BBC tiếng Việt

Nguồn hình ảnh,GettyImages/BBC
Một hành động rất kịp thời của TBT Tô Lâm
Ngày sau khi TT Trump áp thuế hàng VN 46%, TBT Tô Lâm, với vai trò nguyên thủ QG thực chất, đã chủ động điện đàm với TT Trump, đồng ý đưa mức thuế hàng của Mỹ về 0% và đề nghị Mỹ cũng đánh thuế 0% với hàng VN. Đồng thời TBT Tô Lâm đã trân trọng mời TT Trump cùng vợ qua thăm VN. TT Trump đã vui vẻ nhận lời đồng thời tán thành việc sớm xúc tiến kí kết một thoả thuận song phương với VN trên nguyên tắc về thuế và thương mại mà hai bên chấp nhận được.
Ngay sau điện đàm TT Trump viết trên trang mạng của mình cùng hình của TBT Tô Lâm:
“Tôi vừa có cuộc gọi rất hiệu quả với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ông ấy nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống mức KHÔNG nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. Tôi đã thay mặt nước Mỹ cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần.” (Donald Trump post trên Truth Social 04/04/25 11:01 AM giờ Mỹ.)
Lưu Trọng Văn
|
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng Bí thư ĐCSVN Tô Lâm đã nhất trí vào thứ Sáu (4/4) để thảo luận về một thỏa thuận xóa bỏ thuế quan, sau cuộc điện đàm mà ông Trump nói là “rất hiệu quả”, khi Hà Nội đẩy mạnh chiến dịch né thuế 46%.
Vài ngày trước thông báo của Trump về thuế quan đối ứng có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam, Hà Nội đã cắt giảm một số loại thuế như một phần của một loạt các nhượng bộ đối với Hoa Kỳ, bao gồm cả cam kết mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ như máy bay và các sản phẩm nông nghiệp.
Trên mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Donald Trump viết hôm 4/4:
“Tôi vừa có cuộc gọi rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm Thuế quan xuống mức KHÔNG nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước cảm ơn ông và nói rằng tôi mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần.”
Ông Tô Lâm, trong khi đó, nói trong cuộc điện đàm rằng ông sẵn sàng giảm thuế hàng Mỹ về 0%, và “đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam,” theo bộ Ngoại giao Việt Nam.
Hình ảnh được giới truyền thông Việt Nam đưa ra cho thấy ông Tô Lâm cầm chiếc điện thoại được không ít người cho là iPhone, một sản phẩm của hãng Apple, Mỹ, nói chuyện qua phiên dịch với ông Trump trong không khí khá vui vẻ.
Trong cuộc đàm thoại, ông Tô Lâm và ông Trump “khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.”
“Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương,” vẫn theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.
Ông Tô Lâm “khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ,” Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay sau cuộc điện đàm.
Ông Tô Lâm cũng cho biết “sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu,” và hứa sẽ “khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam”.
Sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0%
Đang có hai số liệu không khớp nhau về xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ.
Dữ liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ Cục Hải quan cho hay năm 2024 Việt Nam xuất khẩu 119,5 tỷ USD vào Mỹ, trong khi nhập khẩu nhập khẩu từ thị trường này 15,1 tỷ USD.
Con số thống kê từ phía Mỹ thậm chí còn cao hơn: Mỹ mua 136,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong khi chỉ bán hơn 13 tỷ USD theo chiều ngược lại.
Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ, nếu tính theo số liệu của Việt Nam thì chỉ 104,4 tỷ USD, tương đương 87,4%, trong khi tính theo dữ liệu của Mỹ thì lên tới 123,5 tỷ USD, tức 90,4%.
Mức thuế 46% của ông Trump là dựa trên con số 90,4% này khi ông “giảm giá” một nửa.
Nếu theo công thức của Việt Nam, mức thuế sẽ thấp hơn một ít: 44% (làm tròn).
Thuế đối ứng mà ông Trump công bố có thể được hiểu là một loại thuế bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí và khoản thu khác mà Mỹ hiện đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Không phải tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đều bị đánh thuế đối ứng, tuy nhiên mức 46% mà ông Trump áp lên hàng Việt sẽ gây một tác động rất lớn.
Chính vì thế, giới chức Việt Nam đang nỗ lực để trì hoãn thời gian áp dụng cũng như tìm cách thương thuyết giảm thuế.
Điều này cũng phù hợp với tuyên bố của ông Trump rằng ông vẫn để ngỏ việc đàm phán mức thuế quan mà ông vừa công bố.
Đáng chú ý, trong cuộc điện đàm, ông Tô Lâm mời Tổng thống Donald Trump và Phu nhân sớm thăm lại Việt Nam.
Sau cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam tường thuật rằng ông Trump “vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng Bí thư Tô Lâm”.
Điều này cũng trùng hợp với những gì mà ông Donald Trump viết trên mạng xã hội, rằng ông “mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần”.
Có thể hiểu rằng hai bên sẽ có một cuộc gặp ở Việt Nam, thời gian vẫn chưa xác định.
Ông Donald Trump đã từng hai lần đến Việt Nam trên cương vị tổng thống Mỹ.
Lần thứ nhất là vào tháng 11/2017 khi ông thăm chính thức Việt Nam và tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Lần thứ hai là tháng 2/2019 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Trong khi đó, ông Tô Lâm cũng đã có chuyến công du đến Mỹ hồi tháng 9/2024 trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, và có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Joe Biden.
Đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng

Nguồn hình ảnh,GettyImages/BBC
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ thăm Mỹ từ 6-14/4 để đàm phán lại mức thuế 46% mà chính quyền tổng thống Donald Trump vừa giáng lên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Cũng trong hôm 4/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định thiện chí đàm phán “để sớm tìm được tiếng nói chung”, đồng thời đề nghị phía Mỹ “cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế”.
Đề nghị này được ông Phớc đưa ra trong cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề thuế quan với Mỹ.
Cũng tại cuộc họp, ông Phớc khẳng định Việt Nam ngoài tăng nhập khẩu hàng Mỹ, sẽ đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số…
Trong tình hình hiện nay, ông Phớc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ “giữ nguyên giá” để chờ kết quả đàm phán, trong khi “chủ động triển khai các giải pháp phù hợp và hiệu quả để “giữ thị trường” Mỹ”.
Ông Phớc sẽ lên đường đến Mỹ vào ngày 6/4, và một trong những nội dung quan trọng là đàm phán với Mỹ về mức thuế mới.
Trong khi đó, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã đàm phán ký kết.
Hiện Việt Nam là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất, nhờ đó xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với gần 800 tỉ USD trong các năm qua, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương nói rằng các doanh nghiệp “đủ năng lực” thì nên tận dụng ưu đãi tại thị trường Mỹ và EU – nơi đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và có nhu cầu lớn.
Bộ này cũng cho biết đã và đang đẩy mạnh và mở rộng đàm phán FTA với các nước, xem có thể mở cửa những mặt hàng gì nhằm giúp doanh nghiệp hưởng lợi.
Ông Linh cho biết đang thúc đẩy đàm phán ký kết với các nước Mỹ Latin, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, cụ thể là các nước thuộc vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập…
Mức thuế 46% được cho là một đòn mạnh giáng vào tham vọng tăng trưởng 8% trở lên của Việt Nam.
Một mặt, chính quyền Việt Nam đang cam kết sẽ mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng Mỹ, mặt khác giới doanh nghiệp tìm cách thêm “chất Mỹ” cho hàng Việt.
Trên tờ Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ – cho biết với các mặt hàng có thể chứng minh có nguồn gốc nguyên liệu hoặc các yếu tố khác từ Mỹ (US content) trên 20% thì mức thuế 46% chỉ áp dụng với phần giá trị không xuất xứ từ Mỹ (non-US).
Do đó, ông Hưng cho rằng các doanh nghiệp có thể cân nhắc mua nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Mỹ nếu phù hợp để giảm thiểu mức thuế phải chịu.
Trong khi đó, ông Trần Việt Tiến của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM thì cho rằng “mua công ty tại Mỹ và cải tạo là cách nhanh nhất bước vào thị trường Mỹ”, theo báo Tuổi Trẻ.
Nguồn: bbc.com/