Vài nhận định về biển Đông

Bản đồ khu vực Biên Đông. Courtesy Wikipedia

Bản đồ khu vực Biên Đông. Courtesy Wikipedia

Kể từ ngày Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ về biển Đông, nhiều người đã bàn đến một sự hợp tác mới giữa Mỹ – Việt để cân bằng với áp lực từ Trung Quốc, đồng thời có đôi chút hy vọng khi nhà cầm quyền Hà Nội tỏ thái độ bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh hải.

Người viết chia sẻ mong mỏi này, nhưng đồng thời xin trình bày quan điểm khác biệt với nhiều ý kiến trên báo chí và các đài truyền thanh trong những ngày gần đây.

***

Nếu tiền đề để Hoa Kỳ trở lại Biển Đông chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi của họ thì liệu người Mỹ có thể xem nhà cầm quyền Hà Nội như một đồng minh đáng tin cẩn hay không? Câu trả lời rất đơn giản là không. Ngay cả nếu đã bỏ qua bài học chua cay trong thời gian chiến tranh, đến giờ này chính dân chúng trong nước cũng không tin lãnh đạo sẽ chịu hy sinh quyền lợi cá nhân và đảng phái để thực tâm bảo vệ đất nước, thì làm sao nước bạn có thể trông cậy được?

Nhưng cho dù liên hệ không được gắn bó như với Nhật Bản, Nam Hàn thì liệu Hoa Kỳ có thể hợp tác với Việt Nam chỉ trên nhu cầu chiến lược hay không? Chắc chắn là được. Cũng giống như Mỹ hiện đang trợ giúp các nhà lãnh đạo độc tài và tham nhũng Karzai tại Afghanistan hay Zakari của Pakistan, cho đến lúc không còn phù hợp cho quyền lợi của họ nữa thì sẽ bị bỏ rơi. Lúc đó lãnh đạo còn có thể xoay chiều, chỉ có dân tộc mới phải chịu đựng sự chèn ép của ngoại bang.

Nền an ninh của Hoa Kỳ tại Đông Á dựa trên ba vòng đai chiến lược:

  1. Thứ nhất gồm các nước dân chủ và hùng mạnh Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan (và có thể Singapore) vốn được bảo vệ bởi cây dù nguyên tử của Mỹ khi tối cần.
  2. Vòng đai thứ nhì là các quốc gia không cộng sản như Phi Luật Tân – Indonesia – Malaysia – Thái Lan, không chia sẻ văn hoá, không giáp giới và cũng không chiụ áp lực trực tiếp từ Trung Quốc.
    (Người viết nghĩ trong tương lai không xa sẽ có phong trào Hồi giáo chống Trung Quốc – giống như chống Mỹ hiện tại – bắt đầu tại nước đông tín đồ nhất thế giới là Indonesia).
  3. Ngoài cùng cũng là khu vực tranh chấp gồm Việt Nam – Campuchia – Lào –  Miến Điện, tức những nhà cầm quyền lệ thuộc vào Bắc Kinh nên không thể là đồng minh tín cẩn.

Hà Nội vì bất cứ lý do nào đó – như bị áp lực bởi lòng yêu nước trong quần chúng, hay do chia rẽ bởi một số thành phần phản tỉnh trong nội bộ – mở cánh cửa đón rước thì Hoa Kỳ sẽ bước vào. Trong mọi trường hợp, hiềm khích vì quyền lợi giữa hai nước Việt-Hoa đều mang lợi cho Mỹ!

***

Nhiều người hỏi liệu sự hiện diện của tàu chiến Hoa Kỳ có đủ để ngăn chận Trung Quốc đánh úp vào các hòn đảo Trường Sa hay không? Câu trả lời là không – dựa trên bài học khi Nga tấn công Georgia năm 2008, Âu-Mỹ chỉ phản đối suông chớ không hề có một động thái quân sự nào đáng kể.

Hoa Kỳ không thể có chính sách riêng lẻ tại Biển Đông mà phải cân nhắc với những tương quan còn lại trên toàn thế giới: kinh tế yếu; thất nghiệp cao; chiến sự tại Afghanistan chưa ngã ngũ; tình hình Iraq phải trông chừng cẩn thận; Bắc Hàn và Iran là những thùng thuốc súng có thể nổ bất ngờ. Mỹ không có điều kiện mở một mặt trận mới tại Biển Đông.

Nhưng nếu chỉ vì vài chiếc tàu chiến chạy qua lại mà khiến Bắc Kinh tức giận tấn công vào các đảo thì Hoa Kỳ rất có lợi: Phi Luật Tân – Indonesia – Singapore phải ngả theo Mỹ. Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan cũng không còn chọn lựa vì e Trung Quốc bắt chẹn con đường hàng hải yết hầu. Nói cách khác, Hoa Kỳ không cần vận động vẫn củng cố được thế lực tại hai vòng đai số một và hai!

Nếu Bắc Kinh ngạo mạn đem quân dạy cho Việt Nam một bài học thì không còn gì tốt hơn: lòng yêu nước của người Việt sẽ khiến Trung Quốc sa lầy như Liên Xô đã lún sâu tại Afghanistan vào thập niên 1980. Sự phẫn nộ của dân chúng có thể làm lung lay đảng cầm quyền.

Tóm lại, Biển Đông là khu vực duy nhất mà hiện thời Hoa Kỳ có lợi thế trên chiến tranh không cân xứng (asymmetric warfare). Mỹ chỉ cần tốn nhiên liệu thăm viếng thường xuyên là đủ tạo uy tín, trong lúc Trung Quốc càng bỏ hàng ngàn tỷ xây căn cứ, tàu ngầm, mẫu hạm, hỏa tiển thì càng thêm mất chính nghĩa và bị cô lập.

***

Người viết nghĩ Hoa Kỳ không thể xem Việt Nam là đồng minh, chính vì Hà Nội có quá nhiều dấu hiệu không đáng tin.

Con người không thể sống hai mặt, như nhà nước không thể hai mang. Không một người cai trị yêu nước nào mà lại bỏ tù nhà báo và các blogger, bắt giam những người lên tiếng bảo vệ lãnh hải.

Chúng ta có thể hiểu những quả bóng mà Mỹ đã bỏ ra thăm dò mức độ lệ thuộc của Hà Nội vào Bắc Kinh. Chẳng hạn như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về hợp tác nguyên tử; Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối gay gắt, và ngày hôm sau Hà Nội đã chối bỏ điều này.

Khi phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Robert Sher thăm Việt Nam ngày 17 tháng 8 thì Hà Nội cử Nguyễn Chí Vịnh – một nhân vật tai tiếng của Tổng cục 2 với thành tích thân Bắc Kinh – đón tiếp. Sau đó Nguyễn Chí Vịnh lập tức sang Hoa Lục ca ngợi sự hùng mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc như một yếu tố tạo ổn định trong khu vực (!). Toà Đại sứ Mỹ không thể không đánh giá rằng áp lực từ Trung Quốc hiện đang có phần thắng.

Tuy vậy người viết nghĩ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục những động thái như thăm viếng và hợp tác giới hạn về quốc phòng. Trong vòng đai tranh chấp nơi ba nước Việt – Miên – Lào, Mỹ cần chứng tỏ sự hiện diện và mong đẩy lùi áp lực của Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh hồ đồ dùng sức mạnh quân sự như đã nói phần trên.

Một nhận xét của dân chúng trong nước cần được lưu ý, là nhóm cai trị Hà Nội hiện chỉ tham quyền và tiền – các phe phái ngả theo Mỹ hay Tàu cũng vì quyền lợi mà thôi, có thân Bắc Kinh đi chăng nữa thì tài sản vẫn chuyển sang Âu-Mỹ chớ không dại gì trao cho Trung Quốc. Người Mỹ sẽ lưu ý việc này khi yêu cầu một số điều kiện… rủi lỡ sau này lên voi xuống ngựa còn có tiền của che thân

***

Trở lại việc hợp tác nguyên tử, người viết nghĩ Hoa Kỳ không thể nào trao cho Việt Nam các kỹ thuật khả dĩ áp dụng vào quốc phòng với hai lý do:

  1. Dù tranh chấp nhưng Mỹ-Hoa vẫn phải tôn trọng an ninh cốt lõi lẫn nhau. Trung Quốc không thể nào chấp nhận được thách thức này, giống như phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng năm 1962 khi Liên Xô mang vũ khí nguyên tử vào Cuba.
  2. Uy tín của Mỹ sẽ sút giảm rất nhiều vì không một nước Đông Nam Á nào có thể đồng ý cho Hà Nội có khả năng vượt trội về hạch nhân.

Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao Việt Nam không sai khi phát biểu rằng thu thập những kỹ thuật nguyên tử không có lợi cho Việt Nam, Hoa Kỳ, Trung Quốc và toàn vùng Đông Nam Á.

Vì thế người viết nghĩ tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ là một quả bóng thăm dò xem Hà Nội xoa dịu sự bực tức của Bắc Kinh nhanh chậm ra sao – và kết quả đã rõ như đã nói phần trên.

***

Mới đây Hoa Kỳ không gởi đại diện thương mại nào đến dự cuộc họp tại Đà Nẵng khai mạc hôm 26 tháng 08 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Sự kiện này trùng hợp với việc Bắc Kinh ngỏ ý muốn dùng đồng Nhân dân tệ làm đơn vị trao đổi mậu dịch với các quốc gia Đông Nam Á.

Đây có thể là một khiếm khuyết trầm trọng của chính quyền Obama – thật khó được giải thích trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa tuyên bố Đông Nam Á là khu vực trọng yếu trong chính sách của Mỹ. Giả thuyết Mỹ muốn tỏ thái độ không hài lòng trước việc Nguyễn Chí Vịnh ca ngợi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng không đứng vững, vì đây là cuộc hội đàm với các nước Đông Nam Á chớ không riêng Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Hoa Kỳ cần gia tăng mậu dịch để phục hồi kinh tế.

Nhưng mặt khác lại nâng cao mối lo ngại của các nước trong vùng nếu Hoa Kỳ vắng mặt khi Trung Quốc đang nổ lực ràng buộc về kinh tế, chính trị, quân sự lên toàn khu vực.

Chúng ta phải đợi đến cuộc Hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN vào cuối tháng 9 mới có thể lượng định rõ hơn.

***

Lời cuối, nhà cầm quyền muốn bắt đầu tạo tin tưởng phải trả tự do cho những người yêu nước, bị bắt giam cầm chỉ vì nói Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

Lãnh đạo chân chính phải lấy dân làm gốc rồi mới tìm sự hợp tác với nước ngoài, chớ lâu dài không thể chia hai ba phe nhóm thân Tàu thân Mỹ rồi dùng các thủ thuật ngoại giao thật giả không ai tin để mỵ dân hay phục vụ quyền lợi bè phái.

Đ. H. Q.

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa. Bookmark the permalink.