Triển lãm quốc phòng quốc tế: Việt Nam tìm giải pháp thay thế vũ khí Nga

Minh Anh 

Ngày 19/12/2024, Bộ Quốc phòng Việt Nam khai mạc Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ 2 với sự tham gia của hơn 240 đơn vị đến từ khoảng 30 quốc gia, trong đó có nhiều hãng lớn của Mỹ, Trung Quốc, và châu Âu. Sự kiện lớn này, được tổ chức hai năm một lần, cũng là dịp để Việt Nam tìm cách hiện đại hóa, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. 

Triễn lãm Quốc phòng Quốc tế tại Hà Nội, Việt Nam, khai mạc ngày 19/12/2024.  AP – Aniruddha Ghosal

Triển lãm năm nay có một số điểm mới: Lần đầu tiên Trung Quốc gởi một số hãng vũ khí đến tham dự, đặc biệt là tập đoàn nhà nước Norinco. Phía Mỹ có 13 công ty tham dự, bao gồm cả Lockheed Martin với chiếc máy bay vận tải C-130 và máy bay tấn công A-10 Thunderbolt. Theo Nikkei Asia, đây là một sự thay đổi đáng chú ý so với phiên bản năm 2022, khi đoàn Hoa Kỳ chỉ trưng bày các mô hình.

Tại lễ khai mạc, với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu rằng Việt Nam sẽ “tăng cường năng lực phòng thủ để tự bảo vệ mình từ sớm và từ xa”. Mối quan tâm an ninh hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ phương Bắc mà Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Bắc Kinh tiến hành năm 1979 là bài học đau đớn mà Hà Nội không bao giờ quên.

Trong bối cảnh này, Việt Nam mong muốn hiện đại hóa quân đội, sử dụng nhiều vũ khí của Liên Xô, rồi sau này là của Nga, vốn dĩ đã trở thành tiêu chuẩn của Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Sự lệ thuộc này phần nào được giải thích bởi sự hỗ trợ quân sự quan trọng của Liên Xô trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI, vũ khí do Nga sản xuất chiếm hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2000 – 2023. Nhưng cuộc chiến tranh Ukraina đã phơi bày những rủi ro lớn do quy mô phụ thuộc này, các đợt giao hàng đã bị đình trệ. SIPRI cho biết tổng lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga vào năm 2023 chỉ bằng 1% so với đỉnh điểm gần nhất được ghi nhận là vào năm 2014.

Nỗi lo này đã từng được một quan chức quốc phòng Việt Nam nhìn nhận với trang tin Nhật Bản Nikkei Asia, nhân sự kiện triển lãm quốc phòng lần 1, theo đó, “thay vì mua sắm mới, quân đội bắt đầu gặp khó khăn trong việc bảo dưỡng vũ khí của Nga và đào tạo”.

Một phân tích cũng được ông Benoit de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược Paris vào thời điểm đó, đồng chia sẻ. Theo ông, việc có được các dịch vụ bảo dưỡng và hậu mãi, cũng như các đợt giao hàng từ Nga sẽ là “rất tốn kém” cho Việt Nam. Vị chuyên gia về quân sự này cho còn cho rằng, “mong muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Việt Nam cũng có thể được giải thích bởi việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn cả về vũ khí lẫn chiến lược”

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 16/12/2024, nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc, nhận định chính sách tăng cường năng lực tự chủ quốc phòng của Việt Nam đã được tiến hành từ 5-6 năm qua.

Các cuộc xung đột trên thế giới những năm gần đây, đặc biệt là cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga phát động đã khiến chính quyền Hà Nội ý thức rằng  “một trong những cái cốt lõi nhất để có thể giúp cho Việt Nam và quân đội Việt Nam giữ vững được năng lực bảo vệ chủ quyền, đó là tự chủ, hoặc theo một số người nói là ‘tự chủ chiến lược’”.

Do vậy, triển lãm lần này sẽ giúp cho Việt Nam “tiếp cận được các nhà thầu quốc phòng nước ngoài quan trọng, nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội theo hướng tăng cường mối quan hệ giữa quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam với ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia mà Việt Nam đang có mối quan hệ rất tốt”

Hôm qua, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong cuộc họp báo khẳng định các doanh nghiệp Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: “Mục đích của chúng tôi là đảm bảo cho Việt Nam có đủ vũ khí cần thiết để tự vệ trên biển, trên không, cũng như trên bộ và trên mạng”. Theo AFP, Hoa Kỳ gần đây đã cung cấp máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam, với hy vọng việc huấn luyện phi công lái máy bay do Mỹ sản xuất sẽ dẫn đến việc mua máy bay phản lực chiến đấu, hay máy bay vận tải của Mỹ.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào vũ khí Nga sẽ là một thách thức: “Khả năng thích ứng với vũ khí Nga mà Việt Nam hiện có sẽ là một rào cản đối với Việt Nam!”.

M.A.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

 

This entry was posted in Minh Anh, Quốc phòng Việt Nam. Bookmark the permalink.