậy mà Locke là ông tổ của những nước dân chủ đầu tiên trên thế giới. Nước Anh trước, nước Mỹ sau, họ khám phá ra điều mới lạ: họ cai trị dân tốt hơn khi dân được hưởng tự do. Tự do chính trị, không những không đưa đến hỗn loạn phương hại cho quyền hành của họ, mà còn làm tăng sức mạnh của quyền hành, làm quyền lực vững hơn, cường tráng hơn. Với sức mạnh đó, họ chế ngự thế giới, lạ thật, các nước tự do chế ngự thế giới thiếu tự do! Từ thế kỷ 17, 18, tư tưởng đi trước, sức mạnh đi theo, lịch sử đã dẫn tự do định cư trên khắp toàn cầu, từ tự do dân tộc đến tự do cá nhân, từ tự do trong đầu óc đến tự do trong hiến pháp. Ở đâu có cản trở tự do, ở đấy lòng tin càng mất. Không ai chối từ nguyên tắc tự do dân chủ được, kể cả Vạn Lý Trường Thành.

Nói như vậy không có nghĩa là lấy chế độ chính trị của các nước Âu Mỹ làm chuẩn. Họ có cái hay mà cũng có cái dở, có ưu có khuyết. Khuyết điểm của họ, ngày nay họ thấy rõ như nhìn vào lòng bàn tay: đó là cá nhân chủ nghĩa thái quá. Cá nhân chỉ nghĩ đến mình, thì ý thức tập thể, đời sống cộng đồng, đời sống xã hội, đời sống chính trị, chế độ dân chủ, tất cả đều bị tổn thương và chính tự do cũng mất. Con người dân chủ là con người tự mình phán đoán, quyết định, điều đó hay, nhưng nếu ai cũng khăng khăng bảo vệ lợi ích cá nhân, không biết dung hòa quyền lợi, thì chính họ đã đánh mất đi cái bí quyết thành công của chế độ dân chủ là tinh thần mực thước, phải chăng.

Các chế độ Âu Mỹ còn vấp thêm nhiều vấn nạn nữa không dễ trả lời. Cá nhân là tối thượng, nhưng cá nhân tôi, cá nhân anh, cá nhân của tất cả mọi người, có ai hiểu biết được hết tất cả mọi vấn đề để phán đoán về tất cả mọi việc? Làm sao tôi biết được cái cầu kia cần bao nhiêu tấn thép để xe anh chạy qua khỏi sập?

Trong mọi chuyện, tôi phải cậy đến anh chuyên viên, rốt cục con người dân chủ trong tôi phán đoán với cái đầu của anh chuyên viên, tôi lệ thuộc ý kiến của anh chuyên viên, nhất là anh chuyên viên chính trị nói rất giỏi. Anh chuyên viên là chủ, đâu phải tôi? Tôi còn lệ thuộc cả trăm ngàn vạn thứ trong phán đoán của tôi. Ở trường, tôi chỉ mới lệ thuộc thông tin của ông giáo. Bây giờ, bấm một cái nút, trăm ngàn vạn thông tin ào đến cùng một lúc, tôi biết phán đoán theo cái gì đây?

Ngay các ông khoa học gia cũng nghi ngờ cả cái chuyên môn của mình vì khoa học, kỹ thuật ngày nay tiến nhanh quá, vậy thì tôi dám tin ở ai? Rốt cục, cái phao mà tôi phải bám vào để phán đoán chỉ còn là lý trí của chính tôi. Con người dân chủ ngày nay không còn biết tin cậy ai nữa ngoài lý trí. Phê phán có lý trí là thứ phê phán của một con người trưởng thành, con người mà chế độ dân chủ cần đến. Nhưng bao nhiêu lực lượng đang tấn công vào lý trí của tôi: nào tuyên truyền, nào biểu ngữ, nào quảng cáo, nào nói láo, nào mỵ dân. Ai cũng muốn chiếm miếng đất mầu mỡ nơi lòng tin cậy của tôi cả, tôi tin cậy ai?

Các chế độ dân chủ Âu Mỹ ngày nay đang nhức đầu với câu hỏi đó. Ai cũng nói: sự tin cậy nằm nơi cội rễ của cây dân chủ. Rồi ai cũng chỉ cái cây dân chủ mà nói: nó đang héo. Nó héo vì tin cậy bị lung lay: dư luận không tin nữa ở bầu cử, không tin nữa ở các cơ quan đại diện, không tin nữa ở sự trong sạch của chính trị. Chế độ dân chủ đang tự nghi ngờ mình, ngay trên xứ sở đã sinh ra nó. Chưa lúc nào lý thuyết của Locke trở thành thời sự như vậy ở Âu châu. Trên báo chí, trên truyền thông, trên các diễn đàn trí thức, khắp nơi, đâu cũng đặt câu hỏi: làm thế nào để vực dậy lòng tin cậy nơi con người dân chủ?

Nhưng có phải chính chế độ dân chủ làm mất lòng tin không? Chắc chắn không. Chế độ dân chủ, nhất là ngày nay,  phải giải quyết một mâu thuẫn nội tại: làm sao hòa giải giữa tự do của người dân, càng ngày càng khó tính vì độc lập hơn, tự chủ hơn, đòi hỏi hơn, với nhu cầu của chính quyền phải hành động, phải quyết định, nghĩa là phải chọn lựa những giải pháp ít mất lòng tin nhất trong những điều kiện kinh tế, xã hội càng ngày càng khó khăn? Làm thế nào? Dẹp bớt dân chủ chăng? Đâu có, phải tăng cường dân chủ! Dân chủ đại diện bị mất lòng tin? Thì phát triển thêm dân chủ tham dự. Thì tìm mọi cách để người dân tham gia nhiều hơn nữa vào việc công. Thì mở rộng thêm xã hội công dân.

Dân chủ là chính thể luôn luôn đi tới, luôn luôn tiến bộ, luôn luôn năng động. Động cơ của dân chủ chính là cái tính không bao giờ thỏa mãn của người dân, nó thúc đẩy chế độ phải bước đi nữa, nhanh hơn, xa hơn. Hoài nghi, bất trắc, cảm tưởng đi hoài không đến, là cái giá phải trả để chế độ chuyển động và để người dân tự do. Bởi vậy, “khủng hoảng” là cơn đau cứ tái diễn hoài trong chế độ dân chủ, nhưng phải có thất bại để được thành công. “Không có thất bại nào lớn hơn thành công” là vậy.

°°°

Mùng 2 tháng 9 và tiếng chào đời của Dân chủ

Tôi mở đầu với Locke vì hôm nay là ngày 2 tháng 9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn độc lập tại quãng trường Ba Đình. Câu đầu trong Tuyên Ngôn của Việt Nam là câu đầu trong Tuyên Ngôn độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu đó lấy ý của Locke vì các người khai sinh ra nước Mỹ là học trò cưng của Locke.

Câu đó, đặt trên đầu của văn bản pháp lý khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng đưa nước Việt Nam bước vào triết thuyết tự do của thế giới tiến bộ. Bắt đầu như thế với tự do của con người mà triết thuyết ấy vinh danh, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới “suy rộng” ra: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại của giải phóng dân tộc. Cứ y theo Tuyên Ngôn, giải phóng dân tộc không tách rời với giải phóng con người. Mà giải phóng con người, đứng về mặt tư tưởng chính trị, bắt đầu rõ ràng nhất từ Locke. Vô hình, nhà tư tưởng ấy hiện diện trong khí thế nô nức của hàng chục vạn con người, hàng chục vạn trái tim Việt Nam, say sưa trong tự do, độc lập.

Lịch sử ngày 2 tháng 9 còn ghi thêm một cử chỉ xuất thần, xứng đáng được xem như nguồn gốc của chế độ dân chủ vừa được khai sinh. Một cử chỉ đượm tinh hoa của tư tưởng tiến bộ. Đang đọc Tuyên Ngôn, Chủ tịch ngừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi có rõ không?” Cả chục vạn trái tim nồng nàn đáp lại: “Có!”. Tiếng “Có!” đó là tiếng chào đời của dân chủ. Tiếng ấy lồng lộng đi vào thơ Tố Hữu:

Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi:

“Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”

Ôi! Câu hỏi hơn một lời kêu gọi

Rất đơn sơ  mà ấm bao lòng!

Cả muôn triệu một lời đáp: “Có!”

Như Trường Sơn say gió Biển Đông.

Có lãnh tụ nào dân chủ đến mức ấy không? Đến mức hòa mình với nhân dân làm một. Đến mức không quên rằng mình chỉ là đại biểu của dân trong lúc dân đang say sưa uống từng lời của lãnh tụ. Bản Tuyên Ngôn, thật vậy, không phải chỉ tuyên bố độc lập; Tuyên Ngôn còn tuyên bố nguồn gốc của Nhà nước mới, quyền lực mới. Nguồn gốc đó là đâu? Là dân! “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân Chủ Cộng Hòa.”

Là dân! Không ai khác ngoài dân đã dựng lên Nhà nước, đã dựng lên chế độ. Không ai khác ngoài hàng chục vạn con người giữa quãng trường Ba Đình, nhân lên thành hàng triệu triệu người trong cả nước. Nhà nước là họ, chế độ là họ, quyền lực là họ, nguồn gốc là họ. Họ nói qua miệng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố…”

Giữa biển người hừng hực tôn vinh lãnh tụ, lãnh tụ không quên rằng mình chỉ là đại biểu của dân. Cho nên cái giây phút Chủ tịch ngừng lại là giây phút thiêng liêng nhất trong lịch sử nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa: giây phút để nhân dân cất lên tiếng nói của mình, tiếng “Có!” khẳng khái quang vinh trao quyền chính trị cho lãnh tụ, viết lên trời đất một hợp đồng chính trị, từ giã xã hội nô lệ bước qua xã hội độc lập, tự do. Bốn phương tám hướng phải nghe vang lên một tiếng “Có!” tưng bừng như vậy để chứng minh tính chính đáng của chính quyền vừa thành lập: chính đáng, vì đặt trên sự tin cậytoàn vẹn của người dân.

Sự tin cậy đó có phải là lòng tin thần thánh? Lòng tin sùng bái? Lòng tin tôn giáo? Lòng tin của Abraham? Tin để có thể giết con? Đâu phải! Tiếng “Có!” đó là tiếng của chủ thể, lần đầu tiên trong lịch sử cất đầu lên để khẳng định mình là chủ thể, không phải vua mà cũng chẳng phải trời. Tiếng “Có!” đó biến tên nô lệ thành ông chủ, biến thần dân thành công dân, và công dân thì không phải là tín đồ chính trị. Bài thơ của Tố Hữu là bài thơ ca tụng lãnh tụ, nhưng ông đã kết luận rất hay:

Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta

Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó

Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Buổi sáng mồng 2 tháng 9 không phải chỉ có một mình lãnh tụ. Có Bác và có Ta. Có Bác nhìn Ta và có Ta nhìn Bác. “Ta” viết hoa vì “ta” trong thơ là Nước, Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hiện thành người, chục vạn người, trên quảng trường Ba Đình. Ôi, thiêng liêng làm sao cái giây phút nhìn nhau! Mắt này và mắt kia thấy gì nơi nhau? Tin cậy toàn vẹn.

Cái gì cũng biến chuyển, đó là luật tự nhiên. Dân chủ ở phương Tây cũng biến chuyển, và họ thành tâm công nhận họ đang gặp khủng hoảng lòng tin. Họ công nhận để sửa đổi. Để phục hồi lại lòng tin đã mất. Kỷ niệm ngày 2/9 vinh quang, chúng ta nghĩ gì?

C. H. T.

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-08-30-khong-the-co-mot-quyen-luc-chinh-dang-neu-quyen-luc-do-vo-trach-nhiem

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.