Huyền Trân & Khoa Trần
BBC News Tiếng Việt
Từ Phnom Penh và Kandal
3 tháng 8 2024
Trái với không khí rộn ràng chuẩn bị cho lễ động thổ kênh đào lịch sử Phù Nam Techo vào ngày 5/8 ngay trước cửa nhà, bà Sok Rum ở tỉnh Kandal vẫn hoang mang, chưa biết sẽ đi đâu về đâu trong những tháng ngày sắp tới.
Chụp lại hình ảnh: Cựu Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo. Nguồn hình ảnh: BBC/GETTY IMAGES
Sống một mình sau khi chồng qua đời, bà Sok Rum ở làng Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay, mưu sinh bằng nghề bán tạp hóa nhỏ ở ngay nhà mình.
Gần đây chuyện buôn bán nước suối, bánh trái của người phụ nữ 56 tuổi trở nên khó khăn hơn do dự án kênh đào Phù Nam Techo đi qua ngay phía trước nhà khiến ít người qua lại trên con đường làng quen thuộc.
Có chăng chỉ còn là những người công nhân hàng ngày ở công trường dự án lịch sử của xứ sở chùa tháp.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ chạy từ Prek Takeo ở sông Mekong, đi qua sông Bassac rồi sau đó thông ra biển ở tỉnh Kep.
Campuchia đã tiến hành hoạt động xây dựng trong nhiều tuần qua. Chiều rộng đoạn kênh được đào hiện tại là 30 mét tại làng Prek Takeo, nơi bà Sok Rum sống trong hàng chục năm qua kể từ khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo sụp đổ hồi năm 1979.
‘Ngài Hun Sen muốn thì sao chúng tôi phản đối được’
Chụp lại hình ảnh, Bà Sok Rum cho biết bà không phản đối dự án Phù Nam Techo nhưng muốn được đền bù thỏa đáng để có cuộc sống tốt đẹp hơn
Ngôi nhà đầy kỷ niệm từ hàng chục năm qua của bà Sok Rum sẽ không còn nữa một khi con kênh được đào đúng chiều rộng theo kế hoạch là 100 mét.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 2/8 trong ngôi nhà cũ kỹ, bà nói chưa nhận được tiền đền bù và cũng không nghe chính phủ Campuchia thông báo gì từ khi dự án được công bố cho đến nay.
“Tôi muốn có được tiền đền bù thỏa đáng đặng đi mua mảnh đất khác để sinh sống, để trồng trọt. Giá đất giờ đắt lắm. Hàng xóm của tôi cũng nói không nhận được đền bù gì hết, trưởng thôn cũng không biết thông tin gì. Và chúng tôi cũng không nghe chính quyền kêu lên gặp về vấn đề này bà cho biết.
Bà Sok Rum khẳng định bà không phản đối dự án này nhưng chỉ muốn được đền bù để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Ngài Hun Sen muốn xây dựng kênh đào thì làm sao mà chúng tôi phản đối được”, bà cười khi chia sẻ với chúng tôi trong khi ánh mắt xa xăm nhìn về phía nơi sẽ tổ chức lễ động thổ ngày 5/8 tới.
Chụp lại video: Campuchia trước lễ động thổ dự án lịch sử kênh đào Phù Nam Techo
Chụp lại hình ảnh: Bà Sok Reth cho biết gia đình bà cũng đang trông chờ vào tiền đền bù dự án để nuôi những đứa con còn tuổi ăn học cùng đàn cháu thơ
Dọc con đường dẫn vào tuyến kênh đào Phù Nam Techo, chúng tôi đã gặp bà Sok Reth, 58 tuổi, đang chăm những đứa cháu còn ôm bình sữa, quấn quýt không rời trong cái nắng nóng bức của mùa hè.
Thật khó tin rằng ngôi nhà cũ kỹ và chật hẹp đó lại là nơi ở của cả ba thế hệ trong một gia đình.
Nhìn về con kênh đào ngay trước cổng nhà, bà Sok Reth nói giờ cả nhà chỉ trông cậy vào tiền lương của người con gái đang làm công nhân nhà máy bởi cả bà lẫn chồng đã lớn tuổi, mất sức lao động.
Giống bà Sok Rum, gia đình bà Sok Reth đang trông chờ vào tiền đền bù dự án để lo cho cuộc sống sắp tới và nuôi những đứa con còn tuổi ăn học và đàn cháu thơ.
“Tôi không phản đối mà ủng hộ dự án này. Tôi mong ngài Hun Sen mạnh khỏe để có thể giúp đỡ cho người dân”, bà Sok Reth nói.
Nỗi lo lắng của bà Sok Rum và bà Sok Reth, cũng như của các hộ dân ở làng Prek Takeo, bị chìm lấp bên dưới bầu không khí tưng bừng mà nhà nước tạo ra trước lễ động thổ lịch sử cùng tinh thần dân tộc đang dâng cao của Campuchia liên quan đến triển vọng đại dự án sẽ giúp quốc gia này bớt phụ thuộc vào láng giềng Việt Nam.
‘Ủng hộ dự án kênh đào Phù Nam Techo’
Chụp lại hình ảnh: Dãy xe múc đất tại công trường dự án kênh đào Phù Nam Techo được chuẩn bị cho lễ động thổ ngày 5/8 ở làng Prek Takeo thuộc tỉnh Kandal
Đi sâu vào công trường dự án Phù Nam Techo hướng về sông Mekong, sau nụ cười của các cảnh sát phụ trách đảm bảo an ninh khu vực bên ngoài, chúng tôi thấy những dãy xe cẩu múc đất và máy xúc bóng loáng, sạch sẽ, được gắn quốc kỳ Campuchia, xếp hàng dài hai bên bờ để chuẩn bị cho lễ khởi công công trình lịch sử.
Phía xa là những con tàu container chở hàng di chuyển trên sông Mekong từ cảng tự trị Phnom Penh cách địa điểm làm lễ khởi công chỉ hơn 2 km.
Những con tàu chở hàng này có thể sẽ di chuyển dễ dàng hơn từ sông Mekong ra biển khi con kênh đào được hoàn thành trong thời gian bốn năm nữa và tham vọng của Campuchia là cắt giảm chi phí vận chuyển thông qua cảng biển của Việt Nam.
Từ trước đến nay, hàng hóa trong nội địa Campuchia được tập kết tại cảng Phnom Penh, sau đó xuôi theo dòng Mekong để đến các cảng biển khu vực TP HCM và Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), trước khi đi tới các điểm đến trên thế giới.
Vào khoảng 11 giờ trưa 2/8, một người đàn ông nói tiếng Trung Quốc thông báo với chúng tôi là họ sắp đồng loạt nổ máy tất cả các xe múc đất để tập dượt cho ngày trọng đại 5/8.
Âm thanh của hàng chục xe cẩu, cùng quốc kỳ Campuchia tung bay trong gió như phụ họa cho quyết tâm mạnh mẽ của vương quốc, nơi có dân số chừng 17 triệu người và một có nền kinh tế đang dần khởi sắc.
Không khí ngày lễ động thổ hẳn sẽ vô cùng từng bừng khi có khoảng 10.000 người tham dự.
Campuchia sẽ siết chặt an ninh trong sự kiện trọng đại này và các nhà báo tham dự như chúng tôi đã được Bộ Thông tin Campuchia thông báo về quy định trang phục rất nghiêm ngặt.
Dự kiến Thủ tướng Hun Manet sẽ rung chuông đánh dấu chính thức khởi công dự án vào lúc 9 giờ 9 phút ngày thứ Hai 5/8.
Người dân cả nước cũng được khuyến khích đánh trống thổi kèn ăn mừng.
Ngày hội toàn dân
Chụp lại hình ảnh: Băng rôn với khẩu hiệu “Ủng hộ kênh đào Phù Nam Techo” trước Cung Hòa Bình của Campuchia tại thủ đô Phnom Penh. Ảnh được chụp vào ngày 1/8.
Theo một lá thư của ông Hun Manet được công bố vào ngày thứ Năm 1/8, công chức nhà nước, sinh viên, nhân viên chính phủ sẽ được nghỉ vào ngày động thổ kênh đào.
Ông Hun Manet cũng kêu gọi người dân đổi khung hình đại diện trên Facebook với dòng thông điệp ủng hộ kênh đào Phù Nam Techo.
Trước các tòa nhà chính phủ như Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh đều có căng băng rôn, biểu ngữ.
Thời tiết tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal những ngày này thường nắng vào sáng và mưa về chiều.
Một nhà báo người Campuchia đồng hành với chúng tôi cho biết mưa cũng mối lo của ban tổ chức vì sẽ ảnh hưởng đến lễ động thổ vào buổi sáng ngày 5/8.
Anh cho biết có nhiều người thắc mắc là tại sao Campuchia lại chọn thời điểm vào mùa mưa thay vì thời điểm cuối năm nay như đã dự kiến ban đầu. Điều này dường như cho thấy chính phủ muốn đẩy nhanh tiến độ động thổ dự án càng sớm càng tốt.
Hồi tháng 4 và tháng 5, các lãnh đạo Campuchia như Chủ tịch Thượng viện Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet liên tiếp đưa ra những tuyên bố đanh thép về dự án này trước khi công bố thời điểm khởi công chính thức dự án.
Khi đó, ông Hun Manet bất ngờ tuyên bố sẽ khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo vào tháng 8, sớm hơn thời điểm quý 4 được công bố trước đó.
Củng cố vị thế cho Thủ tướng Hun Manet
Chụp lại hình ảnh: Nhà nghiên cứu độc lập người Campuchia Rim Sokvy đánh giá dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại thêm tính chính danh cho Thủ tướng Hun Manet, người tiếp quyền từ cha mình từ năm 2023
Nhà nghiên cứu độc lập người Campuchia, Rim Sokvy, trong buổi trao đổi với BBC News Tiếng Việt tại Phnom Penh vào ngày 1/8 đánh giá Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo là để giảm sự phụ thuộc vào phía Việt Nam.
“Nếu Campuchia nộp tài liệu về kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam thì giống như Campuchia ở vị trí thấp hơn Việt Nam, càng cho thấy sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia”.
“Tôi nghĩ lý do chính là Campuchia muốn cho thấy mình là một quốc gia độc lập”.
Ông còn đánh giá cựu Thủ tướng Hun Sen đang muốn củng cố vị thế cho người con trai cả của mình là Thủ tướng Hun Manet thông qua dự án lịch sử.
“Ngoài ra, ở Campuchia thì chúng ta đã thấy sự chuyển giao quyền lực giữa cựu Thủ tướng Hun Sen sang con trai mình là Hun Manet. Ông Hun Sen từng bị phe đối lập chỉ trích là chịu ảnh hưởng của Việt Nam, giờ thì ông ấy không muốn con trai của mình bị như vậy nữa”.
“Cựu Thủ tướng Hun Sen đã để lại nhiều di sản, chấm dứt cuộc nội chiến và giúp phát triển đất nước, duy trì hòa bình trong nước và ông ấy có tính chính danh”.
“Ông Hun Sen cũng muốn con trai mình có được vị thế như vậy, có được tính chính danh và Phù Nam Techo sẽ là một trong những thành tựu lớn nhất của ông ấy. Thế nên Campuchia vẫn quyết tâm xây kênh đào, bất chấp sự phản kháng từ các quốc gia láng giềng”, ông Rim Sokvy nói thêm.
Chụp lại hình ảnh: Ông Kimhong Heng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Cambodian Youth Network, cho biết ông không thấy hay nhận được bất kỳ tài liệu gì từ chính phủ bao gồm đánh giá tác động môi trường và hồ sơ của công ty đầu tư liên quan đến dự án
Ông Kimhong Heng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Cambodian Youth Network (Mạng lưới Thanh niên Campuchia), ngày 1/8 cho BBC biết chính phủ Campuchia đã không tham khảo ý kiến người dân địa phương:
“Với tư cách nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và nhân quyền, chúng tôi có những quan ngại với chính phủ liên quan đến dự án này vì họ đã không tham khảo ý kiến người dân địa phương, những người sống dọc tuyến kênh này”.
“Những người dân này đã không nhận được thông tin minh bạch từ phía chính phủ. Tôi nghĩ chính phủ cũng cần phải minh bạch việc họ quản lý nguồn nước của con kênh đào như thế nào và tác động đến sông Mekong ra sao”.
Về bức tranh rộng lớn hơn liên quan đến các tác động môi trường từ dự án này, ông khẳng định mong muốn chính phủ Campuchia phải công khai báo cáo tác động môi trường và trong thời gian tới cần công bố tên các công ty đầu tư vào dự án này.
“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ tài liệu gì từ chính phủ, bao gồm đánh giá tác động môi trường và hồ sơ của công ty đầu tư trong khi dự án sẽ được khởi công vào tuần sau rồi”, ông nói thêm.
Công ty nào đầu tư vào dự án?
Công ty nào đứng đằng sau dự án này? Có phải công ty Trung Quốc hay không?
Đây đang là thắc mắc của nhiều người.
Trên báo Khmer Times ngày 7/6, ông Hun Manet tuyên bố:
“Dự án này sẽ là liên doanh giữa cảng tự trị Sihanoukville, cảng tự trị Phnom Penh và một công ty tư nhân chiếm 51% nguồn vốn đầu tư trong nước và phần còn lại là từ các nhà đầu tư nước ngoài theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Nhà nghiên cứu Rim Sokvy và ông Kimhong từ Cambodian Youth Network đều nói rằng họ không rõ công ty nào sẽ đầu tư vào đại dự án này, đồng thời đề cập ý kiến về sự đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia trong thời gian qua.
Trước đó, chính phủ Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ nói sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.
Theo tường thuật của báo Khmer Times vào ngày 20/5, ông Hun Sen đã tuyên bố: “Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dự án 100% do Campuchia khởi xướng”.
Trước đó, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Nhà nghiên cứu Rim Sokvy đánh giá Trung Quốc là lựa chọn “tốt nhất” cho Campuchia vào thời điểm hiện tại.
“Campuchia là quốc gia nhỏ nằm kẹt giữa hai nước láng giềng lớn là Việt Nam và Thái Lan và không có vùng an toàn nên phải hướng về một quốc gia lớn hơn”.
“Và tôi nghĩ với Campuchia thì Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất cho thời điểm hiện tại, vì Bắc Kinh đã cho thấy các cam kết về an ninh, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Ông Kimhong Heng nêu những quan ngại nếu một công ty Trung Quốc đầu tư dự án này, viện dẫn các vi phạm về nhân quyền và đầu tư không bền vững trong thời gian qua mà tổ chức của ông đã tìm hiểu.
“Chúng tôi có quan ngại khi nói về nhà đầu tư Trung Quốc, vì các nhà đầu tư Trung Quốc không tuân theo hướng dẫn về nhân quyền. Chúng tôi đã có những nghiên cứu về những trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc không cung cấp đủ tiền đền bù cho cộng đồng người dân bị ảnh hưởng, đôi khi không quan tâm về môi trường hay cộng đồng người bản địa. Đó là lý do chúng tôi muốn có thông tin đầy đủ từ chính phủ”.
“Trung Quốc mang công nhân sang Campuchia, đầu tư của họ không bền vững, một số nhà đầu tư thậm chí còn như băng đảng lừa đảo…”.
Ông cho rằng chính quyền Campuchia cần có một cơ chế rõ ràng để những nhà đầu tư Trung Quốc này phải tuân thủ luật của Campuchia, tuân theo hướng dẫn về nhân quyền “vì Campuchia là quốc gia dân chủ”.
Quan hệ Việt Nam và Campuchia sẽ ra sao?
Chụp lại hình ảnh: Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12 đến 13/7. Nguồn hình ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images
Trong thời gian qua, kênh đào Phù Nam Techo là chủ đề của nhiều tranh cãi căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ít nhất 4 lần chính thức lên tiếng về dự án và đề nghị Phnom Penh cung cấp thêm thông tin để thẩm định dự án đầy đủ liên quan đến các tác động môi trường.
Tuy nhiên, phía Campuchia nói rằng đây là vấn đề nội bộ của nước này và họ đã xúc tiến việc đào kênh từ nhiều ngày trước lễ động thổ.
Theo báo Khmer Times ngày 26/7, đại dự án Phù Nam Techo là một sáng kiến thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của cựu Thủ tướng Hun Sen và sẽ mang lại lợi ích cho Campuchia trong hàng ngàn năm tới.
Bên cạnh yếu tố Trung Quốc, viễn cảnh về quan hệ song phương giữa Campuchia và việt Nam đang được giới quan sát lưu tâm.
Campuchia đã tiến hành xây dựng kênh đào dù thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố cho Việt Nam và Ủy hội sông Mekong (MRC).
BBC News Tiếng Việt đã email đến Ủy hội sông Mekong (MRC) vào ngày 1/8 để có thêm chi tiết nhưng chưa nhận được phản hồi.
Việt Nam luôn xác định quan hệ với hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia là “quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt”.
Vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công du Lào và Campuchia từ ngày 11 đến ngày 13/7. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước.
Cựu Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet luôn nhấn mạnh đến việc “coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước” với Việt Nam.
Trong khi đó, cùng với các xung đột lịch sử và các mâu thuẫn mới phát sinh, tình trạng người Việt Nam sống không quốc tịch cùng tâm lý dân tộc cực đoan ở Campuchia trong những năm qua là những vấn đề còn âm ỉ giữa hai nước.
Nhà nghiên cứu Rim Sokvy nói:
“Ở Campuchia, nếu bạn xem mạng xã hội sẽ thấy nhiều người thể hiện ý kiến của họ với thủ tướng rằng họ không muốn quốc gia bị mất thêm đất, họ không tin tưởng Việt Nam”.
“Tôi nghĩ một trong các lý do có thể là trong quá khứ, Việt Nam đã chiếm đất của Campuchia. Và ngày nay vẫn còn nhiều người quan ngại là đất của Campuchia có thể bị Việt Nam chiếm”.
Dù có những xung đột âm ỉ và mới nhất là căng thẳng liên quan đến đại dự án Phù Nam Techo, nhà nghiên cứu Rim Sokvy đánh giá quan hệ hai nước sẽ vẫn theo chiều hướng tốt đẹp, dù các lãnh đạo Campuchia sẽ tránh quá thân thiết với Việt Nam.
“Campuchia hiểu rằng quan hệ song phương với Việt Nam không tốt đẹp thì đất nước sẽ gặp khó khăn. Nhưng nếu quá thân thiết với Việt Nam thì lại không khiến người dân vui vẻ chấp nhận, bởi vì họ nghĩ chính phủ đang chịu sự ảnh hưởng từ Việt Nam”, ông đánh giá.
Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia
- Độ dài và chi phí ước tính: 180 km và 1,7 tỷ USD
- Rộng: 100 m ở thượng nguồn
- Rộng: 80 m ở hạ nguồn
- Độ sâu: 5,4 m
- Thời gian xây dựng: 4 năm
Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)
H.T. – K.T.
Nguồn: BBC Tiếng Việt