Khóc người có công

Bùi Võ 

Tháng 4/2021, tôi tiếp một thương binh nặng trong ca trực.

70 tuổi, ông bắt xe đò từ Bình Thuận ra Hà Nội với hành trang là đôi giày da cũ cùng bộ quân phục và chiếc ba lô con cóc bạc phếch.

Ông vén áo cho tôi xem vết thương lớn như chiếc thắt lưng quấn quanh bụng. Ông nói, vết thương là do trúng mảnh văng của đạn pháo. Nhưng ông vẫn còn may, đồng đội có người sau khi hứng trọn quả đạn, những gì còn sót lại gom không đầy lòng chiếc mũ cối.

Ông khóc, vì nhiều lý do, có những người chưa được công nhận là liệt sĩ.

Tôi quen biết cựu chiến binh Đào Thiện Sính. Hơn 40 năm qua, ông rong ruổi trên 200 nghĩa trang liệt sĩ ở phía Nam, viết hàng chục nghìn bức thư giúp hàng trăm gia đình liệt sĩ tìm được mộ của người thân. Thư ông viết nhiều đến nỗi, ngành Bưu điện cấp cho ông con dấu riêng để đóng lên phong bì thay cho tem thư, động viên ông tiếp tục nghĩa cử này.

Nhưng hơn 100 kg hồ sơ ông đang lưu trữ, có những trường hợp rất khó tháo gỡ, nhiều năm chưa được công nhận liệt sĩ. Vì thông tin của quân nhân bị sai lệch do chiến tranh, do quá trình quy tập, do sự tắc trách của bộ phận hành chính và hạn chế của quy định pháp luật.

Liệt sĩ Hà Văn Kiên, quê Bắc Thái, nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ Dương Minh Châu là một trường hợp như thế. 10 năm trước, ông Sính viết hàng trăm bức thư gửi đến các xã của tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng và Lạng Sơn để thông tin về phần mộ liệt sĩ. Sau đó, người nhà của liệt sĩ Kiên xác nhận tên thật của liệt sĩ là Hà Văn Thàm, quê ở Cao Bằng, nhập ngũ ở Bắc Thái năm 1964, từ đó đến nay mất tích.

Gia đình ông Thàm được Chính phủ tặng “Bảng gia đình vẻ vang”. Theo quy định thì ông Thàm được công nhận là liệt sĩ khi được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ. Nhưng liên hệ với cơ quan chức năng, người thân của ông chỉ nhận được câu trả lời: hồ sơ không còn do bị địch đốt phá trong Chiến tranh Biên giới phía Bắc.

Tháng 8/2024, chúng tôi đề nghị làm thủ tục xét nghiệm ADN của liệt sĩ Kiên và con gái ông Thàm. Tuy nhiên, cơ quan tiếp nhận từ chối với lý do ông Thàm không phải là liệt sĩ, theo Nghị định 131/2021. Khi đặt câu hỏi, vậy liệt sĩ Kiên là ai khi mà đối soát với danh sách liệt sĩ thực tế ở Bắc Kạn và Thái Nguyên (Bắc Thái cũ) không có liệt sĩ nào tên Hà Văn Kiên, chúng tôi không nhận được câu trả lời.

Ngày 3/9/1951, 5 du kích của xã Ninh Hải, Ninh Giang, Hải Dương bị thực dân Pháp cắt cổ trước sự chứng kiến của nhân dân. 73 năm trôi qua, chỉ với lý do sai họ mà hai trong năm người vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Quá trình tiếp xúc hồ sơ liệt sĩ, tôi thấy các văn bản pháp luật liên quan còn nhiều bất cập. Từ năm 1994 đến nay, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thiếu nhất quán, thay đổi nhiều lần dù quan hệ điều chỉnh ở trạng thái tĩnh. Với hàng triệu người có công thì việc xây dựng luật thay cho pháp lệnh như hiện nay là rất cần thiết, theo hướng:

Thứ nhất, bỏ từ ưu đãi vì đây là chính sách đền ơn, đáp nghĩa những người đã hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không phải là việc cấp phát bổng lộc. Cần lấy tư duy không bỏ sót thay cho yêu cầu xác định đúng đối tượng, kết hợp phương pháp liệt kê và loại trừ để áp dụng linh hoạt trong thực tiễn.

Chẳng hạn, với trường hợp mất tích như ông Hà Văn Thàm, có thể lập danh sách những quân nhân phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ hay tự sát để đối soát, từ đó chủ động công nhận liệt sĩ thay vì để thân nhân họ đi gõ cửa các cơ quan, đơn vị như hiện nay.

Thứ hai, mở rộng đối tượng được công nhận là liệt sĩ trong thời chiến. Cần nhìn nhận tổng thể rằng, do hoàn cảnh quá khó khăn, ác liệt mà chiến sĩ bị bào mòn thể chất nên có những trường hợp tử nạn khi không làm nhiệm vụ cũng cần được xem xét. Gia đình người ngã xuống cần sự chính danh, cùng hy sinh trong chiến tranh, cùng “xanh cỏ”, nhưng có người không được “đỏ ngực”.

Thực tế, nhiều trường hợp đang nằm trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng không được công nhận là liệt sĩ. Nếu thân nhân đưa về địa phương thì buộc phải nằm ở nghĩa trang nhân dân. Do đó, cần nhìn nhận toàn bộ thời gian tại ngũ của quân nhân trong chiến tranh là thực hiện nhiệm vụ chứ không chỉ công nhận liệt sĩ dựa trên cách thức hy sinh.

Thứ ba, Nghị định số 131/2021 chỉ quy định việc xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin. Thực tế có hàng nghìn trường hợp bị sai thông tin trên bia mộ dẫn đến không thể tiến hành thủ tục xác định danh tính bằng ADN. Vì vậy, cần bổ sung theo hướng: xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, sai thông tin, hoặc chưa có thông tin thì mới đầy đủ.

Có những điều không cần nói ra thì Nghị định 131 lại rườm rà. Điều 152 quy định những mộ liệt sĩ chưa có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Chỉ cần để hình Quốc huy là nhân dân tự hiểu, chứ không phải khắc hàng chữ dài dòng này.

Thứ tư, nên bỏ Điều 71, Nghị định 131 ghi: Không xem xét công nhận thương binh, liệt sĩ đối với những trường hợp bị thương, chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh. Vậy, trường hợp bị kết luận sai thì công lao của họ sẽ chìm vào quên lãng sao? Thời điểm 1994 trở về trước, đất nước còn bộn bề khó khăn, công tác đền ơn đáp nghĩa chưa được ưu tiên toàn diện nên quy định như trên có thể không phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Biết bao hồ sơ thương binh, liệt sĩ bị nghẽn lại vì quy định này. 98 thanh niên xung phong tử nạn trên công trường cống thủy lợi Hiệp Hòa, Nghệ An năm 1978 là ví dụ điển hình. Các anh chị ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, đã ăn bo bo, vượt nắng, thắng mưa để xây dựng công trình nhưng khi chết lại không được công nhận liệt sĩ.

Hàng triệu người có công đã được thụ hưởng chính sách, hàng nghìn liệt sĩ tiếp tục được vinh danh. Nhưng đâu đó chính sách vẫn còn bất cập, để lại những tổn thương, khắc khoải trong lòng người đang sống.

B.V.

Bài viết không đại diện hoặc phản ánh quan điểm của nơi tác giả làm việc

Nguồn: vnexpress

This entry was posted in Bùi Võ, Chính sách xã hội, Thương binh Liệt sĩ. Bookmark the permalink.