Dạ Thảo Phương
Hoan hô Nhà văn Trần Thanh Cảnh! |
Vừa qua, tại Diễn đàn Đại hội nhà văn Khu vực phía Bắc, nhà văn Trần Thanh Cảnh đã lớn tiếng TRỰC TIẾP chất vấn, phê phán cách lãnh đạo hội xử lý vụ Lương Ngọc An cưỡng bức tôi.
Ông tuyên bố: “Cách xử lý vụ Lương Ngọc An – Dạ Thảo Phương không đúng đắn, thỏa đáng! Cá nhân tôi, là hội viên HNVVN và tư cách đàn ông, cảm thấy “xấu hổ và nhục mặt”!”.
Ông cho biết: “Bên lề đại hội, nhiều người bày tỏ sự đồng tình với tôi [tuy không có ai lên phát biểu!]. Nhưng các cán bộ văn phòng hội lại không đồng ý với kết luận của tôi rằng, vụ LNA – DTP, họ đang xử lý theo hướng sai lầm “đem xăng chữa cháy”! Họ cho rằng bên bị tố cũng có quyền… Tôi không tranh luận lại: tôi tôn trọng “quyền” của họ! Và tôi sẽ không nhắc lại thêm một lần nào nữa về vụ việc này. Bởi cảm thấy nó quá bẩn thỉu khi đề cập đến.
Nhưng, nếu từ giờ đến khi đại hội toàn thể, BCH không xử lý thỏa đáng mọi việc, tôi sẽ tiếp tục đưa ra phê phán công khai trên diễn đàn đại hội lần thứ XI”.
Sự lên tiếng công khai về vấn đề này của nhà văn Trần Thanh Cảnh là một thay đổi to lớn xảy ra từ chính BÊN TRONG Hội Nhà văn Việt Nam sau 1/4 thế kỷ kể từ khi tôi bị Lương Ngọc An đánh đập, cưỡng bức, vu cáo ngay tại báo Văn nghệ, cơ quan của Hội!!!
Nó cho thấy một sự chuyển mình trong nhận thức về vấn nạn xâm hại tình dục, cũng như dũng khí của một cá nhân trước lãnh đạo của một tổ chức nghề nghiệp độc quyền.
1/4 thế kỷ trước, sau lần đầu cưỡng bức tôi ở ngoài cơ quan, Lương Ngọc An đã chọn chính phòng tiếp cộng tác viên của Văn nghệ Trẻ – báo Văn nghệ làm nơi tiếp tục khống chế, đánh đập, cưỡng bức tôi. Vừa hết sức chống trả lại hắn, tôi vừa nói: “Anh không dừng lại, tôi sẽ kêu cứu, sẽ báo cáo với cơ quan!”. Không những chẳng hề sợ hãi, hắn còn trâng tráo nói: “Để anh kêu hộ em cho to hơn nhé, cứu tôi với, cứu tôi với, làng nước ôi, cơ quan ôi, tôi đang bị hiếp này!”.
Cho đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên từng lời hắn nói khi đó, ánh mắt lim dim giễu cợt, cái cười nhếch môi trơ tráo kéo căng cặp môi mỏng dính để lộ hàm răng thưa nhọn hoắt.
Cô gái trẻ sách vở là tôi khi đó đã có niềm tin tự nhiên rằng, tôi là nạn nhân, cơ quan đương nhiên sẽ bảo vệ tôi, sẽ trừng phạt hành động đốn mạt của hắn. Nhưng, giây phút đó, niềm tin đó đã bị đánh trọng thương bởi tôi biết sự trơ tráo của hắn không phải không có cơ sở vững chắc từ “văn hoá sống” của môi trường văn chương khi đó. Tôi đã chỉ còn biết chống lại hắn bằng sức lực của chính mình mà thôi. Hoàn toàn đơn độc, tuyệt vọng.
Sống “giữa lòng” hội nhà văn khi đó, tôi không phải là hoàn toàn không hiểu gì về cái “bể phốt văn hoá” của môi trường này. Những gì xảy ra trong thực tế ở báo Văn nghệ 1/4 thế kỷ trước – suốt những năm tháng tôi đã đấu tranh đòi trả đúng tên cho Sự Thật nhưng chỉ chuốc lấy những đòn trù dập, vu khống, cô lập – đều đã chứng minh cho nỗi lo sợ của tôi, sự đắc thắng trong lời nói của Lương Ngọc An khi cưỡng bức tôi.
Thiết nghĩ, tôi không cần phải mô tả nhiều về nó nữa. Chẳng phải, họ đang tự mình bày nó ra rất rõ hay sao. Người – bằng những phát biểu chính thức dưới khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ, có micro khuếch đại giọng nói bổng trầm và được trang trí bằng hoa, rất nhiều hoa. Kẻ – bằng những điện thoại, nhắn tin, bình luận, bài viết trên FB. Và, một đám đông – bằng sự IM LẶNG. Như em tôi – nhà văn (ngoài Hội) Nguyễn Quỳnh Hương đã phải kêu lên: “Không khác gì Hội ngồi trước một người đang chảy máu thành dòng nhưng vẫn thư thả uống trà thưởng trăng và làm thơ”.
Vậy mà, giờ vẫn có những người “thư thả uống trà thưởng thăng và làm thơ”, rồi lên FB đạo mạo hạch hỏi nghi ngờ tôi: “Sao hồi đó không kêu lên?”. Tôi không chỉ đã kêu lên, mà khi không còn sức để kêu lên bằng lời, tôi đã kêu lên bằng cả tính mạng của mình. Nhưng tiếng kêu của tôi đã bị chìm nghỉm giữa một “bể phốt văn hoá” chốn “đền thiêng văn chương”!
Nhưng, cái “bể phốt văn hoá” ấy đã bắt đầu bị rạn vỡ rồi!
Một hội viên Hội Nhà văn đàng hoàng đứng lên, ngay giữa một diễn đàn chính thức của Hội, dõng dạc cất tiếng nói của Lương Tri. Việc ông hoàn toàn không quen biết tôi chỉ làm rõ nét hơn sự công tâm, trong sáng của hành động ấy.
Sự lên tiếng công khai của nhà văn Trần Thanh Cảnh có một ý nghĩa khích lệ đặc biệt đối với cá nhân tôi trong hành trình lấy lại niềm tin, lòng tôn trọng với một cộng đồng mà tôi đã từng coi là “gia-đình-không-ruột-thịt” của mình, và rộng lớn hơn, là cộng đồng văn chương Việt Nam.
Xin cảm ơn nhà văn Trần Thanh Cảnh – Người kể chuyện Kinh Bắc.
———-
Đôi nét về nhà văn Trần Thanh Cảnh (Nguồn: VOV6 – “Truyện sử Trần – một cái nhìn lịch sử cởi mở”): Nhà văn Trần Thanh Cảnh là tác giả xuất hiện khoảng 10 năm qua, ra mắt tác phẩm đầu tiên năm 2013 nhưng đến nay đã có 14 tác phẩm, trong đó cuốn Kỳ nhân làng Ngọc được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Bên cạnh những tác phẩm khai thác đề tài nông thôn, nhà văn Trần Thanh Cảnh luôn quan tâm đến đề tài lịch sử và với các tiếu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần, Trần Thủ Độ nhà văn Trần Thanh Cảnh đã đem đến cho bạn đọc những phát hiện mới mẻ, thú vị với cái nhìn trọn vẹn hơn về nhân vật lịch sử và thời cuộc. Mới đây, nhà văn Trần Thanh Cảnh ra mắt tập truyện ngắn Truyện sử Trần gồm 7 truyện ngắn viết về các nhân vật lich sử đời Trần
———-
Ảnh1: Nhà văn Trần Thanh Cảnh phát biểu tại Diễn đàn Đại hội nhà văn Khu vực phía Bắc.
Ảnh 2: Tác phẩm mới xuất bản của nhà văn Trần Thanh Cảnh
————
Nguồn:
GÓP Ý, CHẤT VẤN & TRẢ LỜI (Nhà văn Trần Thanh Cảnh)
https://www.facebook.com/share/p/1E6s56bF4o/)
SỰ IM LẶNG CỦA HỘI NHÀ VĂN (Nhà văn Nguyễn Quỳnh Hương)
https://www.facebook.com/share/p/186wifTDLt/
KẺ HIẾP DÂM TÔI LẠI LÀM PHÓ TỔNG BIÊN TẬP (DTP)
https://www.facebook.com/share/p/1GbCH78YkH/
BÁT PHỐ HẢI PHÒNG (Nhà thơ Bảo Sinh)
http://xuandienhannom.blogspot.com/…/nha-tho-bao-sinh-3…
D.T.P.
Nguồn: FB Dạ Thảo Phương