Giới chức và các công ty nhà nước Việt Nam được cho là đang mở cửa cho một công ty non trẻ của Trung Quốc nhận thầu gói lắp đặt 10 tuyến cáp biển quan trọng.
Năm đường cáp dưới biển đã cũ của Việt Nam, kết nối với internet toàn cầu, thời gian qua liên tục gặp sự cố khiến chính phủ phải xác định dự án lắp đặt 10 đường cáp mới là ưu tiên từ đây tới năm 2030.
Điều đáng bàn là tại sao Việt Nam dự định trao gói thầu quan trọng này cho một công ty được cho là còn rất non trẻ của Trung Quốc – HMN Technologies.
Một số nhà quan sát nói với BBC News Tiếng Việt rằng có rất nhiều rủi ro nếu Việt Nam chọn HMN Tech hay bất cứ công ty nào của Trung Quốc để lắp cáp biển, trong đó có mối nguy tiềm tàng đối với an ninh, quốc phòng.
Giới chức Mỹ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo với giới chức Việt Nam, từ nguồn tin tình báo, về “khả năng phá hoại” và “gián điệp”.
Nhưng nếu không phải Trung Quốc, thì lựa chọn nhà thầu Mỹ liệu có khả thi hơn khi Mỹ cũng nổi tiếng với các chương trình gián điệp, cộng thêm việc Việt Nam đang phải chịu nhiều sức ép địa chính trị từ người hàng xóm khổng lồ?
Một số nhà quan sát mà BBC Tiếng Việt phỏng vấn đề xuất các giải pháp mà họ cho rằng có thể giúp Việt Nam đưa ra quyết định sáng suốt cho một dự án tối quan trọng – trong khi vẫn phải “đi dây” giữa Mỹ và Trung Quốc.
HMN Technologies là công ty nào?
Theo các thông tin mà BBC thu thập được, công ty HMN Tech chỉ mới hoạt động từ năm 2008 – được coi là non trẻ so với các công ty đã hoạt động trong lĩnh vực lắp cáp biển nhiều thập kỷ qua, như SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine của Pháp.
HMN Tech chủ yếu lắp đặt các tuyến cáp ngắn, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu TeleGeography.
Mỹ cho rằng HMN Tech là một công ty có liên kết với gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Cả hai đều đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ do Washington lo ngại các công ty này là mối đe dọa cho an ninh quốc gia – một cáo buộc mà Huawei phủ nhận.
HMN Tech nói rằng họ là một công ty độc lập, theo nguồn tin của Reuters.
Trong khi đó, theo The Economist, HMN trước đây có tên là Huawei Marine Networks.
Năm 2022, HMN Tech đã giành được gói thầu cho một dự án dài 12.000 dặm (gần 20.000km) kết nối 12 quốc gia giữa Pháp và Singapore trị giá 500 triệu USD.
Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp để HMN Tech bị gạt ra lề.
Và công ty SubCon của Hoa Kỳ đã giành được thầu với đề xuất 600 triệu USD (đắt hơn giá thầu 500 triệu USD của HMN).
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trong cuộc chiến công nghệ, trong đó lĩnh vực cáp biển – truyền tải hầu hết các dữ liệu trên thế giới – là trọng tâm, theo các nhà phân tích.
Các nguồn tin trong chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng trong ngành công nghiệp lắp cáp, chọn người chơi tương đối mới như công ty HMN Tech là một lựa chọn tồi.
Mỹ và Trung Quốc cũng đang cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng ở Việt Nam.
Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều thăm Việt Nam vào năm ngoái, và hợp tác với cả hai nước này đã đưa đến những khoản đầu tư lớn vào Việt Nam.
Cuộc chiến ngầm
Chụp lại hình ảnh: Nhân viên của Orange Marine đang lắp đặt tuyến cáp ngầm tốc độ cực cao “SEA-ME-WE 5” nối Singapore với Pháp, vào ngày 1/3/2016, kết nối 17 quốc gia
Từ đầu năm 2024, giới chức và các công ty Mỹ đã tổ chức gần chục cuộc họp với giới chức Việt Nam và nước ngoài, cùng các giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhằm thuyết phục Hà Nội loại HMN Tech khỏi chiến lược cáp của mình, theo Reuters.
Vì sao việc Hà Nội chọn HMN Tech hay không lại quan trọng với Mỹ như vậy?
Theo GS Carl Thayer từ Đại học New South Wales, có hai động lực chính để Mỹ tích cực vận động hành lang cho việc này.
Ông nói với BBC Tiếng Việt:
“Động lực đầu tiên là về an ninh quốc gia.
“Các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty hoặc tổ chức tư nhân được chính phủ Mỹ thuê để cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm liên quan đến quốc phòng đang làm việc tại Việt Nam, có khả năng bị xâm phạm thông tin liên lạc.
“Nói cách khác, sự hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Việt Nam có thể bị hạn chế [nếu Việt Nam thuê Trung Quốc lắp cáp] do các quy định của chính phủ Mỹ.
“Động lực thứ hai là về thương mại.
“HMN Technologies có thể rẻ hơn so với các công ty của Mỹ, Nhật Bản và Pháp.”
Một hợp đồng giữa Việt Nam với HMN Technologies, theo GS Carl Thayer, sẽ là một phần của “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” – một trong ba trụ cột chính của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình. Và hẳn việc này sẽ được Bắc Kinh đánh giá cao.
“Nhưng nếu HMN Tech giành được hợp đồng thì đây sẽ là tổn thất đối với các công ty Mỹ đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam.”
Bà Elina Noor, thành viên cấp cao của Chương trình châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), nói với BBC Tiếng Việt rằng Washington đã tuyên bố rất rõ ràng là họ sẽ không đứng thứ hai trong bất kỳ khía cạnh nào của cơ sở hạ tầng công nghệ, dù đó là cáp ngầm, 5G hay nền tảng mạng xã hội.
Và do đó, trên mọi phương diện, Mỹ đã đồng ý cách tiếp cận liên ngành – tức là các cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ cùng làm việc với nhau để đảm bảo rằng Mỹ duy trì vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng công nghệ.
“Tôi cho rằng áp lực mà Mỹ gây ra cho các quốc gia ở Đông Nam Á, nơi mà họ coi là một khu vực có ảnh hưởng cần nắm giữ, chỉ là một biểu hiện nữa của sự cạnh tranh chiến lược này giữa những người khổng lồ.”
“Và vì vậy, điều tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thấy là Mỹ và các đối tác của mình cố gắng tác động đến càng nhiều quyết định của các quốc gia chủ chốt như Việt Nam càng tốt.
“Họ coi Việt Nam là một quốc gia dao động, một quốc gia cần được tán tỉnh và quyến rũ.”
Giới quan sát cho rằng nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển hướng các kế hoạch cáp ngầm của Việt Nam rời xa các công ty Trung Quốc làm nổi bật sự cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Các quyết định mà Việt Nam đưa ra sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai kỹ thuật số và mối quan hệ của nước này với cả hai siêu cường.
Chúng không chỉ định hình cơ sở hạ tầng internet của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn trong khu vực.
Nguồn: BBC Tiếng Việt