Nguyễn Tiến – Quang Phạm
Bài 1: Tôn giáo dưới sự kiểm soát của nhà nước và tự do tôn giáo ở Việt Nam
Bài 2: Các Chiến Lược Chính Kiểm Soát Tôn Giáo của Việt Nam
(VNTB) – Sau năm 1975, chính phủ Việt Nam đã đàn áp đạo Cao Đài bằng các hình thức như bỏ tù, tra tấn, và thậm chí xử tử.
CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO BỊ ĐẶT DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC
2. CHI PHÁI CAO ĐÀI 1997
Phần này đề cập đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam vào đạo Cao Đài thông qua chi phái Cao Đài do nhà nước thành lập vào năm 1997 (Chi phái 1997).
Kể từ khi thành lập Chi phái 1997, chính phủ Việt Nam đã theo đuổi chiến lược thay thế đối với đạo Cao Đài. Chiến lược này bao gồm việc tiếp quản tên gọi và bản sắc của Giáo hội đạo Cao Đài, bổ nhiệm lãnh đạo, đặt tầm nhắm vào các lãnh đạo tôn giáo độc lập chống lại sự kiểm soát của chính phủ thông qua việc “rút phép thông công” và bạo lực thể xác, cung cấp các đặc quyền cho những người đồng ý tham gia Chi phái 1997 và chuyển giao tài sản của Giáo hội đạo Cao Đài độc lập cho Chi phái 1997.
Bối cảnh
Ước tính số lượng tín đồ Cao Đài của cả chi phái 1997 và Giáo hội đạo Cao Đài chân truyền 1926 vào khoảng từ 1,2 triệu (1,2% dân số) theo một số nguồn, đến 4 triệu theo các lãnh đạo của Giáo hội đạo Cao Đài 1926 bị cấm. Họ tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía tây nam của Việt Nam, bao gồm Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Cao Đài là một tôn giáo tổng hợp được thành lập vào năm 1926 tại tỉnh Tây Ninh, chính thức được biết đến với tên gọi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tòa Thánh của đạo Cao Đài, đặt tại tỉnh Tây Ninh, có các thánh thất hay nơi thờ phượng và các văn phòng trực thuộc trên khắp miền Nam Việt Nam và ở một số quốc gia khác như Campuchia, Pháp, Canada, Úc và Hoa Kỳ. Giáo hội đạo Cao Đài có cơ cấu tổ chức kép, với một hệ thống chức sắc tôn giáo và một mạng lưới các ban trị sự từ dưới lên. Để đối phó với sự đàn áp của chính quyền thực dân Pháp, Giáo hội đạo Cao Đài đã quy định rằng trong trường hợp hệ thống chức sắc tôn giáo bị phá hủy, các ban trị sự địa phương phải hành động để tái thiết. Quy tắc tôn giáo này đã giúp đạo Cao Đài độc lập tồn tại ngay cả sau khi chính phủ thành lập Chi phái năm 1997.
Sau năm 1975, chính phủ Việt Nam đã đàn áp đạo Cao Đài bằng các hình thức như bỏ tù, tra tấn, và thậm chí xử tử. Năm 1978, chính quyền giải thể toàn bộ cơ cấu hành chính của Giáo hội đạo Cao Đài như một hành động đầu tiên trong quá trình kéo dài nhiều năm nhằm loại bỏ nó.
Vào ngày 4 tháng 6 năm 1980, chính quyền đã ban hành Quyết định số 124, tịch thu toàn bộ đất đai của Tòa Thánh Tây Ninh, tổng cộng hơn 2.355 ha, cùng với hầu hết các tài sản tôn giáo của Giáo hội, bao gồm bệnh viện, trường đại học, thư viện và trường (trung và tiểu) học. Các tài sản tôn giáo duy nhất không bị tịch thu là Tòa Thánh Tây Ninh và 9 công trình khác trong khu vực lân cận, được đặt dưới sự quản lý của nhà nước và có khả năng, ít nhất là trên nguyên tắc, sẽ được trả lại cho chủ sở hữu trong tương lai. Một tài liệu mật được phát hiện vào năm 2014 tiết lộ chiến lược của ĐCSVN nhằm “phong toả đạo Cao Đài và giới hạn nó trong địa phương Tây Ninh cho đến khi nó tự diệt vong”.
Sau khi Giáo hội đạo Cao Đài của họ bị thay thế bởi một cơ quan quản lý lâm thời do chính phủ bổ nhiệm vào đầu của thập niên 1980, các tín đồ Cao Đài tiếp tục thực hành tôn giáo của họ một cách riêng tư tại nhà. Năm 1997, ĐCSVN đã ra lệnh cho chính phủ thành lập một tổ chức tôn giáo do nhà nước giám sát để kiểm soát và quản lý các tín đồ Cao Đài. Đối với cộng đồng quốc tế, chính phủ Việt Nam khẳng định rằng Chi phái Cao Đài 1997 là Giáo hội đạo Cao Đài chân truyền và tuyên bố rằng họ hoàn toàn được hưởng tự do tôn giáo. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) mô tả cuộc đấu tranh giữa Giáo hội đạo Cao Đài độc lập và Chi phái 1997 như một “cuộc xung đột” giữa hai nhóm tín đồ Cao Đài khác nhau.
Ngày 16 tháng 11 năm 2005, Chi phái 1997 chiếm giữ thánh thất Cao Đài tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, tín đồ Cao Đài độc lập (chân truyền 1926) phải cầu nguyện bên lề đường.
Kiểm soát và bổ nhiệm lãnh đạo
Ngày 9 tháng 5 năm 1997, chính phủ đã phê duyệt hiến chương của Chi phái Cao Đài 1997 thông qua Quyết định số 10/QĐ/TGCP và công nhận tổ chức này có tư cách pháp nhân. Trong việc bổ nhiệm các cá nhân vào vị trí lãnh đạo của Chi phái 1997, ĐCSVN chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) “đảm bảo sự lãnh đạo nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản. Xây dựng lực lượng nòng cốt và các yếu tố tích cực để đáp ứng nhu cầu của Đảng về việc thành lập một hạ tầng căn bản trong ngắn hạn và dài hạn”.
Mặc dù Đạo Cao Đài chân truyền quy định các chức sắc phải từ chức trước khi đảm nhiệm các vị trí trong chính phủ, các lãnh đạo được bổ nhiệm của Chi phái 1997 thường đồng thời tham gia chính phủ và hoạt động chính trị trong suốt sự nghiệp của họ. Hội đồng Chưởng quản đầu tiên của Chi phái 1997 bao gồm ít nhất ba quan chức cấp cao của MTTQVN tỉnh Tây Ninh, cũng chính cơ quan này đã ra phán quyết xóa bỏ tôn giáo Cao Đài vào năm 1978. Chủ tịch Hội đồng Chưởng quản hiện tại, ông Nguyễn Thành Tám, là thành viên Ủy ban Trung ương MTTQVN từ năm 2004 đến 2024. Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội (1997-2002).
Để chọn lựa các lãnh đạo của Chi phái 1997, ĐCSVN đã đảm bảo rằng điều lệ chính thức của chi phái này là loại bỏ một giáo lý căn bản của tôn giáo Cao Đài, đó là cầu cơ. Theo giáo lý chân truyền, các tín đồ dựa vào các buổi cầu cơ, hay còn gọi là giao tiếp trực tiếp với Đấng Chí Tôn và các đấng thiêng liêng khác, để bổ nhiệm và thăng chức cho các chức sắc. Thay vào đó, Chi phái 1997 lựa chọn các chức sắc của mình thông qua hình thức rút thăm bằng những quả banh với các màu sắc biểu hiệu cho ba tôn giáo nền tảng của đạo Cao Đài: Thánh, Tiên, và Phật.
Kể từ năm 2019, các tín đồ Cao Đài độc lập đã bầu ra các ban trị sự và đăng ký tín đồ. Đến cuối năm 2023, có ít nhất 318 ban trị sự cùng với 1.114 vị điều hành từ cấp làng đến cấp tỉnh với tổng số khoảng 21.000 tín đồ đã đăng ký. Tuy nhiên, Chi phái 1997 còn ngăn cản những tín đồ Cao Đài độc lập thực hiện nghĩa vụ tôn giáo của họ là bầu chọn chức sắc thông qua các buổi lễ thiên phong phải được tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Do hạn chế này, các báo cáo từ cộng đồng cho thấy số lượng chức sắc của Cao Đài độc lập đã giảm xuống dưới 30 người, tất cả đều ở độ tuổi 70 hoặc 80, so với khoảng 3.275 người vào năm 1974. Vào năm 2008 và 2015, các nhóm tín đồ Cao Đài độc lập đã tụ tập tại Tòa Thánh Tây Ninh của họ để cầu nguyện cho sự phục hoạt của Giáo hội đạo Cao Đài hoặc cố gắng thực hiện các buổi lễ thiên phong. Lực lượng bảo vệ của Chi phái 1997 và Công an đã sử dụng bạo lực để ngăn chặn họ.
Ngoài ra, Bộ CA đã áp đặt lệnh cấm xuất cảnh đối với nhiều lãnh đạo tín đồ Cao Đài đã tham gia các diễn đàn quốc tế để vận động tái lập Giáo hội của họ, đòi lại các chùa của họ và yêu cầu quyền tự do thực hành niềm tin của tất cả tín đồ Cao Đài. Những người này bao gồm các tín hữu sau đây: Trần Ngọc Sương, Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Ngọc Diện, Trần Thanh Tuyết, Nguyễn Anh Phụng, Lê Văn Một, Trần Quốc Tiến, Lương Thị Nở, Nguyễn Hồng Phương, và nhiều người khác. Trong khi đó, các lãnh đạo của Chi phái 1997 được tự do ra nước ngoài, gồm cả việc gặp gỡ các quan chức chính phủ Hoa Kỳ.
Can thiệp vào việc thờ phượng tại nhà và “khai trừ khỏi đạo”
Vì không có quyền tiếp cận các địa điểm tôn giáo của mình, tín đồ Cao Đài độc lập chủ yếu thực hành tôn giáo tại nhà riêng. Các thành viên của Chi phái 1997 đã đột nhập vào nhà của các tín đồ Cao Đài độc lập, phá hoại bàn thờ của họ, phá hủy bàn ghế đồ đạc và bạo hành những người tham dự. Nhiều nạn nhân đã nộp đơn tố cáo với Công an nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Các thành viên của Chi phái 1997 cũng cản trở các tang lễ và việc chôn cất người quá cố, hoặc báng bổ mộ phần của các tín đồ Cao Đài độc lập đã qua đời, thường nhằm để ép buộc gia đình họ phải theo Chi phái 1997. Vào tháng 11 năm 2022, một số công dân Hoa Kỳ đã tổ chức lễ tưởng niệm ở tỉnh Tiền Giang cho người cha đã qua đời của họ, một tín đồ Cao Đài độc lập. Công an địa phương đã ra lệnh cho gia đình họ thực hiện nghi thức với Chi phái 1997, trái với mong muốn của người quá cố là tuân theo nghi thức của đạo Cao Đài chân truyền. Cuối cùng, gia đình đã nhượng bộ và cho phép các chức sắc của Chi phái 1997 chủ trì lễ tưởng niệm.
Chi phái 1997 đã “khai trừ” nhiều tín đồ Cao Đài độc lập vì sự quyết tâm của họ trong việc giữ gìn tính độc lập và nỗ lực tái lập Giáo hội đạo Cao Đài độc lập. Những lãnh đạo tín đồ Cao Đài bị khai trừ gồm có, trong số nhiều người khác, là Lâm Hứa Phi (bị khai trừ ngày 5 tháng 6 năm 2014), Nguyễn Văn Thiết (ngày 25 tháng 7 năm 2015), Trần Ngọc Sương (ngày 7 tháng 4 năm 2020), và Trần Văn Đức (ngày 3 tháng 11 năm 2023).
Đàn áp xuyên quốc gia
Chi phái Cao Đài 1997 đã ra sức xâm nhập và kiểm soát tín đồ Cao Đài trong cộng đồng người Việt hải ngoại, bao gồm ở Canada, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc và Đài Loan.
Năm 2011, Chi phái 1997 thành lập Cơ quan Truyền giáo Cao Đài Hải ngoại, có trụ sở tại Quận Cam, California. Bộ Chính trị ĐCSVN thừa nhận họ thành lập tổ chức này để thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, nghị quyết này yêu cầu chính phủ tiếp cận cộng đồng người Việt hải ngoại để phổ biến tuyên truyền của Đảng, tạo dư luận ủng hộ và tìm thêm sự ủng hộ cho ĐCSVN.
Năm 2014, tổ chức do nhà nước kiểm soát này đã đăng ký tên chính thức của tôn giáo Cao Đài như một nhãn hiệu riêng của họ. Năm 2018, các Thánh thất Cao Đài Tây Ninh độc lập ở Texas, Hoa Kỳ đã đệ đơn lên Ủy ban Đăng ký Nhãn hiệu và Phúc thẩm, dẫn đến việc hủy bỏ nhãn hiệu đã được đăng ký của Chi phái 1997.
Có sự cáo buộc là Chi phái 1997 thông qua các đặc vụ của họ ở Hoa Kỳ đã gây áp lực lên các lãnh đạo và người ủng hộ Thánh thất Cao Đài Tây Ninh Texas để họ rút đơn kiện, sử dụng biện pháp bôi nhọ, đe dọa và uy hiếp. Thánh thất này và hai nạn nhân sau đó đã đệ đơn kiện dân sự Chi phái 1997, lãnh đạo của nó và một đặc vụ của họ ở Hoa Kỳ.
Ngày 16 tháng 8 năm 2023, Tòa án Quận Dallas, Texas đã đưa ra phán quyết mặc định, xác định rằng Chi phái 1997 và người đứng đầu, ông Nguyễn Thành Tám, đã tham gia vào các hoạt động “ảnh hưởng đến thương mại liên bang hoặc quốc tế” và điều hành tổ chức này thông qua một mô hình hoạt động có tính chất băng đảng, vi phạm Đạo luật Chống Tội phạm có Tổ chức của Hoa Kỳ (RICO). Tòa án đã ra lệnh các bị cáo phải bồi thường thiệt hại và chi phí luật sư cho các nguyên đơn.
Vấn đề tài sản
Ngay sau khi Chi phái 1997 được thành lập, chính phủ đã chuyển giao các cơ sở của đạo Cao Đài trước đây thuộc quyền quản lý của nhà nước, cho Chi phái 1997, bao gồm cả Tòa Thánh Tây Ninh và các tài sản khác, mà cho đến thời điểm đó, về nguyên tắc, vẫn thuộc sở hữu của Giáo hội đạo Cao Đài. Các thành viên của Chi phái 1997 sau đó, thường sử dụng bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực và với sự hỗ trợ của Công an địa phương, đã chiếm đoạt khoảng 300 thánh thất và tài sản khác từ các tín đồ Cao Đài. Theo các báo cáo từ các nhóm Cao Đài độc lập, tất cả các thánh thất của họ, trừ khoảng 15 ngôi, hiện dưới quyền sở hữu của Chi phái 1997.
Chi phái 1997 duy trì một đội bảo vệ để canh giữ Tòa Thánh Tây Ninh không cho phép các tín đồ Cao Đài độc lập tiếp cận, trừ khi họ chính thức chuyển sang Chi phái 1997. Những nỗ lực của các tín đồ Cao Đài độc lập nhằm tụ họp tại Tòa Thánh của họ đã bị cản trở bởi hành vi đàn áp, thường có sự hỗ trợ của Công an.
Ngày 17 tháng 3 năm 2008, khoảng 120 tín đồ Cao Đài đã tụ tập trước Cây Bồ Đề thiêng liêng tại Tòa Thánh Tây Ninh để cầu nguyện cho Giáo hội đạo Cao Đài bị cấm. Nhân viên an ninh của Chi phái 1997 nhanh chóng giải tán đám đông. Trong những ngày tiếp theo, báo Tây Ninh do ĐCSVN điều hành đã đăng ba bài viết liên tiếp lên án những tín đồ Cao Đài này là bất hợp pháp và thiếu tôn trọng Đấng Chí Tôn.
Ngày 27 tháng 5 năm 2015, khoảng 200 tín đồ Cao Đài tụ tập tại Tòa Thánh Tây Ninh để bầu lãnh đạo cho Giáo hội đạo Cao Đài độc lập. Đội bảo vệ của Chi phái 1997, phối hợp với Công an địa phương, đã tấn công và giải tán cuộc tụ tập. Khoảng mười thành viên của đội bảo vệ Chi phái 1997 đã hành hung và bắt giữ ông Trần Văn Hạp, một lãnh đạo Cao Đài chân truyền địa phương.
(*) Dịch theo Tài liệu của UỶ HỘI TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ HOA KỲ – USCIRF – State-Controlled Religion and Religious Freedom in Vietnam
(Còn tiếp)
N.T. – Q.P.
Nguồn: Việt Nam Thời báo