Hoàng Dũng
Tình cờ tôi vấp phải một status bàn chuyện Dạ Thảo Phương tố cáo Lương Ngọc An. Cú vấp ấy khiến tôi sửng sốt.
(1) Người viết status này cho rằng “Sự việc thì chỉ 2 người biết. Cộng đồng mạng cũng chỉ là nghe rồi hiểu và bàn theo cách hiểu, định kiến của mình. Thế rồi cứ tung hô nhau lên như là những nhà đạo đức học, những nhà đấu tranh.”
Nếu hiểu “sự việc” ở đây là có chuyện hiếp dâm hay không, thì quả nhiên chỉ có hai người biết. Nhưng từ đó mà đi đến chỗ phủ định khả năng tìm kiếm sự thật, thì đó là một logic kỳ quái. Nhiều vụ án chỉ một người biết, vì nạn nhân đã chết, thậm chí không ai biết vì cả nạn nhân lẫn thủ phạm đều qua đời, mà dựa vào chứng cứ, người ta vẫn có thể điều tra để tìm ra thủ phạm. Huống hồ ở vụ Dạ Thảo Phương còn đó những người chứng kiến Lương Ngọc An “đang ở tư thế chồm lên chị Dạ Thảo Phương, hai bàn tay ở khu vực cổ của chị Dạ Thảo Phương; chị Dạ Thảo Phương giẫy giụa và kêu cứu, tiếng kêu không bình thường” (bản tường trình ngày 14/4/2000 có chữ ký của họa sĩ Nguyễn Lê Tâm, họa sĩ Thành Chương, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà), còn có lời chứng của nhà thơ Đỗ Bạch Mai, còn có nhật ký của Dạ Thảo Phương, còn có lời chứng của Bùi Mai Hạnh tố cáo Lương Ngọc An cưỡng hiếp chị bất thành, còn có cả việc một người tạm giấu tên sẵn sàng ra tòa như một nạn nhân thứ ba bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp…
Dừng mọi nỗ lực truy tìm sự thật viện cớ sự việc chỉ có hai người biết thực chất là một lập luận đánh đồng nạn nhân với thủ phạm.
(2) Nhưng nếu giả sử chỉ có hai người biết, thì điều đó có giúp cho lãnh đạo Hội Nhà văn miễn trừ chuyện giải trình hay không? Cần nhớ rằng ở đây không phải là chuyện giữa hai người nạn nhân và thủ phạm, mà là chuyện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cứ tin lãnh đạo Hội Nhà văn có căn cứ vững chắc để bổ nhiệm Lương Ngọc An làm Phó Tổng biên tập báo Nhà văn và cuộc sống. Nhưng nếu thế, thì họ phải giải trình việc bổ nhiệm đó, nhất là Hội Nhà văn là đơn vị hưởng ngân sách, tức là được dân đóng thuế để nuôi. Giải trình, là trách nhiệm họ không thể tránh né.
(3) Chủ status trên khuyên: “Bớt bớt tỏ vẻ hộ cái!”. Đòi hỏi Hội Nhà văn phải giải trình việc bổ nhiệm Lương Ngọc An, sao là chuyện “tỏ vẻ”? Những người lên tiếng như thế là thực hiện quyền công dân, chứ không phải là những người rảnh rỗi thừa hơi, đóng vai “những nhà đạo đức học, những nhà đấu tranh”. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu còn có những tiếng nói như thế, nếu còn những người có trách nhiệm thấy phải có nghĩa vụ đáp ứng đòi hỏi như thế.
(4) Chưa hết, chủ status lại đi đến một logic kỳ quái khác khi so sánh chuyện hiếp dâm với chuyện “Cả loài người kia, suốt 4.000 năm còn nhìn Thiên Chúa theo cách của mình, giống như thầy bói xem voi. Thế nên mới có chuyện Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo thờ chung một Đấng mà còn mỗi tôn giáo một kiểu, nên mới xung đột liên miên”, với chuyện “Đạo Phật cũng chả thế nên mới có Đại Thừa và Tiểu Thừa”, với chuyện “Chả thế mà mới có chuyện sư Minh Tuệ nhiều người quý, nhưng bà Phương Hằng cũng lắm kẻ bênh.”
Chưa nói đến việc Phương Hằng đối với sư Minh Tuệ, so sánh khiên cưỡng trên không thể làm vui lòng tín đồ Do Thái giáo, Kito giáo, Hồi giáo và Phật giáo!
Vả chăng, ở đâu ra con số suốt 4.000 năm?! Hay là chủ status nhầm truyền thuyết 4.000 năm con Lạc cháu Hồng thành lịch sử Thiên Chúa giáo?!
*****
Một status kỳ quái như thế mà có đến hơn 300 likes, 4 lượt chia sẻ và rất nhiều comments tán đồng!
H.D.
Nguồn: FB Dũng Hoàng