Cố Tổng thống Jimmy Carter: Một tấm lòng đầy nhân ái

Đỗ Kim Thêm

J Street to present Jimmy Carter with peacemaker award at its annual ...

Từ lâu, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã được công luận cũng như giới sử gia coi là phải cam chịu nhiều thất bại trên chính trường. Bằng chứng hiển nhiên nhất là sau một nhiệm kỳ tại chức, năm 1980, ông không được tái đắc cử, chuyện hiếm có trong lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ. Sau khi rời nhiệm sở, ông không để lại một uy danh hay di sản nào nổi bật, nhưng sau đó, với tinh thần dấn thân miệt mài cho phát triển dân chủ và bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới, ông đã nhận được giải Nobel Hoà bình và thanh danh ngày càng lan rộng hơn. Ông vừa qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2024, thượng thọ ở tuổi 100 và để lại niềm thương tiếc sâu xa trong lòng mọi giới.

So với hầu hết các tổng thống Mỹ trong lịch sử cận đại, Carter khác hẳn về nguồn gốc: Xuất thân từ một gia đình nghèo trồng đậu phộng, ông sinh năm 1924 tại Plains, Georgia và đã làm việc theo nhiều phương cách riêng của mình để tiến thân. Sự nghiệp chính trị bắt đầu khi ông trở thành Thống đốc tiểu bang Georgia và sau đó đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1976.

Thắng cử trước Ford

Là ứng cử viên cho Đảng Dân chủ, Carter nhậm chức Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 1977 trong khi Hoa Kỳ lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị cực kỳ nghiêm trọng: Vụ Watergate kéo dài từ năm 1972 đến năm 1974 làm cho dân chúng không còn tin tưởng vào hệ thống công quyền. Người kế nhiệm cho Tổng thống Richard Nixon là Gerald Ford – cả hai đều thuộc đảng Cộng hòa – cũng không thể giải quyết được các hậu quả tang thương này và Carter cũng không thể hãnh diện là thắng cử một cách vinh quang vì tỷ lệ thắng chỉ suýt soát trước Ford.

Từng làm một nhà truyền giáo Baptist, do đó, đối với Carter, tinh thần đạo đức đóng một vai trò quan trọng khi ông nhậm chức Tổng thống. Hơn nữa, là một người xuất thân từ môi trường nông thôn, đức tính cơ bản của Carter là chỉ biết sống đơn giản, khiêm tốn và trung thực.

Carter đặt trọng tâm trong chính sách đối ngoại là bảo vệ nhân quyền và phát triển dân chủ. Ước vọng của ông là làm sao thúc đẩy cho nền dân chủ ở các nước đang phát triển cùng lúc cất cánh với các động lực kinh tế và đạo đức và thông qua sự hợp tác quốc tế để tạo cho hai khối Đông và Tây có các nền tảng ràng buộc.

Nhưng các đồng minh ở Bonn, Paris và London tỏ ra không thân thiện với các chính sách của Carter. Họ cáo buộc ông về khả năng lãnh đạo yếu kém và than phiền về sự bất ổn của các chế độ ở Iran và Nicaragua, cũng như sự thoái bộ về chính trị quyền lực của phương Tây trước sự hung hãn của Liên Xô.

Hiệp ước SALT II về hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược năm 1979 là một gánh nặng đặc biệt. Châu Âu lo ngại vì các tên lửa hạt nhân tầm trung của Liên Xô có thể vươn tầm đạn tới Tây Âu, nay lại được mở rộng hơn. Thủ tướng Đức khi đó là Helmut Schmidt (SPD) coi Carter không chỉ là một người không có chuyên môn về hoạch định chính sách kinh tế, mà còn là một nhà đạo đức không thể đoán trước và nhất là không hiểu nhiều về lợi ích của châu Âu.

Hoà ước giữa Israel và Ai Cập

Nhưng với những yêu sách đạo đức, Carter cũng đạt được những thành công: Tại trại David của Tổng thống, ông mở ra con đường cho hòa ước đầu tiên giữa Israel và Ai Cập. Nếu không có sự trung gian hòa giải của Carter, bước đi lịch sử này có lẽ sẽ không xảy ra. Nhà sử học Christian Hacke ghi nhận:

“Cả người Ai Cập và Israel đều một lòng nhiệt tình ngưỡng mộ đối với Tổng thống Mỹ, người có sự kiên trì để giải quyết những chi tiết nhỏ nhất của các vấn đề, tham gia vào nhiều cuộc thảo luận, biết lắng nghe, tiến hành các cuộc trò chuyện với thẩm quyền cao độ và luôn đưa ra các đề xuất hòa giải mới cho cả hai.”

Chiến lược độc đáo của Carter cùng với những đóng góp to lớn về tài chính của Hoa Kỳ giúp cho hai nguyên thủ quốc gia Ai Cập Anwar al-Sadat và Israel Menachem Begin có cái bắt tay lịch sử.

Tuy nhiên, thành công về ngoại giao cũng không có nghĩa Carter có nhiều may mắn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị trong nước. Cuộc Đại suy thoái vào cuối những năm 1970, tình trạng khan hiếm năng lượng, lạm phát và suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đều đặn đã làm cho người Mỹ hoang mang cực độ. Thêm vào đó, lời kêu gọi của Tổng thống trong việc bảo tồn năng lượng làm cho việc bất mãn của dân chúng càng lên cao.

Tác động mạnh nhất trong cục diện thế giới lúc bấy giờ là cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô vào tháng 12 năm 1979. Tình hình biến động đã khiến cho thế giới nghi ngờ về sức mạnh của cường quốc Mỹ. Carter chỉ còn biết phản ứng bằng việc tẩy chay, tăng ngân sách vũ khí và tái tranh cử tổng thống.

Thất cử sau cuộc khủng hoảng ở Iran

Cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979 trở thành một gánh nặng nghiêm trọng hơn cho Carter. Trong bối cảnh Cách mạng Hồi giáo, các sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ, bắt 52 người Mỹ làm con tin và chỉ thả họ sau 444 ngày. Tất cả các cuộc đàm phán đều thất bại và một chiến dịch giải cứu cho con tin bị phá vỡ. Chín người đã thiệt mạng làm cho thanh danh ngoại giao của Carter tiếp tục suy giảm.

Do đó, trong cuộc bầu cử năm 1980, ông đã bị đánh bại bởi Ronald Reagan. Carter là một trong số ít Tổng thống Mỹ chỉ làm việc có một nhiệm kỳ và kết thúc sự nghiệp chính trị khi chỉ vừa mới 56 tuổi. Năm 1981, ông trở lại Plains, Georgia và kiên quyết muốn làm thay đổi hình ảnh của mình như là kẻ thua cuộc. Ông cho rằng:

“Tôi đã làm việc cho hòa bình ở Trung Đông và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mở ra mối quan hệ với Cuba, và tôi nghĩ tất cả các điều đó là đúng. Tôi cũng đã biến các vấn đề nhân quyền thành nền tảng của chính sách đối ngoại của chúng ta. Nếu theo ý kiến của đa số, đây được coi là một điểm yếu của tôi, thì tôi phải ghi nhận, nhưng khi nhìn lại, ý tưởng chính của tôi đó là những điều đúng đắn để nước Mỹ duy trì được vai trò lãnh đạo thế giới.”

Nhà hoà giải trên toàn cầu

Cùng với vợ là Rosalynn, ông thành lập Trung tâm Carter ở Atlanta mà mục đích chủ yếu là hoạt động cho các công cuộc hòa giải trên toàn cầu, điển hình là làm quan sát viên cho các cuộc bầu cử hoặc quảng bá cho các chương trình chăm sóc sức khỏe ở các điểm xung đột trên thế giới, như tại Sudan, Haiti, Bắc Triều Tiên và Bosnia.

Hiện nay, khi nhìn lại thành tích của ông trong thực tế, hầu hết công luận phải công nhận là ông quan tâm đến những người dân thường bị các chính sách của cường quốc lãng quên.

Một ghi nhận khác về con người cao quý của ông là ông vẫn dám sống thật với bản chất của mình để hành động theo tâm nguyện. Ấn tượng về một cựu chính khách khiêm tốn, trung thực và tận tụy cho công vụ đã làm lu mờ hình ảnh của một Tổng thống tồi tệ và thất cử trong quá khứ.

Điểm đặc biệt là Carter vẫn trung thành với hoàn cảnh mà ộng xuất thân. Vì vậy, là cha của bốn đứa con, ông sống đến ngày cuối đời ở Plains trong ngôi nhà hai phòng ngủ mà ông đã xây vào năm 1961. So với các cựu Tổng thống khác, Carter không kiếm được hàng triệu đô la từ các bài diễn thuyết vang dội; ngược lại, nguồn thu rất khiêm tốn là từ 21 cuốn sách của mình.

Chỉ trích Bush và Blair

Carter thường không có ngôn ngữ khôn khéo của nhà ngoại giao, mà ông đã từng bị chỉ trích nặng nề khi còn là Tổng thống; hiện nay, nhiều người Mỹ coi lời phê bình này là xác thực. Ông không kềm chế lời nói của mình, ngay cả với những người kế nhiệm, ví dụ như khi chỉ trích hành vi đạo đức của Tổng thống Clinton trong vụ bê bối Lewinsky và cáo buộc Tổng thống Obama đã không đủ mạnh mẽ để chiến đấu chống lại với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Ông mô tả chính quyền của George W. Bush là “tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cận đại”. Ông còn cáo buộc Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair là đã gây chiến tại Iraq vào năm 2003 khi dựa trên cơ sở “dối trá và hiểu sai” và do đó mà phải hy sinh các giá trị cao quý của Mỹ và phương Tây theo đuổi.

Giải Nobel Hòa bình

Năm 2002, tinh thần dấn thân trong công vụ của Carter sau nhiệm kỳ đã được trao giải Nobel Hòa bình, mà chính ông cũng đã nói thời gian sau này đúng là “nhiệm kỳ thứ hai” của mình. Ủy ban Oslo nhấn mạnh đến tinh thần không mệt mỏi của ông đối với việc phát huy dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Hiện nay, các sử gia đánh giá lại một cách tích cực hơn về thời gian lúc còn tại chức của Carter, ít nhất là một phần, thí dụ như ông có viễn kiến và thành công trong các các vấn đề môi trường và hòa bình.

Cho đến tuổi già, Carter vẫn còn tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị. Ông tin rằng Donald Trump chỉ vào được Nhà Trắng thông qua sự can thiệp của Nga trong cuộc vận động bầu cử năm 2016. Vào năm 2022, trong một bài báo trên New York Times, ông cáo buộc Đảng Cộng hòa kích động cho việc mất niềm tin vào hệ thống bầu cử. Ông mơ ước là tình trạng phân hoá chính trị trong nước sẽ giảm thiểu hơn và cảnh báo về giá trị của nền dân chủ đang tàn lụn.

Bên vợ hiền Rosalynn

Năm 2016, Trung tâm Carter thông báo là cựu Tổng thống đã thoát khỏi bệnh ung thư gan. Vào thời điểm đó, Carter đã 98 tuổi và sẽ được chăm sóc tại gia sau một vài thời gian ngắn nằm viện. Ông đã “quyết định dành thời gian còn lại dành cho gia đình”. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là vào tháng 11 năm ngoái tại đám tang của vợ ông Rosalynn.

Carter đã qua đời và thượng thọ ở tuổi 100. Nước Mỹ thương tiếc sự mất mát của một vị Tổng thống mà từ lâu được cho là không thành công. Nhưng thực ra, khi nhìn lại, phải công tâm mà kết luận rằng, ông chắc chắn là cựu Tổng thống thành công mà Hoa Kỳ từng có.

Lòng nhân ái của Carter dành cho thuyền nhân người Việt

Không chỉ có người dân Mỹ hay các nước chậm tiến đề cao ông về tấm lòng nhân ái, mà tất cả người Việt tị nạn tại Mỹ đều tưởng nhớ đến ông vì chính tấm lòng của ông đã tạo ra điều kiện cho việc tiếp nhận và hội nhập.

Một bằng chứng điển hình là vào năm 1977, khi dân tị nạn Việt Nam đầu tiên đến định cư tại Mỹ, họ chỉ sống trong tình trạng tạm dung, tức là không được lãnh trợ cấp. Carter là tác giả dự luật chuyển cho họ quy chế từ tạm dung sang thường trú nhân. Đó là một đạo luật với nhiều ân huệ đặc biệt để giúp cho người tị nạn có điều kiện vật chất để ổn định cuộc sống và hội nhập vào nước Mỹ.

Một thí dụ khác là khi tham dự hội nghị quốc tế ở Geneva để tìm ra giải pháp tiếp nhận và phân phối thuyền nhân người Việt, chính Carter đã là nguyên thủ đầu tiên đưa ra cam kết sẽ tiếp nhận từ 7 ngàn lên 14 ngàn người một tháng, tổng cộng 168 ngàn thuyền nhân một năm. Nhân dịp này, Carter còn lên tiếng kêu gọi các nước đang tạm dung thuyền nhân hãy tiếp tục tiếp nhận và kết quả là các nước Âu-Mỹ đồng loạt gia tăng con số tiếp nhận.

Carter giúp thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 mà cho đến nay được xem như là đạo luật tị nạn đầu tiên của nước Mỹ và tạo ra Chương trình Tái định cư cho Người tị nạn Liên bang, gia tăng mức giới hạn hàng năm cho người tị nạn từ 17.000 lên 50.000 người. Luật này được Đảng Cộng hòa ủng hộ và người dân Mỹ không phản đối và là nền tảng để cho việc tiếp tục thâu nhận người tị nạn trong những chương trình HO và ODP.

Nói chung, không có tình nhân ái của Carter dành cho các thuyền nhân người Việt, lịch sử về sự hội nhập và phát triển của người Việt tại nước Mỹ sẽ khác đi. Carter là người đầu tiên đã làm thay đổi toàn bộ chính sách và sự đối xử của thế giới nói chung và người dân Hoa Kỳ nói riêng đối với người tị nạn Việt Nam. Chúng ta vô cùng thương tiếc sự ra đi của ông, cùng thành tâm tưởng nhớ công ơn này và cầu mong cho ông được yên nghỉ đời đời.

Đ. K. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Đỗ Kim Thêm, Jimmy Carter, Tị nạn chính trị. Bookmark the permalink.